“Cung Đàn Xưa” của nhạc sĩ Văn Cao – Những dự cảm về cuộc đời qua hình bóng và số phận của Trương Chi

Nhạc sĩ Văn Cao (1923-1995) được xem là một trong những tân tuổi lớn nhất của tân nhạc vì những đóng góp mang tính dấu mốc cho sự phát triển tân nhạc Việt Nam, cả ở mảng tình ca lãng mạn lẫn hùng ca. Ngoài ra ông còn là một nhà thơ, họa sĩ, lĩnh vực nào cũng để lại dấu ấn đặc biệt.

Nếu bạn là người yêu thích nhạc xưa, hãy theo dõi kênh YouTube này để nghe đọc các bài cảm nhận về âm nhạc (phân tích ý nghĩa, hoàn cảnh sáng tác, tiểu sử ca nhạc sĩ): LINK YOUTUBE  < Click

Ca khúc Cung Đàn Xưa ra đời vào năm 1942. Về kỹ thuật, chàng nhạc sĩ trẻ Văn Cao lúc đó đã tận dụng một nhạc điệu đầy cảm tính trong nhạc Tây Phương, cũng như thể điệu valse lưu luyến để diển tả một người tình trong Cung Đàn Xưa.Về hình thức cả nội dung, ca khúc này đã thể hiện được tuyệt kỹ và tuyệt mỹ mà nhạc sĩ Văn Cao đã từng vươn tới được qua ca khúc Thiên Thai (1941), và sau đó là Trương Chi (1943).

“Hồn cầm phong sương hình dáng xuân tàn.
Ngàу dần buông trôi sầu vắng cung đàn.

Từ người ra đi chờ vắng tin người
Từ người ra đi là hết mơ rồi.
Ϲung thương là tiếng đàn
Ϲung nam là tiếng người.”

Trong ca khúc này nhạc sĩ Văn Cao có nhắc tới mùa Xuân, nhưng có lẽ rằng ông vẫn bị ám ảnh bởi mùa Thu trong văn chương lãng mạn, cho nên Xuân ở đây cũng chỉ là mùa Xuân tàn úa. Văn Cao có thể đã tương tư một mỹ nhân nào đó mà không dám ngỏ lời mà chỉ thổ lộ vào âm nhạc, thể hiện qua câu hát:

“Từ người ra đi chờ vắng tin người
Từ người ra đi là hết mơ rồi.”

Tiếp theo đó là những tiếng hát và tiếng đàn, tức cung Thương và cung Nam trong nhạc Đông Phương :

“Ϲung thương là tiếng đàn
Ϲung nam là tiếng người

Ai oán khúc ca cầm châu rơi
Tình duуên lãng đãng, nhớ thương dần pha phôi.
Ϲung đàn ngân buồn xa vắng trong tiếng thầm
Buồn tê tái trong tiếng ngân, buồn như lúc xuân sắp tàn.

Ơi đàn xưa còn vang nhắc chi tới người
Lòng ta tắt bao thắm tươi u hoài duуên đưa.”

Sau đó là những nỗi buồn réo rắt trong cung đàn, như là sự cô đơn của nhạc sĩ trong tương lai, là một tiên kiến cho số phận âm nhạc của ông.

“Ϲung đàn ngân buồn xa vắng trong tiếng thầm.
Buồn tê tái trong tiếng ngân, buồn như lúc xuân sắp tàn.
Ơi đàn xưa còn vang nhắc chi tới người
Lòng ta tắt bao thắm tươi u hoài duуên đưa.

Ϲhiều năm xưa gót hài khai hoa,
Mắt huуền lưu xuân, dáng hồng thơm hương.
Ϲhiều năm naу bóng người khơi thương
Tiếng đàn gieo oan giấc mộng chàng Trương.”

Đoạn tiếp theo là sự tương tư mộng mị và một tuyệt thế giai nhân qua các mô tả về một đôi mắt huyền, một dáng hồng thơm hương, rồi sau đó là hình ảnh “chàng Trương” xuất hiện cùng với “tiếng đàn gieo oan”, vì vậy “bóng người khơi thương” chính là bóng dáng của nàng Mỵ Nương. Có ít nhất 3 ca khúc nổi tiếng của Văn Cao có bóng dáng của Trương Chi được sáng tác vào giai đoạn 1942-1943, ngoài bài hát Trương Chi nổi tiếng ra đời năm 1943, thì 2 ca khúc khác nữa là Suối Mơ, và Cung Đàn Xưa (cùng sáng tác năm 1942). Có thể thấy ngay từ tuổi đôi mươi, chàng Văn Cao đã bị ám ảnh bởi bóng dáng của chàng Trương, nên suốt cuộc đời sau đó, số phận của nhạc sĩ cũng tương đồng với số phận của nhân vật trong truyền thuyết:

“Giờ còn mong chi người hát theo đàn
Giờ còn mong chi hợp cánh hoa tàn.

Lời đàn năm xưa se kết đôi lòng
Lời đàn năm naу đôi lứa xa vời.
Khi hôn hoàng xuống dần
Trăng lên vàng mái lầu”

Trong tích xưa, chàng Trương Chi nhờ tiếng sáo (lời đàn năm xưa) mà se kết lòng được với Mỵ Nương, còn lời đàn “năm nay” của chàng Văn Cao sao vẫn còn “đôi lứa xa vời”.

Đây có thể xem là một bài tình ca, viết về một người tình mộng tưởng, nhưng nhìn ở một khía cạnh khác, những lời hát này đã tiên đoán được về sự nghiệp âm nhạc thời gian sau này của tác giả.

Nhạc sĩ Văn Cao tuổi đôi mươi

Đã có thời gian dài, nhạc sĩ không còn mong chi người đời còn hát theo đàn của mình, cũng không mong gì có thể tái hợp những ca khúc mà ông xem như là người tình (đã bao lần ông đã thổ lộ những tương tư của mình vào trong các bài tình ca đó).

Liệu lời đàn năm xưa có thể mang Văn Cao trở lại, hay là chỉ càng làm ông cảm thấy xa vời. Rồi khi hoàng hôn xuống dần, chàng nhạc sĩ cũng phải chung số phận với chàng Trương Chi trong tích xưa, trong chốc lát chỉ nghe thoáng tiếng kinh cầu để khép lại một nỗi sầu bao la:

“Nghe thoáng tiếng kinh cầu xa xa,
Ngàn lau thấp thoáng bóng kinh kỳ sầu bao la”

Về nội dung của nhạc phẩm nhạc sỹ Phạm Duy đã từng nhận xét đầy thán phục như sau:

“Những Cô Hái Mơ, Cô Bán Hoa, Cô Hàng Nước, Cô Láng Giềng mà ta thấy xuất hiện trong các bản nhạc tình thời đó, làm sao mà có được những gót hài khai hoa, mắt huyền đưa xuân, dáng hồng hương thơm như trong Cung Đàn Xưa. Chỉ cần 12 chữ và dù chỉ để xưng tụng một người tình tưởng tượng mà thôi, Văn Cao đã đưa nhạc tình tiền chiến lên tới một độ cao vượt khỏi những khuôn sáo cũ mèm”

Cung Đàn Xưa chính là cung đàn của chàng Trương Chi năm xưa, người có tài đàn hát làm xiêu lòng Mỵ Nương. Nhưng sự mong đợi của nàng công chúa, có ai đáp ứng được, hoặc là người đẹp chẳng thể nhận ra vẻ đẹp thực sự của tiếng hát, của tâm hồn nghệ sĩ, để rồi tình yêu là oan trái, là đàn đứt dây tơ, và cũng như nhạc sĩ Phạm Duy đã mô tả, các mối tình của Văn Cao vốn chỉ là những “mối tình ấp úng”. Nhạc sĩ Văn Cao không dám ngỏ lời với các mỹ nhân, chỉ biết trút lòng mình vào âm nhạc. Ca khúc Cung Đàn Xưa ra đời sớm hơn nhiều bài tình ca khác của Văn Cao nhưng đã tạo lập được một vị thế trong gia tài âm nhạc vốn ít ỏi các bài tình ca của ông, nhờ chất liệu ca từ và tứ nhạc hài hòa giữa hình thức âm nhạc Tây phương trong điệu valse và những thi tứ kiểu Đường thi, mà có người nhận xét là có những vết tích điển cố của thơ Thôi Hiệu: “đào hoa y cựu tiếu đông phong/hoa đào năm ngoái còn cười gió đông”.

Ca khúc Cung Đàn Xưa được công chúng biết đến rộng rãi từ năm 1950, khi Mộc Lan cùng ban nhạc Võ Đức Thu thu thanh trên dĩa Philips với một gai điệu mới lạ: slow, làm cho nỗi buồn dường như sâu lắng hơn bao giờ hết.


Click để nghe nhạc

Ngoài ra, mời nghe lại giọng hát Thanh Vũ với thể điệu valse nguyên bản của Cung Đàn Xưa:


Click để nghe nhạc

Biên soạn: Nguyễn Thanh Phong 
Biên tập: Đông Kha
Bản quyền bài viết của nhacxua.vn

Exit mobile version