Ca khúc “Còn Thương Rau Đắng Mọc Sau Hè” của nhạc sĩ Bắc Sơn – Nỗi lòng của người ly hương

Nhắc đến nhạc sĩ Bắc Sơn, khán giả Việt đồng thời nhớ đến gương mặt điện ảnh thuần chất Nam Bộ của ông với mái tóc dài bạc phơ, chòm râu trắng như cước, gương mặt rắn rỏi, phong trần và đôi mắt giàu biểu cảm. Không chỉ vóc dáng, mà cả con người, tâm hồn nhạc sĩ cũng đều đậm đặc chất Nam Bộ mộc mạc, chân tình. Có lẽ bởi vậy nên những sáng tác âm nhạc của Bắc Sơn luôn dễ yêu, dễ nhớ, khiến người nghe cứ xốn xang hoài những cảm xúc thiết tha, thương nhớ về những vùng quê xa xăm nơi ký ức.

Còn với khán giả hải ngoại thập niên 1980, ấn tượng sâu sắc nhất về nhạc sĩ Bắc Sơn có lẽ là ca khúc Còn Thương Rau Đắng Mọc Sau Hè do ca sĩ Hương Lan thể hiện. Đây là một nhạc phẩm được nhạc sĩ Bắc Sơn viết từ năm 1974 dựa trên cảm hứng từ bài thơ “Rau Đất Đắng” của thi sĩ Nguyệt Lãng. Ca sĩ Hoàng Oanh là người thu thanh ca khúc này đầu tiên để lồng vào vở kịch truyền hình “Bếp Lửa Ấm”, phát sóng trên Đài Truyền hình Sài Gòn tháng 11 năm 1974.


Click để nghe Hoàng Oanh hát Còn Thương Rau Đắng Mọc Sau Hè trước 1975

Tuy nhiên, ngay tại thời điểm ra đời, ca khúc chưa thật sự gây được tiếng vang lớn mà phải chờ đến những năm 1980 khi Hương Lan thu thanh và ghi hình lại ca khúc khi đang ở Pháp. Tâm trạng hoài nhớ về một vùng quê xa xôi nơi miền ký ức của ca khúc đã khiến nhiều kiều bào xa quê phải rớt nước mắt. Trong viễn cảnh ra đi không nhìn thấy ngày về quê mẹ, sự xuất hiện của ca khúc như một suối nguồn mát rượi chảy đến từ quê mẹ, tưới tắm tâm hồn cho hàng triệu người Việt xa xứ. Cùng với tiếng hát của nữ danh ca Hương Lan, bản nhạc Còn Thương Rau Đắng Mọc Sau Hè trở thành một hiện tượng, được yêu thích và phổ biến rộng khắp cộng đồng người Việt hải ngoại, rồi “dội ngược” ảnh hưởng về thị trường âm nhạc trong nước.


Click để xem video Hương Lan – Còn Thương Rau Đắng Mọc Sau Hè

Nói về ca khúc này, nhạc sĩ Bắc Sơn tâm sự: “Mọi cảm xúc để tôi viết bài hát này cứ tự nhiên mà đến, tôi nghĩ sao thì viết vậy chứ chẳng cần điều gì to tát cả”. Quả thật, ngay từ tựa đề ca khúc đã thấy cái sự chân chất, có sao nói vậy, thuần hậu, đơn giản của người miền Tây hiển hiện rõ nét. Còn Thương Rau Đắng Mọc Sau Hè rất rõ ràng, mộc mạc, bình dị, chẳng có gì ẩn dấu. Tất cả chỉ vì hai chữ “còn thương”.

Ai đã từng sinh ra và lớn lên ở những vùng đồng quê thì sẽ hình dung ra ngay thời điểm, không gian nảy sinh của dòng tâm trạng. Thông thường, sau mỗi vụ mùa, người nông dân sẽ đốt đồng để vừa làm sạch gốc rạ còn trơ lại trên đồng, vừa tạo tro bồi dưỡng cho đất, chuẩn bị cho vụ mùa mới. Thời điểm đốt đồng trong bài hát là sau vụ mùa đông xuân, thời tiết bắt đầu vào hạ:

Nắng hạ đi
mây trôi lang thang cho hạ buồn
coi khói đốt đồng để ngậm ngùi chim nhớ lá rừng 

Thử hình dung tâm trạng của một người đáng đứng lặng trước cánh đồng lúa mà mới chỉ vài hôm trước hoặc vẫn còn vàng ruộm những sóng lúa, hoặc nhộn nhịp người xe, tiếng cười nói của những người nông dân đang hối hả thu hoạch vụ mùa, nay bỗng chỉ còn thấy một vùng mịt mù trắng xoá, hoang hoải, khen khét mùi khói đốt đồng. Lòng người khi ấy hẳn rất hụt hẫng, ngậm ngùi, nuối thương về cảnh sắc yên bình, hiền hoà khi trước.

Như những thước phim điện ảnh, máy quay lia xa trên một vùng khói đồng hoang hoải để định hình dòng cảm xúc, rồi chầm chậm đẩy vào những góc nhỏ để phát triển mạch phim. Từng câu hát mộc mạc, giản dị tuôn trào, hát như nói, tự nhiên và thuần hậu, không một chút đánh đố người nghe, nhưng thấm sâu và truyền cảm:

Ai biết mẹ buồn vui khi mẹ kêu cậu tới gần
biểu cậu ngồi mẹ nhổ tóc sâu, hai chị em tóc bạc như nhau
Đôi mắt cậu buồn hiu phiêu lưu
rong chơi những ngày đầu chừa ba vá miếng dừa
đường mòn xưa, dãi nắng dầm mưa 

Hình ảnh “hai chị em tóc bạc như nhau” lặng lẽ ngồi nhổ tóc bạc cho nhau tạo nên một bức tranh buồn man mác. Chẳng ai biết người chị đang buồn đang vui hay đang nhớ, chỉ thấy đôi mắt của người em “buồn hiu”, nhìn về phía xa xăm như đang “phiêu lưu” hồi nhớ về những ngày tháng xa xưa trong ký ức – Nơi có tuổi thơ “dãi nắng dầm mưa”, rong chơi mải miết trên những con đường mòn.

Từng câu hát thả rơi bồi hồi, lãng đãng, nuối thương kéo người nghe chìm trôi vào những vũng ký ức xa xôi của chính mình. Người ta thường bảo ai cũng có một thời để nhớ, để thương, để da diết hồi tưởng, để mỉm cười, hoặc đau đáu. Thì đây nếu ai chưa kịp nhớ ra, còn mù mờ lạc lối, bơ vơ trên những nẻo đường đời thì hãy nghe theo sự dẫn dắt của nhạc sĩ để tìm về những vùng kỷ niệm êm đềm, thân thuộc:

Ai cách xa cội nguồn,
ngồi một mình
Nhớ lũy tre xanh dạo quanh khung trời kỷ niệm
Chợt thèm rau đắng nấu canh 

Quê hương, cội nguồn luôn dành tặng mỗi đứa con đi xa xứ những món quà thân thương, ngọt bùi từ ký ức. Đó là bất cứ thứ gì thân thuộc nhất, khung cảnh làng quê, con người, tình cảm, những mùi vị, món ăn không dễ gì phôi pha trong trí nhớ. Với ca khúc này, tác giả chọn hình ảnh rau đắng đất vô vùng dung dị mà gần gũi, thân thương để nói lên tình cảm của mình với quê hương, xứ sở.

Ở những vùng quê miền Tây Nam Bộ, rau đắng đất là một thứ rau mọc dại quanh nhà, quanh bờ ruộng. Khác với loại rau đắng biển lá tròn dày, thân dài thẳng thường được trồng ở nhiều nơi để ăn kèm trong các món cháo, lẩu, rau đắng đất có lá mảnh nhọn, mọc sát đất thành bụi, toả thành nhiều nhánh nhỏ, thân rau có màu thâm thẫm nhạt và ngắn. Đặc biệt, rau đắng đất khi ăn có vị đắng thanh nhân nhẩn và mùi thơm thoang thoảng rất dễ chịu. Người miền Tây thường hái rau đắng để nấu canh, ăn sống, trộn gỏi hoặc ăn kèm với các món cháo, món nước.

rau đắng đất

Với nhiều người con của miền Tây sông nước, cả tuổi thơ đã lớn lên cùng những bụi rau đắng đất quanh nhà. Nhưng kỳ thực, một món ăn có vị đặc trưng như vậy với trẻ nhỏ đôi khi rất “đáng ghét”, thường là bị ép ăn theo cha mẹ, người lớn trong nhà chứ không hề yêu thích. Bởi theo kinh nghiệm của các bà, các mẹ ở quê, canh rau đắng đất rất tốt cho sức khoẻ nên dù không thích cũng ráng ép cho mỗi đứa ăn một ít. Tuy nhiên, khi lớn lên đi xa, những đứa con xa quê ấy lại thi thoảng “chợt thèm rau đắng nấu canh”, thèm được quay trở lại những ngày xưa để thưởng thức trọn vẹn tất cả những mùi vị, tình cảm, ký ức ngọt ngào, đơn sơ của những ngày xưa mà mãi mãi chẳng thể nào còn có được.

Chái bếp hiên sau cũng ngọt ngào một lời cho nhau

Xin được làm mây mà bay khắp nơi giang hồ
Ghé chốn quê hương xa rời từ cất bước ly hương
Xin được làm gió dập dìu đưa điệu ca dao
Chái bếp hiên sau cũng ngọt ngào một lời cho nhau 

Xin sống lại tình yêu đơn sơ,
rong chơi những ngày đầu chừa ba vá miếng dừa
đường mòn xưa, dãi nắng dầm mưa 

Xin nắng hạ thổi buồn để mình ngồi nhớ lũy tre xanh
dạo quanh, khung trời kỷ niệm
Chợt thèm rau đắng nấu canh … 

Có thể thấy, mặc dù mang một gương mặt và vóc dáng rất nam tính, quắc thước nhưng âm nhạc của nhạc sĩ Bắc Sơn lại thủ thỉ ngọt ngào, mềm lơi, đầy chất tự sự phù hợp với các giọng ca nữ. Trong đó phải kể đến đầu tiên là nữ ca sĩ Hương Lan, người đã có công đưa nhiều ca khúc của nhạc sĩ Bắc Sơn đến với người yêu nhạc, góp phần đưa tên tuổi của ông được biết đến rộng rãi hơn cả ở trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, ca sĩ Hoàng Oanh cũng là người trình bày thành công nhiều ca khúc của nhạc sĩ Bắc Sơn.

Ngoài bản thu đầu tiên vào năm 1974, ca sĩ Hoàng Oanh còn một bản thu khác của ca khúc Còn Thương Rau Đắng Mọc Sau Hè được thu lại sau này ở hải ngoại cũng rất xúc động. Đoạn “Ghé chốn quê hương xa rời từ cất bước ly hương” có lẽ không có một ca sĩ nào diễn đạt có cảm xúc được nhiều như Hoàng Oanh. Cô hát như nức nở, như tất cả nỗi nhớ thương quê nhà của một người ly hương đã dồn nén bao ngày được bộc phát ra bằng câu hát….


Click để nghe Hoàng Oanh hát Còn Thương Rau Đắng Mọc Sau Hè

Bài: Niệm Quân
Bản quyền bài viết của nhacxua.vn

Exit mobile version