Gần đây, trên báo chí, bạn đọc có thể đã đọc được thông tin liên quan tới “không gian bất kiến tạo” của Đà Lạt đã bị xâm phạm sau hàng trăm năm được giữ gìn. Có thể nhiều người vẫn còn xa lạ, hoặc chưa rõ lắm về khái niệm này.
“Vùng bất kiến tạo” là gì?
Ý nghĩa của “vùng bất kiến tạo” ở Đà Lạt là việc tạo ra một khoảng trống về cảnh quan, để người dân và du khách có thể phóng được tầm mắt từ trung tâm Đà Lạt nhìn về phía đỉnh núi thiêng Lang Biang, làm hậu cảnh cho một khoảng không gian phóng khoáng của hồ trung tâm (nay là hồ Xuân Hương) và những ngọn đồi nhấp nhô trong Đồi Cù.
Người đầu tiên đề xuất “vùng bất kiến tạo” đó là kiến trúc sư người Pháp Louis Georges Pineau vào năm 1932, khi ông được chính quyền thuộc địa lúc đó giao cho việc lên kế hoạch mới về “Chỉnh trang thành phố Đà Lạt”, trong đó chú trọng việc xây dựng Đà Lạt dựa trên những ràng buộc chặt chẽ với bảo vệ cảnh quan và môi trường.
Để bảo vệ “tầm nhìn toàn cảnh cao nguyên với cảnh quan tuyệt vời”, Louis Georges Pineau đề xuất tạo lập một vùng bất kiến tạo rộng lớn hình rẽ quạt, có gốc từ Đà Lạt và tỏa về hướng núi Lang Biang, trong khu vực này sẽ là công viên rừng săn bắn hoặc công viên rừng quốc gia. Điều đó có nghĩa là sẽ không cho phép bất cứ công trình nhân tạo nào làm choáng đi tầm nhìn từ hồ Xuân Hương về đỉnh núi thiêng Lang Biang (vùng bất kiến tạo).
Khi thảo đồ án này, Pineau cân nhắc các nguyên tắc định hướng sau: “bảo vệ vẻ đẹp thiên nhiên Đà Lạt, mở rộng mặt hồ nhân tạo, phát triển nhiều vườn hoa, thiết lập các phân khu thích ứng theo địa điểm và khí hậu… và các loại không gian trống dù đó là công viên, khu săn bắn hay vùng bảo tồn”. Chính Pineau đã cho xây dựng đập chắn hồ ở vị trí hiện tại và mở rộng hồ Lớn (nay là hồ Xuân Hương) như hiện tại.
Cũng giống như quan điểm của các nhà quy hoạch trước đó, Đà Lạt của Pineau được xây dựng hình ảnh như là một thiên đường nghỉ dưỡng. Không được phép có một vết nhơ nào trên bộ mặt đô thị. Gìn giữ thiên đường có nghĩa là phải bảo vệ lũ hươu nai vẫn tha thẩn trên bãi cỏ khách sạn Lang Biang Palace (nay là Dalat Palace), bảo tồn những rừng thông độc đáo vốn là điều khiến những nhà thám hiểm châu Âu đầu tiên nhớ tới quê nhà.
Tuy đồ án quy hoạch chung cho Đà Lạt của Pineau cũng không được chấp thuận hoàn toàn vì lý do kinh phí, nhưng một số ý tưởng của vị kiến trúc sư này đã được lưu ý và thực hiện sau này, đặc biệt là vấn đề cảnh quan đã được gìn giữ với những khoáng địa rộng lớn.
Các đồ án tiếp theo của những kiến trúc sư kế nhiệm được giao cho công việc quy hoạch là Mondet (1940) và Lagisquet (1943) đều tuân thủ theo triết lý quy hoạch của Pineau, đó là tính toán để thiết lập khoảng trống (espaces libre) cho cảnh quan và khu vực bất kiến tạo (zone non ædificandi), dựa trên cơ sở khoa học về môi trường sinh thái cho đến nguyên tắc thẩm mỹ, tạo dựng cảnh quan đô thị.
Thời gian về sau, dù dân số tăng lên, đồ án quy hoạch có thay đổi, những việc chỉnh trang mở rộng Đà Lạt luôn có sự bảo tồn những khoảng trống hài hòa, tầm nhìn khoáng đạt qua việc mở rộng vùng bất kiến tạo.
Theo bài viết của tác giả Nguyễn Vĩnh Nguyên đăng trên báo Thanh Niên (link), đồ án của Lagisquet năm 1943 được thực thi và có tới 12 vùng bất kiến tạo và khoảng trống. Trong đó, khu vực bao gồm sân golf và công viên bên cạnh (nay là Ðồi Cù) là vùng hội tụ hai đặc tính quan trọng là khoảng trống và khu vực bất kiến tạo đã nói bên trên.
Đồi Cù chính là vùng khoảng trống và bất kiến tạo phía bắc hồ Xuân Hương (Grand Lac), gồm hai phần chức năng: một Jardin Public (công viên) giáp với hồ, và Câu lạc bộ Golf Ðà Lạt (Golf Club de Dalat, thành lập năm 1933).
Chức năng hai vùng phân lập công, tư (nhưng không có lằn ranh rõ ràng trên thực địa) đó vẫn được duy trì, cùng tồn tại cho đến năm 1975.
Phần đất không gian công viên (tài sản công) nằm bên cạnh sân golf vẫn được người dân và du khách sử dụng, du ngoạn tự do cho đến đầu thập niên 1990.
Bảo vệ cảnh quan của vùng bất kiến tạo
Giai đoạn 1955-1975, ngay trong thời chiến tranh khốc liệt, những nguyên tắc nền tảng cho một thành phố có khoảng không, công viên không cho phép xây dựng nhân tạo nối liền với hồ nước để tạo nên cảnh sắc đặc thù luôn được nhất quán trong tầm nhìn của nhà chức trách.
Năm 1961, giáo hội công giáo ở miền Nam Việt Nam cho xây dựng cơ sở mới cho Giáo hoàng Học viện Piô X Đà Lạt – một Đại chủng viện để đào tạo linh mục ở Đà Lạt, nằm bên cạnh Đồi Cù (Lúc đó Giáo hoàng học viện đang tạm sử dụng cơ sở ở cư xá Decoux). Khi phê duyệt xây dựng, chính quyền Đà Lạt lúc đó đã yêu cầu phải hạ cao độ nền đất xuống để đảm bảo công trình tổng thể không cao quá ngọn thông, nhằm mục đích bảo vệ cảnh quan của vùng bất kiến tạo.
Cho đến tháng 4 năm 1992, hai vùng tài sản công và tư, chung và riêng ở Ðồi Cù có tổng diện tích 71,5 ha bị “gộp” lại, kéo rào chắn biến thành một sân golf lớn. Người dân và du khách mất đi một công viên công cộng (Jardin Public) để dạo chơi, tận hưởng.
Như đã nói bên trên, vùng bất kiến tạo của Đà Lạt là khu vực này tuyệt đối không cho phép xây dựng bất cứ công trình nào che chắn tầm nhìn cảnh quan thoáng đãng từ hồ Xuân Hương hướng về núi Langbiang. Ý tưởng này cũng được giữ gìn cho bản quy hoạch phê duyệt và triển lãm tại Đà Lạt những năm 1990.
Tham dự triển lãm lấy ý kiến năm 1990 có cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt và kiến trúc sư Ngô Viết Thụ tham dự, có ghi lưu bút vào sổ góp ý rõ về khu vực bất kiến tạo hình rẽ quạt này rất hay và là ý tưởng cảnh quan chính cần được tôn trọng và giữ gìn.
Tuy nhiên, vùng bất kiến tạo đó được bảo vệ suốt trăm năm đó của Đà Lạt đã chính thức kết thúc bằng việc bên trong Đồi Cù mọc lên tòa nhà khách sạn cao tầng, người Đà Lạt không còn được phóng tầm mắt từ thành phố hướng về đỉnh núi thiêng Lang Biang nữa vì đã bị che khuất gần như hoàn toàn.
Đông Kha