Đời xưa đời xửa vua gì
Có nàng đứng ngóng chồng về đồi non.
Thế rồi mong mỏi mong mòn
Thế rồi hóa đá ôm con con đứng chờ.
Thế rồi vì chút duyên mơ
Có người đem đặt thành thơ để truyền…
Những câu thơ trên mở đầu cho bài hát số 2 tên AI XUÔI VẠN LÝ trong trường ca Hòn Vọng Phu gồm 3 bài của cố nhạc sỹ Lê Thương. Trường ca Hòn Vọng Phu là một tập hợp 3 bài hát kể về câu chuyện người phụ nữ đợi chồng trở về. Mỗi bài là một câu chuyện nhỏ được kể theo từng giai đoạn. Mượn chất liệu ban đầu từ câu chuyện cổ tích Hòn Vọng Phu kết hợp với tác phẩm Chinh Phụ Ngâm nổi tiếng của Đặng Trần Côn, tác giả đã mở rộng nội hàm bài hát ra bằng cách vẽ nên chân dung hoàn hảo của người phụ nữ Việt Nam và kể về lịch sử yêu nước chống giặc của dân Việt ngàn đời nay.
Người Việt Nam từ thuở nằm nôi đến khi ngồi trên ghế nhà trường hẳn ai cũng đã từng nghe qua câu chuyện nàng Tô Thị ôm con chờ chồng đến nỗi hóa đá Vọng Phu. Hình tượng Tô Thị là hình ảnh tiêu biểu cho người phụ nữ Việt Nam, một hình mẫu thủy chung son sắt một lòng một dạ chính chuyên thờ chồng. Thời chiến thì mang phận chinh phụ đợi chồng, thời bình thì cũng là một hậu phương vững chắc để người đàn ông có thể thoải mái tung hoành ngoài xã hội.
Xuyên suốt bài hát là tâm trạng chờ đợi mỏi mòn của người chinh phụ. Nàng vọng phu trong lúc gió mưa, bế con đã hoài công để đứng chờ người chồng đi đã bao năm chưa thấy về. Sự chờ đợi dài dằng dặc không còn được tính bằng năm tháng nữa mà được thể hiện qua câu hát:
“Khi tướng quân qua đồi kéo quân quân theo cờ,
đoàn cỏ cây hãy còn trẻ thơ
cho đến bây giờ đã thành những đoàn cổ thụ già
mà chờ người đi mất từ ngàn xưa
nàng đứng ôm con xem chàng về hay chưa”.
Thử hỏi đời người có mấy mươi năm? Mấy ai đủ thời gian chứng kiến cây cỏ từ còn xanh non tới lúc thành cổ thụ già? Vậy mà vòng đời của cổ thụ còn không bằng thời gian người chinh phu ra đi. Mấy ai có sức mà đợi như vậy?
Hỏi xem có ai xuôi vạn lý, nhắn đôi câu giúp nàng, lấy cây hương thật quý để thắp lên mà thương tiếc chàng. Trải qua bao ‘thương hải tang điền’, nàng ơi đứng đợi làm chi nữa? Câu hát đúc kết của tác giả như tặng nàng một sự thật phũ phàng vì “thời gian có hứa mấy khi sẽ đem đến trả đúng kỳ những người mang mệnh biệt ly”. Trên đời này yêu nhau không được ở bên nhau là khổ, sinh ly tử biệt cũng là khổ, mà thời gian thì không có hứa hẹn điều gì cả vì tất cả gói gọn trong hai chữ ‘vô thường’.
Tấm lòng thủy chung son sắt của nàng cảm động cả đất trời núi non. Người nhạc sỹ tài hoa với thủ pháp nhân cách hóa để từ một nỗi nhớ thương của người chinh phụ mà vẽ nên cả địa đồ và giang sơn cẩm tú của nước Việt Nam bằng hình ảnh “núi non thương tình kéo nhau đi thăm nàng, nằm thành Trường Sơn vạn lý xuyên nước nam”. Như chưa đủ lay động tấm lòng người đàn bà nhỏ bé ấy, chúng còn “dâng cả lá hoa suối nguồn, với muông chim muôn vàn…” Rồi còn bày cảnh trời nam đất bắc đầy cỏ hoa như cố khuyên nàng trở về chớ đừng để xuân tàn. Nhiều đồi non còn kéo nhau đến tận đảo xa, ra tới khơi ngàn để giúp nàng xem chàng về hay chưa. Về hay chưa? Cả đất trời núi non hiện lên sống động, hình ảnh thiên nhiên hùng vĩ của nước Việt sống dậy gây xúc động lòng người nhưng không lay động được một người đàn bà nhỏ bé chỉ vì đã lỡ mang kiếp vọng phu. Mà từ “thuở đất trời nổi cơn gió bụi” thì:
Khách má hồng đã nhiều nỗi truân chuyên
Xanh kia thăm thẳm tầng trên
Vì ai gây dựng cho nên nỗi này? (Chinh Phụ Ngâm)
Bài hát AI XUÔI VẠN LÝ đã được rất nhiều ca sỹ nổi tiếng của Việt Nam trình bày từ trước 1975. Có thể kể ra những cái tên như bà Thái Thanh, danh ca Hoàng Oanh, Thanh Lan, Duy Quang, Họa Mi. Tuy nhiên giọng hát gây xúc động mạnh cho tôi với cách hòa âm vừa hùng tráng vừa bi thương cộng với cách bè của dàn hợp xướng nhạc viện, phiên bản của cô Hương Lan là phiên bản khiến tôi cảm được sâu sắc và trọn vẹn nhất tinh thần của tác phẩm này.
15/4/2019
Triều Thiên