Chuyện tình “Duy Quang – Julie Quang” qua hồi ký của Julie

Ca sĩ Duy Quang gặp ca sĩ gốc Ấn – Julie vào năm 1969, họ nhanh chóng trở thành một đôi và sống chung với nhau (không có hôn thú) và có một con gái tên Phạm Ly Lan. Lúc đó, Julie lấy tên của chồng làm nghệ danh, thường được gọi là ca sĩ Julie Quang. Năm 1974, Julie sang được Pháp và bị kẹt lại vào tháng 4 năm sau đó, còn Duy Quang vẫn còn ở lại. Khoảng năm 1978, ca sĩ Julie đã tìm mọi cách để vận động nhằm giúp chồng sang được Pháp. Họ tái hợp với nhau năm 1980, nhưng lại chia tay nhau vào năm 1982.

Nếu bạn là người yêu thích nhạc xưa, hãy theo dõi kênh YouTube này để nghe đọc các bài cảm nhận về âm nhạc (phân tích ý nghĩa, hoàn cảnh sáng tác, tiểu sử ca nhạc sĩ): LINK YOUTUBE  < Click

Duy Quang đã từng nói về Julie như sau:

“Tôi gặp Julie lúc 17 tuổi, chúng tôi bằng tuổi nhau, cùng nếm vị ngọt yêu đương thuở mới lớn. Cô ấy có giọng hát liêu trai. Tôi đã ôm đàn bỏ nhà theo nàng ra mãi tận Nha Trang hát chung trong ban nhạc The Free Ones. Nhưng mối tình đầu cũng mau tan vì chúng tôi còn quá trẻ, chẳng có kinh nghiệm trong đời, huống gì tính đến chuyện trăm năm”.

Julie Quang và Duy Quang

Sau khi chia tay Julie, Duy Quang cưới vợ thêm 2 lần nữa, nhưng đều tan vỡ. Người ta nói rằng ông không có phúc phận trong hôn nhân. Năm 2012, khi bị ung thư gan, Duy Quang sang Mỹ điều trị. Tại đây Julie đã có thời gian gần gũi và chăm sóc chồng cũ.

Một năm sau khi Duy Quang qua đời vì bạo bệnh, ca sĩ Julie đã viết Hồi Ký Môi Son gồm nhiều phần, đăng trên trang Gió-O, trong đó có nhiều phần dành riêng để nói về Duy Quang, nói về tình yêu của họ thuở ban đầu, và cũng nói về những giây phút bên nhau cuối cùng rất xúc động của họ.

Xin giới thiệu với bạn đọc Phần 1,2,3 và 10 của Hồi Ký này…

1. “Tưởng Như Còn Người Yêu”

Ngày đó, Julie Quang đã khóc thay cho thân phận những chinh phụ trong thời chιến qua ca khúc Tưởng Như Còn Người Yêu.


Click để nghe Julie hát Tưởng Như Còn Người Yêu

Ngày nay, Nàng khóc khổ với cung bậc nào đây cho số phận Chàng khi bóng chiều đã tắt nắng. Không kịp hoàng hôn, sao đã vội?

Ngày mai là ngày 27 tháng 12 năm 2012.

Ngày mai đây xác thân Chàng sẽ hỏa thiêu, sẽ tan vào hư không cát bụi. Ngày mai đây Chàng sẽ được phụng thờ như châu báu trong tim “Những Mỹ Nhân thương tiếc Chàng”… Cát bụi rồi. Chàng sẽ thật sự lên ngôi Thần tượng trong lòng người mộ điệu.

Nàng chia sẻ những ngày tháng cuối cùng trong cuộc đời Chàng vỏn vẹn 44 ngày.

Câu chuyện bắt đầu từ đây, bằng chiếc mốc thời gian của một ngày trước khi Chàng đi vào coma.

Từ đó chuyện sẽ ngược dòng thời gian, rồi vòng qua vòng lại, back and forth…

Tất cả Người và Việc đều có thật. Không hư cấu.

Ánh đèn trắng bệch, đêm cũng như ngày hắt lên thứ ánh sáng nhợt nhạt trên bệnh nhân. Thời gian ngưng đọng. Dòng chảy cuồn cuộn của đời sống đã chẳng còn nghĩa lý gì ở nơi này.

Người nuôi bệnh xanh rờn sau nhiều đêm ngủ ngồi nép mình vào giường bệnh. Bàn tay Chàng nằm im trong hai tay ấp ủ của Nàng đang chuyền hơi ấm… Chỉ còn nhịp đập yếu ớt nơi đầu những ngón tay. Nàng lần dò tìm mạch nào để khơi lại nguồn yêu thương đã có từ trước, từ bao giờ? Và như chưa hề mất bao giờ… Nàng thiếp đi với tư thế tay trong tay cùng Chàng vào giấc mơ. Bên cạnh đứa con gái ngủ ngồi trên ghế. Trong giấc mơ của con chắc con nhìn thấy được hình ảnh mà con mong đợi từ lâu…

Bố mẹ xin lỗi đã ích kỷ nông nổi và không làm tròn bổn phận làm Cha Mẹ với các con.

Julie

Đó là điều mà tôi nhận biết sâu sắc, khi bắt gặp ánh mắt Chàng dõi theo sau lưng đứa con gái của chúng tôi. Ánh mắt đó nói lên biết bao thương tâm vừa mãn nguyện… Đồng thời tôi cũng nhận được ánh mắt biết ơn của anh cho tôi, mặc dù tôi chẳng xứng đáng với vai trò làm Mẹ, chẳng công lao to tát nhưng con gái của chúng tôi đã lớn lên xinh đẹp từ thể chất đến tâm hồn. Là món quà từ Trời cho hai chúng tôi. Là kết tinh mối tình đẹp lỗng lẫy của chúng ta đó, phải không anh?

Buổi sáng cô ý tá bước vào kéo tấm màn che. Đọc những biểu đồ trên máy đo nhịp tim.

Cô cất cao giọng hơn thường ngày:

– Anh Quang đêm qua ngủ có ngon không?

Chàng gật đầu và có ý lắng nghe xem y tá nói thêm gì không.

Cô y tá như rất quen với những cảnh tượng lúc này. Cô vào đề một cách rất dễ dàng.

Cô y tá:

– Nghe nói anh có nhiều vợ.

Duy Quang giơ cao 2 ngón tay, ý là có 2 vợ.

Lúc này anh đã không còn hơi để trả lời các câu hỏi.

Kể từ lúc đó anh đã không còn nói được. Chúng tôi trao đổi qua giấy viết. Tôi viết xuống giấy. Anh trao đổi bằng cái gật đầu hay lắc đầu.

Cô y tá nói:

– Từ nãy giờ có ý làm cho anh vui nhưng sao không thấy anh cười?

Chàng cố nở nụ cười và đôi mắt ngời lên ánh thiên thu.

Diễn tả thế nào đây nhỉ. Chàng cười sáng lòa đôi mắt, thấy gần hết răng. Chàng cười đẹp như để lại cuộc đời lời Tạ Ơn. Cám ơn cô y tá H đã chăm sóc anh như cám ơn cuộc đời đã chấp cánh cho tiếng hát anh bay xa và ở lại với chúng ta với nụ cười và ánh mắt đó…

Hình như chúng tôi giống nhau – ghét chia tay – nên câu tạm biệt goodbye cũng không muốn nhắc đến. Vì Nàng chưa say goodbye và Chàng chưa say goodbye với Nàng nên câu truyện tình còn được nhắc đến trên trang Gió O này.

Đọc và tự do suy luận, bạn thân mến, nhưng xin một điều: Đừng xúc phạm vong linh người quá cố. Kính trọng lương tâm của người lương thiện cho dù ghét hận kẻ thù, nhưng khi kẻ ấy nằm xuống không cho được lời cầu kinh hay một đóa hoa thì những lời lẽ khinh nhờn hay có ý chà đạp. Xin miễn đi.

Đến đây thì tôi chợt nhớ lại lời Bố Phạm Duy nói lúc trước. Là lần đầu tiên tên tôi xuất hiện trong một vụ xì căng đan trên mặt báo, tôi khóc hu hu hu khi thấy mình bị vu khống. Bố bảo tôi: “Khi mà chúng ta là người của công chúng được sự yêu mến của muôn người thì chúng ta cũng phải chấp nhận búa rìu của dư luận như một luật bù trừ”.

Julie (bìa phải) và ban The Dreamers của gia đình Phạm Duy

2. Thần chêt và Mộng tưởng

120 tiếng đồng hồ còn lại của một Thần tượng.

5 ngày trước lúc vị Sao rơi.

Ngồi bên Thần Chếƭ vuốt ve bàn tay anh… phiêu diêu mộng tưởng đến… ngày tình đầu lên ngôi…

Ngày đó có anh cùng dạo chơi trên biển vắng một mùa hè nhiệt đới nóng như thiêu. Trời Đất hiu hiu. Đôi uyên ương cuống cuồng yêu.

Em đeo sát anh. Anh bơi xa tít bờ bến… xong… anh giả vờ đánh rơi em giữa bể để anh bồng anh bế. Anh làm dũng sĩ cứu giai nhân.

Trò chơi này Anh tự chế để cua đào – Cá nào chẳng mắc câu.

Biển trùng trùng sóng làm chứng cho đôi tình nhân. Tuổi trẻ say đắm nồng nàn, em gửi em vào bản tình ca…

The shadow of your smile when you are gone
Will color all my dreams and light the dawn
Look into my eyes, my love, and see
All the lovely things you are to me
Our wistful little star was far too high

A teardrop kissed your lips and so did I
Now when I remember spring
All the joy that love can bring
I will be remembering
The Shadow of your smile…


Click để nghe The Shadow of your smile

Thời gian khởi đầu ca hát, những năm cuối thập niên 1960, tôi tuổi teen như con thiêu thân, tự mình chắp đôi cánh nhung thiên thần “lao vào lửa”. Tự mình lao vào hát nhạc Pháp nhạc Anh cho các căn cứ quân đội Hoa Kỳ ở Long Bình, Biên Hòa, Nha Trang, Ban Mê Thuột, Tân Sơn Nhất… Lúc đó tôi nào biết Duy Quang là con trai nhạc sĩ Phạm Duy.

Câu hát đầu tiên trên môi anh ngọt:

“Em ơi hãy ngủ anh hầu quạt đây.
Lòng anh mở với quạt này.
Trăm con chim mộng về bay đầu giường …”


Click để nghe Duy Quang hát Ngậm Ngùi

Làm sao em quên được nỗi hạnh phúc run rẩy khi hai đứa lần đầu tiên cắn vào trái cấm.

Đây là thời kỳ trăng của hai chúng mình. Em nhớ không sai. Hai chúng ta ra Nha Trang để được tự do yêu mà không bị giám sát bởi gia đình…

Hai trẻ chắt chiu dành dụm được một số tiền để mua lại một số dụng cụ âm thanh, đàn trống, do những ban nhạc Mỹ khi về nước họ để lại.

Và chúng tôi đã thành lập ban nhạc gia đình: “The Dreammers”. Nhờ Chàng, tôi bắt đầu tập ca nhạc Việt. Không bao lâu sau, tôi được khán thính giả Việt biết đến với bài Mùa Thu Chếƭ, nhạc Phạm Duy phổ thơ Apollinaire. Rồi tôi bắt đầu nổi danh với một loạt tình ca thời chinh chιến. Danh vọng đến với chúng tôi cũng là lúc “Hai năm tình lận đận, hai đứa cùng xanh xao… cùng thở dài như nhau” .

Sau 1975, em Paris còn anh Sàigòn. Chúng ta tái hồi sau 5 năm cách biệt.

Và rồi tình cũng đã tan mau theo bọt nước…

Trên dòng đời xuôi ngược sau này, đôi khi lỡ chạm mắt nhau – Anh làm khách lạ – Em ngại ngùng… đau…

Bao giờ anh cũng hài hước một cách tự nhiên. Điều anh đã không bao giờ biểu lộ trên sân khấu. Người ta biết Duy Quang với “Đưa em về dưới mưa. Nói năng chi cũng thừa. Đưa em về dưới mưa. Áo em bùn lưa thưa”, hay “Tôi xin người cứ gian dối. Nhưng xin người đừng lìa xa tôi”. Khán giả đã nào biết đến một Duy Quang có máu hài một cách điềm nhiên, không nhăn nhở, không tay chân múa may để hỗ trợ cho câu chuyện, không cười trước và sau khán giả. Khán giả đây là bạn bè thân hữu rất khoái nghe anh tấu hài như mê nghe anh hát vậy.

Trong gia đình họ Phạm, nhiều lần tôi nghe kể về ông Phạm Duy Tốn, ông nội của anh, là người có duyên hài. Gen hài trong anh là do di truyền dòng họ Phạm, đến đời anh cũng đã 3 đời, 3 thế hệ.

Khi khôi hài tiếu lâm châm biếm anh rất giống bố Phạm Duy. Kể cả tấm lòng yêu quý âm nhạc, muốn cống hiến cho cuộc đời đến lúc cuối cùng, anh đều giống bố.

Còn lúc khác anh giống y mẹ Thái khi ôn tồn nhỏ nhẻ mà “con ong vò vẽ cung phải im re” để lắng nghe anh nói.

Cái duyên dáng và sức thu hút nơi anh không chỉ riêng nữ giới mà nam giới cũng khóai mê anh. Với bạn bè anh thích cụng ly và vô tư tấu hài. ID và chữ ký Duy Quang không nhái được, không sao nhái được. Cái duyên của anh đã để lại trong lòng mọi người một Duy Quang độc đáo. Khiến mọi người phải nhớ một Duy Quang – the One and the Only …

Câu chuyện tếu sau đây nói lên tính khôi hài của anh. Ngay cả lúc tình hình xấu nhất, Duy Quang cũng tỏ ra thản nhiên để trấn an mọi người.

Cô y tá bước vào phòng bệnh nhân thay thuốc và chào mọi người buổi sáng.

Trong phòng người thăm hầu hết là thân nhân.

– Đau quá – Duy Quang nói.

Anh lặp lại: “Ôi đau quá”.

Mọi người hoảng hốt không biết anh đau ở mô?

– Anh đau đâu? – Cô y tá hỏi.

Anh để tay lên ngực: “Đau lòng” –  Anh nói.

Anh vẫn thích đùa đến giờ phút cuối. Hẳn nhiên là anh không chọn nhìn thấy chúng ta phân ưu bịn rịn thế này.

Lúc này vẫn chưa phải là vĩnh viễn không còn nhìn thấy nhau để nói câu giã từ vĩnh biệt… Vì em tin rằng không giã từ có nghĩa là một ngày nào đó chúng ta lại gặp nhau trên một con đường khác có âm nhạc cho 2 ta cùng song ca như thuở trước. Có các em đàn trống theo sau. Có Thái Hiền chờ anh tập hát…

Anh còn là thần tượng của bố đấy, anh biết không. Bố xây tượng đài cho anh từ lâu, có lẽ từ bài hát đầu tiên “Thà Như Giọt Mưa”, thơ Nguyễn Tất Nhiên. Bố tôn giọng hát của anh thành thần tượng trong lòng âm nhạc của bố. Trong suốt chặng đường dài cống hiến cho cuộc đời, từng bài hát bố sáng tác cho riêng anh hát là từng khối đá vàng nạm kim cương, làm bục bệ, để con trai bố trở thành ngôi sao lấp lánh trong lòng người hâm mộ…

Và sắp tới đây người ta sẽ được nghe anh hát những bài hát cuối đời. Trong loạt bài hát phổ thơ Bích Khê này, Chàng hát thật đắm say, thật lạ, thật hay, như kể chuyện cho chỉ một người nghe… một chuyện dài…

Những ân tình giữ lại và mang theo.

Bó-Hoa-Lòng này em thay anh gửi đến thính giả muôn phương đã yêu thương mến mộ tài hoa Duy Quang. Xin tạ ơn đời.

Trong những ngày cuối đời, Duy Quang đã chuyển tải ý anh và tôi ghi lại đoạn sau đây. Kể lại chuyện tình ngắn ngủi trong căn phòng thăm nuôi bệnh nhân với Duy Quang, cảm giác như hai chúng tôi viết chung bản tình ca muôn thuở.

Bông hoa cho tình bằng hữu. Trong các cuộc vui, bạn hãy nhớ đến Duy Quang. Tiếng cười rộn rã là thiệp mời “Ai kêu tôi đó?”. Xin cám ơn bạn.

Cùng các em thương yêu hãy nhớ đến anh mỗi lúc chơi nhạc, lúc hát. Tuy không cầm được đàn chơi chung hát chung với các em nữa nhưng anh sẽ mang theo anh hình ảnh các em lúc trình diễn, lúc tập dợt, để còn được chơi nhạc chứ.

Cùng em Đạt anh không quên. Định mạng thần kỳ đã sắp xếp để em là cái chân đưa đón anh đi các nơi anh cần đến. Lúc anh trở thành phế nhân em đã như thiên thần giúp đỡ anh. Cám ơn em.

Thưa Bố,

Bố kỳ vọng nơi con rất nhiều nhưng con làm được chẳng bao nhiêu.

Con xin lỗi.

Xin Bố tha thứ con bất hiếu.

Hồn phiêu diêu… tiếng kinh theo gió.

Em vào mộng… đợi anh về.

Trong giấc chiêm bao…

Chia sẻ cùng bạn đọc thân mến vài kỷ niệm về “Những ngày xưa yếu dấu với Duy Quang”.

Nói lên sự ngưỡng mộ một tài hoa. Và hãnh diện mang tên anh: Julie Quang

3. Tín Hiệu Chàng

Trong một lần sinh nhật anh, tôi đi với Nguyệt Mi bạn gái anh đến một nhà hàng do chủ nhân thết đãi tiệc sinh nhật anh, trong bàn có chị Hòa là người có phòng trà văn nghệ. Những ca sĩ đi về Việt Nam hát hầu hết đều trình diễn nơi tụ điểm của chị và chị là phu nhân anh Vũ Xuân Hùng. Tôi sẽ nhắc đến một lần khác cái duyên văn nghệ của tôi và nhạc sĩ Vũ Xuân Hùng.

Chị Hòa đến bên tôi, nói:

– Duy Quang nhờ chị giúp Julie lấy giấy phép để hát ở Việt Nam. Julie chuẩn bị cho mình cái photocopy passport và visa.

Tôi ngạc nhiên vì bỗng nhiên bị hỏi giấy.

Đến lượt chị Hòa kinh ngạc:

– Duy Quang nhờ chị giúp Julie lấy giấy phép để hát ở Việt Nam.

Thì ra chàng mong tôi hát chung. Tôi nghĩ đơn giản là vậy. Không xa xôi mơ mộng chi hết.

Con chim quên hót lâu ngày những tưởng mình chưa biết hót bao giờ… Như tôi không còn hát được nữa. Anh muốn hát chung với tôi. Chuyện không thành là do tôi. Tôi, tự bao giờ nhỉ, đã không còn tiếng hót líu lo thiết tha với cuộc đời. Tiếp tục ca hát cho đời chỉ là sự miễn cưỡng, gắng ép…

Tôi cho rằng cái nghiệp ắt có trong nghề. Nhưng tôi đã xem cái nghiệp rất nhẹ ngay từ lúc khởi đầu. Đến lúc cái điều đã xem nhẹ từ trước bỗng trở nên nặng nề, thì tôi buông bỏ ra, cũng nhẹ nhàng thôi. Sự nổi tiếng và cái hào quang đeo bám lâu ngày không bị ám ảnh không tơ tưởng mới là lạ. Ám ảnh dĩ nhiên là có. Vì có bị ám ảnh mới thể hiện được phong ách riêng trong bài nhạc, trong bài thơ, trong tác phẩm… Còn tơ tưởng đến thì tôi hoàn toàn không. Bạn có thể cho tôi là người bạc tình vô nghĩa với fans, hay cho tôi là người hành tinh, nếu bạn muốn. Nhưng dứt khoát tôi sẽ không trở lại ca hát nếu tôi cảm thấy điều tôi cống hiến không còn trọn vẹn nữa.

Tôi đóng lại sự nghiệp ca hát đời mình trong râm ran bất mãn…

– Sao anh đợi chi đến lúc em thấm mệt nghỉ ngang cuộc chơi, đuối sức rồi làm sao có thể hát chung với anh được nữa… anh yêu

Một dấu chỉ khác

Có vài chục năm mình đã không bàn chuyện gia đình với nhau? Bao nhiêu lâu rồi anh nhỉ?

Bỗng ngày nọ anh muốn đứng ra tổ chức đám cưới cho con gái LyLan.

Duy Quang và LyLan

Là một người cha như bao người cha khác trên đời, anh mong được làm nghĩa vụ của người cha với đứa con gái rượu của mình. Anh gọi điện thoại cho tôi để bày tỏ ý muốn đó.

Và tôi thật là ngu si lạnh lùng cắt đi cái mong muốn chân thành đó nơi anh.

Thật đáng tiếc cho tôi đã không nhìn thấy được tấm lòng của anh sớm hơn, sorry anh yêu.

Tôi không tìm biện minh cho những sai lầm mà tôi đã làm trong vô tình hay cố ý.

Tôi chỉ muốn tỏ rõ cùng anh. Tôi biết tôi mắc nhiều sai phạm trong đời, trong cuộc tình tôi là người không biết xây đắp mà chỉ hủy diệt.

Tôi không tìm biện minh cho những sai lầm mà tôi đã làm trong vô tình hay cố ý.

Tôi luôn chứng tỏ với anh rằng tôi không cần anh trong bất cứ việc gì (Nhưng anh yêu hỡi điều anh cần biết là mẹ con em cần có anh trong đời…)

Cả hai chúng ta đều “đầu đá”, nên đã lạc mất nhau một lúc. Nhưng may mắn thay vào phút cuối đời chúng ta đã tháo gỡ được những gút mắc, đã chan hòa được cho nhau những hụt hẫng trong đời.

Người đời cần có những cái hài hước để giải tỏa những bức xúc phiền muộn cho con người. Trong xã hội vấn nạn của con người thì mênh mông…

Là hài kịch, cái hài phải nói lên được điều gì phản ảnh trong xã hội, thì cái hài đó mới có ý nghĩa.

Những nghệ sẽ đích thực phải biết mỉm cười trước những chua chát mỉa mai của cuộc đời, để biến nó thành nghệ thuật tấu hài. Tuyệt.

Tang lễ anh mà tôi ví von như một “show diễn” là ăn nói lung tung… Xin lỗi… nhưng tôi đã không có ý gì khác ngoài sự tôn kính.

Con gái Lylan và tôi không có mặt trong đám tang anh. Với bạn bè là một điều khó hiểu. Tôi khó lòng giải thích điều này trong lúc này. Mong có dịp thuận tiện để giải bày.

Riêng với các khán thính giả và bạn đọc, xin tạ lỗi…

Bởi trong đời có những nỗi rất riêng, không thể chia sẻ cùng ai. Tôi xin giữ lại cho riêng mình.

Tôi xem tang lễ qua TV.

Tang lễ anh và cũng là “show diễn” cuối cùng

Có khán giả có đại gia đình, có MC, có ca sĩ, có báo chí bạn bè thân hữu… rộn lên cả phố Bolsa.

Nhưng trong “show diễn” cuối cùng, anh không diễn. Anh làm khán giả. Một Duy Quang khán giả nằm yên đó ngắm nhìn.

Chợt nhớ một buổi chiều sau khi anh đã nằm trong lòng đất, tôi đi thăm nghĩa trang. Sau đó tôi viếng mộ mẹ Thái và mộ bác Mai Thảo. Trên mộ bác Mai Thảo người ta khắc lại bốn câu thơ của ông.

Tôi thấy bốn câu thơ cũng đã đúng cho anh vào những phút giây nào đó…

Thế giới có triệu điều không hiểu
Càng hiểu không ra lúc cuối đời
Chẳng sao khi đã nằm trong đất
Đọc ở sao trời sẽ hiểu thôi

Gia quyến và những người đến dự Tang Lễ là diễn viên… và họ diễn xuất cho anh thưởng lãm… vở bi hài kịch

Bi hài vì có nước mắt tiễn đưa và không thiếu nụ cười tếu của người nghệ sĩ biến đau lòng thành màu sắc và nỗi khao khát là ánh sáng trong bức họa đời Chàng.

10. Nàng

Cái chữ “Nàng”, tôi biết được khi đọc lén bức thư Chàng gửi về nhà thăm bố mẹ. Trong đó tôi được giới thiệu là Nàng. Cái từ ngữ để gọi người phụ nữ, lần đầu tiên có người gọi tôi như thế (tôi quen nghe người ta gọi nhân vật thứ ba là nó hay thằng hoặc con). Tôi thầm nghe điều gì rất âu yếm và trân quý trong cái từ ngữ lạ hoắc kia. Tôi được vuốt ve mơn trớn bởi cái âm thanh cảm thụ được ngôn ngữ của ái tình sắc màu của tình yêu chỉ vỏn vẹn gói trọn trong một chữ Nàng cái từ nàng rất xa lạ từ trước bỗng dưng nhảy tót vào lòng và ở lại luôn trong đó chẳng chịu đi. Tôi yêu thích chữ Nàng kể từ đó.

Cái chữ Chàng cũng từ đó mà ra. Tôi phải đáp lại cái văn vẻ chàng thêu dệt trên tôi bằng cách nhai lại: “Chàng ơi chê thiếp làm chi. Thiếp là cơm nguội phòng khi đói lòng”. Hay là “Chàng ơi, đi đâu cho thiếp theo cùng. Đói no thiếp chịu lạnh lùng thiếp cam”… kéo dài giọng ngâm nga cho thật mùi để đón trận cười sảng khoái của Chàng là những trò chơi đối đáp mà chúng tôi bày ra chỉ cốt để cười cho qua chuyện mỗi lúc hờn anh giận em mà chuyện này với chúng tôi xảy ra hà rầm như cơm bữa.

Một chút hương trầm thoảng theo gió đưa dĩ vãng xích lại gần trôi miên man trong ký ức dật lùi những ý nghĩ cũng chập chờn theo gió bay đến bạn đọc. (Tôi ngồi gõ bài mà vui vui với ý nghĩ bay bay đó). Mặc dù niềm vui ít ỏi lắm lúc hiếm hoi thể hiện qua các bài hát mà tôi đã hát, toàn những âu sầu và uất ức để đôi khi ngẫm nghĩ có lẽ do tôi chuyên hát nhạc buồn, quen kể lể, cứ luôn than ngắn thở dài lắm lúc chen vào nước mắt ly tan quá sầu não để cái khó đó vận vào người? Vậy mà người ta đã vỗ tay tán thưởng khi giọng ca tiếng hát chạm nỗi đau âm thanh nhạt nhòa ướt sũng bằng trái tim rướm máu tôi chinh phục người nghe với nhức nhối của chính mình. Sao khán thính giả của tôi lại yêu thích tôi qua cái hình ảnh “ác ôn” đó, họ đóng khung tôi trong đau thương nghiệt ngã và họ nói yêu tôi? Đã có lúc tôi giận cả thế giới này.

Đến quá khứ gần hình ảnh võ vàng tiều tụy của anh khi gặp lại trên xứ Mỹ khiến ai nhìn thấy cũng phải ái ngại cúi đầu hay đau lòng xót xa cho một đời người nhưng anh vẫn cố gắng để níu lấy cái sức sống đã tàn tạ nơi anh. Trên giường bệnh anh thoáng nét vui qua ánh mắt với nụ cười anh nhỏm dậy để đón tôi không bằng một lời thăm hỏi cố nhân hay xã giao thường thức. Anh nói ngay với tôi rằng – anh chưa sẵn sàng – một câu nói đầy quyến luyến mà anh nói thật nhanh cho hết câu như anh chờ đợi gặp tôi chỉ để thốt lên chừng đó.

Tôi ngạc nhiên vì câu nói sảng của anh trong bệnh viện chắc bị tiêm thuốc giảm đau liều lượng cao.

– Anh hãy nằm xuống nghỉ ngơi – tôi nói.

– Anh không mệt không đau – anh trả lời

– Thế anh có “phê” không? 

Anh nhìn tôi chăm chăm như muốn nói đã biết tỏng tôi định nói gì. Tôi im mồm không nên chọc giận người bệnh vì với anh “phê” hay get high là criminal; Tôi ấm ức gác qua một bên mặc dù rất tò mò muốn biết cảm giác đi mây về gió có đưa chàng về vùng ký ức xa xăm nơi tôi đã nhiều lần tìm về để chỉ thấy cái tiêu điều hoang phế của một thời hoàng kim nào xa xôi lắm.

Những tưởng anh “phê thuốc” quá nên nói sảng nhưng không, anh hoàn toàn tỉnh táo có đôi khi phải lắc lư cái đầu cho lời nói được tề chỉnh hơn. Anh đã mất hẳn thần sắc rồi nên không muốn mất luôn cả sự sáng suốt. Tuy cho qua nhưng câu nói quyến luyến cuộc đời đã ám ảnh toàn bộ não của tôi.

Mỗi buổi sáng nắm lấy tay anh, tôi xiết chặt và bảo anh hãy làm y như tôi trong cái xiết tay tôi sẽ đoán biết được tình trạng sức khỏe của anh trồi sụt thế nào. Bàn tay anh lạnh toát khô nhám nắm lấy tay tôi tìm chút hơi ấm… trong cái xiết tay chúng tôi thầm lặng san sẻ cho nhau chút hương nồng còn sót lại hay sẽ khơi dậy đống tàn tro tưởng chừng như đã tắt ngấm từ lâu.

Những ngày đầu trở về từ bệnh viện, ngoài những lúc tấp nập bạn bè thăm viếng, có lúc chúng tôi một mình với nhau trong căn phòng ngủ dựng từ cái garage nhà bố làm thành phòng ngủ. Nơi đây đã từng che mưa mát nắng cho cái gia đình nho nhỏ của chúng tôi một thời gian, ngắn thôi, tuy không lâu nhưng chúng tôi có đủ ngọt bùi chua cay đắng chát, nghĩa là đầy đủ hương vị của cuộc đời đủ là ấn tượng để đánh dấu ngoặc mỗi khi nghĩ đến, mà tôi có làm dấu ngoặc như thế đấy có phức tạp không?

Trở lại đây sau mấy chục năm chia tay, bây giờ chung chạ với nhau trong một phòng tôi không sao tránh khỏi luống cuống tay chân vụng về, tôi lí nhí:

– Chúng ta hãy tập làm quen với nhau trở lại, chắc sẽ không thoải mái lúc đầu nhưng phải thế vì em sẽ thường xuyên có mặt để chăm sóc anh, anh có ok không?

Anh thẫn thờ nói: Được chứ.

Em Hiền lo cho anh cơm nước, em Đạt đưa đón anh đi bác sĩ nhà thương, tôi chỉ việc phụ trách làm bầu bạn với anh. Tôi thích làm khi nhận công việc nhẹ nhàng này tôi sẽ có dịp đọc qua tâm tư anh những khoảng trống hay từng chặng đường có ánh sáng và bóng tối mà tôi chỉ muốn soi rọi vào cái khoảng bóng tối đó trong anh. Có lúc nói khoảng đời anh không có tôi tồn tại, nhưng tôi có tất cả sự kiên nhẫn để nghe chuyện về anh, chuyện hay hoặc dở tính sau nghe về anh là được rồi.

– Sao em không hát nữa – anh hỏi.

– Hết đam mê mất luôn cả sự tha thiết với âm nhạc, thế thì hát làm gì?

Một sự im lặng bao trùm cả hai, lúc lâu anh tiếp:

– Vì sao hết đam mê và hết tha thiết? Mà có mất hết đi chăng nữa, cứ hát sợ gì.

Tôi không sợ cũng không ngán con ma nào, chỉ biết rằng mình đã đánh mất sự tự tin và điều này kéo thêm cái mất luôn niềm đam mê với âm nhạc. Cố gắng thêm còn được vì cái mất đam mê bù đắp cho thêm sự tha thiết với những gì còn lại, có lúc tôi hát hay hơn có hồn hơn, nhưng khi má tôi qua đời sự tha thiết trong tôi cũng đi theo má. Mà mình mất tự tin từ lúc nào nhỏ? Tôi chắc anh sẽ không vui khi biết vì sao và từ lúc nào niềm tin đã vỡ.

Anh lắc đầu ái ngại khi biết tôi không dám lái xe. Anh nhìn xuống mặt đất mỗi khi có điều chi suy nghĩ lung lắm, anh thường thế, chỉ nhìn vào mắt người ta khi tinh nghịch chuyện gì để tìm tòi trong ánh mắt đối phương cái ngỡ ngàng khi vỡ lẽ ra điều anh muốn nói, và tôi đã xa lắm rồi cái nhìn lém lỉnh đó nơi anh, cái nhìn thẳng xoáy vào mắt đối phương đã từ lâu tôi không tìm thấy nữa. Giờ đây anh nhìn tôi thật lùn thật bé như thấp lè tè dưới đất mỗi khi tôi lỡ chạm vòa một để tài khó nhai. Tôi mớm:

– Em đi với anh trở về Sài Gòn, đợi anh khỏe lại rồi chúng ta đi, có được không?

Im lặng một lúc lâu, anh nhát gừng:

– Theo anh làm gì?

– Để chăm sóc anh.

– Bên đó có khối người lo.

Vẫn biết thế nhưng lòng tôi cứ muốn theo để chăm sóc anh. Rốt cuộc chúng tôi ngã giá với nhau là nhà ai nấy ở. Cả hai hài lòng đi tới một gặp gỡ. Hai hướng song song đã nối kết được với nhau, ở cuối chân trời nơi tận cùng của tầm nhìn mút mắt, nơi “thiên cổ gặp ngàn thu”, đôi tâm hồn được thật sự nghỉ ngơi.

Julie

Exit mobile version