Chuyện tình định mệnh của Nguyễn Tất Nhiên qua bài hát “Hai Năm Tình Lận Đận”

Năm 14 tuổi, thi sĩ Nguyễn Tất Nhiên sáng tác bài thơ mang tên Khúc Tình Buồn để tặng cho người bạn gái xinh xắn học chung lớp ở trường Ngô Quyền (Biên Hòa) tên Duyên. Bài thơ này sau đó đã được nhạc sĩ Phạm Duy phổ thành ca khúc Thà Như Giọt Mưa, khởi đầu sự kết hợp thành công rực rỡ của thơ – nhạc giữa Nguyễn Tất Nhiên và Phạm Duy.

Nếu bạn là người yêu thích nhạc xưa, hãy theo dõi kênh YouTube này để nghe đọc các bài cảm nhận về âm nhạc (phân tích ý nghĩa, hoàn cảnh sáng tác, tiểu sử ca nhạc sĩ): LINK YOUTUBE  < Click

Nguyễn Tất Nhiên đã nói về mối tình với Duyên như sau:

“Thuở ấy, tôi yêu người con gái tên Duyên, ngồi cùng lớp. Tình yêu học trò thời trung học tôi trong sạch, ngu ngơ, dễ thương quá. Bây giờ, nghĩ lại, tiếc hoài”.

Cũng từ mối tình đó mà những đau khổ, sự khát khao và niềm thất vọng, đã tạo nên phong cách thơ rất riêng của Nguyễn Tất Nhiên. Đến năm 18 tuổi (1970), sau mối tình tuyệt vọng với Duyên, nhà thơ học trò Nguyễn Tất Nhiên đã chú ý đến một cô nữ sinh khác, nhỏ hơn 2 lớp, tên là Minh Thủy, là nhân vật chính trong một số bài thơ giai đoạn này của ông, tiêu biểu nhất là 2 bài đã được phổ thành nhạc là Em Hiền Như MaseourHai Năm Tình Lận Đận:

Hai năm tình lận đận, hai đứa cùng xanh xao
Hai năm trời mùa lạnh, cùng thở dài như nhau
Hai năm tình lận đận, hai đứa cùng hư hao
Hai năm tình lận đận, hai đứa đành xa nhau…

Có một điều trớ trêu, đó là sau khi Khúc Tình Buồn được nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc thành Thà Như Giọt Mưa và nổi tiếng trong giới học sinh – sinh viên khắp miền Nam đầu thập niên 1970, thì “chuyện tình” Duyên – Nhiên cũng theo đó trở nên nổi tiếng khắp trường – nơi 2 người đang theo học ở Biên Hòa, mặc dù mối tình đó, nếu có, thì cũng chỉ là của quá khứ. Cũng vì vậy mà mối tình hiện tại (tính theo thời gian lúc bài hát ra đời) của Nguyễn Tất Nhiên và Minh Thủy diễn ra khá lặng lẽ, có phần ái ngại. Dù Minh Thủy ban đầu không tỏ ra xa lánh sự vồn vã săn đón của chàng thi sĩ, nhưng có lẽ cô cũng dè chừng hơn bình thường, rồi sau đó đã có lần cự tuyệt tình cảm, làm cho Tất Nhiên thi sĩ phải ôm trái tim đau đớn và sáng tác Hai Năm Tình Lận Đận trong tâm trạng “thở dài”, “xanh xao”, “hư hao”.

“Hai Năm Tình Lận Đận” ở đây có lẽ là dấu mốc 2 năm tính từ năm 1970, là năm bắt đầu mối tình, cho đến năm 1972 là năm bài thơ ra đời. Hình ảnh cô nữ sinh mới học đệ tam (lớp 10) được mô tả thật đẹp, dịu dàng và ngây thơ:

Em xưa còn thắt bính
nuôi dưỡng thêm ngây thơ,
Anh xưa còn lính quýnh
giữa sân trường trao thư

Đó là lời nhạc đã được Phạm Duy sửa lại đôi chút, còn lời thơ gốc như sau:

em không còn thắt bính
nuôi dưỡng thời ngây thơ
anh không còn lýnh quýnh
giữa sân trường trao thư!

Hai năm không phải là thời gian dài, nhưng cũng đủ làm cho chuyện tình đổi thay, làm cho người ta đổi thay, trưởng thành hơn. Khi đó thì nàng không còn thắt bính như thời vô tư xưa nữa, và chàng thì tiếc cho cảm giác còn thấy lính quýnh lúc trao thư giữa sân trường. Hai chữ “lính quýnh” dù lạ lẫm và ít thấy trong thi ca, nhưng có lẽ là rất quen thuộc với hầu hết các cậu chàng học sinh xưa và nay, lúc nào cũng thấy mình hậu đậu và lính quýnh mỗi khi đứng trước người mình thương trong các mối tình ban sơ tuổi học trò.


Click để nghe Duy Quang hát Hai Năm Tình Lận Đận trước 1975

Ở đoạn tiếp theo, cũng là sự chỉnh sửa lại đôi chút của nhạc sĩ để câu hát hợp với giai điệu hơn so với lời thơ gốc.

Lời nhạc:

Em thường hay mắt liếc,
anh thường ngóng cổ cao,
Ngoài đường em bước chậm,
quán chiều anh nôn nao

Lời thơ:

em vẫn còn mắt liếc
anh vẫn còn nôn nao
ngoài đường em bước chậm
trong quán chiều anh ngóng cổ cao

Ở đây có thể nhận thấy một nghịch lý nho nhỏ, đó là câu trong bài hát có vẻ là có vần và trôi chảy còn hơn cả bài thơ gốc. Trong bài thơ 5 chữ, nhà thơ Nguyễn Tất Nhiên để lạc loài duy nhất một câu thơ 7 chữ. Nếu bỏ đi 2 chữ “cổ cao” thì câu thơ sẽ thành: “Trong quán chiều anh ngóng”, có thể vẫn thành câu thơ hoàn chỉnh. Dĩ nhiên là người thi sĩ xuất chúng kia dư sức biết điều đó, và ông chủ ý thêm chữ “cổ cao” vô sau cuối là để tăng thêm cường độ của sự nôn nao và mong ngóng nàng nữ sinh đang chầm chậm đi ngang qua quán chiều một cách kiêu kỳ, diễm lệ, đồng thời làm cho bài thơ 5 chữ có điểm nhấn với sự phá cách so với thông thường.

Hình mang tính minh họa. Nguồn: Phim Mắt Biếc

Sau khi nhớ về quá khứ đẹp đẽ đã qua, chàng thi sĩ bắt đầu quay về thực tại sau 2 năm trời lận đận:

Em bây giờ có lẽ toan tính chuyện lọc lừa
Anh bây giờ có lẽ xin làm người tình thua…

Là một thi sĩ đa sầu, đa cảm, phần nào đã chịu những tổn thương tình cảm từ mối tình đơn phương với nàng “gái Bắc” tên Duyên, rồi từ sau đó có thể chàng thi sĩ Tất Nhiên luôn mang trong mình nỗi ngờ vực về thứ tình yêu lung linh chung thủy, cho nên sau 2 năm tình lận đận, chàng đã ngờ ngợ ra có chút gì đó của sự toan tính, lọc lừa.

(Mà làm sao không “toan tính” cho được, khi cô nàng luôn cảm thấy bất an trước tình yêu của một chàng thi sĩ luôn có những nội tâm phức tạp, hành vi thất thường, có phần lôi thôi và cổ quái như những người cùng thời đã từng nhận xét).

Ở đoạn này, có một loạt từ “có lẽ” được sử dụng, như là vừa để phỏng đoán, vừa khẳng định, để rồi cuối cùng chàng chấp nhận làm “người tình thua” khi nhận ra rằng bản thân mình có những điều không xứng đáng với sự kỳ vọng của cô gái.

Ở trong đoạn thơ – nhạc sau đó, chúng ta có thể thấy hàng loạt những hình tượng tôn giáo được tác giả vay mượn đưa vào trong thơ có phần táo bạo mà trước đó (và cả sau này) chưa ai (dám) làm kiểu giống như vậy, đó là Chúa và Thánh Giá. Theo nhận xét của tác giả Mặc Lâm trên RFA, thì càng về sau này Nguyễn Tất Nhiên càng thấy hình tượng của Chúa, của Linh Mục và Masoeur gần gũi với mình, mặc dù ông là người ngoại đạo. Có lẽ cũng vì ngoại đạo nên thơ Nguyễn Tất Nhiên không chịu sự ràng buộc của tín lý, có quyền tung tăng trong ngôn ngữ đức tin, và bởi vô úy nên thơ của ông có thể làm cho người đọc vừa xuýt xoa ngạc nhiên vừa thấy thú vị với những câu thơ chưa từng thấy:

Chuông nhà thờ đổ lạnh, tượng Chúa gầy hơn xưa
Chúa bây giờ có lẽ xuống trần gian trong mưa…
Anh bây giờ có lẽ thiết tha hơn tín đồ
Xin làm cây Thánh Giá trên nóc cao nhà thờ

Cô đơn nhìn bụi bặm,
xanh xác rêu phủ mờ,

Trước ngày lên ngôi Chúa,
ai chắc không dại khờ…

Kết thúc bài hát là 2 câu cảm thán:

Hai năm tình lận đận, hai đứa già hơn xưa
Hai năm tình lận đận, mình đã già hơn xưa…

Tình yêu có thể làm cho con người cảm thấy trẻ trung, cuốn người ta vào trong bất tận của men say hạnh phúc, nhưng nếu tình lận đận thì lại làm cho người ta già hơn trong những suy tư khoắc khoải.


Click để nghe Duy Quang hát Hai Năm Tình Lận Đận sau 1975

Chuyện tình của Nguyễn Tất Nhiên – Minh Thủy còn chịu thêm nhiều năm lận đận nữa, nhưng rồi cũng không thể thoát khỏi duyên nợ, sau những lần hợp rồi tan, họ đã cưới nhau vào 10 năm sau đó, khi cả 2 đã trải qua vô số biến thiên của thời cuộc.

Sau năm 1975, Minh Thủy định cư ở Mỹ. Năm 1980, Nguyễn Tất Nhiên được gia đình bảo lãnh sang Pháp, vào lúc ông vẫn còn một thân một mình ở tuổi 28.

Năm 1983, Minh Thủy đi du lịch Âu Châu và gặp lại Nguyễn Tất Nhiên ở Pháp, họ tái hợp với nhau sau 10 năm. Ít lâu sau Nguyễn Tất Nhiên sang Mỹ làm đám cưới với nàng và ở lại Mỹ, sống ở Quận Cam, California.

Tuy nhiên, với một tâm hồn nghệ sĩ quá nhạy cảm, thậm chí là khác thường, cổ quái của chàng thi sĩ, cuộc hôn nhân của họ không được trọn vẹn. Họ chia tay với nhau sau khi đã có 2 con trai, Nguyễn Tất Nhiên bắt đầu cuộc sống cô độc trên chiếc xe hơi cũ, lang thang trên những cung đường vô định, trong xe của ông lúc nào cũng có một bịch khoai tây sống để ăn tạm khi đói.

Ngày 3/8/1992, người ta tìm thấy Nguyễn Tất Nhiên nằm ngủ yên vĩnh viễn trong chiếc xe (cũng là ngôi nhà) đang đậu trong một sân chùa, kết thúc những năm đời lận đận của một thiên tài thất thế.

Bài: Đông Kha
Bản quyền bài viết của nhacxua.vn

Exit mobile version