Tiếp nối 2 phần trước, ghi lại những câu chuyện về bài nhạc phổ thơ của nhạc sĩ Phạm Duy, phần 3 này xin giới thiệu những bài nhạc phổ thơ được sáng tác trong thập niên 1940-1950.
Nhạc phổ thơ Lưu Trọng Lư
Nhạc sĩ Phạm Duy và thi sĩ Lưu Trọng Lư từng gặp nhau một thời gian khá lâu khi cả 2 cùng ở Huế vào thập niên 1940, và ngay từ năm 1945, nhạc sĩ đã phổ nhạc cho bài thơ bất hủ Tiếng Thu của Lưu Trọng Lư. Trong hồi ký của mình, nhạc sĩ Phạm Duy cho biết:
“Tôi yêu thơ của thi sĩ Lưu Trọng Lư từ hồi nào không biết, nhưng tôi chọn một bài thơ tiêu biểu nhất của anh là Tiếng Thu để phổ thành ca khúc ngay từ năm 1945, bài này coi như là một bài hát đầu tay, vì nó mới chỉ là bài ca thứ 5 trong đời tôi”.
Thi sĩ Lưu Trọng Lư quê ở Quảng Bình, trải qua phần lớn thời gian tuổi trẻ ở Huế trước khi ra Hà Nội từ năm 1954. Ông được xem là một trong những người khởi xướng phong trào Thơ Mới. Thơ của ông không có sự chải chuốt hoa mỹ, nhưng có được sự chân thực trong cảm xúc trong những câu chữ có vẻ là không chọn lọc nhưng lại dễ dàng lay động người đọc.
Tiếng Thu
Tiếng Thu là bài thơ ngắn chỉ 9 câu, nhưng là bài nổi tiếng nhất trong cuộc đời thơ Lưu Trọng Lư, được nhà thơ Trần Đăng Khoa nhận xét rằng là bài thơ “thơ” nhất của Việt Nam, nghĩa là ngoài chất thơ ra thì nó không có gì bấu víu, không cõng thêm sứ mệnh nào khác, nó hoàn toàn trữ tình lãng mạn:
Em không nghe mùa thu
Dưới trăng mờ thổn thức?
Em không nghe rạo rực
Hình ảnh kẻ chinh phu
Trong lòng người cô phụ
Click để nghe Thái Thanh hát Tiếng Thu trước 1975
Hoa Rụng Ven Sông
Năm 1958, khi bị cuốn vào cuộc tình với một thiếu nữ trẻ, cũng là một nhà thơ và rất yêu thơ Lưu Trọng Lư, cô gái này đã để nghị nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc Lưu Trọng Lư, và ông đã chọn bài thơ mang tên Còn Chi Nữa để phổ thành ca khúc Hoa Rụng Ven Sông.
Ca khúc này được nhạc sĩ vận dụng nhạc ngũ cung để viết về một bài man mác buồn và gợi niềm nuối tiếc, nhắc lại một chuyện tình đã lỡ:
Giờ đây trên sông hoa rụng tơi bời
Giờ đây em ơi cơn mộng tan rồi
Lòng anh tan hoang thôi vỗ tình ơi
Ngày như theo sông bóng xế tàn rơi…
Click để nghe Julie Quang hát Hoa Rụng Ven Sông trước 1975
Thú Đau Thương
Ngay sau Hoa Rụng Ven Sông, nhạc sĩ Phạm Duy phổ tiếp bài thơ nổi tiếng Một Mùa Đông, ghép với bài thơ mang tên Thú Đau Thương cũng của Lưu Trọng Lư để thành bài hát Thú Đau Thương, để ôm lấy một “thú đau thương” mà ông nói rằng cho đến lúc đó vẫn chưa biết đến:
Tình đã len trong mầu nắng mới
Lòng anh buồn vời vợi em ơi!
Niềm ái ân rung động trên môi
Tình đâu khôn lựa nên lời thắm tươi
Mời các bạn nghe ca khúc này qua 2 giọng hát đặc biệt, 1 người là vợ, 1 người là con gái của tác giả, cùng song ca:
Click để nghe Thái Hằng – Thái Hiền hát Thú Đau Thương trước 1975
Trong hồi ký, nhạc sĩ Phạm Duy đã nói về những ca khúc phổ thơ Lưu Trọng Lư của ông như sau:
“Những bài thơ Lưu Trọng Lư mà tôi phổ nhạc cho thấy nhạc của Phạm Duy vào lúc còn trẻ rất là hợp lý (logic), có câu cú đàng hoàng và nhất là dễ làm người nghe cảm động. Đó cũng nhờ ở lãng mạn tính tuyệt vời của lời thơ nơi thi sĩ. Tôi biết ơn anh Lưu Trọng Lư đã là người sớm cho tôi chất liệu để thành người nhạc sĩ của tình yêu lãng mạn”
Nhạc phổ thơ Cung Trầm Tưởng
Từ cuối thập niên 1950, thi đàn Sài Gòn xuất hiện một gương mặt mới trở về từ nước Pháp, với bút hiệu thật ấn tượng: Cung Trầm Tưởng. Ông tên thật là Cung Thức Cần, sinh quán ở Hà Nội và vào đến Sài Gòn năm 1949, rồi sang Pháp học trường Võ Bị Không Quân từ năm 1952. Tại đây, ông trải qua cuộc tình với một thiếu nữ Pháp, cho dù chỉ kéo dài được hơn 1 năm, nhưng những yêu thương quyến luyến đó đã trở thành cảm hứng cho nhà thơ sáng tác thành nhiều thi phẩm, trong số đó có những bài được công chúng biết đến sau khi được nhạc sĩ Phạm Duy phổ thành nhạc: Tiễn Em, Mùa Thu Paris, Chiều Đông, và Kiếp Sau. Ngoài ra có có một bài thơ khác rất đặc biệt mang tên Tương Phản được phổ thành ca khúc mang tên Bên Ni Bên Nớ.
Nhà thơ Cung Trầm Tưởng chia sẻ kỷ niệm về những bài thơ này:
“Tôi làm những bài thơ về Paris đó là có thật. Lẽ dĩ nhiên khi làm thơ thì mình cũng lý tưởng hóa nó một chút, tất cả về tóc vàng mắt xanh là có thật. Thời đó tôi học ở trường Pháp cứ bị mang tiếng là Tây con, đã sẵn có ngôn ngữ Pháp và văn hóa Pháp thấm nhuần trong người thành ra sang bên đó mình không bị lạ lẫm. Tôi gặp một số mối tình dù rằng không vĩnh viễn nhưng nó là những kỷ niệm đầu đời của mình”.
Tiễn Em
Bài hát được phổ từ bài thơ mang tên Chưa Bao Giờ Buồn Thế, nổi tiếng qua giọng hát Lệ Thanh, Sĩ Phú, Anh Ngọc… trước 1975 và Tuấn Ngọc sau năm 1975:
Lên xe tiễn em đi
Chưa bao giờ buồn thế
Trời mùa Đông Paris
Suốt đời làm chia ly.
Tiễn em về xứ Mẹ
Anh nói bằng tiếng hôn
Không còn gì lâu hơn
Một trăm ngày xa cách
Click để nghe Sĩ Phú hát Tiễn Em trước 1975
Tám câu đầu tiên của bài hát Tiễn Em được nhạc sĩ Phạm Duy giữ nguyên câu chữ của bài thơ nguyên thủy, không sửa một chữ nào, mô tả cuộc chia ly giữa 2 người dị chủng: Một sinh viên ở miền viễn Đông và một cô gái tóc vàng bản xứ. Họ tiễn nhau trên một sân ga nhỏ nằm trơ trọi giữa mùa đông nước Pháp lạnh lẽo, đó là “ga Lyon đèn vàng” giữa “tuyết rơi buồn mênh mang”. Ga Lyon này không phải là ở thành phố Lyon như nhiều người tưởng, mà có tên chính thức là Paris-Gare-de-Lyon, là một trong sáu ga xe lửa tuyến chính lớn ở Paris – thủ đô nước Pháp.
Ga Lyon đèn vàng
Cầm tay em muốn khóc…
Vì sao ánh đèn sân ga lại màu vàng? Điều này cũng được Cung Trầm Tưởng giải thích, đó là vào một buổi chiều mùa đông Paris lạnh giá, qua làn sương mù lạnh lẽo thì ánh đèn sân ga đã trở thành vàng vọt, gợi hình tượng lãng mạn nhưng cũng thật buồn, buồn như là tâm trạng của đôi tình nhân đang quyến luyến nhau không rời trước giờ phút phân ly.
Vì sao họ phải xa nhau, và “tiễn em về xứ mẹ” là xứ nào? Nhà thơ kể lại:
“Mùa Ðông ở Paris thời hậu thế chiēn, không khí thường bị ô nhiễm; và phổi nàng không được mạnh, và nàng lại bị suyễn nữa, vì thế bác sĩ khuyên là trong ba tháng mùa Ðông, nàng nên đi về miền Địa Trung Hải để hưởng không khí trong sạch. Ba tháng xa cách, thế nhưng thời đó tuổi trẻ lắm lúc đam mê và cũng hơi cường điệu, tôi có cảm tưởng xa nhau biền biệt, nên mới trải tâm sự thành bài thơ”.
Nàng con gái tóc vàng rời Paris tròn 3 tháng để về Marseille, là thành phố miền Nam nhìn ra Địa Trung Hải có nắng ấm, có biển muối mặn, tốt hơn cho sức khỏe của nàng. 3 tháng được được nhà thơ làm tròn thành “100 ngày xa cách”.
Click để nghe Tuấn Ngọc hát Tiễn Em
Mùa Thu Paris
Thi sĩ Cung Trầm Tưởng đã nói về hoàn cảnh sáng tác bài thơ Mùa Thu Paris đã được nhạc sĩ Phạm Duy phổ thành ca khúc cùng tên như sau:
“Lúc đó là năm 1954, tôi đi du học bên Pháp và ở vào tuổi vừa mới ngoài 20. Trước khi đặt chân đến Kinh Thành Ánh Sáng, tôi đã có một mối tình, và cũng bị ảnh hưởng nhiều bởi những nhà thơ Pháp thời bấy giờ. Khi sang Paris, tiếng Pháp tôi cũng tương đối vì tôi đã chuẩn bị trước khi đi, cho nên, trong bối cảnh đó, tôi hội nhập ngay vào môi trường sống ở Paris, và trôi ngay vào không khí trữ tình của mùa Thu Paris. Bài thơ ra đời trong bối cảnh và tâm tình đó. Lẽ dĩ nhiên, phải có một cô tóc vàng sợi nhỏ nên dòng thơ mới bật lên”.
Mùa Thu Paris
Trời buốt ra đi
Hẹn em quán nhỏ
Hẹn em quán nhỏ
Rượu rưng rưng ly đỏ tràn trề…
Kiếp Sau
Bài thơ được Cung Trầm Tưởng sáng tác năm 1956 và nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc năm 1959, với giai điệu mang chút âm hưởng của quan họ.
“Bù em một thoáng trời gần,
đơm hoa kết mộng cũng ngần ấy thôi!
Bù em góp núi chung đồi
thiêu nương đốt lá cũng rồi hoang sơ”
Đó là nguyên tác 4 câu đầu tiên của bài thơ, nhạc sĩ Phạm Duy giữ gần như nguyên vẹn khi chuyển thành nhạc, nhưng đã đổi chữ “Bù” tuyệt hay thành chữ Đền. Tác giả Thụy Khê đã nhận xét rằng có lẽ nhạc sĩ Phạm Duy vì nhu cầu âm nhạc đã đổi ra đền. “Ðền em, nũng nịu, Tây hơn, hợp thời hơn, nhưng Bù em, mới hiếm, mới Việt. Chữ đền có nghĩa đổi trao, lấy đi rồi đền lại. Chữ bù chỉ thấy cho, chỉ “lấp đầy”. Nguyên lý lấp đầy lại rất phụ nữ, rất nhục cảm, rất Sartrien, rất Cung Trầm Tưởng. Bù lại gần với âm bu. Bu là gọi mẹ theo tiếng quê ta. Một người “Tây con” như Cung Trầm Tưởng thời ấy, làm thơ tặng những em “tóc vàng sợi nhỏ” mà lại viết Bù em thật tuyệt”.
Click để nghe Thái Thanh hát Kiếp Sau trước 1975
Chiều Đông
Bài hát được phổ từ bài thơ mang tên Khoác Kín. Theo nhận xét của tác giả Trung Huy thì đây là một bài thơ ngắn, nhưng mỗi câu, mỗi chữ đều là những giọt tuyết lệ của thời gian, nhỏ trong không gian tàn tạ:
“Chiều đông tuyết lũng âm u
bâng khuâng chiều tới tiếp thu trời buồn
Nhớ ngày tầu cũng đi luôn,
ga thôn trơ nỗi, băng nguồn héo hon.”
Click để nghe Thái Thanh hát Chiều Đông trước 1975
Bên Ni Bên Nớ
Ca khúc được phổ từ bài thơ mang tên Tương Phản, như là một bức tranh màu xám đầy tương phản của đô thành Sài Gòn trong những năm thập niên 1950.
Ca khúc này mang đầy chất liêu trai, lời nhạc mông lung, nhưng có thể làm ám ảnh người nghe, nội dung bài hát bày ra hai cảnh đời mâu thuẫn, nhưng cũng từ đó đã đề cao tình nhân ái, tinh thần tích cực và an vui hạnh phúc của con người dù có phải ở vào cảnh nghèo túng.
Click để nghe Khánh Ly hát Bên Ni Bên Nớ
Thi sĩ Cung Trầm Tưởng sáng tác thơ này khi ông mới 18 tuổi và đang sống ở vùng Dakao, khi ấy vẫn là một vùng ngoại thành tối tăm, hoang vắng và xơ xác. Dakao ngày ấy đã được nhạc sĩ Lam Phương mô tả là một xóm nghèo “lầy lội qua muôn lối quanh” và “gập ghềnh đường đê tối tăm” như trong bài hát Kiếp Nghèo, hay là “vàng ánh điện câu” với hắt hiu mái lá vách phên như trong bài Xóm Đêm của nhạc sĩ Phạm Đình Chương.
Một đêm, từ vùng ngoại ô nhìn về phía đô thành với đèn hoa rực rỡ, thi sĩ Cung Trầm Tưởng nhìn thấy rõ một bức tranh tương phản, giữa một bên là đô thành tráng lệ, một bên là hoang liêu như một bãi tha ma.
Từ bài thơ Tương Phản, nhạc sĩ Phạm Duy viết thành ca khúc mang tên Bên Ni Bên Nớ với ca từ khá sát với lời thơ gốc.
Đêm chớm ngày tàn,
theo tiếng xe về,
lăn về viễn phố
Em hỡi sương rơi,
ngoài song đêm hạ,
ôi buồn phố xá
Hoang liêu về chết tha ma,
tiếng chân gõ guốc xa xa
Người xa vắng người,
người xa vắng người…
Hết phần 3, mới các bạn tiếp tục theo dõi phần 4, câu chuyện về những bài nhạc phổ thơ của nhạc sĩ Phạm Duy.
Đông Kha (biên soạn)
Bản quyền bài viết của nhacxua.vn