Đầu năm 1955, khi miền Nam vẫn còn đang được quản lý bởi chính thể Quốc Gia Việt Nam (thủ tướng Ngô Đình Diệm, quốc trưởng Bảo Đại), chính phủ Hoa Kỳ đã thông qua chương trình viện trợ về quân sự, kinh tế lẫn chính trị cho phía Việt Nam.
Ngày 28/2/1955, lần đầu tiên Mỹ viện trợ cho chính phủ Quốc Gia Việt Nam, gói viện trợ 18 triệu đô la Mỹ (1 phần của thỏa ước viện trợ). Kể từ sau đó, Hoa Kỳ dành nguồn lực đáng kể cho các chương trình thông tin và văn hóa ở miền Nam Việt Nam.
Năm 1956, chính phủ Hoa Kỳ thành lập ở Sài Gòn một cơ quan để phụ trách công việc đó, được gọi là văn phòng Cơ quan Thông tin Hoa Kỳ (USIS – United States Information Service), là một trong những cơ quan lớn nhất thế giới trong lĩnh vực kể trên.
Từ năm 1956 đến năm 1962, trụ sở USIS ở Sài Gòn được đặt trong tòa nhà nằm ở góc đường Hai Bà Trưng – Gia Long, ngày nay vẫn còn (góc phía đông của ngã tư Hai Bà Trưng – Lý Tự Trọng). Đây cũng là trụ sở đầu tiên của Thư viện mang tên Abraham Lincoln do USIS thành lập.
Ban đầu địa chỉ của tòa nhà này là 82 Hai Bà Trưng, nhưng nay đã đổi lại thành số 37 Lý Tự Trọng.
Năm 1960, USIS mở rộng hoạt động, chuyển văn phòng hành chính và Thư viện Abraham Lincoln vào khu phức hợp REX (Rex Complex, còn được gọi là REX hotel, nằm ở góc đường Lê Lợi – Nguyễn Huệ). Đó là thời điểm tòa nhà này chỉ vừa được khai trương, xây năm 1959 tại vị trí của nhà auto-hall cũ (showroom bán xe hơi từ thời Pháp). Ngay sau khi REX đi vào hoạt động thì USIS đã thuê tầng trệt của khu phức hợp này cho các hoạt động văn phòng và thư viện.
Dù chuyển sang một cơ sở hoành tráng hơn, nhưng cơ sở của USIS ở tòa nhà 82 Hai Bà Trưng vẫn được giữ lại làm chi nhánh.
Năm 1962, Sở Thông tin Hoa Kỳ (USIA) thuê lại toàn bộ cao ốc này (ngoại trừ phần REX cinema gồm 3 rạp) để làm trụ sở của các cơ quan thông tin, trong đó có USIS.
Thư viện này sưu tập vào khoảng 10.000 quyển sách và 210 nhan đề tạp chí Anh ngữ, ngoài ra cũng có một số sách Pháp và Việt ngữ. Thư viện có cơ sở vật chất rất tốt, với phòng đọc khang trang và trang bị máy điều hòa không khí với một bộ sưu tập khá phong phú nên rất được thành phần sinh viên học sinh ưa chuộng.
Những thư viện này trở thành nơi lý tưởng để giới sinh viên, học sinh Sài Gòn vào trú buổi trưa trốn nắng để có nơi học hành, làm bài tập ở trường cũng như tìm hiểu tài liệu.
Một số hình ảnh thư viện Abraham Lincoln bên REX:
Ngoài ra thư viện Abraham Lincoln còn mở thêm chi nhánh tại trụ sở số 22 Yersin (Đà Lạt) từ năm 1961, đây cũng là thư viện thị xã Đà Lạt lúc đó. Đây là một phần của dự án trao đổi văn hóa Việt – Mỹ.
Trong sách Đà Lạt – Một thời hương xa, tác giả Nguyễn Vĩnh Nguyên nhắc về thư viện Abraham Lincoln ở Đà Lạt như sau:
Quy mô nhỏ, nhưng sách tập trung vào đúng khoanh vùng nội dung, nên đây là thư viện có đặc thù. Sau mười năm thành lập, Thư viện Abraham Lincoln có 7.909 cuốn sách, chia làm bốn mảng: sách truyện tiếng Anh cho thiếu nhi (230 quyển), sách Việt văn (730 quyển), sách tiếng Anh (5.300 quyển) và 2.000 bản sách tiếng Pháp), bao quát trên các lĩnh vực: chính trị, văn chương, triết học, ngôn ngữ, khoa học phổ thông, nghệ thuật, sử địa, tôn giáo… Tại Thư viện Abraham Lincoln, phòng đọc cũng chính là phòng tham khảo.
Tại đây, có những quyển sách quý được dùng tại chỗ, ví dụ: Grand Larousse, The American People’s encyclopedia, Grand Larousse, Collier’s Encyclopedia hay Encyclopedia American. Đặc biệt, đây có thể xem là nơi cập nhật nhanh, đầy đủ nhất những báo chí danh tiếng của Mỹ và thế giới. Có khoảng 200 tuần báo, bán nguyệt san gồm bốn thứ tiếng: Anh, Hoa, Pháp, Việt trên kệ báo. Những tờ báo quan trọng thường đăng những bài tường thuật, bình luận gây tiếng vang về cuộc chiến tranh Việt Nam như: Newsweek, Times, Life, American cho đến những tờ khoa học phổ thông, báo thiếu nhi, thiếu niên: Seventeen, Popular Science, Popular électronics đều được cập nhật khá sớm.
Tại thư viện này cũng thường xuyên phát miễn phí những tờ: Horizon, Đối thoại, Hương quê, Thế giới Tự Do, Problem’s Commism cho độc giả xem như những kênh tuyên truyền có lợi cho mục đích của cơ quan chủ quản. Nguồn sách của thư viện Abraham Lincoln được bổ sung thường xuyên. Trung bình hàng tháng, kho sách Abraham Lincoln được bổ sung thêm từ 150 đến 200 quyển sách từ USIS ở Sài Gòn. Tại đây thường diễn ra một số chương trình tọa đàm giới thiệu du học Mỹ, những tri thức khoa học, phát minh mới… được độc giả quan tâm.
Nói trở lại về thư viện Abraham Lincoln ở REX, đây còn là trụ sở tòa soạn tạp chí Thế Giới Tự Do (Free World) do USIS thực hiện. Tác giả Phạm Công Luận có nhắc tới như sau:
….Tôi nhớ anh tôi ghiền đọc đến độ phải canh đúng ngày thứ Năm, buổi nào không phải đến lớp, cùng vài người bạn đi xe buýt ra đường Lê Lợi. Từ bến xe, mấy anh đến Thư viện Abraham Lincoln ngay chỗ khách sạn Rex hiện nay để lấy Tạp chí Thế giới tự do. Ở đó, tạp chí này được đặt gần cửa ra vào cho mọi người thoải mái mang về đọc miễn phí. Đọc chán, lấy tờ giữa và tờ bìa in màu giấy láng để bọc sách, những trang đôi còn lại dùng bọc tập vở.
Năm 1964, thư viện Abraham Lincoln lại được chuyển về villa địa chỉ số 8 Lê Quý Đôn, còn văn phòng của USIS ở REX chuyển thành Văn phòng hỗn hợp về hoạt động công chúng (Joint US Public Affairs Office-JUSPAO). Cũng từ đó trụ sở cũ USIS ở số 82 Hai Bà Trưng được gọi là “JUSPAO 2”. Ngoài ra từ năm 1965, 100 phòng khách sạn bên trong REX được sử dụng làm nơi ở dành cho quân nhân và sĩ quan Mỹ đóng quân ở Sài Gòn (được gọi là BOQ và BEQ).
Có một sự kiện được tổ chức trong thư viện Abraham Lincoln ở số 8 Lê Quý Đôn vào những năm cuối thập niên 1960s mà nhiều người còn nhớ, đó là triển lãm miếng đá được tàu Apollo mang về từ mặt trăng sau sứ mệnh lịch sử của loài người, rất đông người đã xếp hàng dài để xem.
Sau Hiệp định Paris 1973, Hoa Kỳ rút quân đội khỏi Việt Nam, thu hẹp các hoạt động về thông tin, thư viện Abraham Lincoln dời về bên trong trụ sở hội Việt – Mỹ ở số 55 Mạc Đỉnh Chi, USIS trả lại văn phòng ở REX và dời mọi hoạt động về trụ sở Lê Quý Đôn, còn tòa nhà số 82 Hai Bà Trưng chuyển thành cơ sở dân dụng.
Lúc này REX được gọi là Thương xá REX, không hoạt động phần khách sạn nữa, mà chỉ còn 3 rạp xi nê, khiêu vũ trường, còn thư viện cũ đổi thành nhà hàng cafeteria ở tầng trệt, hoạt động tới tháng 4 năm 1975 thì đóng cửa. Năm 1976, ông bà chủ Ưng Thi xuất cảnh sang Pháp sống, REX được nhà nước tiếp quản và trở thành khách sạn Bến Thành, tới năm 1986 lấy lại tên REX Hotel, thuộc Saigontourist.
Thập niên 1960-1970, ngoài thư viện Abraham Lincoln thì Sài Gòn còn có 2 thư viện ngoại văn lớn khác là:
- Thư Viện của Phái Bộ Văn Hóa Pháp, nằm bên cạnh nhà thương Ðồn Ðất, số 31 đường Ðồn Ðất, với khoảng 20.000 sách và tạp chí đủ các loại Pháp ngữ. Chỗ này ngày nay là Idécaf – Viện Trao đổi Văn hóa với Pháp, địa chỉ 31 Thái Văn Lung.
- Thư Viện của Hội Ðồng Minh Pháp Văn (Alliance Française) tọa lạc tại số 22 đường Gia Long, gần góc đường Tự Do (nay là Lý Tự Trọng – Đồng Khởi.
Ba thư viện nầy có cơ sở vật chất rất tốt, với phòng đọc khang trang và trang bị máy điều hòa không khí với một bộ sưu tập phong phú, trở thành nơi lui tới thường xuyên của sinh viên học sinh Sài Gòn.
Đông Kha