“Trên Ngọn Tình Sầu” là một trong những ca khúc nổi tiếng nhất của nhạc sĩ Từ Công Phụng, phổ từ bài thơ mang tên “67, Khúc Thêm Cho Huyền Châu” của cố thi sĩ Du Tử Lê.
Từ mối tình không thành với cô gái mang tên Huyền Châu vào thập niên 1960, nhà thơ áo lính Du Tử Lê đã mang nặng một nỗi niềm bơ vơ, đồng thời nhớ về cảm giác tương tự ở thời thơ ấu đã xa. Tất cả điều đó được ông ghi lại trong bài thơ này.
Huyền Châu là mối tình của Du Tử Lê khi ông ở tuổi mới đôi mươi, khi đó dù tình yêu chưa thực sự sâu sắc, nhưng ông mang theo cả một đời. Sau này đã có gia đình, Du Tử Lê vẫn nhiều lần nhắc tới Huyền Châu với một sự trân trọng lớn, thậm chí còn để hình của cô trên giá sách tại phòng riêng.
Sau mối tình không thành với Du Tử Lê, cô Huyền Châu sống một mình không lập gia đình cho đến khi qua đời năm 2011.
Bài thơ gốc được đặt tên là “67, Khúc Thêm Cho Huyền Châu”, một cái tên khá riêng tư, với số 67 là thời điểm bài thơ ra đời năm 1967.
Khoảng vài năm sau đó, khi nhạc sĩ Từ Công Phụng phổ nhạc xong cho bài thơ này, chưa đặt tên ngay cho bài hát mà hẹn nhà thơ Du Tử Lê ra tiệm cà phê La Pagode ở góc đường Tự Do – Lê Thánh Tôn, một địa điểm quen thuộc của giới văn nghệ sĩ miền Nam thời đó. Nhạc sĩ Từ Công Phụng hát bài nhạc vừa sáng tác xong và đề nghị Du Tử Lê đặt một tựa đề khác cho ca khúc, để nó không quá riêng tư như tựa đề bài thơ gốc.
Thi sĩ Du Tử Lê kể lại, khi đó ông bâng quơ nhìn ra công viên Chi Lăng ngay đối diện quán cà phê, nơi có những cây cổ thụ ở góc đường Tự Do – Lê Thánh Tôn, nhớ lại những ngày buồn bã vì chuyện tình với Huyền Châu, với những năm tháng nắng, mưa chỉ có một mình, ông chọn cái tên “Trên Ngọn Tình Sầu” cho bài hát.
Từ một bài thơ 8 chữ khá dài của Du Tử Lê, nhạc sĩ Từ Công Phụng đã rút gọn lại thành bài hát, nhưng vẫn giữ được nội dung cơ bản và những câu chữ “đắt giá” nhất của thơ, với cách dùng chữ rất đặc biệt, như “bầy sẻ cũ hom hem”, “lá oan khiên lả tả mái hiên người”, “môi thâm khô từ thuở định xin hôn”, “con dế buồn ƭự ƭ ử giữa đêm sương”…
Trước năm 1975, ca sĩ Thanh Lan và Xuân Sơn đã hát Trên Ngọn Tình Sầu, nhưng được yêu thích nhất vẫn là qua tiếng hát Tuấn Ngọc sau 1975. Ngoài ra bài hát còn được chính tác giả Từ Công Phụng trình bày, các bạn có thể nghe lại sau đây:
Click để nghe Từ Công Phụng hát
Lời bài hát Trên Ngọn Tình Sầu:
Trong câu chuyện đã ghi ở bên trên, nhà thơ Du Tử Lê có nhắc đến những ngày buồn bã vì chuyện tình với Huyền Châu, và câu chuyện này đã được ông kể rất chi tiết lúc sinh thời.
Đó là năm 1962, Du Tử Lê 20 tuổi, đang theo hoc trường bộ binh Thủ Đức. Trong một lần được phân công đi cùng với nhà thầu để mua nhu yếu phẩm cho trường ở chợ Cầu Ông Lãnh. Trước khi đi ngang qua căn nhà mặt tiền số 112 bis Bến Chương Dương (nay là đại lộ Võ Văn Kiệt), người sĩ quan đi cùng nói với Du Tử Lê là trong căn nhà đó có một cô bán kẹo rất xinh và thách đố vào nói chuyện để làm quen.
Dù nhút nhát từ nhỏ, nhưng lần đó Du Tử Lê đánh bạo nhận lời. Ông kể lại:
“Bước vào rồi, tôi thấy người con gái để tóc thề, khuôn mặt trái soan, mắt to, hơi lạnh, khá nghiêm nghị. Tôi chới với, không biết nói gì! Bèn hỏi mua một lạng ô mai cam thảo và thú thật với cô bán hàng rằng, ông sĩ quan, chỉ huy tôi, đố tôi vào, nói chuyện với cô…
Tôi nghĩ có thể cô bán hàng bất ngờ trước sự thật kia, nên đã mỉm cười, mời tôi ngồi xuống chiếc ghế duy nhất, bên ngoài tủ kính. Sau đấy, tôi im lặng, không biết nói gì thêm. Lát sau, tôi cầm bịch ô mai, đứng lên, xin kiếu, với lý do ông sếp chờ bên ngoài.
Tôi nhớ Huyền Châu cũng đứng dậy, nói là buổi sáng cô thường ra trông hàng cho mẹ. Mai mốt có dịp thì tôi cứ ghé vô, nếu thấy cô.”
Cuộc tình của họ bắt đầu nhẹ nhàng như vậy. Mọi thứ diễn ra một cách êm đềm trong vòng lễ giáo, họ thậm chí còn chưa nắm tay, thì phải đột ngột cách xa vì người cha của cô Huyền Châu vốn “kỳ thị” người Bắc di cư như Du Tử Lê. Một lần 2 người đang nói chuyện trước cửa tiệm thì cha của cô thình lình xuất hiện và vung tay tát Huyền Châu.
Cảm thấy tự ái của mình bị tổn thương trầm trọng, Du Tử Lê xô ghế đứng lên nói với người cha là Huyền Châu không có lỗi, kèm lời khẳng định: “Cháu xin hứa với bác sẽ không bao giờ trở lại căn nhà này nữa!”
Thời gian sau, dù vẫn nhớ tới Huyền Châu, nhưng nỗi đau cũng dần nguôi ngoai, Du Tử Lê cũng nghĩ rằng với cuộc sống có nếp khép kín, cô Huyền Châu sẽ không muốn tiếp tục có liên hệ nào với ông nữa.
Sau đó nhiều năm, Du Tử Lê lập gia đình, rồi bất ngờ khi nghe thông tin rằng thời gian qua Huyền Châu đã cố gắng liên lạc với ông và tìm đến nhà, nhưng không được.
Năm 1967, ông viết bài thơ 67, Khúc Thêm Cho Huyền Châu. Vì sao lại là “khúc thêm”? Vì trước đó, ông đã viết nhiều “khúc” để tặng cho Huyền Châu lúc vẫn còn gặp nhau, và bài thơ này có thể xem là lần cuối cùng:
Cả trong bài hát và bài thơ có hình ảnh rất ấn tượng là “Con dế buồn…”. Tác giả Du Tử Lê đã giải thích như sau:
“Tôi dùng hình ảnh con dế vì nó gắn liền với tuổi thơ, nhất là tuổi thơ của thế hệ chúng tôi, mà thời gian đầu thì tôi ở nhà quê, con trai như chúng tôi thường hay chơi dế, đó là lý do thứ nhất.
Lý do thứ hai là trong hoàn cảnh của tôi, tôi có quá nhiều mặc cảm. Tôi sống rất khép kín, vì tôi dư một ngón tay, tôi bị một bàn tay 6 ngón. Cho nên thế giới của tôi khép kín, chỉ luẩn quẩn với mấy con thú; con dế là một trong những người bạn của tôi, thân thiết với tôi nhất trong suốt tuổi thơ của mình. Khi tôi nói là “con dế buồn тự тử giữa đêm sương” thì ý tôi muốn liên tưởng giữa cái tuổi thơ heo hút, cô độc của tôi, và gần như tôi không có tuổi thơ. Thế nên khi tôi viết là: “con dế buồn” thì tôi chỉ muốn nói là nó chấm dứt một cách tức tưởi, nếu không muốn nói là gần như không có”.
Ngoài ca khúc Trên Ngọn Tình Sầu, có một ca khúc nổi tiếng khác được nhạc sĩ Từ Công Phụng phổ từ thơ Du Tử Lê, đó là Giữ Đời Cho Nhau, từ bài thơ mang tên Ơn Em:
Ơn em thơ dại từ trời
Theo ta xuống biển vớt đời ta trôi…
Bài: Đông Kha
Bản quyền bài viết của nhacxua.vn