Những hình ảnh tuyệt đẹp của công viên Tao Đàn trước năm 1975 – “Vườn thượng uyển” của Sài Gòn xưa

Là người Sài Gòn, hoặc đã từng sinh sống ở Sài Gòn, có lẽ không ai là không biết đến tên gọi Công Viên Tao Đàn hiện nay, vốn có tên là Vườn Tao Đàn trước năm 1975, là mảng xanh rợp mát nổi tiếng của thành phố nằm ngay quận 1 ở vị trí tiếp giáp với quận 3.

Nếu bạn là người yêu thích nhạc xưa, hãy theo dõi kênh YouTube này để nghe đọc các bài cảm nhận về âm nhạc (phân tích ý nghĩa, hoàn cảnh sáng tác, tiểu sử ca nhạc sĩ): LINK YOUTUBE  < Click

Trải qua nhiều thăng trầm lịch sử, Vườn Tao Đàn (thời Pháp có tên là Parc Maurice Long) được người dân Sài Gòn đặt cho những tên gọi thân thương khác nhau: vườn Ông Thượng, vườn Bờ Rô…

Cái tên Tao Đàn được đặt từ năm 1955, trong đợt quy hoạch lại tên đường và các địa điểm công cộng vào những ngày đầu của đệ nhất cộng hoà, với ý nghĩa gợi nhớ đến hội xướng họa thi ca mà vua Lê Thánh Tông đế sáng lập vào năm 1495, đó là Tao Đàn nhị thập bát tú.

Lịch sử hình thành của Vườn Tao Đàn được ghi nhận lại như sau:

Năm 1862, sau khi chiếm được Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định, người Pháp tổ chức quy hoạch lại vùng đất này. Vùng rừng cây nằm ven Sài Gòn và cánh đồng Mồ Mả hay đồng Mả Ngụy được quy hoạch làm khu vườn cây xanh.

Công viên Tao Đàn thời Pháp (Parc Maurice Long)

Ranh giới của khu vườn này là góc đường Thiên Lý phía Tây (nay là đường Cách Mạng Tháng Tám) và đường Thiên Lý phía Bắc (nay là đường Nguyễn Thị Minh Khai).

Từ thế kỷ 19, từ Gia Định có 3 con đường thiên lý đi 3 hướng: đường Thiên Lý phía Bắc đi ra kinh đô Huế, nay là con đường Nguyễn Thị Minh Khai – Xô Viết Nghệ Tĩnh với quốc lộ 13 để ra quốc lộ 1 (con đường Cái Quan). Đường thiên lý phía Tây đi Cao Miên, nay là đường Cách Mạng Tháng 8, Trường Chinh ra phía QL22. Và đường Thiên Lý phía Nam đi về lục tỉnh (về phía Tây Nam Bộ hiện nay)

Đến năm 1868, khi bắt đầu xây dựng Dinh Thống đốc Nam Kỳ (sau này là Dinh Toàn Quyền) thì khu vườn trở thành vườn cây của dinh. Sau khi xây xong, người Pháp đặt tên cho dinh này là Norodom, theo tên của Quốc Vương Campuchia thời đó.

Dinh Norodom (Sau 1955 trở thành Dinh Độc Lập – Phủ tổng thống)

Vì dinh Norodom là nơi làm việc của các Thống đốc Nam Kỳ (từ 1871-1887) và Toàn quyền Đông Dương (từ 1887-1945), là nên vườn cây của dinh này được người dân Sài Gòn gọi là vườn Ông Thượng, nghĩa là vườn cây của ông quan trên.

Có một số ý kiến nói rằng sở dĩ có tên Vườn Ông Thượng vì nơi đây từng là nơi Tả Quân Lê Văn Duyệt mở trường đá gà, sân khấu hát bội. Điều này dựa trên cơ sở là Tả Quân Lê Văn Duyệt được người Sài Gòn tôn kính là “Ông Lớn Thượng”, hoặc “Đức Thượng Công”. Tuy nhiên thời Quận công Lê Văn Duyệt làm Tổng trấn đất Gia Định thì dinh thự của ông nằm trong thành Gia Định. Và đất của Vườn Tao Đàn ngày nay nằm ở ngoài thành, là vùng đất tương đối xa xôi. Hơn nữa là từ khi Tả Quân mất cho đến khi Vườn Tao Đàn hình thành  là thời gian quá lâu, nên cái tên “Vườn Ông Thượng” từ cuối thế kỷ 19 rất có thể xuất phát từ khi dinh Norodom được xây cất xong, trở thành dinh Thống đốc Nam Kỳ, và vườn này trở thành khu “vườn sau dinh”.

Năm 1869, người Pháp mở con đường Poulo Condor (Côn Đảo), sau đó đổi tên thành Miss Clavell (từ năm 1955 đến nay là đường Huyền Trân Công Chúa) tách khu vườn ra khỏi dinh Norodom.

Từ đó, Vườn hoa thành phố, hay Vườn Ông Thượng, đã nằm gọn giữa bốn con đường mang tên thời ấy là Miss Clavell (sau 1955 đổi thành tên Huyền Trần Công Chúa), Verdun (sau 1955 là Lê Văn Duyệt, sau 1975 thành đường Cách Mạng Tháng Tám) – Taberd (sau này là Nguyễn Du) – Chasseloup Laubat (Sau 1955 thành tên Hồng Thập Tự, nay là Nguyễn Thị Minh Khai).

Ngã tư Nguyễn Du – Trương Công Định (nay là Trương Định), lối rẽ vào đường Trương Công Định đi xuyên qua Vườn Tao Đàn
Đường Trương Công Định (nay là Trương Định) đi xuyên công viên

Ngoài ra phải kể đến con đường cắt ngang và đi xuyên qua công viên tên là Roze (sau 1955 tên là Trương Công Định, sau 1975 tên là Trương Định). Nối dài với đường Roze, cắt ngang với Chasseloup Laubat (Nguyễn Thị Minh Khai) là đường mang tên Jardin (trong Tiếng Pháp mang nghĩa là “Vườn”), sau 1955 đường Jardin đổi tên thành Đoàn Thị Điểm. Sau 1975, đường Trương Công Định nhập với đường Đoàn Thị Điểm thành một đường tên là Trương Định như ngày nay, là con đường một chiều đi xuyên qua Công Viên Tao Đàn.

Đường xuyên công viên Trương Công Định (nay là Trương Định)

Từ năm 1922 đến 1955, công viên, vườn hoa thành phố này mang tên luật sư Maurice Long – từng làm bộ trưởng, và cũng có lúc là Toàn quyền Đông Dương trong thời gian 1920-1922. Tuy nhiên, người dân Sài Gòn vẫn gọi bằng cái tên dân dã Vườn Ông Thượng, hoặc Vườn Bờ Rô.

Cái tên “Vườn Bờ Rô” này có thể bắt nguồn từ việc trong vườn có một khoảng ở trung tâm được lót gạch, trong tiếng Pháp thì sân lót gạch là “préau”, đọc thành “bờ rô”. Tuy nhiên cũng có có nguồn giải thích từ Bờ – rô xuất phát từ từ chữ jardin des beaux jeux (khu vườn của những trò chơi tao nhã) đọc trại mà ra.

Công viên phía đường Nguyễn Du

Dần dần, một số lô đất lớn giáp mặt tiền của Vườn Ông Thượng được tách ra để làm công trình công cộng như trụ sở Hội Hiếu Nhạc xây năm 1896, sau này là trường Quốc Gia Âm Nhạc danh tiếng, nay là Nhạc Viện trên đường Nguyễn Du. Ngoài ra còn có Viện Dục Nhi xây năm 1926 (nay trở thành Sở Y tế), Hội Kỵ Mã (nay là Nhà thi đấu Nguyễn Du); Câu lạc bộ thể thao nổi tiếng là Cercle Sportif Saigonnais xây năm 1902 (nay là Cung văn hóa Lao động), gồm sân đá bóng túc cầu hay bóng đá, hồ bơi, và sân quần vợt. Sân đá bóng lúc bấy giờ là sân duy nhất đủ tiêu chuẩn đón những đội bóng ngoại quốc đến đấu.

Hội Kỵ Mã (nay là Nhà thi đấu Nguyễn Du)

Bên trong vườn Tao Đàn còn có một khu mộ cổ xưa được xây dựng năm Ất Mùi (1895). Tương truyền đây là mộ ông Lâm Tam Lang (tự “Nguyên thất”, mất vào mùa thu Ất Mão, 1795) và bà Mai Thị Xã vợ ông. Hậu duệ của ông đáng chú ý có: Phó lãnh binh Lâm Quang Ky đời thứ 4 và Lâm Đình Phùng (tức nhạc sĩ Lam Phương) đời thứ 7.

Cụm mộ cổ nhà họ Lâm trong công viên, hiện nay vẫn còn

Sau năm 1954, người Pháp rút lui hoàn toàn, Dinh Toàn quyền trở thành Phủ Tổng thống, đổi tên thành Dinh Độc Lập. Chính quyền VNCH cũng thay đổi một loạt tên đường, công viên, công trình công cộng, và công viên Maurice Long đổi thành “Vườn Tao Đàn”, lấy theo tên của hội xướng họa thi ca của Vua Lê Thánh Tôn vào thế kỷ 15.

Công viên Tao Đàn hướng đường Hồng Thập Tự

Bốn con đường xung quanh cũng đổi tên thành đường Huyền Trân Công Chúa, Hồng Thập Tự, Lê Văn Duyệt và Nguyễn Du (Sau 1955, đường Huyền Trân Công Chúa bị cấm lưu thông hoàn toàn do vấn đề an ninh).

Trụ sở Viện Dục Nhi (là phần đất cũ của công viên) được dùng làm Bộ Y tế thời VNCH, đồng thời cũng là trụ sở hội Hồng Thập Tự (nay gọi là hội Chữ Thập Đỏ), đó cũng là lý do con đường đi ngang qua trụ sở này được mang tên là đường Hồng Thập Tự.

Trong khuôn viên Vườn Tao Đàn có một trường tiểu học nhỏ được xây dựng từ thập niên 1950, không xây rào ngăn cách (nhưng đã bị dỡ bỏ từ năm 1976). Cũng từ thời điểm đó, công viên có thêm nhiều cây xanh, vòi phun nước, nhà chòi, sân chơi. Nơi đây là chỗ nghỉ ngơi và vui chơi thanh lịch của thanh niên, người già, trẻ em và là nơi sinh hoạt ngoài trời của tổ chức Hướng Đạo.

Trong Vườn Tao Đàn từng tồn tại một tượng đài, đó là tượng đài Léon Gambetta. Đây là tượng đài được đặt ban đầu ở ngã tư Norodom – Pellerin (nay là Lê Duẩn – Pasteur) vào năm 1883. Trước đó Léon Gambetta là thủ tưởng kiêm ngoại trưởng Pháp.

Sau này Chợ Cũ ở đại lộ Charner (nay là Nguyễn Huệ) được giải toả để xây dựng chợ Bến Thành ở vị trí mới, thì vị trí chợ cũ trở thành một quảng trường mang tên Gambetta, và tượng đài Gambetta cũng được dời về đây, đặt ở vị trí ngày nay là toà nhà Bitexco.

Kho bạc, là vị trí từng là quảng trường Gambetta trên đại lộ Charner

Tuy nhiên sau này quảng trường Gambetta lại bị giải toả để xây trụ sở kho bạc (vẫn còn đến ngày nay), thì tượng Gambetta lại được mang về Vườn Ông Thượng, nằm ở hàng rào giáp với hội Kỵ Mã. Về sau tượng được đem đi nấu đồng chỉ còn đế tượng.

Tượng đài Léon Gambetta trong công viên

Vào những năm 1970, vườn Tao Đàn có chức năng như lá phổi của thành phố Sài Gòn. Trước năm 1975, nơi đây thường là nơi tổ chức các cuộc triển lãm quy mô lớn.

Ngoài ra vườn Tao Đàn còn là nơi sinh hoạt các hội đoàn như hướng đạo Việt Nam, hướng đạo quân đội, nghĩa sinh vào mỗi thứ bảy và chủ nhật hàng tuần. Đáng nhớ nhất ở đây diễn ra hội chợ Đồng Tâm để vận động quyên góp xây dựng Bệnh Viện Vì Dân (nay là bệnh viện Thống Nhất).

Mời bạn xem thêm một số hình ảnh Vườn Tao Đàn trước năm 1975:

Công viên Tao Đàn hiện nay

nhacxua.vn biên soạn
Nguồn hình ảnh: manhhai flickr

Exit mobile version