Câu chuyện về bài hát Quê Hương (Giáp Văn Thạch – Đỗ Trung Quân) qua lời kể của tác giả: Quê hương là chùm khế ngọt…

Vào đầu thập niên 1990 khi bài thơ “Bài Học Đầu Cho Con” của nhà thơ Đỗ Trung Quân được nhạc sĩ Giáp Văn Thạch phổ thành bài hát nổi tiếng tên là Quê Hương, cho đến nay vẫn là bài hát tiêu biểu về tình quê hương đất nước:

Quê hương là chùm khế ngọt
Cho con trèo hái mỗi ngày…

Từ trong cũng như ngoài nước, bài thơ, bài hát này đã khơi động mạnh mẽ tâm trạng nhớ quê của hàng triệu người Việt xa xứ, bởi lời thơ tưởng chừng bình dị nhưng lại rất khéo léo gợi tình quê hương qua hình ảnh quen thuộc của người mẹ Việt Nam.

Tuy nhiên bài thơ này của Đỗ Trung Quân cũng bị nhận không ít lời phê phán gay gắt, nhất là những người đang ở xa đất nước bởi câu cuối kết thúc của bài thơ. Người nghe thật sự bị hụt hẫng, khi đang trong tâm trạng bồi hồi với những hình ảnh quen thuộc thân thương trong ký ức, bỗng dưng ở cuối bài thơ có một lời nghiêm khắc vang lên như kết án những con người lưu lạc:

Quê hương nếu ai không nhớ
Sẽ không lớn nổi thành người…

Chính tác giả của bài thơ này đã nói rằng câu cuối cùng đó không phải là của ông viết, mà là người khác đã thêm vào.

Trong một lần trả lời phỏng vấn đài RFA, nhà thơ Đỗ Trung Quân nói rằng bài thơ “Bài Học Đầu Cho Con” được đăng lần đầu trên báo Khăn Quàng Đỏ vào năm 1986, đề tặng bé Quỳnh Anh (là con của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh) khi đó mới một tuổi.

Khi bài thơ được đăng, người biên tập của tờ báo Khăn Quàng Đỏ lúc ấy là Việt Nga đã bỏ một vài đoạn và thêm vào một câu, chính là câu cuối cùng: Sẽ không lớn nổi thành người. Chính vì vậy, theo Đỗ Trung Quân, câu cuối cùng đó không phải là ông viết, mà kết thúc bài thơ được ông bỏ lửng như sau:

Quê hương mỗi người chỉ một
Như là chỉ một mẹ thôi
Quê hương nếu ai không nhớ…

Trong tập thơ Cỏ Hoa Cần Gặp năm 1991, Đỗ Trung Quân đã đăng lại nguyên tác bài thơ mà ông sáng tác (phiên bản không bị báo Khăn Quàng Đỏ chỉnh sửa) như sau:

Quê hương là gì hở mẹ
Mà cô giáo dạy phải yêu
Quê hương là gì hở mẹ
Ai đi xa cũng nhớ nhiều

Quê hương là chùm khế ngọt
Cho con trèo hái mỗi ngày
Quê hương là đường đi học
Con về rợp bướm vàng bay

Quê hương là con diều biếc
Tuổi thơ con thả trên đồng
Quê hương là con đò nhỏ
Êm đềm khua nước ven sông

Quê hương là cầu tre nhỏ
Mẹ về nón lá nghiêng che
Là hương hoa đồng cỏ nội
Bay trong giấc ngủ đêm hè

Quê hương là vàng hoa bí
Là hồng tím giậu mồng tơi
Là đỏ đôi bờ dâm bụt
Màu hoa sen trắng tinh khôi

Quê hương mỗi người chỉ một
Như là chỉ một mẹ thôi
Quê hương nếu ai không nhớ…

Khi sáng tác thành ca khúc Quê Hương, nhạc sĩ Giáp Văn Thạch lại phổ từ bài thơ phiên bản năm 1986, nên vẫn có câu cuối “Sẽ không lớn nổi thành người” như chúng ta vẫn thường được nghe.

Đỗ Trung Quân chia sẻ thêm về thời điểm sáng tác bài thơ. Lúc đó ông chơi thân với nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Giai đoạn đó ai cũng nghèo, không có gì để làm quà cho con gái của bạn là bé Quỳnh Anh, nên Đỗ Trung Quân đã viết một bài thơ với thể thơ dễ thuộc, dễ nhớ, đó là thơ 6 chữ, với những hình ảnh rất gần gũi: cây khế, cầu tre, con diều… để tặng cho cô bé 1 tuổi.

Tác giả bài thơ cho biết ông đã hình dung rằng sau này Quỳnh Anh lớn lên, nếu có đi khắp nơi thì những hình ảnh quê hương đất nước đó luôn mang theo bên mình.

Tuy nhiên sau đó, một cách vô tình, bài thơ đã mang một số phận đặc biệt, một “sứ mệnh chính trị” nằm ngoài ý muốn của tác giả.

Mời bạn nghe lại ca khúc Quê Hương qua tiếng hát Bảo Yến:


Click để nghe ca sĩ Bảo Yến hát

Lời nhạc:

Quê hương là chùm khế ngọt
Cho con trèo hái mỗi ngày
Quê hương là đường đi học
Con về rợp bướm vàng bay

Quê hương là con diều biếc
Tuổi thơ con thả trên đồng
Quê hương là con đò nhỏ
Êm đềm khua nước ven sông

Quê hương là cầu tre nhỏ
Mẹ về nón lá nghiêng che
Quê hương là đêm trăng tỏ
Hoa cau rụng trắng ngoài thềm

Quê hương mỗi người chỉ một
Như là chỉ một Mẹ thôi
Quê hương nếu ai không nhớ
Sẽ không lớn nổi thành người

Bài: Đông Kha
Bản quyền bài viết của nhacxua.vn

Exit mobile version