Chân dung Trịnh Công Sơn và những “người tình âm nhạc”

Họa sĩ Lê Sa Long mở triển lãm tranh online “Lời Thiên Thu Gọi” để kỷ niệm 19 năm ngày mất Trịnh Công Sơn, dưới sự tư vấn của ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh (em gái cố nhạc sĩ). Triển lãm gồm 32 tác phẩm vẽ bằng sơn dầu, màu nước… Chương trình được chia làm ba phần theo từng chủ đề: chân dung độc thoại của Trịnh Công Sơn, các “nàng thơ” của cố nhạc sĩ, những đồng nghiệp tâm giao của ông (nhạc sĩ Văn Cao, nhà văn Nguyễn Quang Sáng, nhà văn Nguyễn Tuân).


Trịnh Công Sơn bên Dao Ánh – mối tình sâu đậm thuở thanh xuân. Chuyện tình của họ nảy nở qua những lá thư, bắt đầu từ năm 1964. Khi đó, cô là nữ sinh 15 tuổi ở Huế, ngưỡng mộ Trịnh Công Sơn từ nhỏ, còn ông lúc ấy 24 tuổi.

Chân dung thuở đôi mươi của Dao Ánh. Trong 37 năm từ khi gặp Dao Ánh đến cuối đời, Trịnh Công Sơn đã viết hơn 300 lá thư cho bà. Ông viết nhiều nhất từ năm 1964 đến 1967, khi ông ở Bảo Lộc. Những bức thư này được bà công bố vào năm 2011, sau đó được phát hành thành sách với tên “Thư tình gửi một người” (Nhà xuất bản Trẻ).

Trịnh Công Sơn đã sáng tác nhiều ca khúc tặng Dao Ánh như “Mưa Hồng”, “Còn Tuổi Nào Cho Em”, “Ru Em Từng Ngón Xuân Nồng”, “Lời Buồn Thánh”…

Trước Dao Ánh, Trịnh Công Sơn say mê Ngô Vũ Bích Diễm – chị ruột của cô, dù mối tình này không sâu đậm bằng. Ông từng sáng tác tặng Bích Diễm ca khúc “Diễm Xưa”.

Trịnh Công Sơn bên bức chân dung ông vẽ Michiko Yoshii – cô gái Nhật ông suýt nên duyên, nhưng đám cưới bị hủy. Bộ phim điện ảnh nhắc về chuyện tình hai người dự kiến ra rạp vào ngày 1/4/2021 – nhân 20 năm ngày mất của ông.

Chân dung Trịnh Công Sơn và Khánh Ly thời trẻ bên hình ảnh cả hai biểu diễn năm 1967 ở Quán Văn – quán cà phê sau lưng Đại học Văn khoa Sài Gòn. Từ đây, tiếng hát Khánh Ly – qua chùm ca khúc Da Vàng của Trịnh Công Sơn – được đông đảo giới sinh viên, học sinh Sài Gòn biết đến.

Trịnh Công Sơn hội ngộ Khánh Ly năm 1992, sau khi bà sang Mỹ định cư. Theo thời gian, hai người dần trở thành tri kỷ trong âm nhạc và đời sống. Ngày ấy, nhiều tin đồn họ có tình cảm với nhau. Tuy vậy, nhạc sĩ giải thích ngắn gọn: “Tôi và Khánh Ly chỉ là hai người bạn. Thương nhau vô cùng, trên tình bạn”.

Ngoài Khánh Ly, danh ca Thanh Thúy là một “nàng thơ” của Trịnh Công Sơn. Bà là một trong những giọng ca đầu tiên hát nhạc Trịnh. Lúc trọ học tại Sài Gòn, tình cờ, Trịnh Công Sơn được nghe tiếng hát của Thanh Thúy – khi đó mới 16 tuổi. Dáng dấp mảnh mai, mái tóc dài cùng giọng ca trầm buồn, bà để lại cho ông ấn tượng sâu đậm. Khi biết gia cảnh khó khăn của Thanh Thúy lúc đó, ông viết tặng bà ca khúc “Ướt Mi”.

Danh ca Nhật Bản Tokiko Kato từng thể hiện bài “Diễm Xưa” và “Ngủ Đi Con” bằng tiếng Nhật, được công chúng Nhật yêu thích. Nhạc phẩm “Diễm Xưa” cũng từng được Khánh Ly phát hành tại Nhật Bản. Với bài “Ngủ Đi Con” cũng qua tiếng hát Khánh Ly, năm 1972, Trịnh Công Sơn đoạt giải thưởng Đĩa vàng (phát hành trên hai triệu đĩa). Năm 1997, vì mến mộ ca khúc “Diễm Xưa”, bà qua Việt Nam tìm gặp nhạc sĩ. Năm 2019, bà trở lại Việt Nam tham gia đêm nhạc tưởng niệm Trịnh Công Sơn do gia đình ông tổ chức.

Bức “Biển Nghìn Thu Ở Lại” – đặt theo tên ca khúc của Trịnh Công Sơn. Nhiều nhạc phẩm của ông lấy cảm hứng về biển. Trịnh Vĩnh Trinh kể ngày trước, có lần bà theo anh ra Nha Trang. Khi ngồi bên bờ biển cuộn sóng, không sẵn giấy bút, ông lấy mẩu gói thuốc lá nguệch ngoạc khuông nhạc. Mấy tháng sau, nhạc phẩm ra đời. Ca khúc này được ca sĩ Quang Dũng hát lần đầu năm 2001.

Triển lãm “Lời thiên thu gọi” dự kiến mở tại Quy Nhơn (Bình Định) lẫn TP HCM cuối năm 2020, sau khi tượng chân dung về ông được khánh thành.

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn sinh năm 1939 tại Đăk Lăk, mất ngày 1/4/2001. Ông để lại hơn 600 ca khúc, trong đó khoảng 236 bài hát được phổ biến. Nhạc Trịnh Công Sơn vừa thấm đẫm chất triết lý, nhân văn, vừa hồn hậu, nồng nàn, là tình yêu lớn dành cho con người, quê hương Việt Nam và ca ngợi hòa bình. Tác phẩm của ông được các ca sĩ nhiều thế hệ trình bày, nhưng phổ biến nhất là qua chất giọng Khánh Ly.

Nguồn: Mai Nhật (ảnh: Lê Sa Long) – VnExpress.net

 

Exit mobile version