Câu chuyện ít người biết về bài hát “Ngỏ Hồn Qua Đêm” và ý nghĩa của bút danh Triết Giang – Hàn Châu

Bài hát Ngỏ Hồn Qua Đêm của nhạc sĩ Hoàng Trang sáng tác năm 1966, và ông ký bút danh là Triết Giang và Hàn Châu cho bài hát này. Nhạc sĩ Hàn Châu cũng từng xác nhận đó là lần đầu tiên bút danh Hàn Châu của ông xuất hiện với công chúng, được nhạc sĩ Hoàng Trang đặt cho ông.

Nếu bạn là người yêu thích nhạc xưa, hãy theo dõi kênh YouTube này để nghe đọc các bài cảm nhận về âm nhạc (phân tích ý nghĩa, hoàn cảnh sáng tác, tiểu sử ca nhạc sĩ): LINK YOUTUBE  < Click

Khi người viết gặp mặt nhạc sĩ Hàn Châu, có hỏi ông là Hàn Châu nghĩa là gì, thì ông thú thật là ông cũng không biết. Chỉ biết rằng khi nhạc sĩ Hoàng Trang viết nhạc xong, đề tên là Triết Giang – Hàn Châu, xong đưa cho Lê Đình Nam (tên thật của nhạc sĩ Hàn Châu) xem. Ông Lê Đình Nam hỏi: “Ủa sao lại là Hàn Châu?” Nhạc sĩ Hoàng Trang đáp: “Hàn Châu là ông đó, thấy được không?”

Từ đó xuất hiện tên Hàn Châu với rất nhiều bài hát nổi tiếng sau đó là Những Đóm Mắt Hỏa Châu, Lời Trần Tình, Thành Phố Sau Lưng…

Bài hát Ngỏ Hồn Qua Đêm được ký với 2 tên Triết Giang – Hàn Châu nên lâu nay người ta vẫn tưởng là bài hát được 2 người viết chung. Tuy nhiên theo gia đình nhạc sĩ Hoàng Trang cho biết thì bài hát chỉ do 1 mình Hoàng Trang viết, và ông muốn giúp đỡ người bạn chưa có tên tuổi là Lê Đình Nam nên để thêm tên Hàn Châu vào.

Vợ chồng nhạc sĩ Hoàng Trang

Vậy Triết Giang và Hàn Châu có nghĩa là gì? Khi người viết gặp mặt người vợ của nhạc sĩ Hoàng Trang, cũng là con gái của ông Nguyễn Tất Oanh (giám đốc hãng dĩa Asia Sóng Nhạc), thì được cô cho biết là khi nhạc sĩ Hoàng Trang sáng tác xong Ngỏ Hồn Qua Đêm, ông muốn đặt một bút danh khác cho mình, ngoài cái tên Hoàng Trang đã nổi tiếng.

Khi sáng tác bài này, vợ chồng nhạc sĩ Hoàng Trang còn rất nghèo, ở trong một căn gác xép nhỏ ở số nhà 218/1 đường Trần Quý Cáp (nay là Võ Văn Tần). Khi hoàn thành bài hát, nhạc sĩ Hoàng Trang nhìn lên tấm bản đồ Việt Nam dán trên tường nhà, thấy bên trên nước Việt Nam là sơ đồ nước Trung Quốc có ghi 2 cái tên Hàn Châu và Triết Giang. Hàn Châu (sau này ghi là Hàng Châu) là một thành phố du lịch nổi tiếng, thủ phủ của tỉnh Triết Giang (sau này ghi là Chiết Giang) ở Trung Quốc. Thấy hai cái tên này lạ và hay nên ông lấy luôn tên Triết Giang cho mình và tên Hàn Châu cho người bạn.

Sau khi viết xong bài hát Ngỏ Hồn Qua Đêm, nhạc sĩ Hoàng Trang mang bài hát đến cho ông Nguyễn Tất Oanh, tức ba vợ của ông, để bán cho hãng đĩa Sóng Nhạc. Tuy nhiên có lẽ thời gian đó vì bận bịu công việc và số lượng bài hát gửi về quá nhiều, nên ông giám đốc hãng Asia Sóng Nhạc đã “ngâm” bài hát này khá lâu và chưa chịu ký hợp đồng mua bài hát với con rể.

Do cuộc sống nhạc sĩ ngày đó còn rất nghèo, viết xong bài nào phải bán ngay để có tiền mưu sinh trong áp lực về cơm áo gạo tiền, nhạc sĩ Hoàng Trang không thể chờ được lâu nên đã mang sang bán cho hãng dĩa Vô Tuyến, được hãng này mua và đưa ca sĩ Hoàng Oanh thu âm trong dĩa nhạc, còn bản quyền phát hành nhạc tờ được bán cho nhà xuất bản Minh Phát.

Dĩa hát Vô Tuyến có bài Ngỏ Hồn Qua Đêm qua tiếng hát Hoàng Oanh


Bài hát Ngỏ Hồn Qua Đêm được Hoàng Oanh hát đầu tiên trong dĩa hát Vô Tuyến

Bài Ngỏ Hồn Qua Đêm với những ý nhạc mới mẻ cùng điệu bolero dễ đi vào lòng người, nhanh chóng được khán giả đón nhận, được hãng Vô Tuyến lăng xê và trở nên rất nổi tiếng qua tiếng hát Hoàng Oanh. Thập niên 1970, bài hát này được tái bản qua 2 giọng hát Băng Châu và Thanh Thúy trong băng cối của trung tâm Nhã Ca và Shotguns. Sau Ngỏ Hồn Qua Đêm, hai năm sau đó (1968) nhạc sĩ Hàn Châu đã phát triển từ một câu hát của bài này để viết thành bài hát Những Đóm Mắt Hỏa Châu nổi tiếng, đó là câu:

Nhìn hỏa châu lưng trời soi chia đêm tối.
Anh ngỡ như ngày cưới hoa đăng ngập trời.

Về tên của bài hát là Ngỏ Hồn Qua Đêm (Ngỏ là ngỏ ý, lời ngỏ), lâu nay, rất nhiều người nhầm thành Ngõ Hồn Qua Đêm (Ngõ là ngõ hẻm). Khi nhìn lại tờ nhạc phát hành trước năm 1975 của nhà xuất bản Minh Phát, tên bài hát ghi rõ là Ngỏ chứ không phải là Ngõ. Sẽ có nhiều người nghi ngờ đó là “lỗi đánh máy” ngày xưa nên ghi sai chính tả. Tuy nhiên khi người viết hỏi lại người nhà của nhạc sĩ Hoàng Trang thì được xác nhận chính xác tên bài hát là Ngỏ Hồn Qua Đêm, có ý nghĩa là lời tự sự trong đêm của tác giả.


Click để nghe bài hát Ngỏ Hồn Qua Đêm trong băng Shotguns, tiếng hát Thanh Thúy


Click để nghe bài hát Ngỏ Hồn Qua Đêm trong băng Nhã Ca, tiếng hát Băng Châu

Lời bài hát gốc được chép từ tờ nhạc, Minh Phát xuất bản trước 75:

Ngỏ Hồn Qua Đêm

Triết Giang – Hàn Châu

Chiều bàn giao cho vùng đêm đen biên giới.
Theo cánh quân anh đóng ven lưng chừng đồi.
Nghe muôn côn trùng than trong đêm trường sầu thương thế nhân
Hồn rung tiềm thức quay trong vùng thương nhớ
Len lén đưa anh qua bến mộng ngày xưa

Chuyện ngày xưa, chia đều ra hai phe đánh.
Anh lấy cây làm súng bên em diệt thù.
Phe kia ngang tàng xua quân đốt nhà đuổi hai đứa ta
Trò chơi tuổi xanh đôi bên cùng nhau đánh
Tương sát lẫn nhau như oán thù nghìn thu.

Tháng tháng tiếp nối, thơ ấu ra đi anh giã từ cuộc chơi đó.
Đêm tiễn đưa anh quay gót son mềm em đếm dài cây số thương.
Gói ghém quá khứ trong chiếc ba lô nơi tuyến đầu nằm thao thức.
Giây phút suy tư xanh giấc mơ gầy nghe trái sầu rụng nửa đêm.

Nhìn hỏa châu lưng trời soi chia đêm tối.
Anh ngỡ như ngày cưới hoa đăng ngập trời.
Xin em tin rằng đôi ta bây giờ dù xa cách nhau,
Tình yêu ngàn năm không phai nhạt hương sắc
Anh hứa yêu em trong suốt cuộc đời này.

Đông Kha
Bản quyền bài viết của nhacxua.vn

Exit mobile version