Câu chuyện về những người vợ – Người thầm lặng đứng sau sự nghiệp lẫy lừng của các nhạc sĩ (Phần 2)

Sau bài viết thứ nhất, là câu chuyện về những người vợ, người đứng sau sự nghiệp lẫy lừng của các nhạc sĩ nổi tiếng: Châu Kỳ, Mạnh Phát và Nguyễn Thiện Tơ, đây là bài viết thứ 2 về những người vợ nhạc sĩ đã âm thầm lo lắng chu toàn cho gia đình để chồng có thể an tâm sáng tạo và sáng tác.

Người nghệ sĩ nói chung và nhạc sĩ nói riêng, luôn được xem là những người sống phóng túng, đa tình. Đối với nhạc trữ tình Việt Nam, hầu hết các nhạc sĩ là nam, thường là đào hoa, được công chúng mến mộ, bóng hồng vây quanh, họ thường rất nhạy cảm, dễ rung động trước cái đẹp, có như thế thì họ mới viết thành những bài ca bất hủ để lại cho đời.

Vì vậy, với những người nhạc sĩ và vợ nhạc sĩ, giữ được cho cuộc sống gia đình êm ấm sau những cám dỗ của môi trường xung quanh là một điều rất đáng được trân trọng và ngưỡng mộ. Sau đây là những câu chuyện về các nhạc sĩ một đời thủy chung, đã gắn bó với vợ từ thuở hàn vi cho đến lúc từ giã cõi đời, và những người vợ luôn là hậu phương vững chắc, chăm lo cho gia đình chu toàn để chồng yên tâm sáng tác nghệ thuật.

Nguyễn Thị Hồng (vợ nhạc sĩ Hoàng Trang)

Nhạc sĩ Hoàng Trang là tác giả của nhiều bài nhạc vàng nổi tiếng: Ngỏ Hồn Qua Đêm, Không Bao Giờ Quên Anh, Nếu Đời Không Có Anh, Đêm Ru Điệu Nhớ… Ông là một nhạc sĩ nghèo quê gốc ở Bến Tre. Ngoài nổi tiếng với những ca khúc nhạc vàng được nhiều thế hệ yêu thích, nhạc sĩ Hoàng Trang còn được nhiều người ngưỡng mộ khi nhắc tới cuộc hôn nhân trọn đời son sắt của ông với một tiểu thư khuê các, đó là Nguyễn Thị Hồng.

Cô Hồng là con gái của ông Nguyễn Tất Oanh, chủ hãng Asia Sóng Nhạc nổi tiếng nhất Sài Gòn trong các thập niên 1950-1960. Trong những lần nhạc sĩ Hoàng Trang mang những sáng tác mới của mình đến ký hợp đồng với hãng Sóng Nhạc, ông đã chạm mặt cô con gái 16 tuổi của ông chủ hãng dĩa, lúc đó thường đứng trông coi cửa tiệm dĩa nhạc của gia đình. Dù khoảng cách tuổi tác rất lớn (lúc đó nhạc sĩ Hoàng Trang 27 tuổi), nhưng họ tỏ ra tâm đầu ý hợp và bắt đầu cảm mến nhau.

Trong nhiều sáng tác sau này, nhạc sĩ Hoàng Trang thường nhắc đến câu “cùng chung chí hướng”, như trong bài hát Đêm Ru Điệu NhớMùa Sầu Riêng, như là lời nhắn nhủ đến người phụ nữ mà ông yêu, nhắc lại rằng 2 người đã chung chí hướng nên hợp nhau và đến với nhau, dù khác biệt về hoàn cảnh gia đình là một rào cản lớn.

Ban đầu chuyện tình đó không được gia đình cô Hồng chấp nhận, nên họ phải yêu nhau trong thầm lặng, hẹn hò nhau cũng lén lút không cho ai biết, mỗi tuần chỉ được gặp một lần vào cuối tuần.

Một trong những lần hẹn hò đầu tiên đã trở thành nguồn cảm hứng để nhạc sĩ Hoàng Trang viết ca khúc Nếu Đời Không Có Anh:

Ra phố hôm nay thấy buồn lên mắt
Đường chiều man mác như gợi niềm thương
Chờ người yêu đến cùng chung ngõ hồn
Với vòng tay xanh đón mời cho đời lên ngôi thần thánh…

Cô Hồng kể lại rằng trong một lần hẹn hò, vì giấu gia đình nên cô nói với cha là sang nhà bạn học vào buổi trưa, nhưng cha cô nói rằng không ai coi cửa tiệm, nên đợi 6h chiều đóng cửa rồi mới cho đi. Thời điểm đó không có cách nào để thông báo với người yêu về sự chậm trễ đó, nên cô vừa coi tiệm vừa thấp thỏm lo âu, đến 6h chiều tối mới bắt đầu ra khỏi nhà đến nơi hẹn, nghĩ rằng lúc đó chắc là người yêu cũng đã về rồi.

Nhưng đến nơi hẹn, cô vẫn thấy nhạc sĩ Hoàng Trang đang đứng chờ đợi từ lúc 11 giờ trưa. Cảm động khi người yêu phải chờ đợi mình lâu đến như vậy, cô Hồng cảm thấy nghẹn ngào, nói rằng lần sau cứ đi về không cần chờ như vậy. Nhạc sĩ đáp: Vì hai người rất khó để gặp được nhau, nếu bỏ về là tự đánh mất một lần được gặp, nên cứ chờ chừng nào tới khuya thì thôi.

Sau gần 1 năm quen biết, để chấm dứt những ngày đợi mong mòn mỏi như vậy, họ quyết định về chung một nhà, cô Hồng chấp nhận rời bỏ thân phận tiểu thư khuê các để về làm vợ một nhạc sĩ nghèo, ra ở trọ trên một căn gác xép nhỏ ở đường Trần Quý Cáp (nay là Võ Văn Tần), cũng là nơi nhiều ca khúc nổi tiếng của nhạc sĩ Hoàng Trang được ra đời.

Trong hầu hết những ca khúc được sáng tác kể từ lúc quen biết và yêu nhau vào năm 1965, nhạc sĩ Hoàng Trang đều lồng ghép vào chuyện tình yêu của chính mình. Đặc biệt là trong ca khúc Kể Chuyện Trong Đêm, ông nhắc đến tên người vợ yêu thương của mình:

Người em bé nhỏ má HỒNG yêu ơi
Đừng buồn những lúc chiều pha sắc lạnh…

Từ đầu năm 1969, khi Hoàng Trang đã là nhạc sĩ có tên tuổi với rất nhiều ca khúc ăn khách, cuộc sống gia đình ổn định hơn và chuyển sang một căn nhà riêng trên đường Hồng Thập Tự (nay là Nguyễn Thị Minh Khai), kết thúc 4 năm ở thuê trên gác nghèo. Nhân dịp này ông đã viết bài Mùa Sầu Riêng với ca từ như sau:

“Đã bốn năm rồi, hai đứa tôi thương vì chung nhau chí hướng…”

Hai năm sau đó, ông cũng viết tặng vợ ca khúc Tâm Sự Với Anh với lời ca thật tha thiết, khẳng định rằng “hai cuộc đời như một”:

Vì hai đứa ta, hai cuộc đời như một
Chung một niềm sầu vào lứa tuổi hăm hai

(Lúc đó cô Hồng tròn 22 tuổi)

Trong cuộc sống vợ chồng, không thể tránh khỏi những hiểu lầm giận hờn trách móc, nhưng cô Hồng nói rằng mỗi lần như vậy, nhạc sĩ Hoàng Trang thường nói rằng cuộc đời này, cái lớn nhất vẫn là tình yêu, hãy trân trọng tình yêu vì đó là cái duy nhất còn ở lại sau nhiều bể dâu, những giận hờn trách móc sẽ bị cuốn trôi đi hết.

Cô Hồng cũng kể rằng trong 46 năm sống chung với nhau, nhạc sĩ Hoàng Trang nhiều lần nói rằng nếu có kiếp sau thì xin vẫn là vợ chồng, như trong lời bài hát: “Anh vẫn là anh yêu muôn đời muôn kiếp…” (Tâm Sự Với Anh)

Khi cô Hồng nói đùa là kiếp này đã sống chung lâu như vậy đã “sợ” lắm rồi, thì nhạc sĩ liền nói: Kiếp sau ông xin làm vợ để nguyện đền đáp, chăm sóc hết lòng.

Như vậy mới thấy rằng không chỉ là tình yêu đôi lứa của họ thật đẹp, mà tình vợ chồng cũng làm cho nhiều người thấy ngưỡng mộ, và sau tất cả, đối với họ tình tình yêu vẫn là cái lớn nhất, quan trọng nhất như lời người đã từng nói.

Năm 2011, nhạc sĩ Hoàng Trang qua đời trong vòng tay vợ con. Gần đây, trong một lần lên truyền hình trò chuyện, khi được hỏi nếu có lời nào muốn nói với người chồng đã gắn bó cả cuộc đời, cô Hồng nói: “Không bao giờ quên anh”.

Vợ và con trai út của nhạc sĩ Hoàng Trang, hình chụp năm 2019

Đặng Thị Ninh (vợ nhạc sĩ Hoài An)

Nhạc sĩ Hoài An là một trong những nhạc sĩ tiêu biểu nhất của dòng nhạc vàng, tác giả của những bài hát nổi tiếng là Trước Giờ Tạm Biệt, Tấm Ảnh Không Hồn… Khi nhắc đến nhạc sĩ Hoài An, người ta cũng thường nhớ đến những bài hát tình tự quê hương được ông sáng tác vào những năm đầu của sự nghiệp là Trăng Về Thôn Dã, Tình Lúa Duyên Trăng, Tình Mùa Hoa Nở… và những bài nhạc xuân bất hủ là Câu Chuyện Đầu Năm, Tâm Sự Ngày Xuân, Ngày Xuân Thăm Nhau.

Nhạc sĩ Hoài An gốc ở Hải Phòng, đã sáng tác khá nhiều trước khi di cư vào Nam năm 1955.

Những năm 1946, trong thời gian tản cư cùng gia đình tại Thái Bình, nhạc sĩ Hoài An (lúc đó đó mới 17-18 tuổi) đã quen với cô thiếu nữ bản xứ mới 15-16 tuổi là Đặng Thị Ninh.

Lúc đó cô Ninh phụ trách trông nom và dạy múa hát cho các em thiếu nhi trong làng, còn nhạc sĩ Hoài An thì dù còn rất trẻ nhưng đã sáng tác được một số ca khúc, chủ yếu là nhạc về làng quê, và đưa cho cô Ninh để tập hát cho các em nhỏ.

Họ quen nhau khi còn rất trẻ, thường cùng nhau gặp gỡ dưới ánh trăng sáng vùng đồng quê. Nhờ ánh trăng sáng mà các sinh hoạt cộng đồng được diễn ra để những người ở thôn trang được gắn kết hơn, được cùng nhau “say sưa vui tiếng hát vang”. Cũng từ những ngày tháng đó, nhạc sĩ Hoài An sáng tác Trăng Về Thôn Dã:

Mây trắng bay qua khi trăng dần lan
Muôn câu hò nhịp nhàng khắp thôn trang
Đoàn người say sưa vui tiếng hát vang
Lúa dâng sữa ngọt đậm tình ta với nàng

Đêm lắng sâu khi sương lam dần xuống
Hương ngạt ngào tình ruộng sắn ngô thơm
Trời về khuya nghe man mác gió lộng
Chắp duyên thắm dịu đep tinh ta với mình

Vợ nhạc sĩ Hoài An kể lại, vì lúc đó cha của bà rất nghiêm khắc nên khi mới hẹn hò, nhạc sĩ cảm thấy vô cùng lo lắng:

“Có lần anh ấy bảo tôi là nhìn thấy ba em anh sợ quá. Rồi anh ấy sáng tác bài “Anh muốn đến thăm em” với ngụ ý không ngại đường xa mà chỉ sợ nhà không quen”.

Quen nhau từ năm 1946, đến năm 1952 họ mới kết hôn. Trong 6 năm đó, có thời gian 2 người phải xa cách đến vài năm khi nhạc sĩ Hoài An trở về quê cùng gia đình, nhưng ông luôn hứa sẽ quay trở lại, thậm chí là sáng tác ca khúc mang tên “Anh Hứa Về Với Em”.

Cưới nhau và sống ở Hải Phòng được 3 năm thì vợ chồng nhạc sĩ Hoài An quyết định di cư vào Sài Gòn năm 1955. Thời gian đầu trên đất mới, cuộc sống của họ cũng có nhiều khó khăn. Thời gian đó nhạc sĩ Hoài An cũng là một ca sĩ, thường đi hát ở đài phát thanh và các rạp xi nê trong các chương trình phụ diễn tân nhạc trước giờ chiếu phim, từng hát chung với nữ ca sĩ xinh đẹp là Ánh Tuyết trong ban Lửa Hồng từ thập niên 1950. Là một người nghệ sĩ tài hoa, xung quanh luôn có những bóng hồng xinh đẹp, nên đôi lúc có thể nhạc sĩ không tránh khỏi những phút giây xao lòng, hoặc dù ông có không để ý đến ai thì cũng có lúc sẽ được các cô gái quan tâm chăm sóc đặc biệt.

Có những lúc bà Ninh – vợ của nhạc sĩ – ghen tuông khiến cho ông rất khổ sở, rồi viết thành ca khúc “Phút Giây Này Biết Phải Làm Sao”, như lời nhắn nhủ không biết phải làm gì khi thấy vợ ghen tuông như vậy.

Nhạc sĩ Hoài An cùng vợ có tổng cộng 11 người con, trong đó có 8 người con gái, người nào cũng có tên đệm bằng chữ Mai: Mai Thảo, Mai Loan, Mai Trâm, Mai Trinh, Mai Ly, Mai Phương…

Theo lời bà Ninh, sở dĩ như vậy là bởi vì nhạc sĩ Hoài An rất thích Hoa Mai. Có lẽ cũng vì vậy mà ông sáng tác rất nhiều bài nhạc xuân, và bài nào cũng nhắc đến loài hoa mai: “Xuân mang niềm tin tới,
bao la nguồn yêu mới, như hoa mai nở phơi phới…”

Từ khi chuyển vào Nam năm 1955 cho đến khi qua đời năm 2012, gia đình nhạc sĩ Hoài An ở duy nhất trong căn nhà ở gần ngã 3 Ông Tạ, là khu vực tập trung rất đông người di cư vào giữa thập niên 1950 từ miền Bắc. Sau năm 1975, nhạc sĩ Hoài An sống rất kín tiếng, dù vẫn tiếp tục sáng tác nhưng không công bố. Một trong những bài hát thời điểm đó, có bài Em Vẫn Là Hoa Khôi Trong Mắt Anh, như là lời khẳng định tình yêu vĩnh cửu mà ông dành cho vợ. Dù lúc đó cả 2 đã lên chức ông-bà, nhưng trong mắt nhạc sĩ thì bà Ninh vẫn là một thiếu nữ hoa khôi năm nào.

Năm 2012, nhạc sĩ Hoài An qua đời trong vòng tay vợ con, thọ 83 tuổi.

Bà Đặng Thị Ninh năm 2019

Trong làng nhạc, vẫn còn có nhiều nhạc sĩ khác đã chung với trọn đời với vợ từ thuở hàn vi, như nhạc sĩ Hoài Linh, Xuân Tiên, Lê Dinh, Minh Kỳ, Anh Bằng… Xin dành cho những bài viết sau.

Đông Kha (nhacxua.vn) biên soạn

 

Exit mobile version