Cảm xúc về ca khúc “Biển Dâu” (Lê Dinh – Phương Trà) – “Tôi yêu người còn hơn yêu tôi…”

Khi bộ ba nhạc sĩ Lê Dinh, Minh Kỳ và Anh Bằng thành lập nhóm sáng tác Lê Minh Bằng, họ định hướng sẽ sáng tác những ca khúc phổ thông dành cho đại chúng nghe nhạc. Khởi đầu là Đêm Nguyện Cầu, sau đó là hàng loạt tác phẩm đại chúng nổi tiếng như Cô Hàng Xóm, Truyện Tình Lan Và Điệp, Chuyện Ba Mùa Mưa… Trong những ca khúc này có một ca khúc rất đặc biệt, tràn đầy tình cảm, đó là Biển Dâu, được nhóm nhạc sĩ ký với bút danh là Lê Dinh – Phương Trà, nổi tiếng qua giọng hát Hoàng Oanh:

Nếu bạn là người yêu thích nhạc xưa, hãy theo dõi kênh YouTube này để nghe đọc các bài cảm nhận về âm nhạc (phân tích ý nghĩa, hoàn cảnh sáng tác, tiểu sử ca nhạc sĩ): LINK YOUTUBE  < Click


Click để nghe Hoàng Oanh hát trước 1975

Thôi rồi anh đã xa em,
tìm đâu lại thuở êm đềm,
chỉ còn lại nhớ nhung thêm
và chỉ còn nghe đắng cay thêm.

Thôi rồi anh đã quên em,
tình xưa đổi trắng thay đen
mộng mơ giờ biết đâu tìm,
cho nên giờ đau đớn riêng em.

Lời ca của bài hát này rất dễ hiểu, không cầu kỳ, không làm dáng, không ẩn ý, đặc biệt là nhạc sĩ đã rải vần cho ca khúc giống như một bài thơ nên nghe thuận tai, cùng với cảm xúc u hoài trong từng câu nhạc làm cho bài hát cũng dễ đi vào lòng người. Bài hát đồng cảm với nỗi lòng của những người không gặp may trong tình ái, đặc biệt là với những cô gái nhẹ dạ vừa mới bước chân vào cuộc yêu đã nhận lấy những thương cảm sầu đau.

Ca khúc mang tên là Biển Dâu, muốn nói rằng khi cuộc tình đã hết thì với một số người đó có thể chỉ là một cuộc tình nữa đã thoáng qua, nhưng đối với kẻ si tình thì như là cả thế giới đã sụp đổ, như vừa phải vừa trải qua một cuộc dâu bể với những thay đổi lớn lao của cuộc đời. Chữ biển dâu đã được sử dụng từ thời xa xưa, tương đương nghĩa là bể dâu, dâu bể, bắt nguồn từ chữ “bãi bể nương dâu”, như trong Truyện Kiều đã nhắc:

Trải qua một cuộc bể dâu
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng

Vì sao bãi bể nương dâu lại liên quan đến ý nghĩa là những thay đổi lớn của cuộc đời? Có người cho rằng “biển dâu” được rút gọn từ câu thành ngữ chữ Hán: “thương hải biến vi tang điền” (biển xanh rồi cũng trở thành ruộng dâu). Qua thời gian thì ngay cả biển xanh rộng lớn cũng cạn thành nương dâu.

Trước sự biến đổi to lớn đó, đời người trăm năm thật ngắn ngủi, con người chỉ là hạt bụi nhỏ có đáng kể gì, và tình ái kia càng quá mong manh sao có thể đứng vững trước những biển dâu…

Đâu ngày xưa ở bên nhau,
tình yêu rồi cũng phai màu,
lời thề trôi với trăng sao,
rồi còn gì ta nói cho nhau.

Thôi vòng tay nhỏ mai sau
tìm đâu tình đã bay cao,
tìm đâu được phút ban đầu,
nên em đành một mình thương đau.

Đêm xưa người nói những lời thề non hẹn bể với trăng sao cùng chứng giám. Nhưng chỉ sau một giấc mê đời ngắn ngủi, khi trăng sao kia vụt khỏi bầu trời thì lời thề cũng “trôi với trăng sao”.

Khi mới vào yêu, đời người con gái chưa được hưởng được bao nhiêu hương vị ngọt ngào của tình vui thì đã phải nếm trải những chua cay đến tận cùng của tình buồn không biết là bao lâu mới quên được. Vòng tay con gái thật nhỏ bé không thể ôm trọn được tình người phóng khoáng không chỉ dành cho riêng một người, nên trong từng đêm thâu nàng chỉ biết ôm lấy những thương đau còn lại trong dấu lệ nhạt nhòa.

Cuộc tình xa rồi, nhưng người con gái vẫn tự giày vò mình như vậy, bởi vì như những lời tình tha thiết đã từng trao nhau khi xưa, rằng “tôi yêu người còn hơn cả yêu tôi…”, nay chỉ còn nàng nhớ đến mà thôi.

Anh ơi duyên tình mình vậy sao
từ ly không một câu nào
bàng hoàng như giấc chiêm bao.

Gặp nhau mà không nói một câu
quay mặt thay tiếng chào,
lời tha thiết còn đâu.

Em về ôm phận thương đau,
tình vui được buổi ban đầu,
tình buồn không biết bao lâu,
lệ nhạt nhòa qua những đêm thâu

cho dù dâu biển chia phôi,
chiều nao nhìn áng mây trôi
người ơi còn nhớ nhung lời:
“Tôi yêu người còn hơn yêu tôi!”

Ca khúc này gắn liền với giọng hát Hoàng Oanh, cả trước và sau năm 1975. Dường như là Biển Dâu chỉ được dành riêng cho giọng hát đầy cảm xúc của cô.


Click để nghe Hoàng Oanh hát Biển Dâu sau 1975

Tuy nhiên, xin nhắc thêm về một phiên bản đặc biệt khác của Biển Dâu được danh ca Anh Ngọc thể hiện. Anh Ngọc là tiếng hát đã thành danh từ thập niên 1950 với những ca khúc tiền chiến bất hủ. Ông được ca sĩ Quỳnh Giao đặt cho biệt danh “Tiếng hát trượng phu”, nghĩa là một giọng hát thượng thặng, chuẩn mực  nhưng cũng rất truyền cảm, là giọng ca thế hệ đầu của làng nhạc Sài Gòn từ thập niên 1950. Khi nghĩ đến tiếng hát Anh Ngọc, hầu như không ai nghĩ đến những ca khúc nhạc vàng tương tự như bài Biển Dâu. Vì vậy ca sĩ Anh Ngọc chọn hát Biển Dâu trong bản thu được phát trên đài phát thanh từ thập niên 1960 này là một trường hợp đặc biệt, đặc biệt hơn nữa là ở đoạn điệp khúc có phần phụ họa của dàn nữ ca sĩ danh tiếng Sài Gòn. Đáng tiếc là bản thu này chất lượng không được tốt, mời các bạn nghe lại:


CLick để nghe Anh Ngọc hát

Bài: Đông Kha
Bản quyền bài viết của nhacxua.vn

Exit mobile version