Có một thế hệ người Việt yêu mến nước Pháp qua thơ ca và âm nhạc

Từ cái hôm nhà thờ Notre Dame bị cháy, tôi đã bắt gặp rất nhiều những lời thương tiếc gửi gắm lên facebook, để rồi từ đó, cái xấu của người Việt lại lộ rõ ra với những lời dèm pha, đố kỵ nhau. Dường như hở có chuyện gì xảy ra ở tận Mỹ, Pháp xa xôi, là y như rằng ở Việt Nam cũng có tranh cãi, chửi bới và lên mặt dạy đời nhau.

Không phủ nhận một số người được xem là nổi tiếng đã làm những việc gọi là “đu trend”, giả lả khóc thương cho xôm tụ. Những trường hợp cá biệt đó không đáng để nhắc tới.

Cái tôi muốn nhắc tới là, di sản nào mất đi thì cũng là mất mát chung của nhân loại, chưa kể đó là một di sản vô giá ngàn năm của kiến trúc. Người Pháp mất đi di sản, hàng triệu người trên thế giới đau buồn. Cho dù Trung Quốc có bị nhiều người ghét, nhưng tin chắc rằng một ngày kia, giả sử có 1 đoạn trường thành nào đó xui rủi bị đổ xuống, cũng sẽ có rất nhiều người tiếc nuối như hôm nay mà thôi.

Sẽ có người dèm pha rằng nhiều di sản trăm năm ở Việt Nam đang dần mất đi, có ai quan tâm không? Câu trả lời là có. Khi Thương Xá TAX bị đốn hạ, truyền thông trong nước, từ lề trái đến lề phải đều đăng bài xót thương. Các hiệp hội di sản trên thế giới cũng bày tỏ ý kiến phản đối. Hiện nay khi Khu Hòa Bình ở Đà Lạt lại sắp bị đập phá, lại có thêm làn sóng phản đối, mạnh mẽ nhất là báo Tuổi Trẻ, và ý kiến của nhiều kiến trúc gia khác. Đó là bề nổi mà người ta có thể nhìn thấy được, chứ chưa nói đến hàng triệu câu status phản đối đăng đàn trên facebook.

Trở lại với nước Pháp. Cho dù đất nước này có hành động tàn tệ như thế nào với người dân xứ Việt hồi mấy thế kỷ trước khi họ còn là thực dân, nhưng đó là việc của 1-2 thế kỷ trước. Nước Pháp hiện nay là một nước Pháp của thời hiện đại, là Paris biểu tượng của tình yêu. Nước Pháp hiện tại với cách hành xử văn minh và nhân văn. Tại sao có những người luôn thích làm kẻ hẹp hòi, cố chấp để không biết phân định phải trái, đúng sai?

Hơn nữa, tình cảm dành cho nước Pháp của một số lượng không nhỏ người Việt, đặc biệt là các trí thức, sinh viên học sinh miền Nam xa xưa, có được là nhờ những tác phẩm thơ ca nổi tiếng. Từ những tác phẩm kinh điển là Thằng Gù ở nhà thờ Đức Bà, Không Gia Đình… rồi đến thi-nhạc “Paris có gì lạ không em” của Nguyên Sa – Ngô Thụy Miên hay “Trời mùa đông Paris suốt đời làm chia ly” của Cung Trầm Tưởng – Phạm Duy.

Thi sĩ Nguyên Sa có 1 thời gian dài du học ở nước Pháp trước khi ông về Saigon làm giáo sư triết học. Ông đã đem cái hồn phách của Châu Âu tái sinh sau khi thế chiến thứ II về Saigon, và nhanh chóng chiếm trọn sự cổ vũ nồng nhiệt của sinh viên học sinh. Ông đem ánh đèn vàng Paris, nơi có những nhà ga là nguồn cảm hứng vô tận cho những cuộc chia tay. Ông mang theo hơi hám của sông Seine, của nhà thờ Notre Dame về lại Sài Gòn, nơi mà nhiều thế hệ thanh niên chịu ảnh hưởng của nền văn hóa Pháp.

Thi sĩ Cung Trầm Tưởng và nhạc sĩ Phạm Duy – bộ đôi tác giả của bài Tiễn Em cũng đều là những người Tây học được tiếp thụ trực tiếp nền văn hóa Pháp. Họ đã trở về và mang tinh thần Pháp đó về qua các tác phẩm được công chúng yêu mến.

Đó là chưa kể những tòa di sản kiến trúc đồ sộ, vô giá mà thực dân Pháp để lại ở đất nước Việt Nam trong quá trình khai thác thuộc địa của họ. Các kiệt tác về kiến trúc trên thế giới có thể được sinh ra trong bạo tàn. Nhưng khi sự bạo tàn đó qua đi thì đã thuộc về quá khứ. Người ta có thể không được quên quá khứ, nhưng cũng phải có trách nhiệm lưu giữ những gì tốt đẹp nhất còn lại. Chứ không phải vì những xấu xa trong quá khứ mà phủ nhận những giá trị tốt đẹp đó.

Thực ra, nếu nhìn lại, người Việt dường như luôn chia thành 2 thái cực và chưa bao giờ có thể thực sự hòa giải được như những lời tự kêu gọi. Ngay cả người Việt mà còn như vậy với nhau, trách gì việc họ không biết cách tôn trọng những quốc gia khác, tôn trọng những giá trị di sản chung của nhân loại.

Đông Kha

Exit mobile version