Chuyện tình buồn trong “Bài Không Tên Cuối Cùng” và lý do nhạc sĩ Vũ Thành An viết thêm lời mới cho bài hát

Vào năm 2017, nhạc sĩ Vũ Thành An ra mắt tập hồi ký Chuyện Tình Không Tên, trong đó ông nhắc lại những cuộc tình trong đời và hoàn cảnh sáng tác các bài hát nổi tiếng, đặc biệt là những Bài Không Tên.

Trong hồi ký, nhạc sĩ Vũ Thành An kể về mối tình đẹp với cô gái hơn tuổi, là nhân vật chính trong các bài hát nổi tiếng nhất của ông là Bài Không Tên Cuối Cùng, Tình Khúc Thứ NhấtAnh Đến Thăm Em Đêm 30. Trong câu chuyện, Vũ Thành An cũng giải thích vì sao đến năm 1991, ông viết thêm lời mới cho bài hát Bài Không Tên Cuối Cùng, đặt tên là Bài Không Tên Cuối Cùng Tiếp Nối với những câu hát như sau:

Này em hỡi con đường em đi đó, con đường em theo đó
Đúng đấy em ơi

Nếu chúng mình có thành đôi lứa
Chắc gì ta đã thoát ra đời khổ đau?

Lời hát ban đầu (sáng tác trước năm 1975), Vũ Thành An trách người yêu với câu hỏi là con đường người yêu đi liệu có đúng hay không. Nhưng sau 20 năm, ông tự trả lời rằng đó là con đường đúng, vì nếu họ đến được với nhau, có thể cuộc đời họ sẽ không thoát được khổ đau.

Bài dưới đây được trích trong tập Chuyện Tình Không Tên.

Em yêu dấu,

Năm 1963, vừa đậu Tú tài toàn phần, anh tham gia tích cực các hoạt động của Tổng hội sinh viên Saigon. Anh phụ trách Chương trình Sinh viên hàng tuần trên sóng Đài phát thanh Saigon. Anh bị em cuốn hút ngay từ buổi đầu tiên em đến làm xướng ngôn viên cho chương trình này. Dáng vẻ xinh xắn và giỏi giang của em đã làm lu mờ hình ảnh tất cả các cô gái khác đang có trong anh hồi đó.

Sau khi trái tim anh bị em chiếm hữu hoàn toàn, anh mới được biết em là sinh viên Đại học Luật khoa Saigon, đang chuẩn bị thi lên… năm thứ ba! Chắc có lẽ bạn anh nói đúng: “cậu có khuôn mặt non choẹt! Thế nhưng cậu lại được rất nhiều… đàn chị quý mến”. Bản thân anh cũng bị em thu hút bởi vẻ đẹp và sự chín chắn. Gia đình em rất khá giả, chính em ngoài việc học còn đang phụ giúp gia đình điều hành một xưởng dệt. Khi biết chuyện này, anh đã có linh cảm không hay về tương lai chuyện chúng mình nên có phần lơ là trong việc tiến đến với em. Gia đình em ngoài một người anh đang đi du học ở nước ngoài, còn có một người chị và hai cô em gái nữa. Đương nhiên là luôn có nhiều anh chàng theo đuổi bốn chị em tiểu thư nhà giàu, cho nên phòng khách nhà em thường xuyên ấm áp tiếng cười của bạn bè. Anh cũng là một trong những người khách của các buổi ấy.

Một buổi tối kia, khi tiễn anh ra cửa, em đã nói với anh: “Lúc nào gia đình cũng hân hoan chào đón anh”. Em dùng từ tiếng Pháp “Bienvenue” (Chào đón – Welcome), âm thanh êm dịu của em từ đó vẫn còn vang vọng trong anh mãi tận đến ngày hôm nay. Thế rồi sau đó một hôm. Em đã trao tay cho anh nắm tại sân trường Luật trên đường Duy Tân. Biến cố này đã làm tan biến tất cả mọi sự dè dặt trong anh. Hơi ấm bàn tay em như đã nâng anh bay lên trời. Và anh đã bắt đầu một cuộc phiêu lưu tình yêu mới.

Chúng ta luôn bên nhau trong những buổi sinh hoạt sinh viên rộn ràng lúc ấy. Chúng ta cùng nhau tham dự những đêm trình diễn âm nhạc tại sân trường Đại học Văn khoa; đến xem các buổi triển lãm tranh của các họa sỹ trẻ Nguyễn Khai, Bé Ký, Trịnh Cung… Những lần như vậy, anh rất vui khi được có em bên cạnh.

Rồi một lần, trên chiếc áo dài đằm thắm, em đeo chiếc pin cài áo hình chiếc lá bằng bạc anh tặng nhân dịp sinh nhật em. Em vui vẻ đeo món quà tặng đơn sơ đó! Chắc có lẽ em đã đón nhận mối chân tình của anh.

Khi ta mới quen nhau, em đã nhiều lần nói anh hãy viết một ca khúc để kỷ niệm mối tình của chúng mình. Thế nhưng anh cứ lần lữa hoài không viết. Một hôm em đã phải nhỏ những giọt nước mắt mà nói: “anh không yêu em sao mà không chịu viết?”. Và một buổi chều mùa xuân 1965, trên chuyến xe từ Vũng Tàu về Saigon, một dòng âm thanh vang lên trong đầu và anh đã viết xuống: Bài ca anh hứa cho em bấy lâu nay vẫn còn dang dở…

Anh đưa bài hát cho anh Nguyễn Đình Toàn xem, lúc ấy tụi anh cùng làm việc chung với nhau tại Đài phát thanh Saigon. Anh Toàn nói để anh ấy viết lời cho bài hát anh muốn dành tặng em. Thế là “Tình khúc thứ nhất” lời Nguyễn Đình Toàn – nhạc Vũ Thành An ra đời.

“Tình vui theo gió mây trôi
Ý sầu mưa xuống đời
Lệ rơi lấp mấy tuổi tôi
Mấy tuổi xa người

Ngày thần tiên em bước lên ngôi
Đã nghe son vàng tả tơi
Trầm mình trong hương đốt hơi bay
Mong tìm ra phút sum vầy

Có biết đâu niềm vui đã nằm trong thiên tai
Những cánh dơi lẻ loi mù trong bóng đêm dài
Lời nào em không nói em ơi
Tình nào không gian dối
Xin yêu nhau như thời gian làm giông bão mê say

Lá thốt lên lời cây
Gió lú đưa đường mây
Có yêu nhau xin những ngày thơ ngây

Lúc mắt chưa nhạt phai
Lúc tóc chưa đổi thay
Lúc môi chưa biết dối cho lời…”

Không biết bây giờ em có còn giữ chiếc pin cài áo hình chiếc lá không? Nhưng em có biết không, hình ảnh của nó trên ngực áo em vẫn tồn tại trong tâm khảm anh suốt từ đó đến nay!

Khi anh và anh Toàn hoàn tất bài “Tình khúc thứ nhất” thì tình cờ anh đọc được bài thơ “Em đến thăm anh đêm Ba mươi” trong tập thơ của anh Toàn. Khi đọc tới câu “Xin chiếc lá vàng làm bằng chứng yêu em”, anh lập tức nhớ ngay đến em. Hình tượng chiếc lá của chiếc pin cài áo đó chính là bằng chứng tình yêu của anh đối với em. Và anh đã quyết định phổ nhạc bài thơ của anh Toàn,

“Em đến thăm anh đêm Ba mươi
Còn đêm nào vui bằng đêm Ba mươi
Anh nói với người phu quét đường
Xin chiếc lá vàng làm bằng chứng yêu em.

Tay em lạnh để cho tình mình ấm
Môi em mềm cho giấc ngủ anh thơm
Sao Giao Thừa xanh trong đôi mắt ngoan
Trời sắp Tết hay lòng mình đang Tết…”

Khi phổ nhạc đến đây, cảm xúc của anh càng mãnh liệt hơn và anh cứ để dòng nhạc tuôn trào một cách tự nhiên. Cứ thế từng câu nhạc, từng câu nhạc vang lên! Anh chỉ kịp ghi lại và để anh Toàn dệt thêm lời cho đoạn nhạc. Nhờ vậy bài hát “Em đến thăm anh đêm Ba mươi” được trọn vẹn.

“Tháng ngày đã trôi qua tình đã phôi pha người khuất xa
chỉ còn chút hương xưa rồi cũng phong ba rụng cùng mùa

Dòng sông đêm hồn đen sâu thao thức
ngàn vì sao mọc hay lệ khóc nhau

đá buồn chết theo sau ngày vực sâu
rớt hoài xuống hư không cuộc tình đau…”

Mối tình của chúng ta chỉ đẹp trong những ngày tháng đầu, nhưng rồi…

“Tình vui trong phút giây thôi
Ý sầu nuôi suốt đời…”

Lời này được anh Toàn viết khi tình chúng mình đang thắm, đã như lời dự báo cho những điều chẳng lành sẽ đến.

Quả thật, cuộc tình của chúng ta sau đó lại gặp những trở ngại cố hữu. Ngăn cách về tuổi tác, ngăn cách về học vấn, ngăn cách về địa vị xã hội… Anh không thể hiểu làm sao em có thể yêu được anh, một chàng trai thua em một, hai tuổi, học thua em mấy lớp và nhất là tương lai còn quá xa…

“Thì xin giữ lấy niềm tin
dẫu mộng không đền

Dù trời đem cay đắng gieo thêm
Cũng xin đón chờ bình yên
Vì còn đây câu nói yêu em
Âm thầm soi lối vui tìm đến…”

Việc gì phải đến đã đến! Gia đình ngăn cấm không cho em liên lạc với anh nữa! Ban đầu em nhất quyết chống lại. Những giọt nước mắt của em rơi trên những lá thư tình dài đã cho anh biết tình yêu của em là có thật. Nhưng rồi em cũng phải buông xuôi, đầu hàng nghịch cảnh,

Anh đã thảng thốt cất tiếng kêu than khi em đột ngột chấm dứt liên lạc. Nhiều lần em đã hẹn rồi không đến. Biết bao lần em đã hứa, hứa cho nhiều rồi lại quên, anh dường như đoán biết đươc những gì đang xảy ra. Trong thời gian chúng ta yêu nhau, nhiều buổi tối anh gọi điện thoại tới nhà em hàng giờ để nói chuyện, cho nên sau một thời gian em lánh mặt, một buổi tối kia anh đã gọi và lần này em lại nói một câu tiếng Pháp: “Une fois pour totes” (Một lần cho tất cả – Once and for all). Có nghĩa cuộc nói chuyện đó sẽ là lần cuối giữa hai đứa. Anh đã nghẹn lời và không thể nói được một lời gì nữa.

Em đã ra đi để lại trong anh một nỗi đau đớn không nguôi. “Anh biết tin ai bây giờ…”

Em đã như thần tiên đến với anh;

“Thần tiên gẫy cánh đêm xuân
Bước lạc sa xuống trần
Thành tình nhân đứng giữa trời không
Khóc mộng thiên đường

Ngày về quê xa lắc lê thê
Trót nghe theo lời u mê
Làm tình yêu nuôi cánh bay đi
Nhưng còn dăm phút vui trần thế”

Và rồi em đã bỏ anh ra đi:

“Xa nhau rồi, thiên đường thôi lỡ,
cho thần tiên chắp cánh xót đau người tình si…”

“Bài không tên cuối cùng” đã được viết trên quãng đường rất ngắn chưa được một cây số từ trường Luật về nhà anh ở Trần Quý Cáp đoạn gần ngã tư Lê Văn Duyệt và anh đã không sửa một lời nào.

“Nhớ em nhiều nhưng chẳng nói
Nói ra nhiều cũng vậy thôi
Ôi đớn đau đã nhiều rồi
Một lời thêm càng buồn thêm, còn hứa gì?

Biết bao lần em đã hứa
Hứa cho nhiều rồi lại quên
Anh biết tin ai bây giờ
Ngày còn đây người còn đây, cuộc sống nào chờ.

Này em hỡi, con đường em đi đó
Con đường em theo đó sẽ đưa em sang đâu?
Mưa bên chồng có làm em khóc,
có làm em nhớ những khi mình mặn nồng.

Này em hỡi con đường em đi đó
Con đường em theo đó đúng hay sao em?
Xa nhau rồi thiên đường thôi lỡ
Cho thần tiên chắp cánh xót đau người tình si…

Suốt con đường ai dìu lối
Hãy yêu nhiều người em tôi
Xin gửi em một lời chào
Một lời thương một lời yêu lần cuối cùng…”

Em yêu dấu,

Em bỏ đi làm anh hụt hẫng, nhất là không còn biết tin vào ai nữa. Anh đã tin những lời em hứa, thế rồi em bỏ đi. Anh trở thành kẻ mất đức tin không còn biết bấu víu vào đâu. Đức tin là quan trọng nhất của một đời người. Chính đức tin sẽ cho ta hy vọng, có thể giúp ta chịu đựng được những điều phi thường và vượt lên khỏi sự bình thường. Mất đức tin ta sẽ rơi xuống hố thẳm của tuyệt vọng.

Em đã từng muốn anh ghi lại kỷ niệm cho cuộc tình chúng mình. Và anh đã viết nhưng chưa bao giờ nghĩ rằng “Bài không tên cuối cùng” anh đã viết ra trong sự thảng thốt khi em đột ngột bỏ anh đi, sau đó lại được phổ biến rộng như thế! Chắc chắn những lời ca đó đã gây ảnh hưởng đến em. Anh hoàn toàn không muốn như vậy.

25 năm sau, năm 1991, anh đã mừng là có dịp để viết lại những điều anh không nên viết. Anh vẫn mong một lần hỏi chuyện em:

“Nhớ rất nhiều câu chuyện đó
Ngỡ như là ngày hôm qua
Ôi ước ao có một ngày
Gặp lại em hỏi chuyện em lần cuối cùng

Vẫn con đường, con đường cũ
Vẫn ngôi trường, ngôi trường xưa
Mưa vẫn bay như hôm nào
Người ở đâu mình ở đây bạc mái đầu

Này em hỡi con đường em đi đó, con đường em theo đó
Chắc qua bao lênh đênh
Bao gập ghềnh có làm héo hắt
Có dập tắt mất nét tươi nhuận nụ cười?

Này em hỡi con đường em đi đó,
Con đường em theo đó đúng đấy em ơi
Nếu chúng mình có thành đôi lứa
Chắc gì ta đã thoát ra đời khổ đau?

Nếu không còn được gặp nữa
Giữ cho trọn ân tình xưa
xin gửi em lời cầu nguyện
Được bình yên được bình yên về cuối đời…”

Đúng như vậy, nếu mộng có thành và đời em gắn với mệnh số của anh thì em sẽ phải chịu rất nhiều đau khổ trong nhiều năm. Và biết đâu “Nếu chúng mình có thành đôi lứa, chắc gì ta đã thoát ra đời khổ đau?”

Bây giờ, sau 50 năm hồi tưởng lại, anh vẫn thấy tình yêu anh dành cho em là có thật. Tình yêu đó đã theo anh trên mọi nẻo đường. Tình yêu ấy đã cho anh bay vút lên trời cao và rớt chúi xuống vực sâu. Một lần tình cờ anh được gặp lại em trong chuyến đi sang Paris cùng với Du Tử Lê và Từ Công Phụng năm 1998, tim anh như vỡ trong lồng ngực. Đó có phải là bằng chứng của mối chân tình?

Ngày ấy khi sang tới Paris, anh đã nhờ ban tổ chức liên lạc với anh T.N. là nhà văn quen biết. Qua anh T.N., anh đã đến nhà hàng của em và may mắn là anh cũng được gặp B. – em gái của em. Cô B. đã du học ở Paris từ những ngày chúng ta quen nhau. Anh còn nhớ, anh cũng có mặt hôm gia đình em đưa cô B. ra phi trường Tân Sơn Nhất đi du học. Khi anh T.N. giới thiệu tên anh, cô B. đã nhìn em đầy ý nghĩa và không nói gì. Có lẽ tất cả mọi người đều biết chuyện chúng mình trừ anh T.N. và cô B.

Em đã mời anh ăn bữa cơm do chính nhà hàng của em nấu. Anh ăn rất ít vì cảm xúc khi được gặp lại em khiến bữa cơm rất ngon nhưng cũng trở thành vô vị. Anh có xin phép em chụp mấy tấm hình. Em đồng ý cho anh tha hồ chụp quán ăn nhưng không được chụp bà chủ. Không có bà chủ thì việc chụp hình đâu còn có ý nghĩa gì? Khi ra về, chính anh T.N. đã đưa anh ra trạm Metro. Anh T.N. đã chỉ cho anh Cafe De Flore, nơi gặp gỡ của các văn nghệ sỹ Pháp từ gần trăm năm trước. Đến mùa đông 2015, anh có dịp ghé lại Paris và may mắn thuê được một apartment ở Saint-Germain Des Pres, chỉ đi bộ vài phút là tới quán cafe nổi tiếng này. Anh biết nhà hàng của em cũng ở gần đâu đây, nhưng suốt một tuần lễ không có sự tình cờ nào cho anh được gặp em, mối tình của 50 năm trước! Cuộc gặp gỡ 1998 không những là một dấu ấn sâu đậm trong tâm hồn anh mà ở ngay trong những người bạn có mặt trong buổi diễn ngày hôm đó. Anh B., một nhà thơ nổi tiếng ở Paris, kể lại là anh ấy đã nhìn thấy những giọt nước mắt của một người đã rơi khi anh đứng hát trên sân khấu..

Từ khi em đi, anh sống trong hụt hẫng, tâm hồn trống rỗng. Anh cố đi tìm quên thực tại! Khi em ra đi cũng là lúc bài tình ca kỷ niệm của cuộc tình chúng ta đã trở nên nổi tiếng bất ngờ. Anh nhận được rất nhiều thư từ các thỉnh giả hâm mộ, trong đó có một lá thư khác đặc biệt suốt một trang giấy chỉ viết toàn tên Vũ Thành An:

vuthanhanvuthanhanvuthanhanvuthanhanvuthanhanvuthanhan….

Và cuối cùng là chữ Vũ Thành An màu đỏ!

Tuy thế, nhưng tim anh vẫn chưa thể nào rung động lại được. Tâm hồn anh lạnh giá, ảm đạm vô cùng đến nỗi anh mang cả nỗi tuyệt vọng vào trong bài hát “Nếu tôi còn yêu được”:

“Nếu tôi còn yêu được một lần thôi cũng vui đời
Nếu tôi còn được yêu xin thêm ngày tháng mộng
Nếu tôi còn yêu được một lần thôi không giữ gìn
nói em nghe lời thở than

Dìu nhau, dắt nhau lên rừng
Cùng nhau sống như cỏ cây
Quên mọi người, quên hết cuộc đời, quên luôn mình là người.

Chờ em từ ba mươi năm
Chờ em chờ như trăm năm
Từ kiếp nào ngủ vùi
Chờ em nhỏ xuống giọt lệ vui…”

Anh cầu chúc cho em luôn được hạnh phúc

Trích hồi ký Vũ Thành An – Chuyện tình không tên

Exit mobile version