Vào năm 1957, Hùng Cường đã trở thành ngôi sao đang lên, đã khua động ca trường nhạc giới bằng giọng kim (ténor) vạm vỡ và phong phú của anh. Vào bước khởi nhiệp để chinh phục thính giả, anh đã dùng cách diễn tả ngậm ngùi và cực kỳ truyền cảm trong lúc hát bài “Ông Lái Đò” của Hiếu Nghĩa.
Những năm 1956, 1957, 1958, Hùng Cường ưa chọn những bài có chỗ lên cao để hát trên làn sóng điện. Những thính giả thích loại nhạc âm hưởng dân ca có tiết điệu mùi mẫn tỉ tê thì cho rằng Hùng Cường rống nhiều quá. Vì không quen nghe một giọng quá vạm vỡ như vậy nên họ có cảm tưởng anh đánh đô vật một cách ạch đụi với âm thanh và họ không thích anh. Họ còn có cảm tưởng anh dùng âm thanh để tát mạnh vào mặt họ, hiếp đáp lỗ tai họ, xé rách te tua mối cảm hoài của họ.
Do đó họ chỉ thích anh hát bản “Ông Lái Đò” của Hiếu Nghĩa hoặc vài bài tiền chiến hay một số bài nổi danh vào khoảng thời gian trước Hiệp Định Geneve như “Ghé Đây Thuyền Mơ” của Dzoãn Mẫn, “Ai Về Sông Tương” của Thông Đạt, “Sơn Nữ Ca” của Trần Hoàn, “Dư Âm” của Nguyễn Văn Tý, “Bến Cũ” của Anh Việt. Đó là những bài không có chỗ lên quá cao, lại hợp với cảm quan của những thính giả có khiếu thưởng ngoạn trung bình, không tinh vi quá mà cũng không dễ dãi quá.
Nhưng giới sành nghe nhạc thì thích giọng hát căng phồng sinh lực và dẻo dai tiềm lực của anh. Mỗi khi lên cao, anh chuyển giọng thần hổ mãnh sư làm rúng động núi rừng, giọng hát chẳng những không mỏng vì âm lượng giảm thiểu mà còn dày thêm ra, rạng rỡ như phừng phừng lửa dậy, như tỏa hào quang.
Và đặt biệt nhất là khi lên cao, anh hát đúng cao độ, không sai một bán cung. Lắng nghe tiếng hát cuồn cuộn như cuồng lưu, như thác đổ của anh, thính giả sành điệu có cảm giác âm thanh của giọng hát anh chan hòa khắp tâm hồn họ, thắp sáng cõi thưởng ngoạn của họ và đồng vọng ngân nga lâu dài trong ký ức của họ.
Năm 1960, Hùng Cường tạm lìa bỏ âm nhạc, theo đầu quân gánh cải lương Ngọc Kiều do cặp uyên ương Hoàng Kinh & Ngọc Đán làm giám đốc. Rồi anh sanh cộng tác gánh Kim Chưởng, rồi gánh Kim Chung và rồi gánh Dạ Lý Hương. Và sau hết là gánh Sóng Thần.
Ở gánh nào, anh cũng làm kép chánh vì anh diễn xuất rựa ràng và hát Vọng Cổ thật mùi. Nhào qua địa hạt ca kịch cải lương, anh trở thành nghệ sĩ thượng thặng ngang hàng với Út Trà Ôn, Hữu Phước, Thành Được, Thanh Hải.
Tuy nhiên anh không hề rời bỏ tân nhạc. Anh trở về tân nhạc bằng cách trình diễn những bản nhạc giật gân ca tụng lính, nịnh nọt xả láng lính và o bế giấc mơ các cô em gái hậu phương yêu các anh trai tiền tuyến. Trên sân khấu đại nhạc hội, trên màn ảnh Tivi, anh cùng nữ ca sĩ Mai Lệ Huyền hát loại kích động nhạc lấy đề tài mối tình giữa chàng chinh nhân áo chiến cùng cô nữ sinh áo trắng làm sân khấu quấy nhộn, bừng bừng hứng khởi. Tiết mục song ca của cả hai là cây đinh sáng chói trong các chương trình văn nghệ tạp lục.
Càng ngày anh càng đi sâu vào quần chúng, càng rời xa giới sành điệu. Tuy nhiên năm 1966, anh cùng Hà Thanh hát bài “Hàng Hàng Lớp Lớp” của Nguyễn Văn Đông và được thu vào a nhựa microsillon. Bài này làm thỏa mãn mọi tầng lớp thính giả. Chính giờ đây, khi nhắc tới Hùng Cường, nữ ca sĩ Quỳnh Giao suýt xoa: Chú Hùng Cường hát bài Hàng Hàng Lớp Lớp hay quá!
Hùng Cường và Hà Thanh hát Hàng Hàng Lớp Lớp của nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông
Và trước đó nữa, vào năm 1962, tôi được nghe Hùng Cường hát bài “Mấy Dặm Sơn Khê” của Nguyễn Văn Đông trong cuộc tuyển lựa ca sĩ tại rạp Thống Nhất do đài Sài Gòn tổ chức. Giọng anh thật ngọt, thật dũng mãnh, cách diễn tả của anh thật ngậm ngùi, cách chơi huê dạng thật trác tuyệt ở chỗ dát mỏng giọng hát như lụa the, như giấy quyến dùng để vấn thuốc Gò Vấp.
Ra hải ngoại, Hùng Cường có thực hiện một băng nhạc. Anh làm cho khác sành điệu phải mắc cỡ rùng rợn vì anh chơi fantaisie một cách quái đản. Anh tru anh rống, anh ụa mửa vài tiếng ở câu này, anh khạc nhổ vài tiếng ở câu kia. Đôi lúc anh bệu bạo làm như sắp khóc tới nơi. Đã vậy anh còn nghiến tiếng, nhồi chữ, bày đủ trò lố lăng. Băng nhạc đó đã đào huyệt chôn sớm tên tuổi của anh khi giọng anh vẫn còn phong phú, làn hơi anh vẫn còn dũng mãnh như thuở nào.
Khi nằm trên giường bệnh chờ chết, anh dặn vợ con và bạn bè khi làm lễ nhập quan cho anh nhớ lấy lá cờ phủ lên người anh. Đám ma anh long trọng như một quốc táng, có gần nghìn người ở California và ở các nơi đổ về để đưa tiễn anh đến lò thiêu. Ai ai cũng thương cảm mến yêu một nghệ sĩ lớn, có tài trình diễn đa diện, có tâm hồn vĩ đại như anh.
Trích “Chân Dung Những Tiếng Hát” – Hồ Trường An