Câu chuyện về những bức ảnh cổ xưa nhất của Sài Gòn vào 150 năm trước

Năm 1859, quân Pháp chiếm được thành Gia Định, chỉ 6-7 năm sau đó, đã có những tấm ảnh đầu tiên của Sài Gòn được nhiếp ảnh gia người Pháp ghi lại để ngày nay chúng ta có thể nhìn được cảnh vật và những con người sống cách đây nhiều thế hệ.

Những nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp đầu tiên ghi lại hình ảnh nước Việt vào thế kỷ 19, có thể kể đến Émile Gsell và John Thomson từ năm 1866, trước đó vài năm là Pun Lun, sau đó là Aurélien Pestel từ thập niên 1880. Đầu thế kỷ 20 bắt đầu có những nhiếp ảnh gia người Việt nổi tiếng, tiêu biểu nhất trong số đó là ông Khánh Ký và Võ An Ninh.

Nhiếp ảnh gia đầu tiên chụp hình đất Việt là một người Hoa tên là Pun Lun.

Tấm ảnh xưa nhất Sài Gòn được Pun Lun (Pun Ky) chụp năm 1860, chỉ 1 năm sau khi người Pháp chiếm được Gia Định

Tuy nhiên người nổi tiếng và chụp nhiều nhất là Émile Gsell, sinh năm 1838 tại Pháp. Ngay từ khi Pháp bắt đầu quy hoạch và xây dựng Sài Gòn, Émile Gsell đã có mặt ở đây với tư cách là nhân viên quân sự còn rất trẻ, có niềm đam mê nhiếp ảnh – một lĩnh vực chỉ vừa mới được phát minh hơn 30 năm trước đó.

Năm 1866, Émile Gsell được sĩ quan người Pháp là trung tá Ernest Doudart de Lagrée tin tưởng cho tham gia cuộc thám hiểm Mekong để ghi lại những hình ảnh trong chuyến đi, trong đó những hình ảnh khu đền Angkor hoang phế đã làm cho Gsell nổi tiếng, chính thức đưa ông bước vào con đường nhiếp ảnh chuyên nghiệp.

Trong cùng năm 1866, sau khi trở về từ chuyến thám hiểm, Emile Gsell thực hiện nhiều bức ảnh về Sài Gòn và vùng phụ cận, với cảnh quan và sinh hoạt của người Sài Gòn trong những năm đầu tiên trở thành thuộc địa của Pháp.

Mời các bạn xem lại bộ ảnh này của Gsell được chụp từ 150 năm trước:

Đường Nguyễn Huệ khi vẫn còn là 1 con Kinh, hình chụp vào thập niên 1860. Sau đó người Pháp lấp kinh để xây dựng đại lộ Charner
Một trong những tấm ảnh xưa nhất của Sài Gòn, chụp tu viện Sainte Enfance của Dòng Chúa Hài Đồng, sau này là Dòng Thánh Phao Lô, công trình do Nguyễn Trường Tộ thiết kế và trông coi xây dựng. Tuy nhiên tòa nhà này chỉ tồn tại được khoảng 40 năm, trước khi bị thay thế bằng 1 tòa nhà khác vẫn còn cho đến ngày nay, nằm ở vị trí đường Nguyễn Hữu Cảnh – Tôn Đức Thắng.
Lăng Cha Cả năm 1866
Bức ảnh xưa nhất của dinh Norodom được Gsell chụp năm 1875, khi nó vừa được xây xong. Dinh này tồn tại đến năm 1963 thì bị thay thế bằng Dinh Độc Lập ngày nay
Bức ảnh duy nhất chụp Chùa Khải Tường, là nơi Hoàng tử Đảm (sau này là vua Minh Mạng) được sinh ra ở nơi hậu liêu chùa năm 1791, khi vua Gia Long đang lánh nạn Tây Sơn. Vị trí này ngày nay là Bảo tàng chứng tích CT tại số 28, Võ Văn Tần, Quận 3
Sông Sài Gòn năm 1866. Cây cầu nhỏ bắc ngang qua rạch Bến Nghé sau này là cầu Khánh Hội, bên kia là bến Nhà Rồng ở quận 4 ngày nay
Cột cờ Thủ ngữ ở Bến Bạch Đằng ngày nay. Ảnh chụp năm 1866
Thuyền trên sông Sài Gòn năm 1866
Rạch Bến Nghé khoảng thập niên 1870. Dãy nhà nhà trong hình nay nằm trên con đường ngày nay là đại lộ Võ Văn Kiệt (Bến Chương Dương cũ)
Toàn cảnh rạch Bến Nghé và sông Sài Gòn thập niên 1870. Hình này được Gsell chụp trước khi ông qua đời không lâu, và được xuất bản trong tập ảnh năm 1880, khi ông đã qua đời được 1 năm
Bờ sông Sài Gòn

Bên cạnh Émile Gsell thì John Thomson cũng là 1 trong những người chụp những bức ảnh đầu tiên của Sài Gòn, cùng thời điểm với Gsell.

Thomson là nhiếp ảnh gia, nhà thám hiểm tiên phong người Scotland, cũng là một trong những nhiếp ảnh gia đầu tiên của vương quốc Anh đến vùng Viễn Đông, ghi lại hình ảnh của con người, phong cảnh ở nơi đây. Những tác phẩm ở vùng Đông Nam Á của ông được coi là ví dụ kinh điển của ảnh tài liệu xã hội, đặt nền móng cho nghề báo ảnh của Anh quốc.

Những hình ảnh sau đây của Sài Gòn được Thomson chụp vào năm 1867, trong chuyến đi 10 năm khám phá vòng quanh các nước Viễn Đông, từ năm 1862 đến 1872, qua các nước Ấn Độ, Singapore, Thái Lan, Cambodia, Việt Nam, sau đó là Hongkong, Đài Loan.

Tấm ảnh Miếu Nổi độc đáo cùa Thomson chụp năm 1867. Ngày nay Miếu Nổi vẫn còn ở Gò Vấp. Miếu Nổi còn có tên gọi khác là Phù Châu Miếu, được xây từ thời vua Gia Long cách đây hơn ba thế kỷ. Một bên miếu là bến đò, phía bên kia là An Phú Đông, quận 12. Sự ra đời của ngôi miếu gắn với truyền thuyết về một ngư dân vớt được pho tượng được cho là tượng của bà Thủy Tế khi đánh cá. Sau đó, người dân lập miếu để thờ
Cờ Thủ ngữ ở Bến Bạch Đằng ngày nay. So với ảnh chụp cùng 1 góc ảnh với Gsell thì ảnh này có thêm tòa nhà của ông Wang Tai (Vương Đại) đang được xây dựng, nằm ở góc Hàm Nghi – Bến Bạch Đằng ngày nay. Nơi đây từng là tòa thị trưởng Sài Gòn trong vài tháng trước khi trở thành trụ sở của phòng thương mại, rồi trở thành khách sạn Cosmopolitan. Về sau kiến trúc sư Foulhoux xây dựng lại từ năm 1885 đến 1887 thành kiến trúc vẫn còn cho ngày nay, ban đầu là khách sạn des douanes et régie, đến thời VNCH là Tổng nha quan thuế.
Đường đến Lăng Cha Cả với 2 hàng cây xoài năm 1867. Thời điểm này khu vực Lăng Cha Cả rất hoang vắng
Dãy nhà trên Bến Bạch Đằng ngày nay, phía bên trái là bờ sông Saigon. Ảnh của Thomson năm 1866

Những hình ảnh khác của Sài Gòn được ghi lại từ gần 150 năm trước:

Kinh Tàu Hủ – Rạch Bến Nghé hình chụp từ khoảng xóm nhà gần kinh Vạn Kiếp nhìn theo hướng đi về miền Tây.
Tàu trên sông Sài Gòn năm 1888. Thời điểm này đoạn đường này được người Pháp đặt tên là Quai du Commerce, đến 1896 đổi là Quai Francis Garnier, và 1920 đổi thàmh Quai le Myre de Vilers. Từ năm 1955, đường này mang tên Bến Bạch Đằng
Cầu Bình Tây ở Chợ Lớn năm 1888, ở trước chợ Bình Tây đầu tên (vị trí khác với chợ Bình Tây sau này). Đó là cây cầu gỗ đầu tiên người Pháp xây dựng tại Saigon-Cholon
Cây cầu nhỏ này ngày nay nằm ở vị trí gần cầu Chà Và
Chợ Lớn 1866
Chợ Lớn 1866
Chợ Lớn 1866
Saigon 1890
Saigon 1890
Bến đò gần cột Thủ ngữ năm 1890, nay là Bến Bạch Đằng
Đường Catinat (Tự Do) năm 1890
Đường Catinat năm 1895
Cột đèn dầu trên đường Catinat năm 1895
Trung tâm Sài Gòn năm 1895
Rạch Bến Nghé – cầu Mống năm 1890
Lăng Cha Cả khoảng thập niên 1860
Chambre de Commerce – (Phòng Thương Mại) được xây dựng năm 1867 tại số 11 Rigault de Genouilly, nay là Công Trường Mê Linh. Đến nay, toà nhà này vẫn còn và đã trở thành một quán bar.
Hình ảnh khác của Chambre de Commerce 1895
Khu Chợ Cũ năm 1890. Đây là góc đường de la Somme và Rue d’Adran (nay là góc Hàm Nghi – Hồ Tùng Mậu). Tòa nhà giữa ảnh nay là tiệm Như Lan.
Trạm xe lừa ở trước Chợ Cũ. Chợ này nằm ngay bến sông ngoài thành Gia Định cũ, nên mang tên là chợ Bến Thành. Sau này dù chợ được xây dựng lại ở chỗ khác nhưng vẫn mang tên Bến Thành của Chợ cũ
Chợ Cũ
Chợ Cũ trên đường Charner (nay là Nguyễn Huệ)
Một con đường Sài Gòn năm 1895
Sông Sài Gòn 1895
Công trường Rigault de Genoully năm 1885 – Nay là Công trường Mê Linh ở Bến Bạch Đằng. Bức tượng này là Thủy sư đề đốc Pháp Charles được xây dựng từ năm 1877, dân gian gọi là Tượng Một Hình.
Công trường Rigault de Genoully năm 1890. Góc ảnh này thấy rõ hơn tháp nhọn Lamaille ở bên trái của bức tượng. Trước đó tháp Lamaille được dựng ở vị trí bờ sông đầu đường Catinat vào năm 1865, đến năm 1875 thì dời về vị trí này, đến cuối thập niên 1890 thì tháp Lamaille lại được thay thế bằng tháp khác mang tên Doudart de Lagrée, được dời về từ đầu đường Bonard (Để nhường chỗ xây dựng Opera House)
Tháp Doudart de Lagrée ban đầu là ở vị trí Dinh Xã Tây (Tòa Đô Chánh), sau đó dời về vị trí Opera House, rồi sau đó mới dời về Công trường Rigault de Genoully (Công trường Mê Linh)
Bia tưởng niệm các quân y sĩ Pháp trong nghĩa trang Pháp trên đường Paul Blanchy (nay là Hai Bà Trưng). Sau năm 1955, nơi này đổi tên thành nghĩa trang Mạc Đỉnh Chi, sau đó đã bị giải tỏa để thành công viên Lê Văn Tám hiện nay
Bưu điện Sài Gòn được người Pháp xây dựng trong khoảng năm 1886–1891 với phong cách châu Âu theo đồ án thiết kế của kiến trúc sư Villedieu cùng phụ tá Foulhoux. Đây là công trình kiến trúc mang phong cách phương Tây kết hợp với nét trang trí phương Đông
Bưu điện năm 1895
Dinh Thống đốc Nam Kỳ năm 1890, khi vừa được xây dựng xong sau 5 năm. Ban đầu dự định được xây để làm bảo tàng Thương mại để trưng bày sản phẩm Nam Kỳ. Tuy nhiên, ngay sau khi xây xong, tòa nhà lại được Phó Toàn quyền Đông Dương Henri Éloi Danel dùng làm tư dinh. Về sau, tòa nhà được sử dụng hẳn làm dinh Phó Toàn quyền Đông Dương hay còn gọi là dinh Phó soái. Cuối thập niên 1940, nơi này trở thành dinh Thủ hiến, thập niên 1950 trở thành dinh thủ tướng của Ngô Đình Diệm, năm 1954 được quốc trường Bảo Đại đặt tên thành dinh Gia Long. Ngày nay, nơi này được sử dụng đúng với công năng ban đầu lúc xây dựng, đó là Bảo tàng.
Dinh Gia Long cuối năm 1880
Bãi tắm ngựa cạnh chân cầu Mống năm 1890. Người chụp đứng trên cầu Mống nhìn về phía Cholon
Bãi tắm ngựa trên kinh Tàu Hủ năm 1890
Saigon 1890
Ngôi chùa nằm bên trong Bệnh viện Phước Kiến của người Hoa ở Chợ Lớn, ngày nay là Bệnh viện Nguyễn Trãi. Kiến trúc của ngôi chùa này rất giống với Hội quán Nhị Phủ trên đường Hải Thượng Lãn Ông vẫn còn cho đến ngày nay
Vườn Bách Thảo năm 1890, nay là Thảo Cầm Viên Sài Gòn, thường hay được gọi là Sở Thú, là công viên Bách Thảo – Vườn Thú nổi tiếng của Sài Gòn, được bắt đầu xây dựng năm 1865, là vườn thú lâu đời, có tuổi đời đứng hàng thứ 8 trên thế giới.
Vườn Bách Thảo 1890
Vườn Bách Thảo 1890
Chợ Lớn
Nhà hát chính thức đầu tiên tại Saigon. Trước khi Opera House được xây dựng ở vị trí như ngày nay, thì trước đó đã có một Nhà Hát nhỏ được xây dựng ở vị trí khách sạn Caravelle hiện nay
Đường kinh lấp năm 1980, tên thời Pháp là Charner, sau này là đại lộ Nguyễn Huệ. Đường được gọi là kinh lấp, đó là vì trước khi đường Charner được xây dựng thì đây là một con kinh tấp nập thuyền bè của thương lái, sau đó bị lấp để làm đường

Một số hình khác của Kinh lấp (còn gọi là Kinh Lớn), đường Charner:

Dãy nhà phố trên đường Charner dọc Kinh Lớn, ngày nay là đường Nguyễn Huệ
Kinh Lớn thập niên 1880, bên trái là Nhà Thờ vừa xây xong
Cùng 1 góc ảnh, lúc này chưa xây Nhà Thờ. Tháp nhọn bên trái hình là Rigault de Genoully đã được nhắc đến ở trên, sau đó để lấy chỗ xây dựng Dinh Xã Tây, tháp được dời qua đường Catinat, cuối cùng là dời về Công trường Rigault de Genoully để lấy chỗ xây Opera House
Đường De Lagrandière, năm 1955 thành đường Gia Long, từ năm 1975 đến nay là Lý Tự Trọng. Tòa nhà bên phải là bệnh viện quân đội Pháp, sau này là nhà thương Đồn Đất (Grall), nay là Bệnh viện Nhi đồng 2
Hôtel de l’Inspection (Dinh Tham biện) năm 1985, ở vị trí đối diện công viên Chi Lăng. Sau năm 1955, đây là trụ sở Bộ Giáo Dục, sau này bị đập đi để xây tòa nhà Vincom trên đường Đồng Khởi
Khuôn viên của Hôtel de l’Inspection
Một người lính Nam Kỳ ở Saigon 1895

Một vài hình ảnh của Tòa hòa giải vào cuối thế kỷ 19 trên đại lộ Charner. Tòa này vẫn còn tồn tại cho đến thập niên 1970. Trước khi tòa này được xây dựng thì từ năm 1863, một nhà thờ gỗ được xây dựng ở vị trí này. Đến năm 1880, khi Nhà Đức Đức Bà được xây dựng xong bên đường Catinat thì Nhà thờ gỗ bị dỡ bỏ, nhường chỗ cho Tòa nhà hòa giải. Tòa nhà tồn tại cho đến gần 100 năm sau, ngày nay vị trí này là cao ốc Sunwah ở số 115 Nguyễn Huệ.

Từ Tòa hòa giải nhìn ra phía trước là đường Charner, đang diễn ra một vụ xử tử

Một vài hình ảnh của Dinh Thượng Thơ, còn được gọi là Bureaux du Directeur de l’intérieur (Văn phòng giám đốc nội vụ, 1863-1891) nằm ở góc đường Catinat – De Lagrandière. Sau năm 1955, đây là trụ ở Bộ Kinh tế ở góc đường được đổi tên thành Tự Do – Gia Long. Sau năm 1975, 2 tên đường này lại được đổi thành Đồng Khởi – Lý Tự Trọng.

Dinh Thượng Thơ ở phía đường De Lagrandière (Gia Long)
Góc đường Catinat – De Lagrandière
Dinh Thượng Thơ năm 1890, khi này đèn đường còn thắp bằng dầu

Một vài hình ảnh của Nhà Thờ Đức Bà cuối thế kỷ 19. Nhà thờ được xây dựng từ năm 1877, ban đầu có tên gọi là “Nhà thờ Nhà nước” vì nó do nhà nước Pháp bỏ tiền xây dựng và quản lý.

Lúc này nhà thờ vẫn chưa có 2 tháp chuông nhọn, được xây thêm vào năm 1895
Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn năm 1885, chỉ vài năm sau khi được xây dựng xong ở đầu đường Catinat.
Nhà thờ ở ngay đầu đường Catinat, nhìn ra sông Sài Gòn
Đến tận thập niên 1970, hàng cây xoài và hàng rào cổ cùng với tòa nhà hai bên đường như trong hình vẫn còn
Nhà thờ năm 1895, khi vừa thêm tháp chuông

Đông Kha (nhacxua,vn) biên soạn
Hình ảnh từ trang manhhai flickr

Exit mobile version