Vào cuối thập niên 1960, trên đoạn đường từ ngã tư Hà Lam đến cổng trường trung học Tiểu La – Thăng Bình tỉnh Quảng Nam, người dân ở thị trấn nhỏ lẻ này chắc không quên cô nữ sinh tên là Thu, hàng ngày cắp sách đến trường.
Hồ Thị Thu, người vùng quê ngày ấy thường gọi là Thu Chuẩn (cha của cô tên là Chuẩn) để phân biệt với những cô Thu khác. Thu học ban C, có giọng hát hay, quyến rũ và từng là hoa khôi của truờng Tiểu La lúc bấy giờ. Với mái tóc dài xõa ngang lưng, khuôn mặt trái soan, làn da trắng hồng, thướt tha trong tà áo dài trắng, Thu đã làm cho biết bao nhiêu chàng trai điêu đứng. Trong số đó, Vũ Đức Sao Biển và Đynh Trầm Ca – những học trò chân đất, nhìn người đẹp rồi mơ mộng yêu đương, về nhà làm thơ viết nhạc…
Cô Hồ Thị Thu
Đynh Trầm Ca có “Ru Con Tình Cũ”, Vũ Đức Sao Biển có “Thu, Hát Cho Người”, những bài nhạc này đã được giới học sinh, sinh viên chép nhau rồi truyền tụng. Tên tuổi của các nhạc sĩ cũng nổi danh từ đó. Chỉ có một điều, đây là những mối tình trong mộng tưởng, tình yêu đơn phương, lãng mạn ở lứa tuổi học trò. Thời gian trôi đi, Thu lập gia đình sớm với chàng trung úy pháo binh tên Trần Đình Ái, một pháo đội trưởng pháo binh. Ông Ái là sĩ quan pháo binh yểm trợ cho bộ binh hành quân ở vùng Sơn Tịnh, Quảng Ngãi. Thời ấy vào khoảng năm 1973.
“Thu, Hát Cho Người” để tặng cho Thu được nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển sáng tác vào năm 1968, là một trong nhạc phẩm làm nên tên tuổi của ông:
“Dòng sông nào đưa người tình đi biền biệt
Mùa thu nào đưa người về thăm bến xưa
Hoàng hạc bay, bay mãi bỏ trời mơ
Về đồi sim, ta nhớ người vô bờ
Ta vẫn chờ em dưới gốc sim già đó
Để hái dâng người một đóa đẫm tương tư
Đêm nguyệt cầm ta gọi em trong gió
Sáng linh lan hồn ta khóc bao giờ?
Ta vẫn chờ em trên bao la đồi nương,
Trong mênh mông chiều sương
Giữa thu vàng, bên đồi sim trái chín
Một mình ta ngồi khóc tuổi thơ bay…
Thời gian nào trôi bềnh bồng trên phận người
Biệt ly nào không buồn phiền trên dấu môi
Mùa vàng lên, biêng biếc bóng chiều rơi
Nhạc hoài mong, ta hát vì xa người…”
(Hoa Linh Lan, loài hoa mọc rất nhiều ở Quảng Nam được ông nhắc tới trong bài hát)
Bài hát được 2 danh ca Hà Thanh và Anh Ngọc hát trên Đài Phát thanh Sài Gòn. Sau đó, những giọng ca tên tuổi của Miền Nam như: Phượng Bằng, Mai Hương, Quỳnh Dao, Kim Tước, Vân Quỳnh, Vân Hà, Ngọc Long…thể hiện rất thành công. Bài hát được công chúng đón nhận nồng nhiệt và trở nên nổi tiếng lúc bấy giờ.
Vũ Đức Sao Biển tên thật là Vũ Hợi, sinh ngày 12 tháng 2 năm 1948, tại Tam Kỳ, Quảng Nam. Quê quán tại Duy Vinh, Duy Xuyên, Quảng Nam. Ông còn dùng bút danh Đồ Bì, Đinh Ba, Mạc Đại khi viết phiếm luận. Năm 18 tuổi, ông vào Sài Gòn học Đại học Sư phạm ban Việt – Hán và Đại học Văn khoa, ban Triết học phương Đông.
Năm 1970, Vũ Đức Sao Biển tốt nghiệp và đến Bạc Liêu dạy học các môn Văn, Triết học bậc trung học tại trường Công lập Bạc Liêu. Năm 1975, ông rời Bạc Liêu và trở lại thành phố Sài Gòn dạy học, công tác tại Phòng giáo dục huyện Nhà Bè. Mười năm sau trở lại Bạc Liêu và cho ra đời các ca khúc về miền đất phương Nam.
Một thời, “Thu, Hát Cho Người” đem đến nhiều giai thoại cho giới văn nghệ sĩ, nhất là Quảng Nam, Đà Nẵng và Sài Gòn. Tháng 1/2010, trong chương trình “Gặp gỡ cuối tuần” phát trên HTV7, Vũ Đức Sao Biển có đề cập đến bài hát và coi đó là tình cảm trong sáng của chính tác giả với một người con gái cùng quê ở Quảng Nam. Sau một thời gian xa cách, khi trở về, cô gái ngày xưa giờ có lẽ đã có một bến bờ khác. Một mình lang thang lên đồi sim tím, nơi đã từng gắn bó với mối tình ngày xưa, cảm xúc chợt ùa về… Và “Thu, Hát Cho Người” ra đời trong hoàn cảnh đó.
Nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển
Cuối năm 2011, một lần viết về bài hát này trên báo “Người Lao Động”, Vũ Đức Sao Biển giải thích rằng, tựa đề ca khúc “Thu, Hát Cho Người” là hát cho chính mình, hát cho mùa sim tím, tháp cổ và dòng sông ở vùng quê nghèo khó Thăng Bình (Quảng Nam). Lần này, không hiểu vì sao, trong bài báo “Tôi viết Thu, hát cho người”, ông không hề nhắc đến những câu chuyện về Thu ngày ấy ? Ông tâm sự, thuở học trò, tâm hồn trong sáng như dòng suối êm đềm xuôi chảy dưới chân đồi. Mùa thu, hoa sim tím nở như một tấu khúc dịu dàng. Hoa sim, màu hoa tím nhạt lãng mạn, bình dị giữa thu vàng lại gợi nhớ đến như vậy? Ông nhớ hoa, nhớ người, ôm đàn và hát lên:
“Dòng sông nào đưa người tình đi biền biệt
Mùa thu nào đưa người về thăm bến xưa
Hoàng hạc bay, bay mãi bỏ trời mơ
Về đồi sim, ta nhớ người vô bờ…”
Thật ra, Vũ Đức Sao Biển đã mượn ý của thi sĩ Thôi Hiệu (đời Đường) trong bài “Hoàng hạc lâu” với câu:
“…Hoàng hạc nhất khứ bất phục phản,
Bạch vân thiên tải không du du…”
(…Hạc vàng một khi bay đi đã không trở lại
Mây trắng ngàn năm vẫn phiêu diêu trên không…)
Và ngẫu nhiên, những lời trong bài hát “Thu, Hát Cho Người” cũng trùng với ý thơ của thi sĩ nổi tiếng người Pháp Guillaume Apollinaire (1880-1918) trong bài thơ để đời L’Adieu (Lời Vĩnh Biệt) được Bùi Giáng dịch lời Việt:
Ta đã hái nhành lá cây thạch thảo
Em nhớ cho, mùa thu đã chết rồi
Chúng ta sẽ không tao phùng được nữa
Mộng trùng lai không có ở trên đời
Hương thời gian mùi thạch thảo bốc hơi
Và nhớ nhé ta đợi chờ em đó…
Năm 2007, trong một lần gặp gỡ văn nghệ, khi Vũ Đức Sao Biển nhắc lại câu hát: “…Ta vẫn chờ em dưới gốc sim già đó. Để hái dâng người một đóa đẫm tương tư…” thì nhà văn Sơn Nam đã “phê bình” Vũ Đức Sao Biển: “Mày nói dóc! Cây sim ngoài Quảng Nam của mày thấp tịt, vậy mày ngồi chỗ nào để đợi con nhỏ đó? Mà cái đồi sim thì trống huơ trống hoác, con nhỏ đó có đến thì mày mần ăn được gì?”
Vũ Đức Sao Biển lý giải rằng, cây sim già không nhỏ, đặc biệt là khi mọc trên đồi cát, có cây cao vài ba mét, tỏa bóng mát quanh năm. Ngày ấy, tuổi 20, lòng Vũ Đức Sao Biển vô cùng trong sáng chẳng bao giờ dám nghĩ tới hai chữ “mần ăn” như ông già Nam bộ đã nói.
Cũng liên quan đến mối tình thơ mộng này, vào năm 1967, tại La Qua, Vĩnh Điện, (Quảng Nam), nhạc sĩ Đynh Trầm Ca đã viết tặng cho Hồ Thị Thu ca khúc “Ru Con Tình Cũ” rất thiết tha. Năm 1970, tình cờ trong một đêm nhạc ở Sài Gòn, một người ở Nhà xuất bản âm nhạc Khai Sáng nghe xong đã chuyển bản nhạc này cho Lệ Thu, cô ca sĩ nổi tiếng này đã bật khóc ngay trong phòng thu âm khi hát đoạn đầu tiên: “Ba năm qua em trở thành thiếu phụ, ngồi ru con như ru tình buồn…”
Bản nhạc cũng được ca sĩ Hà Thanh hát trên đài phát thanh Sài Gòn:
Ba năm qua em trở thành thiếu phụ
Ngồi ru con như ru tình buồn
Xin một đời thôi tiếc thương nhau
Xin một đời ngủ yên dĩ vãng
Ba năm qua em trở thành thiếu phụ
Ngồi ru con như ru tình sầu
Kỷ niệm nào ghi dấu trên tay
Cho lòng này dài những cơn đau
Ôi ba năm qua rồi
Đời chưa nguôi gió bão
Người xa xôi phương nào
Người có trách gì không?
Thôi anh ơi anh đừng hờn trách nữa
Đời em như rong rêu tội tình
Xin gục đầu ghi dấu ăn năn
Thôi đừng buồn em nữa nghe anh
(Ru Con Tình Cũ – Đynh Trầm Ca)
Sau này, người con gái tên Thu cũng đi vào trong bài thơ “Cây Đàn Thương Nhớ” của Đynh Trầm Ca với những hình ảnh rất đẹp của tuổi học trò:
“Buổi ta vác cây đàn ngang trường cũ
Ai như em đứng ngó cuối hành lang
Ai như ta ngồi mơ sau cửa lớp
Có lẽ nào mình còn đó sao, Thu?…”.
(Theo Tạp Chí Non Nước)