“Cỏ Hồng” của nhạc sĩ Phạm Duy, bài hát dành cho tuổi thanh xuân mê đắm

Trên con đường “du ca” của mình từ Bắc chí Nam, rồi qua tận Mỹ, nhạc sĩ Phạm Duy đã đi qua rất nhiều danh lam thắng cảnh đẹp nổi tiếng, nhưng có một miền đất khiến trái tim chàng trai trẻ tuổi Phạm Duy thốt lên ngỡ ngàng: “nơi thần tiên”. Đó là Đà Lạt của những năm xưa.

Nếu bạn là người yêu thích nhạc xưa, hãy theo dõi kênh YouTube này để nghe đọc các bài cảm nhận về âm nhạc (phân tích ý nghĩa, hoàn cảnh sáng tác, tiểu sử ca nhạc sĩ): LINK YOUTUBE  < Click

Trong hồi ký của nhạc sĩ, Đà Lạt giống như một cô gái yêu kiều, đài các, kiêu sa, kín cổng cao tường mà bao chàng trai dòm ngó nhưng không thể chạm vào. Ông kể:

“Vào hồi đầu thập niên 1940, người dân đen muốn tới thành phố Đà Lạt không phải là chuyện dễ dàng đâu! Phải làm đơn xin phép và chờ Sở mật thám điều tra rồi ba tháng sau mới có giấy đi. Thường thường chỉ là giấy cho phép tới nghỉ mát (villégiature) trong một thời hạn nào đó. Nếu muốn tới làm ăn sinh sống ở Đà Lạt thì lại một chuyện khác, một chuyện khó khăn vô cùng. Người Pháp thành lập ra thắng cảnh Đà Lạt để dành riêng cho người da trắng. Gánh Đức Huy lên Đà Lạt dễ dàng vì anh Chúc đã đút tiền cho Sở cảnh sát rồi”.

Phải chăng, chính vì sự xa cách đó mà dù khen tặng, ngưỡng mộ, nhạc sĩ vẫn không có ca khúc nào dành cho Đà Lạt. Cho đến tận hai mươi năm sau đó, khi Đà Lạt không còn là “vùng cấm” thì nơi đây mới trở thành vùng đất “thần tiên” thực sự đối với tâm hồn âm nhạc Phạm Duy.

Đó là khi ông rơi vào lưới tình với cô gái trẻ Lệ Lan (còn gọi là Alice), mà nhạc sĩ gọi là “mối tình thơ nhạc”. Nếu Phạm Duy từng không ngần ngại thừa nhận những mối tình thoáng qua, chỉ thuần đam mê xác thịt, thì mối tình với Lệ Lan lại như một nốt nhạc trong veo giữa đời trai nồng mùi nhục dục của người nhạc sĩ tài hoa, nổi tiếng “nghiện tình”. Một điều thật trớ trêu và hy hữu ít ai biết, theo nhạc sĩ Phạm Duy thì đây chính là “tình mẹ duyên con”. Bởi mẹ của nàng Lệ Lan chính là Helene, người mà nhạc sĩ Phạm Duy đã đem lòng yêu mến khi còn trẻ. Sau này, khi Phạm Duy tìm đến thăm, trong khi người mẹ tỏ ra xa cách, giữ gìn thì cô con gái mới lớn của bà lại trót đem lòng yêu người nhạc sĩ tài hoa lớn tuổi. Sự chênh lệch quá lớn về tuổi tác và sự tréo ngoe của mối tình khiến nhạc sĩ từng có ý lẩn tránh cô gái trẻ. Nhưng sự nồng nhiệt của người đẹp và cả nhan sắc trẻ trung của cô đã đã nhanh chóng xô đổ bức tường mỏng manh của người nhạc sĩ đa tình.

Trong suốt 10 năm yêu nhau, Lệ Lan đã viết hơn 300 bài thơ tình gửi nhạc sĩ Phạm Duy, và ông cũng viết tặng người đẹp khoảng 40 bài hát. Trong bức thư cuối cùng gửi người tình trước khi đi lấy chồng, người đẹp viết: “Mười năm, quá đủ cho một mối tình đẹp và một đời người ngắn ngủi (…)Từ đây đến ngày cưới có thể L. sẽ xin gặp chú một, hai lần nữa. Chẳng để làm gì cả. L. chắc chú cũng nghĩ như L. Chẳng có gì bi thảm. Chẳng có gì tiếc hận. Một mối tình đẹp kết thúc một cách êm ái. L. chỉ xin giữ lại một chút dư hương để truyền lại cho các con của L. sau này cho chúng nó cũng có một tâm hồn biết yêu thương đằm thắm”.

Sau khi người tình trẻ đi lấy chồng, nhớ lại những tháng ngày êm đềm, rất đỗi dịu dàng, nằm trọn trong vòng tay ái ân của người tình tại xứ sở sương mù, nhạc sĩ Phạm Duy viết ca khúc Cỏ Hồng như một lời tri ân. Bởi theo lời nhạc sĩ, Lệ Lan chính là người đã giúp ông soạn ra rất nhiều những câu hát ái tình. Tình yêu của cô gái trẻ năm ấy dành cho ông dịu dàng, trong vắt như những giọt sương mai, không đòi hỏi, không oán trách. Việc của nhạc sĩ là hồn nhiên yêu, hồn nhiên sáng tác, cùng người tình dệt lên “mối tình thơ nhạc” tuyệt đẹp.


Click để nghe Lê Uyên & Phương hát Cỏ Hồng trước 1975

Ca khúc Cỏ Hồng ra đời năm 1970, khi cặp du ca Lê Uyên – Phương đang làm mưa làm gió khắp các sân khấu âm nhạc từ quê nhà Đà Lạt tới Sài Gòn bằng thứ âm nhạc dục tính, đầy tự do và hoang dại đậm chất cao nguyên. Nhạc sĩ Phạm Duy thừa nhận ông đã bị ảnh hưởng bởi thứ âm nhạc đầy dục tính đó khi viết ca khúc Cỏ Hồng. Ông viết trong hồi ký của mình: “Vào năm 1970, sau khi tôi đã soạn xong những bài như Trả Lại Em Yêu, Con Đường Tình Ta Đi… vốn là những bài ca tình cảm mô tả cuộc tình của những lứa đôi đang sống một cuộc đời bấp bênh vì không tránh khỏi cảnh xa nhau bởi thời thế. Một nhạc sĩ khác, Lê Uyên-Phương, tung ra một loạt ca khúc mang chất dục tính, ví dụ như bài Vũng Lầy Của Chúng Ta. Tôi bắt chước anh, soạn một bài có tính chất xưng tụng nhục thể”.

“Bắt chước” có lẽ chỉ là cách nói “khiêm nhường” của người nhạc sĩ tài hoa ấy, bởi khác hoàn toàn với thể loại âm nhạc dục tình cuồng mê, vội vã, mạnh bạo, đầy hoang dại của Lê Uyên – Phương, thứ dục tính mà nhạc sĩ Phạm Duy đưa vào âm nhạc say mê nhưng không cuồng vội, vồ vập. Đôi tình nhân của Cỏ Hồng chầm chậm tận hưởng, chầm chậm quyện vào nhau trên những nốt nhạc ve vuốt, gợi cảm, tinh tế và diễm lệ.


Click để nghe Thái Thanh hát Cỏ Hồng trước 1975

Xin hãy nghe những câu hát đầu tiên của nhạc phẩm này:

Rước em lên đồi, cỏ hoang ngập lối
Rước em lên đồi, hẹn với bình minh

Đến tận cuối đời, nhạc sĩ Phạm Duy vẫn dành cho người tình xưa những lời ngọt ngào, trân trọng. Ông nói: “Tôi yêu người phụ nữ ấy lắm…” . Chắc chắn là như vậy, bởi ngay từ câu hát đầu tiên, chỉ với một chữ “rước”, sự yêu thương, trân trọng, nâng niu dành cho người tình đã hiển hiện rõ ràng.

Bối cảnh hò hẹn của đôi tình nhân là đồi cỏ hoang vắng không người qua lại, “cỏ hoang ngập lối”. Ngập lối đi nhưng không che khuất tầm nhìn. Bởi đồi cỏ hồng ở Đà Lạt, ngọn cỏ thường chỉ cao xâm xấp mắt cá chân, cỏ trải rộng khắp một vùng rộng lớn, xanh mát, giống như một tấm thảm mềm mại. Nơi này rất yên tĩnh, hầu như không có côn trùng làm phiền, là nơi hò hẹn lãng mạn, riêng tư và rất lý tưởng cho những đôi tình nhân. Thời gian lựa chọn cũng rất phù hợp, ấy là lúc tờ mờ sáng, sương còn giăng giăng khắp nơi, bình minh chưa ló dáng thì hẳn là càng chắc chắn không có ai tới làm phiền khoảng không riêng tư của họ.

Đôi chân xinh xinh như tình thôi khép nép
Hãy vứt chiếc dép, bước đi ôm cỏ mềm

Giữa cảnh sắc “thần tiên” ấy, cô gái đã không ngần ngại cởi bỏ mọi e dè, khép nép. “Đôi chân xinh xinh” của cô rộn rã tung tăng trên đồi cỏ. Khi chàng nhạc sĩ thì thầm: “hãy vứt chiếc dép, bước đi ôm cỏ mềm”, cô gái đồng ý, ấy là lúc họ gần nhau thêm chút nữa. Chỉ khi cô gái bỏ đi đôi dép, đi trên mặt cỏ bằng đôi chân trần, không vướng bận, cô mới có thể cảm được hết sự tinh khôi, mềm mại của cỏ, sự trinh nguyên của sương đêm,… “Chiếc dép” của cô cũng giống như những rào chắn khép nép, e dè của cô với chàng trai. Chỉ khi cô cởi bỏ được điều đó, đặt những cảm xúc “phòng thủ” đó xuống thì họ mới có thể chạm vào tình yêu.

Nếu ở những câu hát trên, lời hát ve vuốt, dịu dàng, đưa đón thì đến đoạn nhạc tiếp theo, nhịp điệu của lời hát đã được đẩy nhẹ lên một chút, giống như nhịp đập trái tim của đôi tình nhân, khi họ cởi bỏ sự “khép nép”, cùng nắm tay nhau, bước đi trên đồi cỏ mềm:

Đồi êm êm, cỏ im im, ngủ yên yên, mộng rất hiền
Giọt sương đêm còn trinh nguyên
Nằm mê man chờ nắng sớm lên, rước em lên đồi tiên

Đồi nghiêng nghiêng, cỏ lóng lánh,
Rồi rung rinh, bừng thoát giấc lành
Trời mông mênh, đồi thênh thênh
Cỏ chênh vênh chờ đôi nhân tình

Những cảm xúc rạo rực, mê say, lâng lâng, hồi hộp khó tả của đôi tình nhân được nhạc sĩ khéo léo lồng ghép trong bức tranh yên bình còn say ngủ của đồi cỏ lúc sáng sớm. Chỉ với 7 câu hát ngắn, nhạc sĩ đã sử dụng đến 10 từ láy tượng thanh, tượng hình: êm êm, im im, yên yên, mê man, nghiêng nghiêng, lóng lánh, rung rinh, mông mênh, thênh thênh, chênh vênh, tạo nên một cảnh sắc lạng mạn, êm ả vừa gợi tình, quyến rũ.

Không gian, thời gian và cả đất trời, cỏ cây dường như đều phát ra tín hiệu se duyên cho đôi tình nhân. Đây có lẽ lần đầu tiên họ ở cạnh nhau trong một khung cảnh riêng tư, tình tứ như vậy. Sau những cảm giác bỡ ngỡ, hồi hộp khó tả ban đầu, trái tim của đôi tình nhân bắt đầu mở ra, “rung rinh bừng thoát giấc lành”, hoà nhịp cùng với đất trời, cỏ cây. Và khúc hoan ca của hai trái tim yêu bắt đầu cất lên, đầy tự do, hoà vào một nhịp:

Rước em lên đồi xanh
Rước em lên đồi trinh
Mời em lên núi cao thanh bình
Cỏ non phơn phớt ôm chân mình

Mời em rũ áo nơi đô thành
Cùng ta lên núi cao thanh thanh
Em ơi! Đây con đồi dài, như bao nhiêu mộng đời
Nghiêng nghiêng nghe mặt trời yêu đương

Đôi tình nhân thổ lộ tình yêu cùng nhau, hứa hẹn cùng nhau xây đắp “mộng đời”.

Níu em trên đồi, cỏ thơm mùi sữa
Níu em yêu ngồi trên bãi cỏ non
Giương đôi tay ôm thân tròn ơn mưa móc
Hãy xoã mái tóc, rũ trên vai anh mòn…

Trong khúc hoan ca rộn rã, tình tứ của đất trời, của hai trái tim yêu, đôi tình nhân “níu” nhau lại, quyện vào nhau trong “cỏ thơm mùi sữa”, “trên bãi cỏ non”. Tất cả đều non tơ, thơm ngát, thanh khiết như tình yêu của đôi tình nhân. Họ quyện vào nhau, níu giữ nhau, say đắm trong sự trinh nguyên, trong tiếng gọi của tình yêu, trong khát khao hoà vào nhau, dâng tặng nhau thứ tình thơm ngọt chứ không phải thứ ẩn ức dục tính xác thịt hời hợt.

Đồi quen quen, cỏ ngoan ngoan, tưởng mơn man làn tóc rối mềm
Rồi nghe thêm lời van xin
Từ trong tim hoặc dưới suối tiên

Ngã êm trên cỏ hoang
Trời trong êm, đồi choáng váng,
rồi run lên cùng gió bốn miền

Cỏ không tên nằm thênh thang,
rồi vươn lên vì ta yêu nàng

Những thanh âm, màu sắc, chuyển động trong ngôn từ âm nhạc giống như những làn sóng nhấp nhô từng đợt từng đợt, đan xen nhiều cung bậc, khi dịu dàng, ve vuốt khi gấp gáp, cuồng si để rồi bất chợt cuộn trào lên rúng động cả đất trời: “Trời trong êm, đồi choáng váng, rồi run lên cùng gió bốn miền”. Sau những đưa đón, dịu dàng, khép nép, e dè, những cảm xúc rạo rực, mê say của thuở ban đầu, đôi tình nhân đã đưa nhau đến cung bậc cao nhất, hoà quyện vào nhau, phóng thích cho nhau, cùng nâng nhau lên. Đó mới là thứ tình yêu thực sự. Thứ tình yêu làm nên phép màu: “Cỏ không tên nằm thênh thang, rồi vươn lên vì ta yêu nàng”.

Hỡi ôi con đồi ngoan! Hỡi ôi cỏ hồng hoang!
Cỏ xanh đổi sắc theo nhân tình
Mặt trời cũng đang soi tia lành
Cỏ hoang xao xuyến trên ngọn ngành
Đỏ như trong giấc mơ lung linh

Khi những quấn quít đam mê vừa dứt thì những tia nắng đầu tiên của bình minh cũng vừa rọi xuống, giống như điềm báo hiệu về một mối duyên lành vừa được kết thành. Và hãy nhìn xem, dưới những “tia lành” của ánh mặt trời buổi sáng, “cỏ xanh đổi sắc theo nhân tình” tự lúc nào? Không còn là đồi cỏ xanh nữa, mà hiện ra trước mắt đôi tình nhân là đồi cỏ hồng lung linh, rực rỡ như một giấc mơ. Một màu hồng ngọt ngào, mịn màng phủ kín cả vùng đồi rộng lớn. Nhờ cảnh sắc thần tiên đó, thay vì hoảng hốt, lo sợ vì lỡ cắn vào trái cấm, lại khiến đôi tình nhân hân hoan, rạng rỡ, chìm đắm trọn vẹn trong tình yêu. Chàng trai xiết chặt cô gái trong vòng tay dịu dàng của mình, hít hà mùi thơm trên cơ thể cô, nựng nịu cô bằng những lời yêu thương:

Em ngoan như tình nồng, em bao la mịt mùng
Em thơm như cỏ hồng em ơi!

Bài: Niệm Quân
Bản quyền bài viết của nhacxua.vn

Exit mobile version