Câu chuyện về Hồ Con Rùa – Một biểu tượng quen thuộc với người Sài Gòn

Hồ Con Rùa là một trong những địa điểm quen thuộc nhất của trung tâm Sài Gòn, là nơi tiếp giáp của những con đường thẳng tắp đã gắn liền với những kỷ niệm của nhiều người từng sinh sống ở nơi đây, đó là đường Trần Cao Vân, Võ Văn Tần (xưa là Trần Quý Cáp) và đường Phạm Ngọc Thạch (xưa là đường Duy Tân).

Từ năm 1972, vị trí của Hồ Con Rùa có tên gọi chính thức là Công trường Quốc Tế, cũng giống như nhiều “công trường” quen thuộc khác ở Sài Gòn là Công trường Lam Sơn, Công trường Mê Linh, Công trường Diên Hồng… tuy nhiên cái tên đó ít được dùng tới, mà người ta chỉ quen gọi là Hồ Con Rùa, bởi vì từ khoảng năm 1967 đã một con rùa lớn bằng đồng được đặt giữa hồ nước.

Con rùa ở Hồ Con Rùa chỉ tồn tại được hơn 10 năm, trước khi bị phá hủy năm 1978, nhưng cho đến tận ngày nay, người ta vẫn quen gọi là Hồ Con Rùa và gần như quên hẳn cái tên chính thức là Công trường Quốc Tế.

Trong bài viết này, xin cung cấp đến bạn đọc những thông tin và hình ảnh theo thời gian của vị trí Hồ Con Rùa từ thời thế kỷ 19 cho đến nay.

Khi người Pháp chiếm được thành Gia Định, bắt đầu quy hoạch thành phố Sài Gòn thì vị trí Hồ Con Rùa hiện nay được nằm trên một con đường đâm thẳng ra sông Sài Gòn, được đánh số là đường 16. Sau đó đường số 16 đổi tên thành đường Catinat, kéo dài từ bờ sông và mở rộng cho đến tận đường Mayer (tức Võ Thị Sáu ngày nay).

Ngay trong thế kỷ 19, trên đường Catinat này đã mọc lên hàng loạt công trình mang tính lịch sử, trở thành biểu tượng, như là Nhà Thờ Đức Bà, Continental Palace, Opera House. Ngoài ra tại vị trí Hồ Con Rùa hiện nay được xây dựng một Tháp nước để cung cấp nước cho cư dân.

Một thời gian sau, đường Catinat được chia làm 3 đoạn với 3 tên đường khác nhau như sau:

1. Đoạn từ đường Mayer (nay là đường Võ Thị Sáu) đến “Tháp nước” mang tên là đường Garcerie.

2. Đoạn từ “Tháp nước” đến Nhà Thờ mang tên là đường Blanc Subé.

(Sau năm 1955, hai đoạn đường 1 và 2 này nhập thành 1 và đổi tên thành đường Duy Tân, sau năm 1975 thì đường Duy Tân trở thành Phạm Ngọc Thạch như ngày nay)

Con đường Blanc Subé nhìn từ bên trên Nhà Thờ Đức Bà. Bên kia tháp nước là đường Garcerie

3. Đoạn từ Nhà Thờ kéo dài đến bờ sông Sài Gòn (tức Bến Bạch Đằng sau này) vẫn mang tên Catinat, sau 1955 đổi tên thành Tự Do, và sau 1975 đổi thành đường Đồng Khởi.

Hình bên trên là vị trí Hồ Con Rùa hiện nay, đã từng hiện diện tháp nước cao 20m, cho đến năm 1921 thì bị phá bỏ vì dân số đã tăng cao, không còn đáp ứng được nhu cầu cung cấp nước cho Sài Gòn nữa. Thay vào đó, chỗ này được xây một hồ nước nhỏ, ở chính giữa là tượng đài 2 người lính Pháp. Tên chính thức của giao lộ này là Công trường Maréchal Joffre, nhưng người Việt quen gọi là Tượng Ba Hình (vì có tượng 2 hình người lính bên dưới và 1 tượng bên trên tháp cao), để phân biệt với Tượng Một Hình ở Công trường Mê Linh và Tượng Hai Hình ở trước Nhà Thờ.

Tượng Ba Hình

Thời điểm đó, vị trí Tượng Ba Hình là giao giữa 3 đường Testard (nay là Võ Văn Tần), Larclauze (nay là Trần Cao Vân) và Blanc Subé (nay là Phạm Ngọc Thạch),

Từ năm 1955, giao lộ này được đổi tên thành Công trường Chιến Sĩ. Lúc này 3 con đường của giao lộ được đổi tên thành Trần Cao Vân, Duy Tân và Trần Quý Cáp. Tượng đài lính Pháp vẫn còn tồn tại trong suốt thời đệ nhất cộng hòa, cho đến năm 1964 mới bị giật đổ.

Sài Gòn năm 1960, vẫn còn tượng đài lính Pháp
Bị giật đổ năm 1964

Khoảng năm 1967, khi bắt đầu nền đệ nhị cộng hòa, tổng thống Nguyễn Văn Thiệu cho xây dựng Hồ Con Rùa, với tin đồn đây là một vị trí “trấn yểm” theo phong thủy.

Từ 1970 đến 1974, Hồ Con Rùa được trùng tu và chỉnh trang. Nhìn từ xa, hồ nước là một khối kiến trúc hình thành một vòng xoay xung quanh, có một cái tháp cao nhất ở giữa nhìn như một bông hoa xoè ra.

Tháp chính có chiều cao 34 mét. Công trình mới này còn bao gồm một vòng xoay giao thông với đường kính khoảng gần 100 mét, được trang trí bởi cây xanh và hồ phun nước hình bát giác lớn với 4 đường đi bộ xoắn ốc đồng hướng đến khu vực trung tâm là đài tưởng niệm và hình tượng con rùa bằng hợp kim có đỡ trên lưng bia đá lớn ghi tên các nước đồng minh viện trợ cho VNCH. Do đó mới có tên gọi dân gian là Hồ Con Rùa, và đài kỷ niệm bên trong có tên chính thích là Đài kỷ niệm Quốc Tế Viện Trợ.

Từ năm 1972, giao lộ này được gọi là Công trường Quốc Tế, và giữ tên cho đến ngày nay.

Xung quanh Hồ Con Rùa là nhiều trường đại học Luật Khoa, Y Khoa, Kiến Trúc, và con đường đi ngang hồ tên là Duy Tân có cây dài bóng mát như trong nhạc của Phạm Duy. Với những tán lá 2 bên đường đan vào nhau thơ mộng, đường Duy Tân là nơi hẹn hò lý tưởng cho những cặp đôi đang ở lứa tuổi đôi mươi ở giảng đường đại học, và Hồ Con Rùa cũng thường là nơi hẹn gặp nhau để cùng tản bộ trên con đường mát mẻ này.

Nhìn lại những tấm ảnh Sài Gòn ngày xưa, thường thấy có tấm hình một nhóm bạn gái ngồi từng cụm quanh các bệ xi măng tròn ốp gạch mosaic.

Sau năm 1975, chính quyền cho đục bỏ các dòng chữ trên tấm bia. Đường Duy Tân thay tên thành đường Phạm Ngọc Thạch, còn đường Trần Quý Cáp đổi thành đường Võ Văn Tần. Vài năm sau đó, tấm bia và con rùa bị phá hủy, tuy con rùa không còn nhưng người dân vẫn quen gọi là Hồ Con Rùa, thay cho tên gọi chính thức. Các trụ bê tông vẫn còn giữ nguyên hình dạng cho đến ngày nay.

Mời bạn xem lại hỉnh ảnh vị trí Hồ Con Rùa theo các thời kỳ:

Tháp nước khi vừa mới xây xong, xung quanh chưa có cây

Từ thập niên 1920, Đài kỷ niệm chιến sĩ trận vong được xây dựng sau khi phá bỏ tháp nước
Năm 1928
Đô đốc Madden đặt một vòng hoa tại đài tưởng niệm (Ngày 13 tháng 12 năm 1949)
Năm 1950
Đến đầu thập niên 1960, công trình này vẫn còn
Năm 1964, tượng đài bị phá hủy

Từ năm 1967, đài kỷ niệm mới được xây, có hình con rùa trong một hồ nước

Sau 1975, con rùa bị phá bỏ

Đông Kha (nhacxua.vn) biên soạn

Exit mobile version