Chùm ảnh màu tuyển chọn tuyệt đẹp của Đà Lạt xưa

Đà Lạt xưa nay được mệnh danh là thành phố của tình yêu, của ngàn hoa và những đồi thông chập chùng mờ khuất trong sương bay, là nơi có tất những gì thơ mộng nhất mà người ta có thể nghĩ về. Có lẽ hầu hết những đôi yêu nhau đều đã từng (hoặc là có mong muốn một lần) được nắm tay nhau dạo bước ở những dốc mù sương đầy lãng mạn, nơi đã được nhiều nhạc sĩ và thi sĩ mô tả đầy cảm xúc:

Từng đôi đi trên phố vắng
Bước chân êm giữa không gian (Minh Kỳ – Dạ Cầm)

Hay là:

Thành phố buồn nằm nghe khói tỏa
Người lưa thưa chìm dưới sương mù (Lam Phương)

Đà Lạt là xứ sở mộng mơ, thơ mộng, của ngàn thông và ngàn hoa, từ lâu đã gợi lên biết bao nhiêu cảm xúc, nỗi niềm với những tao nhân mặc khách từ thập phương ghé đến. Đà Lạt của ngày nay ai cũng biết nhưng không nhiều người có thể hình dung được Đà Lạt của ngày xưa như thế nào. Trong bài viết này, mời các bạn xem các hình ảnh đẹp nhất của Đà Lạt xưa và sơ lược lịch sử hình thành Đà Lạt.

Đà Lạt là thành phố tỉnh lỵ của tỉnh Lâm Đồng, nằm trên cao nguyên Lâm Viên, thuộc vùng Tây Nguyên, Việt Nam. Từ xa xưa, vùng đất này vốn là địa bàn cư trú của những cư dân người Lạch, người Chil và người Srê thuộc dân tộc Cơ Ho.

Cuối thế kỷ 19, khi tìm kiếm một địa điểm để xây dựng trạm nghỉ dưỡng dành cho người Pháp ở Đông Dương, Toàn quyền Paul Doumer đã quyết định chọn cao nguyên Lâm Viên theo đề nghị của bác sĩ Alexandre Yersin, người từng thám hiểm tới nơi đây vào năm 1893. Trong nửa đầu thế kỷ 20, từ một địa điểm hoang vu, người Pháp đã quy hoạch và xây dựng lên một thành phố xinh đẹp với những biệt thự, công sở, khách sạn và trường học, một trung tâm du lịch và giáo dục của Đông Dương khi đó.

Địa danh Đà Lạt được bắt nguồn từ chữ Đạ Lạch, tên gọi của con suối Cam Ly. Khởi nguồn từ huyện Lạc Dương, dòng suối Cam Ly chảy qua khu vực Đà Lạt theo hướng Bắc – Nam, trong đó đoạn từ khoảng Hồ Than Thở tới thác Cam Ly ngày nay được gọi là Đạ Lạch. Theo ngôn ngữ của người Thượng, Da hay Dak có nghĩa là nước, tên gọi Đà Lạt có nghĩa nước của người Lát, hay suối của người Lát (người Cơ Ho).

Dự án xây dựng vùng núi cao nguyên thành nơi nghỉ mát đã được người Pháp thực hiện từ cuối thế kỷ 19. Đến giữa thập niên 1910, vì WWI lan rộng nên nhiều người Pháp không thể về quê hương trong những kỳ nghỉ, Đà Lạt dần trở thành nơi họ tìm đến để tìm chút gì của nước Pháp miền ôn đới. Từ đó việc quy hoạch, xây dựng Đà Lạt được đẩy mạnh.

Thập niên 1940, Đà Lạt bước vào giai đoạn cực thịnh của thời kỳ Pháp thuộc, trở thành “thủ đô mùa hè” của toàn Liên bang Đông Dương. Trong những năm binh biến, thành phố vẫn giữ vai trò một trung tâm du lịch nghỉ dưỡng và khoa học giáo dục của Việt Nam Cộng hòa.

Từ thời đệ nhất cộng hòa, năm 1958, Đà Lạt trở thành tỉnh lỵ của tỉnh Tuyên Đức vừa được thành lập gồm 3 quận là Đơn Dương, Đức Trọng và Lạc Dương.

Trường Lycee Yersin nhìn từ trên cao

Tuyên Đức nguyên là tên hiệu của một ông vua người Thượng thuở xưa có đức hạnh và tài năng, hướng dẫn trăm họ làm ăn trong cảnh thái bình và hòa mục yên vui. Ngày 23/7/1958, tờ Việt Nam Thông tấn xã (buổi sáng) đã có bài “Tỉnh Tuyên Đức” trong mục “Tìm hiểu nước nhà” như sau: “Danh hiệu Tuyên – Đức được đặt cho một tỉnh mới thành lập tại Cao nguyên – Trung Phần, ngụ ý mong mỏi nhân dân Kinh – Thượng trong tỉnh lúc nào cũng hòa hợp, đoàn kết, sống một cuộc đời tươi sáng, phú cường, tôn trọng nhân vị và đề cao đức độ của Thánh Hiền…”

Dưới thời Tổng thống Ngô Đình Diệm, nhiều trường học, trung tâm văn hóa và các công trình kiến trúc tiếp tục ra đời. Đà Lạt cũng là nơi định cư của nhiều người di cư từ miền Bắc.

Dưới đây là những hình ảnh của khu chợ Hòa Bình (chợ cũ) được xây từ năm 1929:

 

Hình ảnh này thấy toàn cảnh Chợ cũ (khu Hòa Bình) và Chợ mới (Chợ Đà Lạt ngày nay), với cây cầu bắc ngang đi từ chợ cũ sang chợ mới.

Dưới đây là những hình ảnh Chợ mới được xây dựng từ năm 1958, ngày nay là chợ Đà Lạt. Khu chợ có 3 lầu, là chợ lầu đầu tiên của Việt Nam, được khởi công xây dựng trên một vùng đất sình lầy trồng xà-lách-son, do kiến trúc sư Nguyễn Duy Đức thiết kế, nhà thầu Nguyễn Linh Chiểu thi công, hoàn thành vào năm 1960. Về sau, kiến trúc sư Ngô Viết Thụ tham gia chỉnh trang chợ Đà Lạt (đặc biệt là việc thay đổi mặt tiền, thiết kế bổ sung cầu nổi béton, khu công viên trước chợ, và các dãy phố lầu xung quanh chợ)

Những hình ảnh khác của Đà Lạt xưa được tuyển chọn:

Khách sạn Dalat Palace là công trình kiến trúc kiểu Pháp, có khuôn viên rộng đến hơn 40 nghìn mét vuông, chung quanh là vườn hoa, thảm cỏ, rừng thông. Đây là một trong những khách sạn sang trọng lâu đời nhất của Việt Nam được Pháp xây năm 1916, hoàn thành năm 1922, ban đầu mang tên Langbian Hotel, sau đó là Dalat Palace, có thời gian mang tên Dalat Sofitel Palace, rồi lại đổi thành Dalat Palace Hotel như hiện nay.

Từ Dalat Palace nhìn xuống Hồ Xuân Hương
Chùa Linh Sơn nổi tiếng
Dinh vua Bảo Đại
Trong khuôn viên biệt điện Trần Lệ Xuân

    Bài: Đông Kha biên soạn (nhacxua.vn)
Nguồn ảnh: manhhai flickr

Exit mobile version