Chuyện hậu trường sáng tác và xuất bản nhạc thời 60 năm trước được nhạc sĩ Trúc Phương tiết lộ qua bài phỏng vấn năm 1963

Nếu bạn là một người quan tâm đến các hoạt động âm nhạc ở Sài Gòn thập niên 1960, chắc chắn bài viết này sẽ vô cùng bổ ích và sẽ làm bạn cảm thấy thú vị, ngạc nhiên vì những thông tin được cung cấp trong đó.

Nếu bạn là người yêu thích nhạc xưa, hãy theo dõi kênh YouTube này để nghe đọc các bài cảm nhận về âm nhạc (phân tích ý nghĩa, hoàn cảnh sáng tác, tiểu sử ca nhạc sĩ): LINK YOUTUBE  < Click

Qua bài phỏng vấn nhạc sĩ Trúc Phương vào năm 1963 sau đây, ban sẽ biết được quy trình để một ca khúc được phát trên đài phát thanh, kể từ lúc nó được sáng tác ra, được mang đi xét duyệt, sau đó nhạc sĩ đi nhờ ban nhạc, nhờ ca sĩ thu âm. Ngoài ra còn có các thông tin về quy trình phát hành tờ nhạc, số tiền tác quyền nhạc sĩ nhận được khi bài hát được thu dĩa, được xuất bản nhạc tờ… Nhạc sĩ thời xưa sống được bằng nghề sáng tác như thế nào?

Chỉ trong một bài ngắn, bạn sẽ biết được tất cả những gì để một ca khúc có thể đi được từ con tim trí óc của nhạc sĩ tới lỗ tai người nghe. Những bài hát nhạc vàng bất hủ được yêu thích tới tận ngày nay, cũng đều đã trải qua đầy đủ những quá trình đó…

Đồng thời qua đoạn phỏng vấn này, nhạc sĩ Trúc Phương cũng tiết lộ khuynh hướng sáng tác của mình, lý do mà những ca khúc đó dễ đi vào lòng công chúng, không chỉ là công chúng đương thời, mà công chúng của suốt 60 năm sau đó.

Trúc Phương

Tên thật: Nguyễn Thiện Lộc
Sanh năm 1933 tại làng Mĩ Hòa, quận Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh.

Chuyên về âm nhạc.

Đã cộng tác với đài phát thanh Pháp Á (1954-1955), ban Sầm Giang của Trần Văn Trạch, và nhiều ban văn nghệ lưu động ở tỉnh.

Đã xuất bản trên ba chục bản nhạc: Tình thắm duyên quê (1954-56), Chiều làng em (1958), Đò chiều (1958), Nửa đêm ngoài phố (1960), Hai chuyến tàu đêm (1960), Tàu đêm năm cũ (1961), Chuyện chúng mình (1961), Chiều cuối tuần (1962), Hai lối mộng (1962), Bóng nhỏ đường chiều (1962), Người xóm cũ (1963), Tuổi tình yêu (1963), Mắt em buồn (1963), Buồn trong kỉ niệm (1963)…

Vai trò của đài phát thanh trong việc giới thiệu nhạc phẩm mới rất là trọng yếu. Một bài hát mới được giới thiệu ở phòng trà, hoặc ở một đại nhạc hội, không nghĩa lý gì sánh với một bài hát được giới thiệu qua làn sóng điện. Thính giả nghe truyền thanh nhiều lần, thích tìm mua, nhà xuất bản mới tìm mình để thương lượng xuất bản. Có được xuất bản, tác phẩm mình mới được phổ biến sâu rộng, và mình mới có tiền để sống, để tiếp tục sáng tác.

Tôi nghĩa rằng nhạc sĩ mình mà có sáng tác những ca khúc ngắn để hát “mua vui” ở tửu điếm trà đình, hay những bản hợp tấu để trình bày trọng thể trước một cử tọa chọn lọc, thì người sử dụng âm thanh không được phép quên mình là người Việt, và công trình nghệ thuật của mình phải được đồng bào mình cảm thông trước nhất.

Tôi bảo người bạn làm giám đốc một nhà xuất bản nhạc Việt:

– Nhờ anh cho tôi biết vài anh em nhạc sĩ Tân nhạc, hiện được giới bạn trẻ ưa chuộng. Tôi sẽ tìm đến phỏng vấn. Vì có một số độc giả trẻ trách chúng tôi sao hỏi nhiều nhạc sĩ Tân nhạc tiền chiến, mà ít hỏi đến các bạn trẻ mới xuất hiện sau thế chiến thứ nhì. Chúng tôi có biết vài người, nhưng hỏi lại anh cho nó chắc.

Người bạn nọ bèn giở sổ tay, biên biên, chép chép, xé đưa tôi tờ có tên và địa chỉ vài nhà Tân nhạc được giới tuổi trẻ mến chuộng.

Nhạc sĩ thứ nhất, tôi tìm không ra nhà.
Nhạc sĩ thứ nhì, đi vắng.
May mà tôi gặp được nhạc sĩ thứ ba. Đó là anh Trúc Phương.

Được biết anh vừa ở đài phát thanh về, tôi bèn hỏi:

– Đài vẫn còn giữ nguyên tắc: mỗi bài hát chỉ được trình bày một lần trong tuần?

Anh gật đầu.

– Lắm anh em than phiền quyết định này lắm. Còn anh thì sao?

Anh đốt điếu thuốc, hút một hơi, rồi mới trả lời:

Anh em than phiền thế có lý; mà đài quyết định thế, cũng có lý. Vì từ được trình bày tự do, đến trình bày hạn chế, người nhạc sĩ sáng tác ca khúc nào mà chẳng buồn, chẳng bực. Nhưng sở dĩ đài có biện phát gắt gao như thế là bởi trước kia, vài người có trách nhiệm lập chương trình phát thanh phần Tân nhạc đã vì tình riêng hoặc sở thích riêng mà tỏ ra thiên vị trông thấy.

– Nhưng đứng về phía thính giả, một bản nhạc mình thích, mình yêu cầu đài, mà một tuần chỉ được nghe có một lần, nghĩ cũng là quá ít.

Tôi cũng nghĩ thế. Một bài hát hay mà ngày nào cũng nghe hát, hóa ra nhàm tai, vả lại cũng phải nhường chỗ cho những bài hát khác, hoặc cũ, hoặc mới. Một tuần mà được hát hai lần thì là vừa phải.

– Tôi cũng mong thế. Tiện đây, xin anh cho biết qua một bài hát muồn được trình bày ở đài, thì tác giả nó phải qua những con đường nào?

Trước hết là mình đưa bản nhạc cho ban hội đồng văn nghệ của đài kiểm duyệt. Xem về mặt nghệ thuật, có giá trị không, lời ca có phạm vào chủ trương hiện thời của chính phủ không. Được phép trình bày, mình mới tìm đến một anh trưởng ban Tân nhạc…

– Đài có mấy ban Tân nhạc giúp, anh?

Có đến mười một ban. Anh trưởng ban Tân nhạc đó bằng lòng ghi vào chương trình phát thanh của anh rồi, mình mới tìm ca sĩ quen biết, tập họ hát cho thuần, rồi mới trình bày qua làn sóng điện.

– Rồi chính ca sĩ ấy lãnh “cát sê”?

Dĩ nhiên.

– Bao nhiêu, anh?

Ba trăm.

– Còn tác giả?

Tác giả lãnh… cái vui được “nghe” khai sanh đứa con tinh thần của mình.

– Vậy thì đài phát thanh đóng vai trò trọng yêu trong việc giới thiệu nhạc phẩm mới.

Anh phì trong một hơi thuốc:

Rất là trọng yếu. Một bài hát mới được giới thiệu ở phòng trà, hoặc ở một đại nhạc hội, không nghĩa lý gì sánh với một bài hát được giới thiệu qua làn sóng điện. Thính giả nghe truyền thanh nhiều lần, thích tìm mua, nhà xuất bản mới tìm mình để thương lượng xuất bản. Có được xuất bản, tác phẩm mình mới được phổ biến sâu rộng, và mình mới có tiền để sống, để tiếp tục sáng tác. Cho nên khi ở đài, có sự thay đổi gì, là anh em chúng tôi…

– …hồi hộp?

Gần như thế. Thử xem đường lối của đài có gì thay đổi không? Nhất là xem coi ông trưởng ban văn nghệ là người thế nào? Dễ thông cảm hay là cứng rắn, hoặc quá lo xa mà…

Thấy anh tìm chữ chưa ra, tôi cười mà tiếp tay:

– …mà “bảo hoảng hơn vua chúa”?

Anh cười theo, rồi tiếp:

Có một điều làm chúng tôi khó hiểm, là thường vấp phải trở ngại không ngờ này: đài phát thanh vốn trực thuộc Nha Tổng giám đốc Thông tin, thế mà bài hát được Hội đồng kiểm duyệt của Nha cho phép xuất bản, thâu thanh, mà khi đem xin trình bày ở đài phát thanh, thì lại bị bác. Ngược lại, có những bài đài cho phép hát mà rồi Nha lại không cho in.

– Chắc là Nha và Đài đều có lý cả.

Anh cười:

Khổ một nỗi là cái “có lý” của hai bên làm những kẻ sống về sáng tác và xuất bản nhạc gặp nhiều trở ngại và thiệt thòi.

– Sẵn anh nhắc đến việc xuất bản nhạc, tôi xin anh nói đôi chi tiết. Thường thì một bài hát in ra, nhà xuất bản trả tác quyền các anh bao nhiêu?

Chữ tác quyền anh nói đó, không biết có đúng trong trường hợp chúng tôi không. Vì chúng tôi bán đứt cho nhà xuất bản, và sau đó, không còn quyền gì nữa.

– Thế thì một bản nhạc, nhà xuất bản trả các anh bao nhiêu?

Không chừng, anh à. Tùy theo tác giả, tùy theo bài hát ăn khách nhiều hay ít.

– Anh có thể biết giá hạ nhất và giá ca nhất.

Ngoài đôi trường hợp ngoại lệ không kể, thường thường thì giá hạ nhất là tám ngàn, cao giá nhất là ba chục ngàn.

– Thế thì các anh sống thong thả rồi! Cứ mối tháng được xuất bản một bài nhạc, là đủ sống ít nhất là trong ba mươi ngày.

Anh cười buồn.

Anh tưởng thế, chớ tiền nhà xuất bản trả, mình có mang về nhà trọn cho đâu, anh. Các bạn đã giúp mình trong việc “lăng xê” bản nhạc, tuy mình không lấy tiền để trả công khó cho anh chị em, chớ tiền lãnh rồi, bổn phận đầu tiên là thết các bạn ấy “một chầu”. Tiêu đi hết 5-7 ngàn trong việc này là việc thường. Vả lại đâu phải tháng nào, mình cũng có một bản nhạc ra đời. Những bạn nào có công ăn việc làm chắc chắn, sáng tác nhạc không cần được xuất bản, xem đó là việc phụ, chẳng nói làm chi, chớ những người chỉ sống vì nhạc như tôi, thì dầu được bản trẻ có cảm tình nhiều, cũng sống qua ngày tháng vậy thôi.

– Còn khi thâu bài hát vào dĩa, các anh được trả bao nhiêu tiền?

Từ ngàn rưỡi đến ba ngàn.

– Và các chủ hãng dĩa hát được toàn quyền in bao nhiêu thì in, trong bao nhiêu lâu cũng được?

In bao nhiêu tùy họ, nhưng hai năm sau, mình có quyền cho hãng dĩa khác in.

– Và họ cũng có quyền in?

Anh gật đầu. Tôi nói:

– Nãy giờ quấy rầy anh về phép tắc, quyền hạn, tiền nong như thế cũng đủ lắm rồi, vậy giờ xin làm phiền anh về khía cạnh nghệ thuật. Sáng tác những đường lối vạch sẵn, có làm anh mất khá nhiều cảm hững như đa số các bạn cùng ngành?

Tôi cũng như các bạn khác. Từ chỗ được tự do sáng tác đến chỗ sáng tác theo một vài đường lối, người nghệ sĩ nào lúc đầu lại chẳng thấy khó chịu, lúng túng vì cảm thấy mình bị ràng buộc. Nhưng mà trong giai đoạn đặc biệt, thì chúng tôi phải chịu và lại lâu rồi chắc cũng sẽ quen đi, nhưng lúc đầu thì thật là lúng túng bực bội.

Tôi còn đang nghĩ ngợi, thì anh đề tặng tôi một bản nhạc của anh mới xuất bản.

– Bạn trẻ thích các bài hát của anh, chắc anh cũng hiểu vì sao chớ?

Tôi có hỏi một số bạn trẻ thích nhạc tôi, nên tôi biết điều đó. Tôi sáng tác, lấy nguồn cảm hứng ở chính những vui, buồn, lo, nghĩ của mình, hoặc bị cảm xúc bởi những nỗi niềm của người đồng lứa. Tôi cố sao chân thành trong khi sáng tác, và nét nhạc của tôi lúc nào cũng phảng phất hồn cổ nhạc. Và tôi nghĩ rằng ta chỉ nên mượn kỹ thuật của Tây phương thôi, còn tâm tình phải là của người Việt ở thế hệ mình, mà muốn diễn tả cho đúng, muốn cảm được người nghe – người Việt – thì không thể bỏ qua cái vốn âm hưởng mà người Việt mình đã nghe từ mấy ngàn năm, ăn sâu vào tiềm thức…

Cho nên, Tân nhạc được sống mạnh thời hậu chiến, là từ khi các nhạc sĩ đã đem những giọng hò, giọng ngâm quen thuộc của người dân mình vào sáng tác của họ một cách phải chăng và khéo léo.

Tôi nghĩa rằng nhạc sĩ mình mà có sáng tác những ca khúc ngắn để hát “mua vui” ở tửu điếm trà đình, hay những bản hợp tấu để trình bày trọng thể trước một cử tọa chọn lọc, thì người sử dụng âm thanh không được phép quên mình là người Việt, và công trình nghệ thuật của mình phải được đồng bào mình cảm thông trước nhất.

– Thế thì, đối với cổ nhạc…

Ta nên bảo tồn và tìm cách phát triển. Bằng cách nào, thì xin anh hỏi các bậc huynh trưởng của nền cổ nhạc.

– Còn đối với nhạc Tây phương?

Nhạc Tây Phương, hay Bắc, Nam phương… gì, ta cũng cần nghiên cứu và học hỏi, nhưng với mục đích để làm giàu cho nhạc Việt ta.

– Theo anh thì hiện tình và tương lai ngành Tân nhạc…

Hiện tại, thì u buồn, còn tương lai thì mờ mịt.

Anh nhắc tôi dùng nước trà đã nguội vì tôi mãi lo hỏi anh mà quên uống. Tôi vừa hớp nước, vừa nhìn gian phòng đơn giản và chưa có vẻ gì là phong lưu của một người nghệ sĩ được thanh niên thích nhạc mình. Và tôi đột ngột hỏi anh:

– Anh này, chẳng hay các nhà xuất bản họ “dám lời” bao nhiêu, khi gặp một bản nhạc được “nhiệt liệt hoan nghinh”?

Họ dám lời đến hai trăm ngàn.

– Thế à? Sao anh không tự xuất bản đôi bài. May ra…

Mình tự xuất bản thì “dám lỗ” hết vốn! Chính tôi đang tự in một bài hát của mình. Mong rằng chằng phải lần cuối.

Và anh mở sơ mi, đưa tôi coi bản nhạc ấy. Tên nó là “Buồn trong kỉ niệm”. Nhìn lên anh, tôi thấy mắt anh ngời chút ánh vui vui.

Nguiễn Ngu Í thực hiện, Bán nguyệt san Bách Khoa năm 1963

 

Exit mobile version