Trong ca khúc nổi tiếng về xứ Huế của nhạc sĩ Duy Khánh – Ai Ra Xứ Huế – có câu hát:
Chứ cầu Trường Tiền sáu vài mười hai nhịp
Thương nhau rồi xin kịp về mau…
Nếu có người hỏi rằng cầu Trường Tiền có mấy vài, mấy nhịp, thì ai cũng dễ dàng trả lời được là ở trong ca dao, âm nhạc đều đã nói rõ là có “6 vài, 12 nhịp”.
Tuy nhiên nhiên, ngẫm lại, 6 vài là 6 vài nào, 12 nhịp là 12 nhịp nào? Hãy cùng nhìn lại cầu Trường Tiền sau:
Cầu Trường Tiền ngày nay:
Cầu Trường Tiền thời Pháp:
Năm 1968, cây cầu nổi tiếng này bị giật sập, sau đó đã được sửa lại. Xem 2 hình này, chúng ta có thể thấy cả trước và sau thời điểm đó, đếm đi đếm lại nhịp cầu đều ra kết quả là cầu Trường Tiền có 6 nhịp, 12 cái vài, chứ đâu có phải là “6 vài 12 nhịp” như người ta thường nói?
Có một câu ngâm thơ nổi tiếng về cầu Trường Tiền mà hầu như người Huế ai cũng biết như sau:
“Cầu Trường Tiền sáu vài, mười hai nhịp,
Em theo (qua) không kịp tội lắm anh ơi…
Bấy lâu ni mang tiếng chịu lời
Dẫu có xa nhau đi nữa cũng tại ông trời mà xa”
Nếu coi NHỊP CẦU là “khoảng cách giữa hai trụ hoặc mố cầu liền nhau” (theo Từ điển tiếng Việt) thì Trường Tiền chỉ có 6 nhịp chứ không phải 12 nhịp, và nếu cho VÀI CẦU như một cách gọi khác của “vì cầu”, và từ này được giải nghĩa là “kết cấu nối liền nhịp giữa hai mố cầu và tựa trên các mố đó” thì thực tế có đến 12 “vài cầu” hai bên chứ không phải chỉ có 6 vài.
Trên Wikipedia có ghi rõ: “Cầu Trường Tiền (hoàn thành năm 1899) còn được gọi là cầu Tràng Tiền, là chiếc cầu dài 402,60 mét, gồm 6 nhịp dầm thép hình vành lược, khẩu độ mỗi nhịp 67 mét”. Từ điển Bách khoa Việt Nam và nhiều tác phẩm nghiên cứu khác cũng thấy ghi như vậy.
Nếu xem lại trong kho tàng ca dao xứ Huế, thì có rất nhiều câu thơ đã ghi rõ là “sáu nhịp”, chứ không phải là “mười hai nhịp” như bài thơ bên trên, chẳng hạn:
Chợ Đông Ba đem ra góc thành
Cầu Trường Tiền sáu nhịp, bến đò Ghềnh bắc ngang
Nhà thơ xứ Huế Ưng Bình – Thúc Giạ Thị, trong bài thơ thất ngôn bát cú nhan đề Hương Giang cũng tả cầu Trường Tiền:
Sáu nhịp vòng cung cầu đã bắc
Trăm năm bến cũ dấu còn lưa…
Trong cuốn Đặc khảo văn học dân gian Thừa Thiên – Huế (NXB Trẻ, 2010), nhà nghiên cứu Lê Văn Chưởng cũng ghi lại vài dị bản “sáu nhịp” như hai câu đã dẫn trên, chẳng hạn:
Cầu Trường Tiền sáu nhịp bắc qua
Tả Thanh Long, hữu Bạch Hổ, đợi khúc câu ca thái bình
Cũng có một bài câu thơ nói “mười hai vài”, như bài này:
Cầu Trường Tiền mười hai vài, sáu nhịp
Anh qua không kịp tội lắm em ơi
Đêm nằm tấm tức lụy nhỏ tuôn rơi
Dẫu có xa nhau đi nữa cũng tại ông trời mà xa”
Rõ ràng trong dân gian từng lưu hành các câu ca dao “Trường Tiền sáu nhịp, mười hai vài” chân phương, cho đến khi nó bị lấn lướt, thất thế và bị đẩy lui vào góc khuất bởi câu “Trường Tiền sáu vài, mười hai nhịp”. Vậy cái nào mới đúng, sáu nhịp hay mười hai nhịp?
Trong bài viết Huế – triều Nguyễn một cái nhìn, nhà nghiên cứu Trần Đức Anh Sơn đã giải thích như sau “Xin thưa rằng họ (người dân Huế) phải hoán vị số từ để câu ca dao thêm vần, thêm điệu mà thôi. Khổ một nỗi, sau khi hoán vị số từ cho vài và nhịp, câu ca dao trở nên hay và nổi tiếng nên ai cũng thuộc nằm lòng”.
Như vậy, cách giải thích hợp lý nhất ở đây là chỉ vì vần điệu của câu thơ mà có một vị thi sĩ nào đó cố tình đảo ngược “vài” và “nhịp” với nhau: “sáu vài mười hai nhịp”, bất chấp thực tế phải là “sáu nhịp mười hai vài”.
Ở câu thơ này, có hai từ quan trọng là “hai” và “vài” mà nếu để liền kề nhau là “sáu nhịp mười hai vài” thì không mấy tác dụng về vần điệu, nhưng sắp xếp chúng lại như một dạng vần lưng “sáu vài, mười hai nhịp” trong một câu thơ thì rất ăn khớp, rất thuận miệng.
Sự móc nối ăn khớp này rất quan trọng, nó giúp người ta dễ thuộc, dễ nhớ – một yêu cầu cốt lõi của văn chương truyền khẩu. Mặt khác, ở các cụm từ “sáu vài”, “mười hai nhịp” các thanh bằng trắc xen nhau – thay vì “sáu nhịp” (đều thanh trắc) và “mười hai vài” (đều thanh bằng) – làm cho câu thơ bổng trầm rất thú vị. Và thế là ra đời câu đầu đã “cải biên”:
Cầu Trường Tiền sáu vài, mười hai nhịp…
Với ưu thế về thanh âm vần điệu đó, câu ca dao “mô tả sai trong thực tế” này được truyền tụng khắp chốn trong hàng thế kỷ và đến tận giờ trong cái nhìn và tâm thức dân gian vẫn cho là đúng hiển nhiên. Lạ thay, sức mạnh của thanh âm, vần điệu; nó có thể dẫn dắt người ta theo một cái nhìn khác về cảnh vật đời thường miễn là nó đạt được hiệu quả nghệ thuật hợp với mỹ cảm của con người. Cho nên “cầu Trường Tiền 6 vài…” vẫn cứ được dân gian yêu thích truyền tụng và luôn ngân nga trong lời ru của các mẹ, các chị.
Một câu hỏi khác mà nhiều người thắc mắc, đó là tên gọi Trường Tiền hay là Tràng Tiền mới đúng. Nhiều người cho rằng Trường đổi thành Tràng là do kỵ húy vua chúa nhà Nguyễn giống như rất nhiều chữ khác (Hoàng – Huỳnh, Vũ – Võ, Hoa – Huê…). Tuy nhiên sự thật là triều nhà Nguyễn không có ai tên Trường.
Ngoài ra, cái tên Trường Tiền đã được sử dụng chính thức một thời gian rất dài vào trước năm 1975, và chỉ bị đổi thành Tràng Tiền thời điểm sau năm 1975 khi chính quyền mới nắm quyền. Vì vậy Trường – Tràng không phải là kỵ húy vua chúa Nguyễn, mà có thể là do phương ngữ ở miền Bắc. Chúng ta cũng biết rằng các tên gọi Trường An, Trường Thi ở Hà Nội khi xưa đã được chuyển thành Tràng An, Tràng Thi. Vì vậy tên gọi Trường Tiền cũng đã bị đổi thành Tràng Tiền sau năm 1975.
nhacxua.vn biên soạn