Chuyện tình yêu của nữ thi sĩ Huyền Chi – Chuyện thứ tư: Người tình trăm năm

Trong loạt bài trước, chúng tôi đã đăng lại bài viết của nữ sĩ Huyền Chi (tác giả bài thơ Thuyền Viễn Xứ được nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc) kể về những cuộc tình trong đời vào thập niên 1950. Trong câu chuyện sau đây, bà tiếp tục kể về chuyện tình thứ 4, là câu chuyện lớn nhất, quan trọng nhất của cuộc đời, câu chuyện có một kết thúc rất đẹp mà bà đã ghi lại như sau:

Nếu bạn là người yêu thích nhạc xưa, hãy theo dõi kênh YouTube này để nghe đọc các bài cảm nhận về âm nhạc (phân tích ý nghĩa, hoàn cảnh sáng tác, tiểu sử ca nhạc sĩ): LINK YOUTUBE  < Click

Đó là lý do tôi đã rút lui khỏi thế giới thi ca, khỏi những hào quang, những mến mộ để toàn tâm toàn ý cho tổ ấm nhỏ bé, tầm thường nhưng quý giá của tôi các bạn ạ.

Anh tên là T. Tôi không có ấn tượng gì về anh, có thể nói tôi không ưa anh cũng không sai. Có lần đang tung tăng với mấy con bạn học ở biển Lạc Đạo Phan Thiết, anh xuất hiện. Thấy anh, tôi lảng xa ra, tụi bạn ào ào chào anh. Anh nói chuyện với chúng nó vui vẻ, bởi vì trước kia anh từng là thầy giáo chúng nó, anh cũng “suýt” là thầy giáo tôi, vì tôi vào học sau một ngày anh rời trường để trở lại Sài Gòn học cao hơn. Lúc ấy, ᴄhιến sự căng thẳng, ít người được học thông suốt một lèo, mà phải đứt ra từng khúc như thế.

Tôi không ưa anh, một phần vì anh cũng chẳng để ý đến tôi: Một con bé 15 tuổi, trong khi những chị lớn tuổi hấp dẫn hơn. Có lần tôi đang đi trên biển Lạc Đạo, anh và một người bạn trai nhỏ tuổi hơn tên là L đi theo sau. Tôi nghe tiếng anh đọc thơ Nguyễn Nhược Pháp:

Em đi chàng theo sau
Em không dám bước mau
Sợ chàng chê hấp tấp
Số gian nan không giàu…

Hai chân tôi bắt đầu líu quíu. Tôi không lạ gì L bạn anh, anh này nhà ở trên đường đến trường tôi. Không có buổi đi học nào của tôi mà anh không đứng sẵn trên ban công nhà anh nhìn xuống. Có khi tôi đang đi học với bạn, anh thình lình chặn tôi lại để hỏi về… anh tôi.

– Anh Khánh bây giờ đi học đâu? Lâu quá tôi không biết tin anh ấy.
– Anh ấy học ở Petrus Ký anh à.

Con bạn đang đi với tôi tự dưng bỏ đi trước, vừa đi vừa nói:
– Tui đi trước nha!
– Đừng, đợi mình – Tôi vội vã kéo áo nó, nhưng nó cứ đi.

Rồi anh hỏi tôi đủ thứ về anh tôi, đến khi tôi nói:

– Tôi đi nha, trễ học rồi.

Anh mới chịu chào tôi.

L cũng thường tâm sự với T là anh yêu tôi, mà không biết cách nào thổ lộ.

– Viết đi tôi đưa cho. – T nói. Nhưng L không bao giờ dám. Sau này khi tôi rời Phan Thiết, anh cũng bỏ đi.

Kể chuyện này để chứng tỏ T và tôi không có tình cảm gì với nhau lúc ấy.

Huyền Chi năm 1952 (18 tuổi)

Năm 1948 tôi rời Phan Thiết, rời mẹ đi Đà Lạt ở với chị. 1950 tôi trở về Sài Gòn giúp mẹ buôn bán, đi làm, đi học, công tác với nhóm thơ, văn, nhạc “Chim Việt”, như một người phó nhóm và… làm thơ.
Một hôm, trên con đường đi làm tôi gặp anh C (sau này là thầy dạy nhạc ở trường Phan Bội Châu – Phan Thiết, và nay đã mất) đi cùng với T. Vì được biết anh C mới gia nhập nhóm, nên sau khi chào hai anh, tôi nói chuyện với anh ấy về công việc, rồi lên xe buýt đi làm.

Hồi đó bến xe buýt gần công viên Quách Thị Trang. Hồi ấy tôi có ghi danh học đánh máy chữ ở lớp tối. Giữa buổi học, được nghỉ, các bạn và tôi ra đường bu quanh xe kem. Đang ăn kem và nói chuyện thú vị với các bạn, tôi thấy T đạp xe đạp đi qua. Hôm nào cũng thế. Thấy anh là tôi cầm cây kem đi vào lớp, bực mình vì cứ phải gặp anh luôn. Sau này anh nói: Vì anh học thi cả ngày, nên giờ đó, anh cần đạp xe thong thả để thư giãn đầu óc, chứ không phải có ý gặp tôi.

Bỗng một hôm tôi nhận được thư anh hỏi chuyện về gia đình tôi và tôi, xin được làm quen. Tôi trả lời bằng một bài thơ lục bát dài. Anh nói chính bài thơ đó gây ấn tượng trong anh, làm anh chú ý tôi. Rồi cứ 1-2 ngày tôi lại nhận được một cái thư qua bưu điện, trên giấy pelure xanh. Anh kể anh rất cô đơn trong gia đình anh. Mỗi lần anh nhớ nhà, gửi thư về nhà, bố anh chỉ viết một câu:

– Học đi! Đừng tình cảm vặt nữa!

Anh đến nhà học trò dạy thêm, thấy bà mẹ chăm sóc con rất dịu dàng thân ái, anh rất thèm. Có lúc anh thích cô con gái bà ta vì chính thái độ của người mẹ, chứ thực ra anh không yêu cô ấy!

Ban đầu anh học ở Chasseloup Laubat (nay là trường Lê Quý Đôn), sau qua Taberd (nay là trường Trần Đại Nghĩa). Khi tôi quen anh, anh sắp sửa thi Tú Tài 2 Pháp. Anh Khánh tôi ở xa, lo lắng về em gái. Một lần anh về nhà thăm trong khi mẹ và em đi vắng. Trong lúc ngồi chờ, anh mở tủ tôi xem và bắt gặp nhiều thư của T. Anh đọc thư thấy sao mà thắm thiết thân mật quá!  Khi tôi về, anh hỏi và khuyên nhủ tôi cả tiếng đồng hồ nhưng sau đó tôi không biết anh tôi đã theo địa chỉ trên phong bì đến nhà T.

T trọ học trên một cái gác trên đường Dixmude (đường Đề Thám bây giờ). Khi anh tôi bước vào, anh thấy T đang ngồi học chăm chỉ ở bàn. Trên tường trước mặt có một tấm bìa lớn ghi Baccalaureat D’abord (Tú Tài 2 trước tiên), và trên bàn trước mặt anh là khung ảnh của tôi. Lòng anh tôi bỗng mềm nhũn lại. Anh hỏi chuyện T và tôi. T nói:

– Tôi thật sự yêu N, tôi đang cố gắng để được có N.

Anh tôi căn dặn vài điều rồi rút lui.

Sau khi T thi đậu rồi, anh vẫn tiếp tục viết thư, có khi viết cả Tập san cho tôi. Anh đến gặp tôi và vấp phải sự chống đối của mẹ tôi. Mẹ tôi lúc ấy chỉ muốn tôi lấy anh nhà giàu doanh nhân, bà gần như đuổi xua tất cả anh chàng nào tiếp cận tôi. Có lần sáng sớm biết bà đang buôn bán ở chợ, T đến nhà tôi. Vừa ngồi với tôi ở bàn độ 15 phút anh quay mặt ra cửa. Anh mở cặp, đang rút gói kẹo ra bỗng ngừng lại, đút gói kẹo vào, đóng cặp. Tôi lấy làm lạ, quay lại: Mẹ tôi đang bước vào.

Không biết ai báo với bà mà bà biết. Bà nói: Tôi biết cậu là bạn của thằng Khánh (anh tôi). Tôi không muốn cậu đến đây nữa. Cậu về đi và đừng bao giờ đến đây nữa.

Anh nhìn tôi, rồi bước ra.

Một lần khác, anh đem tặng tôi một bó hoa Thược Dược trắng. Tôi cắm vào bình, ngắm nghía rất thích. Khi mẹ về bà hỏi:

– Phải của thằng Phan Thiết không?
– Vâng – Tôi trả lời

Đến khi đi học về tôi sững sờ thấy cả bó hoa đẹp bị quăng vào thùng rác. Còn nhiều điều khác nữa làm tôi buồn và phẫn uất. Trước kia, tôi chỉ yêu anh ít nhưng từ khi chứng kiến những sự quá đáng mẹ tôi cư xử với anh, tôi bỗng thấy yêu anh nhiều hơn.

Không gặp được tôi ở nhà tôi, anh và tôi gặp nhau tại nhà một bà chị họ không chồng rất thương tôi. Chúng tôi chỉ nói chuyện với sự có mặt của bà.

Có một lần đứa bạn gái hỏi tôi: N đã biết hôn chưa? Tôi lắc đầu, tôi hỏi nó, nó cũng lắc đầu. 19 tuổi mà chưa biết hôn, bây giờ nghe buồn cười, nhưng hồi đó chuyện đó cũng bình thường thôi.

Một lần, khi bà chị họ ra ngoài, anh ôm siết tôi và hôn tôi trên môi. Tôi thẹn bỏ về. Tôi cho là anh coi thường tôi. Sau đó, tôi không gặp anh nữa, không viết hay trả lời thư. Anh quýnh lên viết cho tôi một cái thư kể một câu chuyện:

“Có một chàng yêu em gái của một người bạn. Một buổi tối, khi chàng từ giã nàng, nàng tiễn chàng ra cổng, đến cổng xúc động làm sao không biết, chàng ôm nàng, hôn nàng. Sau đó, nàng từ hôn, vì cho rằng mình bị xúc phạm, người anh cô gái phải gọi hai người lại, nghiêm trang nói: Này cô! Cô không phải là trẻ con, cô đã là người lớn rồi. Còn chú! Chú không nên nóng vội quá”.

Khi gặp nhau tôi hỏi:

– Rồi hai người ra sao hả anh?
– Yêu nhau thì chuyện đó làm sao tránh được. Cũng như em, em con nít quá!

Sau đó, tôi làm lành với anh.

Có lần anh kể anh về xin cha mẹ cưới tôi, ba anh phản đối kịch liệt . Anh nói:

– Hồi ấy ba mới 20 tuổi lấy vợ, con bây giờ đã 26 tuổi rồi.
– Mày phải học cho xong đã. Mày là con trưởng phải làm gương cho các em mày.
– Nhà không giàu có gì, ba lương công chức mà gởi tới ba đứa con, một đứa cháu học Taberd, làm sao con học xong được? Vả lại con cũng không muốn học Pharmacy (Dược khoa). Con muốn đi dạy học.

Tuy nói vậy nhưng sau vài tuần suy nghĩ bàn bạc với vợ, ông bà bằng lòng. Ông nhờ một bà có vai vế ở Phan Thiết đến gặp mẹ tôi. Hai bà nói chuyện một lúc lâu, rồi bà kia về. Tôi nghi nghi, hỏi:

– Bà ấy nói gì thế mẹ?
– Bà ấy nói cha mẹ thằng T nhờ bà ấy hỏi con cho nó.
– Rồi mẹ nói sao?
– Mẹ nói con còn bé chưa muốn lấy chồng.

– Ủa! Sao chuyện của con mà con không biết gì hết vậy? Đáng lẽ trước khi trả lời, mẹ phải hỏi con chứ!
– Đừng lấy nó con ạ. Khổ lắm con!

Tối đó, anh và tôi gặp nhau ở nhà bà chị. Anh có vẻ ủ rủ, nói:

– Ba má anh nhờ bà mai gặp mẹ em, nhưng mẹ em từ chối. Sau đó, bà gặp anh kể lại mọi sự, bà khuyên anh ráng học đi, học xong thì thiếu gì vợ!
– Không phải thế đâu. Mẹ không hỏi gì em cả, em không biết gì.
– Vậy à! Để anh gọi cho ba má anh.

Ba má anh nghe bà mai thuật lại cũng tự ái nên ngưng chuyện đi hỏi.

Sau đó ít lâu, anh viết cho tôi một cái thư nói: Anh đã xin được dạy ở trung học Võ Tánh – Nha Trang. Em có dám bỏ tất cả đi với anh ra ngoài ấy không?

Tôi chắc chắn không thể làm được việc ấy. Tôi thuyết phục anh hãy kiên nhẫn chờ thêm một thời gian nữa. Nhưng may mắn lá thư của anh tôi để trong túi xách. Khi tôi đi vắng mẹ tôi lục túi và thấy nó. Khi bà nhìn thấy anh rủ tôi ra Nha Trang sống bà sợ quá, nên tuyên bố: Thôi con gọi nó đi, mẹ cho phép cưới.

Thế là sau đó đám hỏi được tiến hành. Dự định ba tháng sau sẽ làm đám cưới. Nhưng trước đó sáu tháng, anh đã bỏ học về Phan Thiết. Trước khi đi gặp tôi, anh nói:

– Anh sẽ vắng mặt một thời gian. Anh phải thu xếp một số việc vì tương lai chúng ta. Anh mong em sẽ thường viết thư cho anh và anh cũng vậy. Cuối cùng anh ngập ngừng nói nhỏ vào tai tôi: Em cho anh cái áo lót của em.

Hồi ấy phụ nữ thường mặc áo dài ngoài áo lót. Sau này các cô bỏ áo lót, nên chỗ hông không được kín đáo. Ban đầu tôi mắc cỡ, không chịu. Sau anh năn nỉ mãi. Anh nói: Để anh đỡ nhớ em. Tôi mới chịu.

Rồi anh đi. Anh đã xin dạy học ở Phan Bội Châu – Phan Thiết. Vào mùa hè năm đó, anh mở nhiều lớp ở nhà để dạy tư. Học trò đến học rất đông, cả các học trò học ở Sài Gòn về Phan Thiết nghỉ Hè, cũng đến học. Trong ba tháng, anh đã có 6 lượng vàng để làm đám cưới.

Trong thời gian ấy chúng tôi vẫn thư từ cho nhau. Vì anh không muốn người trong nhà đọc thư của tôi, nên dặn bưu điện giữ lại để anh đến lấy. Mỗi khi nhận được thư tôi, anh vào vườn hoa Phan Thiết, chỗ Lầu nước, ngồi trên ghế đá để đọc. Anh nói đó là thời gian hạnh phúc nhất của anh. Anh kể mỗi tối, sau một ngày làm việc, anh đi ngủ, với cái áo lót của tôi trên ngực.

Anh cười: Ban đầu trong nhà không ai biết, nhưng sau nó dơ quá, anh phải bỏ ra nhờ cô em gái giặt. Cô em ngạc nhiên quá kêu lên làm cả nhà ai cũng biết. Họ cười chọc ghẹo anh.

Việc đám cưới sau đó tiến hành mau lẹ, thuận lợi. Anh biết, để kéo dài chừng nào, nguy hiểm chừng đấy, vì lúc nào cũng có các vệ tinh vây quanh tôi, ngoài ý muốn của tôi.

Sau đám cưới anh chỉ dặn tôi một điều, khi nào giận nhau anh sẽ xin lỗi trước, bất kể lỗi của ai, và em phải làm hoà ngay. Vợ chồng không được giận nhau quá 15 phút.

Anh kể: Hồi anh còn nhỏ, mỗi lần ba mẹ cãi nhau, bà bỏ đi nằm không nấu cơm và anh em anh bị đói. Mà ông bà cãi nhau luôn.

Sau này anh nói: Khi lên lầu vác cái va li lớn của em xuống để chuẩn bị về Phan Thiết anh cảm thấy trách nhiệm thật nặng nề đối với vợ từ nay về sau.

Trước khi đi Pháp đề học Kỹ sư Hàng Không, anh Khánh tôi có về Phan Thiết thăm chúng tôi. Anh muốn biết chúng tôi sống ra sao? Anh Khánh hỏi:

– Hai vợ chồng em ai giữ tiền?

T nói: Người vợ là nội tướng, nên người vợ phải giữ để lo cho gia đình.

Anh đã làm đúng điều này về tất cả món tiền mà anh kiếm được. Nhưng bao giờ chúng tôi cũng dành 1/3 lương anh để phụng dưỡng cha mẹ chồng. Cha chồng tôi cũng có lương hưu.

Khi đã thành vợ chồng anh mới kể một chuyện mà tôi không biết. Lúc đang thực tập Dược khoa anh có quen hai chị em. Người chị lớn tuổi độc thân, rất giàu, dân Tây. Cha mẹ đã mất, chỉ còn hai chị em sống với nhau, nghề của bà là cho các Dược sĩ vay tiền mở và điều hành hiệu thuốc. Cô em 22 tuổi yêu anh. Khi biết nguyên do anh phải nghỉ học và vì gia đình khó khăn, bà đã đề nghị: Nếu anh lấy em bà, bà sẽ lo cho anh học đến nơi đến chốn và sẽ mở hiệu thuốc, cung cấp vốn liếng cho anh. Nhưng anh không nói với ai và quyết định từ chối.

Một hôm anh có vẻ trầm ngâm, nói với tôi: Em có thể giúp anh, tránh cho anh những lo nghĩ, để anh tiếp tục học không? Anh có thể lấy Cour (bài vở) và tự học. Anh nung nấu với ý tưởng ấy. Tôi nói: Được, anh cứ tiến hành đi. Sáu năm sau, anh lấy bằng Cử nhân Văn chương Pháp.

Nữ sĩ Huyền Chi năm 1968 (34 tuổi)

Tính anh rất galant (lịch sự với phụ nữ). Anh nói anh bị ảnh hưởng điều này từ ông Dượng (chồng dì ruột) của anh. Có lần một người bạn cùng chấm thi với anh về nhà trước, mách tôi:

– Chị phải la anh T đi. Anh ấy lo xách vali dùm cái cô giáo đi chấm thi nên bị lỡ chuyến xe lửa đó!

Khi anh về tôi hỏi, anh cười:

– Anh đã ngồi trên xe rồi nhưng thấy mấy cô ấy ì ạch khó khăn với mấy cái vali dưới sân ga, nên anh nhảy xuống xách và đưa lên xe giùm. Vừa xong thì xe chạy, bỏ anh lại ở sân ga.
– Rồi hành lý anh trên xe làm sao?
– Anh nhờ trưởng ga đánh điện đến ga kế tiếp giữ hành lý của anh ở lại ga. Anh đi chuyến xe sau đến nhận. Thế thôi!

Dù anh đi chấm thi hay đi đâu, bao giờ về tôi cũng có quà: Khi mấy xấp hàng vải để may áo dài, áo đầm, khi vài bộ quần áo lụa hàng đẹp mặc ở nhà, khi vài chiếc áo ngủ… Anh nói: Anh thấy chúng nó được treo trong tủ kính đẹp quá nên mua về cho em…

Sau 1975, hai vợ chồng đi ăn phở. Thấy anh đứng sau lưng, kéo ghế cho tôi, cô chủ quán thích lắm khen: Anh lịch sự với vợ quá! Ngày nay đàn ông ít để ý đến vợ lắm!

Một lần tôi đi Sài Gòn học một khoá kế toán cao cấp Mỹ do người Mỹ dạy. Anh ở nhà kêu gọi các con làm một tập san để mẹ về tặng mẹ. Tôi vẫn còn giữ tập san ấy. Thơ, văn, tuỳ bút, truyện ngắn đủ cả. Trẻ con thì viết một đoạn văn về mẹ, đứa bé nhất chưa biết viết thì tập đồ, có cả tranh nữa. Phần anh mấy truyện ngắn, tuỳ bút và vài bài thơ…

Khi trở về, cầm cuốn sách, tôi thấy cảm động và rất vui. Thật là ấm áp tình gia đình. Những kỷ niệm rất thân thương… Những năm sống với nhau anh đã cho tôi nhiều hạnh phúc, nụ cười, sự tin tưởng, quan tâm và chia sẻ…

Huyền Chi cùng với 6 người con năm 1963 (29 tuổi)

Chúng tôi không chỉ là vợ chồng mà còn là bằng hữu. Anh không có nhiều bạn và tôi chính là bạn thân của anh. Anh có thể kể cho tôi nghe tất cả vấn đề, tất cả ý nghĩ của anh. Tôi lắng nghe, thông cảm, bàn với anh những giải pháp. Tôi cũng biết nghe anh khôi hài (anh rất thích khôi hài) và trân trọng những người bạn hiếm hoi của anh. Chẳng hạn anh định ra hiệu ăn với một người bạn. Anh bảo tôi: Em làm thêm cho anh một món, ngoài ấy họ làm không được ngon. Tôi bèn làm món gỏi Ốc Hương. Vật liệu đã có sẵn trong tủ lạnh. Khi về anh nói: Bạn anh thích món em làm lắm! Ăn hết rồi, nó còn bưng cả đĩa lên húp cạn cả nước.

Tôi đã chọn một người biết nói: ANH YÊU EM suốt 55 năm từ khi chưa cưới đến khi nằm trên giường bịnh, không thể ngồi dậy, kêu cháu nội mua cho cái thiệp, đỡ nghiêng để ông viết mấy hàng chữ xiêu vẹo vào tấm thiệp nhân ngày hôn nhật 6/9:

Diễm Ngọc là… cái gì ngọt ngào, thơm và vi diệu nhất của anh. Đây là ngày anh lặp lại I love you, only one, the sweetest all my life. (Anh yêu em, chỉ mình em, sự ngọt ngào nhất suốt đời anh.)

Đó là lý do tôi đã rút lui khỏi thế giới thi ca, khỏi những hào quang, những mến mộ để toàn tâm toàn ý cho tổ ấm nhỏ bé, tầm thường nhưng quý giá của tôi các bạn ạ.

Huyền Chi – 26/7/2018

Exit mobile version