Sau bài viết số 1 nói về câu chuyện của những cây cầu mà nếu là người Sài Gòn thì ai cũng từng đi qua một vài lần, như cầu Bình Lợi, cầu Khánh Hội, cầu Tân Thuận… ở phần 2 xin nhắc đến những cây cầu quen thuộc khác:
Cầu Sài Gòn (Cầu Tân Cảng)
Cầu Sài Gòn hiện nay, trước 1975 thường được gọi là cầu Tân Cảng, vì cầu ở vị trí gần cảng mới của Sài Gòn, được gọi là Tân Cảng (New Port) để phân biệt với Cảng Sài Gòn có từ thế kỷ 19 ở Quận 4 ngày nay.
Tuy nhiên, ít người biết rằng tên ban đầu của cây cầu này không phải là tên Tân Cảng, mà tên chính lại là cầu Sài Gòn, vì nó bắt qua cầu Sài Gòn. Thời đầu thập niên 1960 người ta còn gọi tên là “cầu xa lộ”, vì cầu này được xây dựng từ năm 1958, phục vụ cho tuyến xa lộ nối liền Sài Gòn – Biên Hòa. Tuyến đường này được khánh thành năm 1961, thường được gọi là xa lộ Biên Hòa (đến sau năm 1975 bị đổi tên thành xa lộ Hà Nội).
Đến vài năm sau đó, từ năm 1966 thì chính quyền bắt đầu tiến hành xây dựng Tân Cảng ở vị trí gần cầu Sài Gòn, khi đó vẫn còn là những ruộng lúa.
Năm 1966, công tác san lấp mặt bằng được thực hiện, đến năm 1967 thì một cảng quân sự lớn được xây dựng với cầu tàu dài hơn 1.200 mét, rộng 24 mét; bến nghiêng rộng 40 mét và hệ thống kho bãi, giao thông nội bộ, điện nước để phục vụ quốc phòng.
Bên dưới là những hình ảnh trong khoảng thời gian xây dựng Tân Cảng, khoảng 1966-1967:
Kể từ lúc cảng quân sự được xây, người ta gọi khu vực này là Tân Cảng, và cây cầu gần Tân Cảng cũng được gọi là cầu Tân Cảng. Dù là cái tên không chính thức nhưng nó rất quen thuộc và được gọi nhiều nhất từ đó cho đến thập niên 1980, cầu được gọi lại bằng cái tên nguyên thủy là cầu Sài Gòn.
Cầu Bình Điền
Cầu Bình Điền bắc qua sông Chợ Đệm tại huyện Bình Chánh ngày nay, là tuyến giao thông quan trọng nối Sài Gòn đi các tỉnh miền Tây.
Cầu Bình Điền đầu tiên được xây dựng từ năm 1886, là cầu đường sắt thuộc tuyến Sài Gòn – Mỹ Tho, nhưng ban đầu được dùng chung cho cả đường sắt và đường bộ. Thời gian sau đó, người Pháp cho xây dựng thêm một cây cầu mới dành riêng cho đường bộ ở phía thượng lưu cây cầu đường sắt (là vị trí của cầu Bình Điền hiện nay).
Vào đêm ngày 31 tháng 3 năm 1998, cầu Bình Điền (đường bộ) bị sập do một sà lan chở cát va đập mạnh vào chân cầu.
Ngay sau sự cố, cầu Bình Điền mới rộng 12.5m đã được triển khai xây dựng và hoàn thành sau 6 tháng thi công. Tiếp đó, nhánh cầu thứ hai có quy mô tương tự được xây dựng ngay tại vị trí cầu cũ bị sập để ghép vào thành một cây cầu hoàn chỉnh rộng 25m như hiện nay.
Cầu Kinh Thanh Đa
Ở vùng Thanh Đa ngày nay có một cây cầu mang tên cầu Kinh, hoặc cầu Thanh Đa, bắt ngang qua con kinh (kênh) Thanh Đa. Gọi đây là kênh vì đây là kênh đào, chứ không phải là con rạch tự nhiên. Thời xưa bán đảo Thanh Đa – Bình Quới nối liền một khối vào tỉnh Gia Định chứ không bị xẻ ngang như hiện nay.
Tuy nhiên vào thế kỷ 19, Sài Gòn chủ yếu thông thương bằng đường thủy, thuyền bé đi dọc sông Sài Gòn. Để rút ngắn con đường thủy đó, người Pháp đã cho đảo một con kinh xẻ ngang vùng Bình Quới, rút ngắn thời gian lưu thông thương thuyền từ thượng lưu đến rạch Bến Nghé, cắt ngắn 12 km đường sông.
Kinh Thanh Đa (Canal de Thanh Đa) được đào trong hai năm 1897 và 1898, dài 1km, rộng 40m và sâu 6m. Tiếp sau đó, cầu kinh Thanh Đa được xây dựng để nối ngược lại từ đất liền qua Bình Quới.
Vùng Thanh Đa – Bình Quới xưa kia là đồng ruộng bao la, chỉ có một vài cơ xưởng kỹ nghệ nhỏ dựa vào đường sông để vận chuyển.
Bán đảo Bình Quới ngày xưa thường bị ngập úng vào mùa mưa khi nước thủy triều sông Sàigòn dâng lên.
Cầu chữ Y
Cầu Chữ Y nối liền Quận 5 với Quận 8. Cầu có hình chữ Y, từ đường Nguyễn Biểu của Quận 5 bắc qua hai con kênh: kênh Tàu Hủ và kênh Đôi để sang khu vực chợ Rạch Ông và khu vực cù lao Chánh Hưng của Quận 8.
Cầu chữ Y được bắt đầu thiết kế từ nǎm 1937, khởi công chính thức vào ngày 13 tháng 12 năm 1938, đến 20 tháng 8 năm 1941 thì hoàn thành. Cầu có ba nhánh tạo thành chữ Y, nên được người dân đặt luôn tên này, lâu ngày trở thành tên chính thức.
Cầu chữ Y đã được nhiều lần sửa chữa lớn vào các năm 1948, 1957, 1992, đến năm 2006 thì được tháo dỡ trong quá trình làm đại lộ Đông Tây, sau đó cầu mới vẫn được xây tại vị trí cũ, có chiều rộng, cũng như độ tĩnh không lớn hơn gấp đôi cầu cũ.
Trong lịch sử, cầu chữ Y đã nhiều lần trở thành trận địa giao tranh bất đắc dĩ giữa các lực lượng, từ Nhật, Pháp, đến lực lượng Bình Xuyên, sau đó là Tết Mậu Thân:
Cầu chữ Y, Lộ Hàng Xanh
Lửa bao thiêu tám nẻo đường thành (Ca khúc 8 Nẻo Đường Thành – nhạc sĩ Hoài Linh)
Kết thúc phần 1 câu chuyện về những cây cầu ở Sài Gòn xưa, chúng tôi sẽ trở lại ở kỳ 3 với những cây cầu nổi tiếng khác như cầu Chà Và, cầu Ba Cẳng, cầu chữ U…
nhacxua.vn biên soạn