Cuộc đời buồn của ca sĩ Dạ Hương – Một làn hương đã tan đi trong bóng đêm

Trong số những nữ ca sĩ nổi danh trước 1975, cái tên Dạ Hương có lẽ không quen thuộc lắm với đại đa số người nghe nhạc như nhiều tên tuổi lừng lẫy khác, nhưng tiếng hát của cô vẫn để lại một ấn tượng rất đặc biệt đối với những người từng thưởng thức, dù là chỉ một lần.

Ca sĩ Dạ Hương xuất hiện khá muộn trong làng nhạc, được biết đến chỉ từ đầu thập niên 1970 trong những cuốn băng nhạc Shotguns, Thanh Thúy, và trình diễn ở một số phòng trà ca nhạc Sài Gòn. Giọng hát của cô thiên về chất mộc, đượm một nỗi buồn đằm thắm.

Nhà văn Hồ Trường An mô tả Dạ Hương “có làn da ngăm, bóng sắc hơi lu chìm, nhưng dưới ánh đèn cô vẫn nổi bật ở nét khiêm tốn dịu hiền”.


Click để nghe tuyển chọn ca khúc Dạ Hương thu âm trước 1975

Sau đây là sơ lược tiểu sử của ca sĩ Dạ Hương được chép lại dựa theo tư liệu của nhà báo Trần Quốc Bảo đăng trên tạp chí Thế Giới Nghệ Sĩ năm 2015:

Ca sĩ Dạ Hương tên thật là Nguyễn Thị Vẹn, sinh ngày 4 tháng 11 năm 1951 tại Saigon, là người con thứ 5 trong gia đình có 8 anh chị em (Dạ Hương là con gái lớn nhất).

Thuở nhỏ Dạ Hương học ở trường dòng Santa Anna ở họ Vĩnh Hội, khi lớn lên thì chuyển đến học ở trường Nguyễn Văn Khuê (Quận 1), từ năm 1963 thì trường này đã đổi thành trường Bồ Đề thuộc giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất.

Vì là chị gái lớn trong gia đình nên mọi việc trong nhà đều do Dạ Hương cùng phụ với mẹ lo toan, vì vậy mà đường học vấn thua kém anh chị em. Tuy nhiên từ bé, Dạ Hương đã thể hiện được năng khiếu về văn nghệ với giọng hát rất đặc biệt.

Thuở đó, bên hàng xóm của Dạ Hương có một người vốn là bạn thân của ông Duy Ngọc – một bầu show ca nhạc mà ai cũng biết tiếng. Năm Dạ Hương 17 tuổi, ông Duy Ngọc đến nhà chơi với người bạn cạnh nhà của cô, chợt ông nghe từ bên kia cửa sổ có một tiếng hát ngẫu hứng vọng qua. Ấn tượng với tiếng hát mộc mà nhận thấy có nhiều tiềm năng, Duy Ngọc nhờ người bạn sắp xếp cuộc hẹn để xin phép gia đình mời Dạ Hương đi hát ở rạp Quốc Thanh, là nơi ông tổ chức ca nhạc thường xuyên mỗi tuần.

Lúc đầu, mẹ của Dạ Hương đã từ chối vì định kiến “xướng ca vô loài”, nhưng về sau thấy con mình quá đam mê với ca hát nên bà mẹ đành chấp nhận.

Thời gian đầu Dạ Hương chỉ đi hát lót ở rạp Quốc Thanh giữa các tiết mục của ca sĩ nổi tiếng. Cô tự thấy giọng của mình gần giống Hoàng Oanh, nên đã đặt cho mình nghệ danh là Hoàng Anh. Sau một vài tuần đi hát ở đây, cô bắt đầu được nhiều người biết đến và được mời về hát ở Ban Văn Nghệ Quang Trung, Biệt Khu Thủ Đô (Cục Chính Huấn).

Sang năm 1970, Dạ Hương (lúc đó vẫn còn là Hoàng Anh) đi hát ở các phòng trà Travaco, Đêm Mầu Hồng, Mini Club, Olympia… Cũng trong năm này, trong một lần đi hát đại nhạc hội ở rạp Quốc Thanh, sau khi nghe Dạ Hương hát xong bài Cho Vừa Lòng Em, nhạc sư Lê Văn Thiện đề nghị nhận Dạ Hương làm học trò, từ đó con đường ca hát của cô bắt đầu được trải rộng thênh thang.

Cuối năm 1970, cô được mời hát tại phòng trà Queen Bee với ban Shotguns Ngọc Chánh.

Đầu năm 1971, một bài báo giới tiệu “tiếng hát Hoàng Anh” như sau:

HOÀNG ANH MỘT GIỌNG CA MINH HIẾU THỨ 2

“Tình cờ cuối tuần qua, chúng tôi ghé phòng thu băng “Tình Ca Quê Hương” đã bắt gặp ở đây một giọng ca mới, một khuôn mặt mới của làng tân nhạc, đó là nữ ca sĩ Hoàng Anh. Cô ca sĩ này đang thu băng bản Đêm Vĩnh Biệt vào băng nhạc Shotguns sắp phát hành.

Nếu giọng ca của một Ngọc Tuyết như diều gặp gió đang lên, trái lại giọng ca Hoàng Anh gần giống giọng ca Minh Hiếu hồi xưa.

Vâng! Các nhạc sĩ trong phòng thu đều phải ngạc nhiên, tại sao giọng ca đó ít được ai biết đến. Vậy thì trong cuốn băng sắp tới của Shotguns, giới yêu nhạc lại được thưởng thức một giọng ca Minh Hiếu thứ 2. Hiện giờ nàng đang hát tại Queen Bee, Travaco, Đêm Màu Hồng.. giọng ca đó đang làm mọi người yêu mến dành cho nàng những tràng pháo tay nồng nhiệt nhất”.

Năm 1971, Hoàng Anh đổi nghệ danh thành Dạ Hương và xuất hiện trong các băng nhạc Shotguns của Ngọc Chánh cùng với những ngôi sao nối tiếng nhất Saigon như Thái Thanh, Khánh Ly, Lệ Thu, Elvis Phương…

Cũng trong thời gian này, ca sĩ Dạ Hương trải qua một cuộc tình buồn. Không nhiều người biết về mối tình này, nhưng qua thông tin trong bài báo cũ dưới đây của ký giả Xuân Vũ, có thể đoán là người yêu của cô đã không may từ giã cõi đời:

“Dạ Hương hát như chính lòng mình đang thổn thức đang ấp ủ, những cuộc tình dang dở chia lìa, những hò hẹn mau quên, những giấc mơ lỡ nhịp, những gặp gỡ cách ngăn, muộn màng. Dạ Hương như đắm mình vào một vũng lội không lối thoát, càng ngày càng chới với, vết tích của mối tình cũ còn đó, chưa quên, hơi hướng vẫn trong không gian nàng thở, nhưng người tình đã xa, đã mất vĩnh viễn, cách ngăn đã xây kín tâm hồn nàng.

Dạ Hương ngồi đó, dãy bàn dành cho nghệ sĩ, nàng hát, nàng nghe ngóng nhưng không biết chờ đợi ở không khí này một cái gì nhưng có điều chắc chắn, tiếng hát hằng đêm thay cho những giọt nước mắt khóc cho một người vừa nằm xuống, một người anh đúng nghĩa đã dẫn dắt nàng từ phòng trà này đến phòng trà khác. Một người anh cả trong đời sống xô bồ không phải là dễ gặp, nay anh không còn nữa, anh nằm xuống khi tiếng hát Dạ Hương vừa dứt than cho một kiếp bụi phiêu du. Vậy là hết, người tình bay xa, người anh nằm xuống, đời sống Dạ Hương còn là tiếng cô đơn hằng đêm trên các phòng trà Palace, Queen Bee, Lê Lai, Tour d’Ivoire”…

Sau 1975, Dạ Hương gần như nghỉ hát, chỉ thỉnh thoảng lưu diễn ở các tỉnh nhỏ xa Saigon cùng với Duy Khánh, Nhật Trường, Anh Khoa…

Năm 1977-1978, cô nhận lời hát cho Xí nghiệp quốc doanh đánh cá Chiến Thắng chung với Bảo Yến, Đình Văn… nhưng chỉ được một thời gian ngắn, vì bất đồng với chủ xí nghiệp nên cô nghỉ làm.

Đây là thời gian buồn trong sự nghiệp ca hát của Dạ Hương, vì giọng hát của cô hoàn toàn không phù hợp với nhạc đỏ đang được ưu tiên trình diễn. Sau khi nghỉ làm, Dạ Hương đi phụ bán quán nước trên đường Nguyễn Tiểu La, đối diện sân banh Cộng Hoà cũ (nay là sân vận động Thống Nhất).

Khoảng cuối năm 1978, quán nước đóng cửa, Dạ Hương lâm vào cảnh thất nghiệp. Cô tham gia vào ca đoàn nhà thờ ở chợ Cầu Muối là Nguyện Đường Thánh An Tôn, sau đó được nhạc sĩ Viết Chung đưa về ca đoàn Gioan ở Giáo xứ Chợ Đũi (Nhà thờ Huyện Sỹ) là nơi ông làm trưởng đoàn ca. Cũng từ đó Dạ Hương thường được mời đi hát cho các xứ đạo xa vào các dịp lễ lớn.

Dạ Hương và nhạc sĩ Viết Chung năm 1981. Ảnh: Trần Quốc Bảo

Ngoài đi hát ở nhà thờ, thời gian rảnh Dạ Hương còn đi làm thêm những công việc lặt vặt như rửa chén, phụ quán, làm bánh, lột hành tỏi… để kiếm thêm tiền mưu sinh.

Thời gian 16 năm kể từ 1975 đến 1991, Dạ Hương phải vất vả mưu sinh, nhưng cuộc sống vẫn tạm ổn bên chồng và 2 người con, chưa đến nỗi đen tối như thời gian sau đó. Năm 1991, cô bị bệnh phải cắt bỏ tử cung, sau đó là ung thư di căn. Tin này đến với Dạ Hương như sét đánh, tiền tài của cải – vốn không có bao nhiêu – cũng đã lần lượt ra đi.

Suốt 2 năm nằm viện, Dạ Hương trở nên thân tàn ma dại. Sau này khi tương đối hồi phục, cô lại tiếp tục làm công tác nhà thờ hát lễ.

Năm 1997-1998, vợ chồng Dạ Hương đi vay mượn khắp nơi để mướn mặt bằng và mua xe bán hủ tíu mì ở chung cư Hồ Văn Huê (Phú Nhuận). Nhưng số phận lại tiếp tục quá nghiệt ngã với cuộc đời của cô, việc buôn bán này hoàn toàn thất bại, đành phải bán xe mì để về nhà làm bánh da lợn để bán rong.

Căn bệnh của Dạ Hương dai dẳng đến năm 2008 thì di căn đã ăn vào gan, cô bị cổ chướng bụng to như bụng bầu. Thời gian sau cùng của cuộc đời là những ngày đau đớn nhất về thể xác của ca sĩ Dạ Hương lừng lẫy một thời.

Đến ngày 14 tháng 11 năm 2009, Dạ Hương trút hơi thở cuối cùng trong sự túng quẩn và kiệt quệ về tài chính. Mặc dù được gia đình hết lòng chăm sóc, nhưng vì hoàn cảnh quá nghèo, thuốc thang lại rất đắt tiền nên chỉ có thể đủ mua thuốc giảm đau và chờ ngày định mệnh tới.

Người em ruột của Dạ Hương là cô Nguyễn Thanh Hải đã bày tỏ với nhà báo Trần Quốc Bảo về thời điểm đó như sau:

“Lúc đó gia đình chị không có tiền mua nỗi cổ quan tài, nên anh chị em tôi họp lại đem giấy tờ nhà cầm cố lo đám tang cho chị. Cũng may mắn là anh chị em trong các ca đoàn nhà thờ cũng thương tình đến phúng điếu rất đông, ngoài ra tôi có in 1 CD nhạc thánh ca do chị Dạ Hương thực hiện (CD này chỉ để lưu lại kỷ niệm giọng hát của chị chứ gia đình đã biết bệnh chị không qua khỏi ), do đó anh chị em, bạn bè đã mua ủng hộ giúp nên sau cùng mới đủ chi phí đám tang. Dạ Hương lìa đời, để lại bao thương nhớ cho 2 con và cả gia đình anh chị em ruột, và nhất là người chồng, vì quá đau khổ nỗi buồn mất vợ, anh cũng đổ bịnh và 3 tháng sau đã qua đời vào ngày mùng 8 Tết năm 2010 để lại 2 đứa con trai, ngày đó cháu lớn Hồ Hoàng Thái Quang đã 24 tuổi và cháu út Hồ Hoàng Thái Quyền tròn 20 tuổi”.

nhacxua.vn biên soạn
Tư liệu và hình ảnh của Trần Quốc Bảo

Exit mobile version