Cảm nhận về ca khúc “Tiễn Đưa” (Đặng Hiền – Lê Đức Long) – Khi em về chừng như sang Đông…

Khi em về chừng như sang đông
Trời tháng 5 mà nghe lành lạnh
Khi em về ngồi nghe biển hát
Chiều qua nhanh như em xa anh.

Nếu bạn là người yêu thích nhạc xưa, hãy theo dõi kênh YouTube này để nghe đọc các bài cảm nhận về âm nhạc (phân tích ý nghĩa, hoàn cảnh sáng tác, tiểu sử ca nhạc sĩ): LINK YOUTUBE  < Click


Click để nghe Vũ Khanh hát Tiễn Đưa, nhạc Lê Đức Long, thơ Đặng Hiền

Khi em về, mang theo cả trời Xuân nắng ấm ngày vui. Trời đang mùa Hạ mà nghe lành lạnh bởi lòng anh băng giá lạnh lùng. Vắng xa em, đời anh như trời Đông thiếu ánh rực rỡ của mặt trời, như trời đêm vắng ánh lung linh của ngàn tinh tú.

Khi em về, anh ngồi cô đơn một mình nghe biển hát, nghe đời hoang vu trong từng tiếng sóng thì thầm. Biển ngày nào có bên nhau với tiếng cười đùa rộn rã, vắng em rồi thì bãi cát hoang vu chạy dài mãi đến chân trời hiu hắt

“Chiều qua nhanh như em xa anh” – Người nghe nhạc cảm nhận được nỗi xót xa của chàng trai còn lại một mình, ngồi nhớ mong và nuối tiếc những ngày vui qua mau, để niềm vui kia ngắn ngủi trôi nhanh như vạt nắng kia mới ở đây thôi mà đã phai nhạt về cuối chân trời xa cách.

Mai em về mình không đưa nhau
Lời cám ơn giữ lại cho người
Một nụ cười thôi cũng đủ
Mai em về ta không đưa nhau.

Lời nhạc được phổ từ thơ nghe tự nhiên, nhẹ nhàng không trau chuốt mà nghe nằng nặng nỗi sầu ưu tư cô quạnh: Xa nhau mà không đưa tiễn nhau, không nhìn nhau nói với nhau lần cuối cùng cho thỏa lòng nhớ nhung của người đi kẻ ở. Xa nhau đã buồn rồi, không tiễn đưa nhau lại càng buồn hơn.

Mai em về, chuyện tình dù cách xa nhưng trong lòng này vẫn khắc ghi kỷ niệm: “Lời cám ơn giữ lại cho người – Một nụ cười thôi cũng đủ”. Một nụ cười rạng ngời bên nhau cũng đủ cho chàng trai giữ lại làm niềm tin yêu mãi mãi, một chuỗi ngày vui qua mau cũng đủ ghi lại dấu yêu một thời son hồng trong ký ức.

Làm người ở lại có bao giờ vui
Khi tình nhân không còn đứng chung đôi
Làm người ở lại bao giờ cũng buồn
Như nụ quỳnh hương chẳng còn ngát hương.

“Làm người ở lại có bao giờ vui”, vì người ở lại ngày ngày phải đối diện với nỗi buồn xa vắng từ đường xưa lối cũ mình thường đi qua. Nơi nào cũng nhắc lại dấu yêu ngày nao còn chung bước bên nhau, bây giờ chỉ riêng một mình lẻ loi đếm bước nhớ ngày nào mình còn là đôi nhân tình chung đôi như bóng với hình.

Người một mình ở lại càng nhớ đến những ngày vui bao nhiêu thì những ngày xa cách càng buồn bấy nhiêu, khi nơi nào cũng đầy ắp yêu thương kỷ niệm. Làm người ở lại là ôm ấp nỗi cô đơn hoài niệm với hương hoa ngày cũ, mới ngày nào đây tình còn bên nhau còn ngát hương đời. Khi xa nhau mới gặm nhấm thấu niềm tâm sự nuối tiếc về những tháng ngày còn đượm hương sắc của nhánh quỳnh hương héo rũ bên thềm.

Em đi rồi còn chi em ơi
Bao yêu thương cũng theo người rồi
Em xa rồi trời buồn không hát
Mưa sẽ buồn ai vuốt tóc em.

“Em đi rồi còn chi em ơi” – Khi nghe câu hát buồn thương xót xa này, người nghe nhạc liên tưởng đến hai câu thơ của Vũ Hoàng Chương: “Em ơi lửa tắt bình khô rượu – Đời vắng em rồi say với ai”. Khi em đi rồi thì đời tôi không còn chi cả, có bao nhiêu yêu thương đều theo em đi đến cuối trời buồn.

Em xa rồi, trời không còn nắng ấm, đời không cò tiếng hát. Nơi em về trời có buồn như ở đây không, và ai sẽ vuốt tóc em những khi trời làm mưa buồn. Vẫn còn yêu thương dành cho người mình yêu, vẫn còn niềm ưu tư lo lắng mai xa rồi ở nơi đó em có buồn không.

Em đi rồi tình ta tan mau
Và tháng năm phai tàn úa màu
Em xa rồi nụ cười đã tắt
Người ở lại có bao giờ vui.

Lời tiễn đưa như không phải là lời thường tình tiễn nhau tạm xa nhau rồi lại gặp nhau, mà như là lời tiễn đưa lần cuối cùng trong những câu hát cuối cùng của bài hát: “Em đi rồi tình ta tan mau”.

Không có lời nào hứa hẹn cho cuộc tình tươi thắm, mà chỉ những lời đành đoạn xót xa: “Em xa rồi nụ cười đã tắt”. Người nghe nhạc cảm nhận như đoạn kết cuộc tình của họ không có ngày mai, cho lời nhạc của bản tình ca tiễn đưa thêm xa xót thương sầu.

Nguyên tác bài thơ Tiễn Đưa của thi sĩ Đặng Hiền

Ca khúc Tiễn Đưa được nhạc sĩ Lê Đức Long phổ nhạc từ bài thơ của người bạn là thi sĩ Đặng Hiền. Bài thơ được sáng tác năm 1994, nhạc được soạn năm 1995, và năm 1996 đã ra mắt công chúng qua giọng hát tuyệt vời của Vũ Khanh trên chương trình Asia 10.

Với thi sĩ Đặng Hiền, ông là gương mặt khá quen thuộc với khán giả yêu nhạc hải ngoại, vì trong thập niên 1990, có rất nhiều bài thơ của ông đã được các nhạc sĩ Anh Bằng, Lê Đức Long, Trúc Hồ, Trúc Sinh phổ thơ và được trình diễn trên Asia, như Trong Cuộc Tình Ân Hận (Trúc Hồ), Từ Độ Ánh Trăng Tan (Anh Bằng), và nổi tiếng nhất vẫn là Tiễn Đưa có nhạc sĩ Lê Đức Long.

Khi được hỏi về chuyện tình trong bài thơ, bài hát Tiễn Đưa, Đặng Hiền nói rằng điều đó không còn quan trọng nữa, vì khi tác phẩm đã được phổ biến thì nó đã thuộc về công chúng, chứ không còn là câu chuyện riêng của nhà thơ hay nhạc sĩ nữa.

Bài: Trương Đình Tuấn
Bản quyền bài viết của nhacxua.vn

Exit mobile version