Câu chuyện về những cây cầu nổi tiếng của Sài Gòn xưa – Phần 1: Cầu Bình Lợi, cầu Tân Thuận, cầu quay Khánh Hội…

Ngày xưa, những câu chuyện về cây cầu thường là… “chuyện không vui”. Đó là nơi mà người ta thường nghĩ đến khi gặp chuyện túng quẫn, nợ nần, hoặc thậm chí là thất tình, bất mãn chuyện đời. Cây cầu nổi tiếng nhất mà người ta thường để lại dép khi nhảy xuống là cầu Bình Lợi, cũng là một trong những cây cầu lâu đời nhất Sài Gòn, ở tại nơi có khúc sông rộng và nhiều vùng nước xoáy. Những cây cầu nổi tiếng khác đã rất quen thuộc với thị dân Sài Gòn xưa là cầu Tân Thuận, cầu Khánh Hội, cầu Tân Cảng, cầu Mống, cầu Chà Và, cầu Chữ Y, cầu Nhị Thiên Đường… và hàng loạt cầu nhỏ bắc qua rạch Nhiêu Lộc – Thị Nghè là cầu Thị Nghè, cầu Phan Than Giản, Cần sắt Dakao, cầu Kiệu, cầu Công Lý, cầu Trần Quang Diệu…

Mời các bạn xem lại hình ảnh đẹp của những cây cầu Sài Gòn ngày xưa:

Cầu Bình Lợi

Đây là cây cầu lớn đầu tiên bắc qua sông Sài Gòn xây năm 1902, là cầu dành cho đường sắt kết hợp đường bộ đầu tiên nối liền Sài Gòn đi miền Trung và miền Tây (đến Mỹ Tho), dài 276m gồm 6 nhịp, lòng cầu lót ván gỗ dày. Mỗi khi xe lửa qua cầu, xe cơ giới đều bị chặn lại ở hai đầu cầu. Khi được lưu thông, thì một bên dừng một bên chạy. Theo kết cầu ban đầu thì cầu có 1 nhịp giữa quay được để cho tàu thuyền lớn qua lại.

Năm 1972, để giảm tải cho cầu Bình Lợi, cầu Bình Triệu được xây dựng. Đến năm 2001 thì xây thêm cầu Bình Triệu 2.

Cho đến nay cầu Bình Lợi dành cho đường sắt vẫn còn, bên cạnh đó đã có thêm cầu Bình Lợi rất lớn dành cho đường bộ.

Cầu Tân Thuận

Đây là một trong những cây cầu lâu đời nhất Sài Gòn và vẫn còn cho đến nay. Cầu Tân Thuận bắt qua Kênh Tẻ được xây dựng từ năm 1905 và đã qua nhiều lần sữa chữa.

Để giảm tải cho cầu cũ, cầu Tân Thuận 2 song song với cầu Tân Thuận 1 (cầu cũ) được xây dựng và đưa vào sử dụng từ năm 2005. Cầu mới được xây dựng song song với cầu Tân Thuận cũ, cho phép xe lưu thông 2 chiều (khi mới xây xong thì chỉ lưu thông 1 chiều), còn cầu Tân Thuận cũ chỉ cho phép xe lưu thông từ quận 7 sang quận 4 để kéo dài tuổi thọ.

Cầu Khánh Hội

Cùng thời điểm với cầu Tân Thuận, người Pháp cũng xây dựng cầu Khánh Hội bắc qua rạch Bến Nghé, nối liền quận 1 và quận 4 hiện nay.

Ban đầu cầu Khánh Hội được gọi là Le pont tournant, nghĩa là “cầu quay”. Cầu có tên gọi này do có thiết kế độc đáo với nhịp giữa có thể quay ngang để tàu thuyền qua lại dễ dàng.

Ban đầu, cầu Khánh Hội không phải đi qua bến Bạch Đằng như hiện nay, mà nó bắt ngang từ đường Jean-Eudel (nay là đường Nguyễn Tất Thành) qua đường D’Adran (tức Võ Di Nguy sau này, nay là Hồ Tùng Mậu).

Cầu quay Khánh Hội thập niên 1920. Bên trên đó là cầu Mống. Phía bên phải của hình là đường Bến Chương Dương (lúc này mang tên Quai de Belgique) cắt ngang đường D’Adran (nay là Hồ Tùng Mậu)

Tuy nhiên, đến những năm 1940, cầu được cố định lại để lắp đặt qua cầu này tuyến đường sắt đô thị dẫn đến khu cảng Sài Gòn, chở hàng từ cảng đi các nơi.

Cầu Khánh Hội giữa thập niên 1940, giữa cầu có đường ray xe lửa

Sau năm 1955, cầu Khánh Hội nguyên thủy bị dỡ bỏ để xây mới bằng bê tông và được đặt tên là cầu Bắc Bình Vương. Vì cầu này nằm đầu đường Trình Minh Thế (bị ghi sai thành Trịnh Minh Thế), nên người ta cũng gọi đây là cầu Trình Minh Thế.

Cầu Bắc Bình Vương

Sau năm 1975, đường Trình Minh Thế đổi tên thành đường Nguyễn Tất Thành, cầu cũng đổi tên thành cầu Khánh Hội cho tới nay. Đây cũng là tên ban đầu của cây cầu từ đầu thế kỷ 20 này.

Năm 2006, để xây dựng đường hầm sông Sài Gòn, cầu Khánh Hội lại bị phá dỡ để xây mới cao hơn như hiện nay. Cầu mới có chiều dài 167 m với 4 nhịp, rộng 22 m, đáp ứng bốn làn xe lưu thông và được đưa vào sử dụng từ ngày 24 tháng 1 năm 2009.

Dưới cùng là cầu Khánh Hội, kế bên là cầu Mống

Cầu Mống

Liền kề với cầu Khánh Hội, cùng bắc qua rạch Bến Nghé, kênh tàu Hủ là cây cầu lâu đời nhất Sài Gòn hiện nay vẫn còn giữa nguyên kiến trúc đến nay sau nhiều lần trùng tu sửa chữa, đó là Cầu Mống.

Cầu này do Công ty vận chuyển hàng hải Messageries Maritimes của Pháp bỏ vốn xây dựng vào năm 1893-1894, dài 128 mét, rộng 5,2 mét, lề bộ hành rộng 0,5 mét, xây bằng thép kiên cố. Cầu làm theo kiểu vòng mống cho nên dân gian gọi là cầu Mống.

Hãng tàu biển Messageries Maritimes có trụ sở là tòa nhà ngày nay gọi là Bến Nhà Rồng, đã bỏ tiền xây dựng cầu Mống để lưu thông được từ trung tâm Sài Gòn qua cầu tàu của hãng này.

Cầu Mống nối từ đường Pasteur ở Bến Chương Dương qua bên kia kênh Tàu Hủ là bến Vân Đồn và đi qua bến cảng. Khi Pháp bắt đầu quy hoạch Sài Gòn, Pasteur là con đường nhỏ được đánh số 24, sau đó được đặt tên đường là Ollivier, sau đó là Pellerin. Từ năm 1955 đến 1975 đường được mang tên Pasteur. Sau năm 1975, có thời gian đường này bị đổi tên thành Nguyễn Thị Minh Khai, nhưng sau đó dưới sức ép của Mạng lưới Viện Pasteur Quốc tế, đường này được đổi lại tên cũ để viện Pasteur ở Sài Gòn không bị cắt tài trợ.

Trong giai đoạn thi công Đại lộ Đông – Tây và Đường hầm sông Sài Gòn vào thập niên 2000, cầu Mống được tháo dỡ hoàn toàn, sau khi công trình này hoàn tất thì cầu Mống đã được lắp ghép lại theo nguyên bản và gia cố thêm phần trụ móng kèm trang bị chiếu sáng mỹ thuật. Từ sau đó, cầu Mống chỉ dành riêng cho người đi bộ, cấm các phương tiện giao thông.

Sài Gòn ngày xưa còn rất nhiều cây cầu nổi tiếng khác nữa, như cầu Tân Cảng, cầu Chà Và, cầu Chữ Y, cầu Nhị Thiên Đường…, không thể nói hết tất cả trong một bài viết, nên xin dành lại cho những bài viết phần sau.

Đông Kha (nhacxua.vn) biên soạn

Exit mobile version