Tôi gặp lại cái nóng rang của Sài Gòn vào một chiều cuối tháng 5 ở Singapore, khi bước ra khỏi những toà nhà máy lạnh. Đứng ở Orchard, tôi nhận ra con đường phồn hoa bậc nhất tại đây ngày càng nhiều những cao ốc khách sạn, thương xá mới toanh hay vừa được tân trang, “siêu lộng lẫy”. Cái nắng vàng cuối ngày choáng ngợp trên các ô cửa kính bỗng làm tôi nhớ đến một bức hình chụp đường Orchard năm 1930, trên bìa một quyển sách bưu ảnh xưa.
Từ hai con đường hoa lệ
Đường Orchard lúc ấy xem ra “một trời, một vực” với bây giờ. Hai bên đường Orchard xưa chỉ có những căn phố hai ba tầng ngắn ngủi và thưa vắng. Và ô hay, trên những khung cửa sổ, la liệt những chiếc sào phất phơ quần áo và những bảng quảng cáo chữ Hoa, chữ Anh. Trên đường Orchard năm đó và cho đến bây giờ không có cây xanh.
Bức ảnh chụp thời điểm nào ban ngày không rõ, chỉ thấy đường phố điểm xuyết một vài chiếc xe hơi và xe kéo lặng lẽ. Lạ chưa, người đi bộ đi xuống ngay lòng đường vì dường như vỉa hè đã trở thành nơi bán hàng của các cửa hiệu. Xem chừng, đường Orchard xưa khá bình thường không tấp nập nhộn nhịp như hiện nay. Mặc dầu, đấy vẫn là con đường quan trọng của Singapore, nơi ngự trị tòa dinh thự Istana của Toàn quyền Anh, xây dựng năm 1867.
Hình ảnh Orchard road năm 1930 trên sách 500 bức Bưu ảnh xưa của Singapore (ảnh trên) và Đại lộ Charner thời điểm 1925 -1930 (sau năm 1954 đổi tên là đường Nguyễn Huệ) (ảnh dưới).
Và rồi, tôi nhớ đến những bức ảnh chụp đường Charner (sau năm 1954 đổi tên là Nguyễn Huệ) – con đường đô hội số 1 của Sài Gòn. Trong ảnh ở cùng thời điểm 1920-1930, nếu so Charner của Saigon với Orchard của Singapore thì đó lại là “một trời, một vực” khác. Đường Charner là Đại lộ (Boulevard) đúng nghĩa với một đường chính và hai đường phụ song song, có đủ hai hàng cây xanh cao lớn. Điểm độc đáo lớn nhất của Charner – không phải thành phố nào cũng có, chính là con đường chạy thẳng từ Tòa thị chính đổ ra công viên dọc bờ sông.
Lần lượt từ bờ sông đổ vào là một loạt những kiến trúc nguy nga, khởi đầu bằng Tòa nhà Quan thuế (Hải quan), kế đến là Kho bạc và rồi Thương xá Charner (Thương xá Tax), cuối cùng là Tòa thị chính ra đời năm 1910. Đan xen với những kiến trúc độc đáo ấy, chạy dài hai bên đại lộ là những dãy nhà phố thương mại, nhà hàng, khách sạn, văn phòng công ty, căn hộ, gara xe hơi…Tất cả đều là kiến trúc hai ba tầng với mái ngói xinh xắn, theo kiểu Beau Arts, Gothique… hài hòa và trang nhã.
Trong những hình này, không thấy tòa nhà nào có quần áo treo ngoài cửa sổ, không thấy bảng quảng cáo phô trương lộn xộn. Càng khác với Orchard, giữa vòng xoay giao lộ Charner và Bonard (đường Lê Lợi ngày nay) đối diện với Tòa thị chính có đặt một chiếc “bồn kèn” – nơi cuối tuần quân nhạc đến biểu diễn (những năm 1950, bồn kèn bị thay bằng bồn phun nước khá đẹp nhưng rất tiếc mới đây nó lại bị xóa sổ).
Vật đổi sao dời, Charner và Orchard – hai con đường hoa lệ gần 90 năm sau đều đổi khác. Orchard hầu như thay đổi hoàn toàn, trở thành một “ lady“ quý phái. Còn Charner – Nguyễn Huệ, vẫn là một tiểu thư kiều diễm nhưng không giấu được đôi nét nhan sắc tàn phai. Than ôi, không chỉ hai con đường, nhìn rộng ra Sài Gòn và Singapore – sau một thế kỷ phát triển song hành đã có nhiều nét khác biệt. Vì sao thế?
Singapore phát triển hài hòa giữa cổ xưa và hiện đại
Hai hòn ngọc kế cận và cuộc chạy đua 50 năm
Đầu thế kỷ 20, Sài Gòn từng là “Hòn ngọc Viễn Đông” trong mắt người phương Tây. Thế nhưng, đừng quên vùng Đông Á không chỉ có một hòn ngọc duy nhất mà cả vùng hợp lại chính là một chuỗi ngọc lưu ly. Chuỗi ngọc đó có những hòn ngọc xinh đẹp như Tokyo, Thượng Hải, Hồng Kông, Manila, Rangoon, Bangkok…. Trong đó, Singapore và Sài Gòn, hai hòn ngọc kế cận – cách nhau chỉ 90 phút đường bay và khoảng 770 hải lý, đã chia sẻ cùng một định mệnh.
Về mặt địa lý, Singapore là đảo, Sài Gòn là đất liền song cả hai đều có thiên nhiên nhiệt đới, khí hậu ôn hòa. Cả hai tên gọi đều bắt đầu bằng chữ S, đều có dòng sông lớn thẳng đường ra biển. Về mặt lịch sử, cả hai tuy có quá khứ khác nhau nhưng đều lần lượt trở thành thuộc địa của thực dân Tây Âu vào thế kỷ 19. Trong đó, đầu tiên Singapore bị quản trị bởi người Anh vào năm 1819, lúc còn là đảo vắng, chưa có hoạt động kinh tế nào đáng kể.
Còn Sài Gòn mãi đến 1859 mới bị người Pháp xâm chiếm khi đã là một kinh thành, một cảng thị sầm uất. Người Anh nhanh chân và may mắn hơn có được một Singapore đất trống hoàn toàn để lên quy hoạch, thiết kế một thành phố mới từ A đến Z. Người Pháp gặp nhiều khó khăn vì vừa phải đối phó với các cuộc phản kháng và nổi dậy của người Việt, vừa dốc sức làm nên thành phố mới trong lúc vẫn phải dung hòa với đô thị cổ Gia Định và Chợ Lớn.
Không chỉ có London là nơi hỗ trợ, Singapore còn nhận được chi viện đáng kể, gần gũi của các thuộc địa khác trong vùng của Anh như: Penang -1786, Malacca – 1824 và Hồng Kông – 1842. Chính từ những nguồn lực vật chất và bề dày thời gian như thế, vào đầu thế kỷ 20, Singapore từ một chấm đỏ vô danh đã trở thành cảng thị phồn hoa, một London nhỏ ở Viễn Đông.
Thế nhưng, vào cùng thời điểm ấy, lại nổi lên Sài Gòn cũng là một cảng thị náo nhiệt cùng cỡ, một Paris nhỏ yêu kiều.
Singapore và Sài Gòn chụp cùng thời điểm (thập niên 1920)
So sánh những mô hình phát triển, những cơ chế vận hành khác nhau là cách cần thiết để học hỏi, nhằm tránh những phút giây tự huyễn hoặc mình trong những giấc mơ cô đơn, không đi cùng nhân loại.
Trong cuộc bươn chải ấy, Sài Gòn không chỉ khai thác được nguồn lực của Paris, mà còn cả Đông Dương. Ngay từ đầu Sài Gòn đã tận dụng được các nguồn lực quốc tế đến từ “Đảo Sư tử” và nhiều nơi khác. Chính các đô đốc Pháp khi mở mang Sài Gòn đã không ngại nhập khẩu cả phương tiện lẫn nhân lực từ các thuộc địa Anh để làm nên một Sài Gòn mới. Năm 1863, chính quyền Pháp mua khung nhà bằng gỗ từ Singapore về để dựng lên “soái phủ”, trước khi chuyển sang xây dựng dinh Norodom (1868-1871) – tiền thân của Dinh Độc lập sau này.
Chính quyền Pháp cũng đã cho người Ấn Độ, người Hoa Peranakan từ Singapore, Malaysia đến Sài Gòn khai phá những nghề mà người Việt, người Hoa Chợ lớn chưa từng làm. Nhiều nhà buôn Anh, Trung Hoa, Ấn độ, Nhật Bản và ngay cả Hà Lan, Mỹ đã nhanh chóng đầu tư và làm ăn lâu dài tại Sài Gòn. Những sắc dân tứ xứ hợp cùng người bản địa làm nên một Sài Gòn phồn thịnh, đa dạng đúng như trải nghiệm đã có ở Singapore.
Bước vào đầu thế kỷ 20, sau 50 năm xây dựng, Sài Gòn định hình là một đô thị quốc tế, có phố xá văn minh và cơ sở hạ tầng hoàn chỉnh. Sài Gòn nhanh chóng trở thành một vị trí giao thương không thể thiếu trên bản đồ thế giới. Thời điểm đó, Sài Gòn sánh vai toàn diện cùng Singapore và trong một số mặt đã có điểm này điểm kia nổi trội, như quản lý đô thị (phố xá, giao thông, xe cộ, sân bay… ) hay cơ sở công nghiệp (đóng tàu, điện nước, may dệt…). Có lẽ, với lợi thế của người đi sau và sự năng động của cả người Pháp, người Việt và các cộng đồng cư dân mà Sài Gòn đã làm nên kỳ tích trên.
Thêm nữa, thành công của Singapore và Sài Gòn vào đầu thế kỷ 20 xét cho cùng chính là nhờ cơ chế vận hành. Cả hai S và S đều được thực dân Anh và Pháp áp dụng chế độ trực trị, đều được coi là tỉnh thành của chính quốc. Nhờ đó Singapore và Sài Gòn đều sử dụng luật lệ, tiêu chuẩn quy hoạch và điều hành thành phố như ở châu Âu. Từng viên gạch xây nhà, từng viên ngói đỏ và hệ thống pháp lý ngay từ buổi đầu đều được nhập khẩu trực tiếp từ London hay Paris. Cả hai thành phố nhanh chóng có Hội đồng Nghị viên, bao gồm người tại chỗ và các viên chức thuộc địa, để tư vấn và giám sát chính quyền – một thiết chế dân chủ còn xa lạ ở phương Đông.
Cả hai lần lượt có Luật Ngân sách riêng, có Tòa án, có Cảnh sát, có Nhà hát, Bệnh viện, Trường học và những cơ quan, trang thiết bị cần thiết để “chiếc xe đô thị ” có thể chạy độc lập. Người “tài xế” chiếc xe ấy là những viên chức cai trị “lành nghề” được chọn lựa gắt gao, có thu nhập xứng đáng và làm việc theo nhiệm kỳ. Cơ chế vận hành ấy ngày càng hoàn thiện nhưng rồi qua nửa cuối thế kỷ 20, những biến động của lịch sử đã làm S và S thay đổi theo những hướng khác nhau, cách vận hành khác nhau.
Đường Nguyễn Huệ mới với diện mạo phố đi bộ
Chiến tranh, rào chắn và tầm nhìn
Tháng 6 năm 1940, nước Pháp thua trận, quân Đức tràn vào chiếm đóng. Ở Đông Dương, tháng 9 năm 1940, quân Nhật chiếm Lạng Sơn, ném b0m Hải Phòng, Thực dân Pháp nhường bước, mở cửa cho Nhật vào chiếm đóng. Sài Gòn trở thành nơi đặt đại bản doanh của quân Nhật chỉ huy toàn khu vực Đông Nam Á. Tháng 2.1942, Nhật dội bom tàn khốc, quân Anh thất trận, Nhật chiếm trọn Singapore.
Chiến tranh thế giới thứ Hai kết thúc, người Anh trở lại Singapore trong khung cảnh thanh bình nhưng người Pháp lại dấy lên cơn binh lửa mới ở Đông Dương. Từ ấy Sài Gòn và cả Việt Nam lâm vào cảnh đình đốn và phát triển chậm lại, suốt chín năm chiến tranh.
Từ năm 1954 đến 1965, Sài Gòn có được mười năm hồi phục, dần trở lại hình ảnh Hòn ngọc Viễn Đông duyên dáng và nhộn nhịp. Nhưng rồi, chiến tranh lại bùng nổ khốc liệt, Sài Gòn vừa trở thành căn cứ hậu cần khổng lồ của nửa triệu quân Mỹ, vừa trở thành tiền tuyến sôi động, nhất là sau tết Mậu Thân 1968. Sài Gòn mất đi nhiều cơ hội để lớn mạnh.
Với Singapore, giai đoạn 1945 -1965 là thời gian bươn chải vượt lên nhiều cuộc khủng hoảng chính trị, sắc tộc và kinh tế. Bằng thể chế bầu cử dân chủ do người dân đấu tranh giành được, Singapore đã nỗ lực và tự tin chuyển từ chính quyền tự trị trong liên bang sang chính quyền quốc gia độc lập, tách khỏi Malaysia. Cộng hòa Singapore ra đời cách đây 50 năm với nguồn lực quý giá nhất là con người, đặc biệt có được một đảng cầm quyền quyết liệt cải cách đất nước. Từ 1965 – 1995, Singapore tạo ra cơ chế vận hành mới, định hướng phát triển không cào bằng, xây dựng những mũi nhọn cạnh tranh với khu vực và thế giới.
Từ một đô thị chỉ dựa vào cảng biển và làm hậu cần cho quân đội Anh với một số công nghiệp, dịch vụ thông thường, Singapore nhanh chóng tập trung phát triển công nghiệp kho vận, hóa dầu, hàng không, viễn thông, điện tử… Singapore còn dồn sức xây dựng công nghiệp tài chính – ngân hàng, chạy đua với Hồng Kông và Tokyo. Người Singapore tỏa ra khắp thế giới học hỏi và thu hút từ cây xanh đến kinh nghiệm quản lý đô thị và nhân lực chất lượng cao. Ba mươi năm bươn chải sáng tạo đã làm nên một diện mạo Singapore hiện đại, ngang hàng với các đô thị trung tâm Âu Mỹ. Những hình ảnh xưa cũ về một Singapore đan xen giữa giàu sang với lam lũ và nhếch nhác đã lùi nhanh vào quá khứ.
Năm 1994, lần đầu đến Singapore tôi chứng kiến một đô thị nóng bức quanh năm nhưng rất xanh và sạch. Hệ thống xe điện MRT ngày ấy mới khai trương có các toa xe và nhà ga sang trọng và an toàn. Các Viện Đại học công lập NUS và NTU có cơ sở rộng lớn, nhộn nhịp sinh viên và giảng viên nhiều nước, bắt đầu đĩnh đạc đi vào danh sách các đại học Top thế giới. Hàng ngàn công ty đa quốc gia đặt hãng xưởng và trụ sở khu vực ở Singapore.
Trong đó nhiều công ty Mỹ đã gởi đến gần một trăm chuyên viên Việt kiều làm nên một cộng đồng nói tiếng Việt ở Singapore, từ trước lúc Mỹ bình thường hóa quan hệ với Việt Nam. Lúc ấy, một biểu tượng về sự cất cánh của Singapore chính là sân bay Changi. Đây là sân bay mới xây dựng trên nền đất lấn biển từ năm 1981, tấp nập hàng trăm chuyến bay một tuần. Đến năm 1988, Changi được bình bầu là sân bay số một thế giới.
Trong lúc Singapore phát triển vũ bão như thế thì mười năm đầu sau chiến tranh (1975-1985), sân bay Tân Sơn Nhất và cả Sài Gòn chuyển thành một “ga xép” với nhiều ký ức buồn. Sau 1975, Sài Gòn được vận hành bởi một cơ chế chung, quản lý sai và duy ý chí, thiếu vắng hình bóng của thị trường và ý nguyện của người dân. Cơ sở hạ tầng của thành phố hư hao, xuống cấp trầm trọng. Thành phố ba triệu dân loay hoay chạy gạo trong vòng “ngăn sông, cấm chợ”.
Hoạt động công nghiệp, giao thương, du lịch chỉ quẩn quanh nội địa và khối COMECON. Nhân tâm ly tán, nhiều người phải ra đi, trong đó nhiều tư sản người Hoa, người Ấn Độ không đi đâu xa mà dừng chân ở Singapore, dựng lại cơ đồ. May mắn và không thể nào khác, chính những người lãnh đạo cấp tiến và người dân Sài Gòn năng động đã đi tiên phong trong chuyện “xé rào”, “tháo gỡ”, phản kháng quyết liệt với cơ chế quan liêu bao cấp. Những năm 1986 – 1995 là những năm Sài Gòn cùng cả nước chòi đạp dữ dội để vừa xác lập cơ chế mới, vừa đấu tranh thoát khỏi bao vây và cấm vận.
Sài Gòn và cả nước đã thành công khi mở được cánh cửa Đổi Mới, về lại với kinh tế thị trường, về lại với liên thông quốc tế. Thú vị thay, Singapore lại trở thành một trong những đột phá khẩu đầu tiên, một đầu cầu quan trọng để Sài Gòn và Việt Nam ra bên ngoài. Năm 1992, lãnh đạo Singapore đã được thuyết phục bằng thực tế năng động của Sài Gòn và các chính sách Đổi Mới của cả nước để quyết định bãi bỏ cấm vận Việt Nam, tái lập bang giao, đúng ba năm trước khi người Mỹ làm chuyện này.
***
Hiện giờ, mỗi năm Singapore đang đón gần nửa triệu lượt người Việt Nam đi chơi, đi học và làm việc. Nhiều người trong họ đến từ Sài Gòn, hẳn đã chứng kiến sự phát triển vượt bậc của Singapore và không thể không tự hỏi: đến khi nào Sài Gòn ngang hàng với Singapore?
Ở thời điểm 2015, khi kinh tế thế giới và khu vực đang hồi phục, cộng đồng kinh tế ASEAN sắp ra đời thì đó chính là thời điểm S và S trở lại cuộc đua “The Tales of two cities ” trước đây. Nói đúng hơn, Sài Gòn phải là người nghĩ ra cuộc đua đó để cố gắng bắt kịp Singapore đang bỏ xa phía trước. Khoảng cách S và S ngày nay không chỉ đo bằng GDP hay doanh thu công nghiệp và du lịch. Ở thế kỷ 21, Singapore đã tăng tốc tiến sang những lĩnh vực phát triển mới như công nghiệp sinh học, công nghiệp giải trí và ngay cả du lịch chất lượng cao.
Mọi so sánh đều khập khiễng, nhất là so sánh quá khứ và tương lai. Nhưng so sánh những mô hình phát triển, những cơ chế vận hành khác nhau vẫn là cách cần thiết để chúng ta học hỏi nhằm tránh những phút giây tự huyễn hoặc mình, hay chỉ biết “tự sướng” trong những giấc mơ cô đơn, không đi cùng nhân loại.
Bài và ảnh: Phúc Tiến
Nguồn: Báo Người Đô Thị