Cảm xúc về ca khúc “Buồn như ly rượᴜ đầy…” của nhạc sĩ Y Vân, thơ Tạ Ký

Bài hát có tên độc nhất một chữ là “Buồn” là bài hát nổi tiếng nhất của nhạc sĩ Y Vân được sáng tác sau năm 75. Nhiều người nhầm tưởng bài hát này được viết trước năm 1975, nhưng kỳ thực bài hát nổi tiếng qua giọng hát Ngọc Lan này được sáng tác năm 1980, chỉ 1 năm sau khi nhà thơ Tạ Ký qua đời. Tạ Ký là tác giả của bài thơ “Buồn Như”, được Y Vân lấy ý thơ để làm thành bài hát.

Nếu bạn là người yêu thích nhạc xưa, hãy theo dõi kênh YouTube này để nghe đọc các bài cảm nhận về âm nhạc (phân tích ý nghĩa, hoàn cảnh sáng tác, tiểu sử ca nhạc sĩ): LINK YOUTUBE  < Click

Bài viết này được tổng hợp từ bài viết của tác giả Huỳnh Duy Lộc và các bài khác, ghi lại nội dung, ý nghĩa của ca khúc Buồn (nhạc Y Vân – thơ Tạ Ký), cũng như cuộc đời buồn của thi sĩ Tạ Ký sau khi viết ra bài thơ này.


Video bài hát Buồn qua tiếng hát Ngọc Lan

Theo lời nữ ca sĩ Quỳnh Giao: “Y Vân là người cầu kỳ trong loại thơ phổ nhạc. Ông thường dùng nguyên bài thơ, láy đi láy lại lời thơ làm phần nhạc thêm phong phú”.

Ca khúc “Buồn” của Y Vân đã giúp cho công chúng biết đến bài thơ “Buồn Như” của Tạ Ký, một nhà thơ đã nổi danh trong giới văn nghệ ở Sài gòn với thi phẩm “Sầu Ở Lại” ấn hành năm 1970:

Buồn như ly rượᴜ cạn
Không còn rượᴜ cho say
Buồn như ly rượᴜ đầy
Không còn một người bạn.

Buồn như đêm khuya vắng
Qua cửa sổ trông trăng
Buồn như em nói rằng:
Nhớ anh từng đêm trắng.

Buồn như yêu không được
Dù người yêu có thừa
Buồn như mối tình xưa
Chỉ còn dòng lưu bút.

Buồn như buồn như thế
Buồn như một kiếp người
Đây cõi lòng quạnh quẽ
Buồn như đóa hoa rơi.

Những câu thơ của Tạ Ký trong bài thơ “Buồn Như” này đã khơi dậy cảm xúc để nhạc sĩ Y Vân viết một ca khúc đượm buồn về một tình yêu không trọn vẹn làm cho “đời luôn cao ngất thương đau”, khiến cho hai kẻ yêu nhau chỉ còn thấy “buồn mỗi ngày buồn hơn”.

Nỗi buồn tràn ngập tâm hồn như những buổi chiều trống vắng ngồi uống rượᴜ một mình, ly rượu vẫn còn đầy nhưng không còn người bạn tri âm nào để chia nhau một chút men say:

“Buồn như ly rượᴜ đầy
Không có ai cùng cạn…”

Buổi chiều thật quạnh hiu như những khi ly rượᴜ đã cạn, không còn men say để lãng quên nỗi buồn chất ngất trong tâm hồn:

”Buồn như ly rượᴜ cạn
Không còn rượᴜ để say…”

Nỗi buồn chiều nay không khác gì nỗi sầu thảm của hai kẻ yêu nhau nhưng không thể gặp mặt nhau, hay nỗi bẽ bàng khi hai kẻ yêu nhau được ở bên nhau nhưng chẳng còn tìm thấy niềm vui:

“Buồn như trong một ngày
Hai đứa không gặp mặt
Buồn như khi gặp mặt
Không còn chuyện để vui…”

Tình yêu không trọn vẹn đã đưa hai kẻ yêu nhau lên đỉnh sầu giữa cuộc đời đầy đau thương và hoàn cảnh trái ngang chỉ đem lại bao nỗi đắng cay giết chết lần mòn tình yêu thắm thiết của buổi ban đầu:

“Đôi ta như bước lên đỉnh sầu
Vì đời luôn cao ngất thương đau
Bao lâu ân ái chưa được nhiều
Toàn là cay đắng giết thương yêu…”

Suốt bao nhiêu năm, hai người đã tìm kiếm tình yêu và cuối cùng, tình yêu đã đến như lứa hoa nở muộn, nhưng đó lại là tình yêu không trọn vẹn, không thể đem lại cho hai kẻ yêu nhau niềm hạnh phúc tột cùng như những đôi tình nhân khác nên nỗi buồn còn mãi qua từng ngày:

“Tình đôi ta thật buồn
Như lứa hoa nở muộn
Tình yêu không trọn vẹn
Buồn mỗi ngày buồn hơn”.

Nói về tác giả của bài thơ này – thi sĩ Tạ Ký. Cuộc đời của ông là kiếp sống của một nhà thơ sinh bất phùng thời. Khi ông 16 tuổi là lúc xảy ra biến cố lịch sử 1945 và sau này ông đã than thở về một thế hệ hy sinh rất nhiều mà cũng bị ruồng bỏ, quên lãng. Sau năm 1954, ông bỏ dĩ vãng ở Lê Khiết của Khu Năm vào Sài Gòn học lại ở đại học Văn Khoa đường Nguyễn Trung Trực, Sài gòn và trở thành một giáo sư văn chương tại nhiều trường trung học đô thành. Đầu thập niên 60 ông bị động viên và về dạy ở trường Võ Bị Đà Lạt. Sau đó ít lâu được biệt phái nhưng đến năm 1975 lại nếm mùi cay đắng trong “cơn gió bụi”.

Cuối thập niên 60, ông in tập thơ Sầu Ở Lại (trong đó có bài thơ Buồn Như), được trao giải của tổng thống Nguyễn Văn Thiệu. Sau 1975 ông đi cải tạo (hai năm) diện biệt phái ngành giáo dục, khi về vẫn được dạy lại, nhưng chỉ một năm sau (1978) thì thôi việc. Tạ Ký về Chợ Mới tìm bạn đồng hương, đến ngày 25/12/1978 thì bị bắt về tội cư trú bất hợp pháp. Lúc bị bắt ông khai tên khác nên bị nghi ngờ và giữ lâu trong trại. Khi ở trong trại, ông bị xơ gan cổ chướng tái phát nặng, mất vào tháng 3/1979.

Chí không thành, danh không toại, con đường tình ái của Tạ Ký lại buồn nhiều hơn vui với hình ảnh Người đẹp Quán tre, Mỹ nhân rạp Rex, nên ông đã từng tâm sự:

“Có người thường hỏi thăm tôi,
Viết trang tình sử tới hồi chót chưa?

Có trăng vàng lọt song thưa,
Có đêm chăn gối nghe mưa ngoài trời?
Thưa rằng: ”Không viết nữa rồi,
Một trăm câu chuyện trên đời giống nhau!”

Nói rằng không viết nữa rồi, nhưng ông vẫn cầm bút và tìm cách quên qua rượᴜ và thᴜốc lá và trở thành một nhà thơ say và mỗi khi say thường nổi cơn thịnh nộ, ‘gây gổ với cuộc đời như gây gổ với người yêu’ như một nhà thơ Tây phương từng nói, nên bạn bè còn có nhiều kỷ niệm về ông khi cùng ông thù tạc.

Cuộc đời buồn của Tạ Ký giống như bài thơ Buồn Như mà ông viết từ thập niên 1960. Khoảng cuối thập niên 1970, đầu thập niên 1980 là thời điểm có một khoảng buồn mênh mông bao trùm cả làng văn nghệ miền Nam vốn rất sôi động chỉ trước đó vài năm. Nhạc sĩ Y Vân cũng lâm vào tình trạng khó khăn, thất chí. Khi bắt gặp bài thơ Buồn Như của Tạ Ký, nhạc sĩ Y Vân đã biết thành bài hát “Buồn”, mượn vài câu thơ để viết nên bài hát ngắn và… rất buồn:

Buồn như ly rượᴜ đầy không có ai cùng cạn
Buồn như ly rượᴜ cạn không còn rượᴜ để say.
Buồn như trong một ngày hai đứa không gặp mặt
Buồn như khi gặp mặt không còn chuyện để vui.

Đôi ta như bước lên đỉnh sầu
Mà đời luôn cao ngất thương đau
Bao lâu ân ái chưa đậm màu
Toàn là cay đắng giết thương yêu.

Tình đôi ta thật buồn như lứa hoa nở muộn
Tình yêu không trọn vẹn buồn mỗi ngày buồn hơn.

nhacxua.vn tổng hợp

Exit mobile version