Huyền Chi là nữ thi sĩ nổi tiếng trong làng tân nhạc Việt Nam, bà được biết đến khi là tác giả của bài thơ được nhạc sĩ Phạm Duy phổ thành bài hát bất tử: “Thuyền Viễn Xứ”. Ở tuổi U90, bà vẫn rất minh mẫn và viết facebook đều đều với các đoạn hồi ức sinh động, lời văn gãy gọn, thu hút, đặc biệt là đoạn viết về chuyện tình của bà hồi mới năm 15 tuổi ở bên dưới đây được viết đầu năm 2019. Không ai nghĩ là tác giả của bài viết này là một cụ bà đã gần 90 tuổi. Mời các bạn trở về quá khứ với đoạn hồi ức chuyện tình sau đây của nữ thi sĩ Huyền Chi.
Năm 1949, 15 tuổi, tôi lên Đà Lạt ở với chị cả. Thời ấy còn Pháp thuộc và Đà Lạt là Hoàng Triều Cương Thổ của Vua Bảo Đại. Hai chị em đầu và út cách nhau 10 tuổi. Chị là một phụ nữ mà mọi người khi nhắc đến đều nói: Cô ấy đẹp quá! Đẹp và học thức, ảnh hưởng Phương Tây. Chỉ biết trong tuổi thơ tôi, mỗi lần chị ấy từ Sài Gòn hay Huế về nghỉ hè, nhà phải đóng cửa, vì trước nhà luôn có nhiều người tụ tập vì ngưỡng mộ. Khi chị vào Bưu Điện Phan Thiết để lãnh hàng từ Hà Nội gửi vào cho mẹ tôi, tất cả nhân viên Bưu Điện hồi ấy đều đứng cả dậy để ngắm chị. Không thiếu gì các bậc trí thức đã thành danh như Bác Sĩ Nha, Bác Sĩ Thú Y, Kỹ Sư Nông Lâm… trẻ, độc thân, quen với bố tôi muốn làm con rể bố tôi. Tôi thấy họ đến vào ban ngày (vì lúc ấy không có bố tôi ở nhà), vội vã lên lầu, vì chị thường ở trên lầu, để tỏ bày tình cảm mong đi đến trăm năm, nhưng chị đều từ chối.
Trong cái thời mà các bà, các cô đều còn khiêm tốn trong những chiếc áo dài nề nếp, tóc còn kẹp ngang lưng, hay uốn ngắn theo các kiểu bình thường, quen thuộc, cổ điển, chị nổi bật lên lộng lẫy trong một hình ảnh lạ lẫm, xinh đẹp với tóc cuốn tròn, từng lọn thả xuống vai theo kiểu Anh (Boucle Anglais). Nếu chị mặc áo dài, thì áo màu nào, nơ trên tóc màu ấy. Nếu đi biển, quần áo theo kiểu Tây: sơ mi, quần đùi hay quần lở. Một lần một bà đầm ở bãi biển Thương Chánh Phan Thiết gặp chị trong áo sơ mi ngắn cột chéo trước bụng, quần ngắn ống, tay cầm cuốn sách đã vội vã ngả nón chào rất lịch sự, vì tưởng là bạn cũng quốc tịch với mình.
Khi tôi lên Đà Lạt, chị giới thiệu tôi với ông J., một bạn trai bằng tuổi chị 25 tuổi, lai Pháp, dân Tây, chủ nhân rất nhiều đồn điền, có một chiếc xe Jeep, một biệt thự lớn ở Đà Lạt. Cha Pháp, mẹ Việt đã mất. Ông là người con độc nhất của gia đình, nói và hiểu tiếng Việt, nhưng chỉ viết được Tiếng Pháp. Tôi gọi là ông J., chứ không gọi là anh vì ông chưa kết hôn với chị tôi, nhưng ăn ở trong nhà chị.
Tôi có dự nhiều buổi đi chơi với chị tôi, dĩ nhiên là có mặt ông J. Anh Ba tôi cũng lên Đà Lạt giúp chị, làm quản lý Hiệu Ảnh Đà Lạt của chị. Ngoài ra, chị có một hiệu sách và một nhà in nhỏ. Ông thường mời chúng tôi đến hiệu ăn ở Nhà Thuỷ Tạ giữa hồ Đà Lạt, lúc ấy toàn bán các món ăn Pháp, rất mắc. Ông cũng thường đưa chúng tôi Di Linh (Djiring) để xem ông săn cọp. Có những người Mọi (hồi ấy dân tộc này rất nhiều ở Đà Lạt) đã giúp ông. Họ đào những cái hố sâu và phủ lá lên trên. Tôi đã thấy một con cọp độ 2m bị bẫy và bị bắt trói. Ông cũng đưa chúng tôi đến biệt thự của ông dùng cơm nhiều lần.
Tôi ở đó độ 2 năm rồi về Sài Gòn với mẹ. Dân Tây hồi ấy có nhiều quyền hành, được ưu tiên trong xã hội và luật pháp. Chẳng hạn họ được dùng và giữ súng. Rồi một ngày kia ở Sài Gòn, tôi nghe ông bị mắc vào một tai nạn và phạm tội giết người bằng súng. Chị tôi và ông đã chia tay. Nói đúng ra, chị đã bỏ ông để kết hôn với một Luật Sư, sau đó ông được miễn tội và về Saigon. Anh Ba tôi lúc ấy cũng đang ở Saigon. Ông mời anh Ba tôi đến ở với ông. Ông xem anh ấy như em ruột. Lúc ấy, ông có một cái nhà, một xe hơi, một văn phòng ở Tân Định và đang hành nghề xuất nhập khẩu. Ông dạy anh tôi nghề này và đưa anh đi Pháp nhiều lần, đưa anh đến “Chú Hoả”, người Trung Hoa giàu nhất nhì ở Sài Gòn thời ấy, người có nguồn tài chánh mà các doanh nhân mỗi lần “kẹt vốn” đều phải tìm đến và được đáp ứng, nếu có sự giới thiệu đảm bảo.
Năm 17 tuổi, một lần tôi đến thăm anh tôi rồi về, chỉ có thế, nhưng sau đó, ông đến thăm mẹ tôi 2 lần, biếu quà cáp. Rồi tôi nhận được của ông một cái thư, trong đó ông đề nghị tôi kết hôn với ông, ông hứa cưới xong ông sẽ đưa tôi về Pháp. Ông hứa sẽ làm tôi hạnh phúc và đầy đủ không phải lo nghĩ gì suốt đời.
Tôi từ chối, lý do đơn giản là từ trước đến nay tôi tối kỵ “đụng” những người đã từng yêu và sống với chị tôi. Tôi không muốn làm một người thừa.
Sau đó, ông tặng tất cả nhà cửa, xe hơi, mọi chuyện làm ăn cho anh Ba tôi, rồi đi Pháp. Sau đó ít lâu, ông gửi ảnh và báo tin cho anh tôi ông đã kết hôn với một cô người Tây Ban Nha và có 4 đứa con. Sau 1978, hai bên mất liên lạc, đến 1998, chúng tôi nhận được 2 lá thư của ông từ Pháp, một cho anh Ba tôi, một cho tôi. Ông bảo ông đã lục lọi trong đống giấy tờ cũ và may mắn tìm ra địa chỉ. Ông dặn nếu nhận được xin hồi âm cho ông. Chúng tôi đã trả lời, thư qua thư lại 2 năm, rồi ông qua Saigon. Ông hân hoan ôm lấy chúng tôi ngày gặp mặt, anh tôi dành cho ông một phòng bên nhà anh ấy. Ông vẫn còn thích thú món cà phê Việt Nam pha bằng phin và sữa đặc Ông Thọ cách đây 30 năm. Ông ấy kể thêm ông ấy uống cà phê sữa và nghe nhạc Saigon xưa mãi đến gần sáng mới ngủ…
Ông muốn đi xem lại Saigon với chúng tôi, chúng tôi đi bằng xe taxi, anh tôi theo phép lịch sự ngồi lên ghế trước cạnh tài xế, nhường ghế sau cho ông và tôi. Xe mới chạy được một chút, ông nhoài qua nắm lấy tay tôi. Tôi giằng tay ra nghiêm mặt. Ông từ đó ngồi im. Sau đó, ông yêu cầu đưa ông đi Đà Lạt để xem lại cảnh cũ, chị tôi lúc ấy đã mất được mấy năm, sau khi ly dị chồng và có một đứa con gái. Ông rất ray rứt nghe tin ấy. Anh Ba tôi đưa ông đi. Và khi bước lên bậc thềm ngôi nhà cũ của chị ấy ngày xưa, ông khuỵu xuống, không thể bước tiếp, anh tôi phải đỡ. Ông cũng đã đi thăm ngôi biệt thự cũ của ông đã bị chiếm sau 75.
Kỳ về lần này, ông có kể cho tôi nghe một chuyện: Trước ông ấy, chị tôi có một người yêu là anh T. Một hôm ông hẹn anh T ra quán rượu, ông móc súng ra đặt lên bàn, nói: Tôi yêu nàng, anh nhường nàng cho tôi. Nếu không, một trong hai ta phải chết (Thật y như phim cowboy!) Rồi anh T bỏ về Saigon, sau đó đi Pháp. Rồi ông chinh phục chị tôi. Những chuyện “Thâm Cung Bí Sử” ấy từ trước đến nay không ai biết.
Đến năm 2009, vợ ông chết, rồi sau đó 1 năm, chồng tôi mất, ông lại gửi thư cầu hôn tôi. Ông ấy cũng viết cho anh tôi về đề nghị này.
Lúc ấy tôi 76 tuổi, tôi cám ơn và từ chối. Anh Ba tôi cũng nói cho ông ấy biết ý tôi, nhưng không hiểu sao, ông cứ tiếp tục gửi thư cho tôi mãi. Người phát thư 3 ngày lại trao cho tôi 4, 5 lá thư. Ban đầu còn trả lời theo phép lịch sự, nhưng sau tôi im lặng luôn. Ông viết và gửi như một quán tính, như một sự ẩn ức cần giải toả. Ông gửi nhiều hình ảnh resort của con gái ông với những ngôi nhà đẹp, những khu đất mênh mông, những đàn ngựa đẹp để thuyết phục tôi. Ông dỗ dành tôi đủ thứ. Sau đó, mỗi lần con tôi cầm 4, 5 lá thư từ cửa vào, nó nhìn tôi, tôi lắc đầu là nó biết tôi không muốn đọc.
Từ 6, 7 năm nay, tôi không còn nhận được thư ông nữa. Tôi nghĩ có lẽ ông đã chết.
Câu chuyện này chỉ có mục đích kể lại, như kể một câu chuyện thời xưa về thời Pháp thuộc, về cuộc sống của một số dân Pháp và quan niệm về tình yêu của họ.
Không phải các bạn cũng đã muốn tôi kể chuyện “đời xưa” sao?
17.01.2019
Huyền Chi