Trước khi vào sinh sống ở miền Nam cùng với 2 người cháu ruột là Hoàng Thi Thao và Hoàng Kiều, nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ đã có một người con với ca sĩ dòng nhạc đỏ Tân Nhân, ngườin đó ntên là Hoàng Hữu Hoài (tên khác là Trương Nguyên Việt, Lê Khánh Hoài, có bút danh là Châu La Việt). Do hoàn cảnh đất nước nên kẻ Bắc, người Nam, rồi nhiều năm sau đó 2 cha con mới gặp mặt nhau. Câu chuyện xúc động dưới đây được ông Hoàng Hữu Hoài kể lại, về những kỷ niệm với Hoàng Thi Thao khi lần đầu hai anh em gặp nhau vào năm 1976.
Sau năm 1975, tôi rất háo hức vào Sài Gòn tìm cha, tìm bà con mà vẫn chưa có dịp đi. Lúc đó nhạc sĩ Trần Tiến vừa trong Nam ra, nói với tôi: “Mày có thằng anh, Hoàng thi Thao, artist lắm, nó chơi violon được coi là thần đồng. Tính tình hay lắm”.
Rồi anh Trần Tiến kể cho tôi nghe câu chuyện trên và mô tả thêm đôi nét về dung nhan anh Thao cho tôi nghe.
Một thời gian ngắn sau, tôi có dịp vào Sài gòn.
Anh Hoàng Thi Thao kể trên báo:
“Năm 1976 , đang ngồi trên 1 chiếc cyclo (xích lô) trở về nhà ở Phú Nhuận từ phố Tự Do (Đồng Khởi). Bỗng 1 thanh niên trẻ đang đi xe đạp thò đầu vào hỏi:
– Thưa có phải anh Thao?
Hơi bất ngờ, chưa xác nhận, nhưng tôi hỏi lại :
– Có phải em là Hoài?
Thế là anh em trùng phùng, mặc dù từ khi sinh ra chúng tôi kẻ Nam người Bắc chưa từng được gặp nhau, không biết mặt nhau?
Tôi đưa Hoài về nhà, rồi chạy tới nhà nhạc sĩ Hòang Thi Thơ (lúc ấy đang đi trình diễn tại Tokyo – Nhật) tìm lại 1 ít quần áo của ông để tặng cho Hoài, với mong ước Hoài tìm lại đựoc chút ấm lòng với bộ quần áo của cha ruột mình”.
Câu chuyện trên do đích thân anh Hoàng Thi Thao kể cho báo chí. Anh là con trai bác Nghè, anh ruột của ba tôi. Nghĩa là anh và tôi là anh em con chú bác ruột. Nhưng còn hơn thế nữa, vì anh được ba tôi mang theo vào Sài Gòn từ nhỏ, (cùng anh Hoàng Kiều), nên hai anh được ba tôi coi như con ruột. Ngược lại, hai anh cũng coi ba tôi như dưỡng phụ của mình.
Đúng như anh Trần Tiến kể, anh Thao là một nghệ sĩ cởi mở, thân tình, văn nghệ sĩ Sài Gòn anh thân và nhậu chung đã đành, mà văn nghệ sỹ miền bắc mới vào anh cũng thân thiết, đặc biệt với các anh Phạm Tiến Duật và nhạc sĩ Trần Tiến.
Sau này vào Sài Gòn, tôi nhận được ra anh Thao ngay giữa phố phường Sài Gòn đông đúc, rồi anh em trùng phùng, là bởi từ nhiều đặc điểm của anh do anh Trần Tiến vào Nam trước đó ra Hà Nội kể lại. Những năm 1950, ba tôi là chú ruột đã mang anh Thao, cùng anh Hoàng Kiều vào Sài Gòn nuôi dưỡng, đi dạy ngoại ngữ để lấy tiền nuôi các cháu, và cũng là để nuôi tình yêu và chí hướng âm nhạc của mình.
Ba tôi cho anh Kiều học piano, còn anh Thao học violon, với hy vọng sau này các anh cũng sẽ theo con đường nghệ thuật. Anh Thao được tấn phong là một “thần đồng âm nhạc”, còn anh Hoàng Kiều học đàn một thời gian ngắn rồi thôi, lăn lộn vào trường đời, và sau là một doanh nhân tầm cỡ thế giới (anh Hoàng Kiều cũng là người gọi cố Bộ trưởng Trần Hoàn là cậu, gần như là cậu ruột).
Về sự gắn bó của anh Thao với ba tôi, đã có lần anh kể: Vào đến Sài Gòn năm 1952. Thoạt đầu hai chú cháu ở trọ tại căn nhà số 47 trên đường Catinat (tức đường Tự Do sau đó và là đường Đồng Khởi hiện nay) của một người quản gia cho một gia đình người Pháp. Lúc đó Hoàng Thi Thao lên 7 tuổi và bắt đầu theo học đàn violin, gần như do sự ép buộc của ông chú họ Hoàng rất mê vĩ cầm cho nên “Ông ấy muốn ép tôi học nhạc khí này. Ông ấy tưởng tôi thông minh lắm, tưởng là tôi có khiếu về nhạc lắm nên nhất định ép học violon cho bằng đựợc”.
Hoàng Thi Thao tâm sự thêm là tuy lúc nhỏ có được chút lanh lợi nhưng chưa chắc đã là có khiếu học nhạc. Nhất là anh không cảm thấy thú vị gì khi được đề nghị theo học vĩ cầm. Trái lại còn cảm thấy rất cực, rất mệt. “Thế nhưng rồi bị đòn, bị bắt buộc rồi cũng phải đàn thuộc thôi!”. Tuy nhiên sau đó anh trở nên một người rất đam mê âm nhạc, cũng như người chú và là cha nuôi của mình, là người luôn có mặt với cây vĩ cầm trong những đoàn văn nghệ do người chú nổi danh của anh làm trưởng đoàn để có dịp đi trình diễn khắp nơi.
Đặc biệt anh trở thành một tên tuổi rất quen thuộc với khán giả trong tiết mục “Cò Tây, Cò Ta” với nhạc sĩ Lữ Liên. Anh sử dụng violon, trong khi nhạc sĩ Lữ Liên sử dụng đàn cò gây rất nhiều thú vị cho khán thính giả suốt hàng chục năm qua.
Click để nghe Cò Tây – Cò Ta của Hoàng Thi Thao và Lữ Liên
Sau hơn một năm ở trọ căn nhà trên đường Catinat, hai chú cháu lại tiếp tục cùng nhau ở trọ tại một số nơi khác… Do đó tình chú cháu càng này càng trở nên gần gũi hơn trong những hoàn cảnh thiếu thốn và nghèo túng.
“Thời đó, lúc nào cũng ăn rồi đi ở trọ thôi. Hai chú cháu chỉ có trần xì một cái ghế bố tại vì nghèo lắm”. Ở trọ hết nhà này qua nhà khác, nhưng đối với Hoàng Thi Thao, anh nhận thấy thời kỳ hai chú cháu đi ở trọ là thời kỳ anh ghi nhớ nhiều kỷ niệm nhất về ông chú rất khó tính với anh khi còn nhỏ:
“Hồi xưa lúc tôi còn bé, ông ấy khó tính với tôi lắm. Sau này chắc ông ấy thấy khó khăn như vậy rất vô ích với lại có vẻ trật đường thành ra ông ấy trở nên dễ dãi. Tuy nhiên ông ấy cũng có những cái rất khó đối với cách đối xử. Ông ấy muốn là lúc nào người khác cũng phải long trọng với ông ấy chứ đừng giỡn mặt. Cũng vì vậy anh không sao quên được những trận đòn kinh hoàng mà ông chú Hoàng Thi Thơ đã dành cho anh. Tuy nhiên anh không lấy thế làm buồn giận vì biết người ông chú chỉ muốn anh nên người…”
Hoàng Thi Thao cũng không thể quên những buổi tối, nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ – trước khi lập gia đình vào năm 1957 – chở anh trên chiếc xe Vespa cũ mèm đến những rạp chiếu bóng ở Sài Gòn và Chợ Lớn như Việt Long, Moderne, Thanh Bình, Cathay,… để trình diễn vĩ cầm trong các chương trình phụ diễn tân nhạc vào thời đó.
Năm 2008, theo nguyện vọng của mẹ tôi, tôi và vợ tôi đi Mỹ. Vì công việc, chúng tôi phải đến bờ Đông nước Mỹ trước, cho đến khi sắp về nước, mới tới được bờ Tây, tìm đến công viên vĩnh hằng nơi ba tôi yên nghỉ, với bản đồ chỉ dẫn của một người bạn là anh Nguyễn Hiệp, và do anh Hoàng Thi Thao và anh Hoàng Hữu Quýnh (Anh ruột anh Hoàng Kiều) đưa đi.
Vợ chồng tôi đã cung kính thay mặt mẹ tôi thắp hương cho ba tôi, thưa với ba tôi những tình cảm quý trọng của mẹ tôi cũng như nguyện vọng của mẹ tôi với những tác phẩm âm nhạc viết về quê hương đất nước rất thắm thiết của ba tôi… Những dòng nước mắt chảy dài trên má tôi, tôi hiểu đấy là nước mắt của cả tôi và của cả mẹ tôi thương tiếc nhạc sĩ. Vợ tôi cùng anh Quýnh, anh Thao đứng bên cũng không ghìm được dòng nước mắt…
Có một chi tiết này tôi không thể không nhắc lại: Khi ra về, bỗng nhiên trời trở lạnh. Anh Thao cởi chiếc áo ấm đang mặc khóac lên người tôi. Thú thật tôi định từ chối, nhưng anh giữ tay tôi lại: “Em cứ mặc cho ấm”.
Tôi về Khách sạn, do mải chuyện với anh nên khi anh lái xe ra về, mới sực nhớ ra mình quên chưa gửi lại áo ấm cho anh.Tôi biết khi ấy anh không quên điều này (anh rất thông minh), nhưng anh đã cố tình ” quên” vì muốn tôi giữ lại áo của anh để mặc ấm những ngày ở Mỹ…
Đến giờ tôi vẫn giữ chiếc áo ấy. Cũng giản dị thôi, nhưng ấm áp vô cùng.
(Trích bài của Hoàng Hữu Hoài – con đầu của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ và ca sĩ Tân Nhân. Ông còn có tên khác là Lê Khánh Hoài, Châu La Việt)