Trong số hàng chục ngàn bài nhạc vàng được sáng tác trước năm 1975, nếu liệt kê ra một vài ca khúc nổi tiếng và được yêu thích nhất, tin chắc rằng danh sách này sẽ không thể thiếu được Thành Phố Buồn của nhạc sĩ Lam Phương. Bài hát này đã trở thành một “kinh điển” của dòng nhạc vàng, và cũng là ca khúc ăn khách nhất trong lịch sử nhạc Việt:
Thành phố nào nhớ không em?
Nơi chúng mình tìm phút êm đềm…
Click để nghe Chế Linh hát Thành Phố Buồn trước 1975
“Thành phố nào nhớ không em” là thành phố của hai người yêu nhau rồi rời xa nhau. Có xa nhau, về lại một mình trước cảnh cũ đồi xưa mới chạnh nhớ lại những kỷ niệm vấn vương trên những con đường ngày ấy mình thường đi qua, để rồi hỏi rằng em có còn nhớ như tôi đang nhớ nhung không?
Nơi chúng mình đã từng đi qua và “tìm phút giây êm đềm”. Ở bên nhau đã thấy hạnh phúc rồi, mà cảnh vật của thành phố ngàn hoa xinh đẹp càng làm cuộc tình thêm đắm say thơ mộng: Thành phố có những con đường quanh co quyện gốc thông già, có nắng nhè nhẹ chan hòa trong những chiều tay đan trong tay êm ấm, và nắng tô điểm môi em thêm hồng cho anh thấy cuộc đời tươi thắm đẹp hơn.
Thành phố nào vừa đi đã mỏi
Đường quanh co quyện gốc thông già
Chiều đan tay nghe nắng chan hòa
Nắng hôn nhẹ làm hồng môi em
Mắt em buồn trong sương chiều anh thấy đẹp hơn…
Giai điệu lời hát chầm chầm đưa người nghe về với thành phố của tình yêu, với những sườn đồi thông chập chùng sương chiều mờ ảo nên thơ. Nơi khung cảnh mơ màng như không có thực, em cũng trở nên huyền ảo đến ngỡ ngàng: “Mắt em buồn trong sương chiều, anh thấy đẹp hơn”…
Một sáng nào nhớ không em?
Ngày Chúa nhật ngày của riêng mình..
Thành phố buồn nằm nghe khói tỏa
Người lưa thưa chìm dưới sương mù
Quỳ bên em trong góc giáo đường
Tiếng kinh cầu đẹp mộng yêu đương
Chúa thương tình, sẽ cho mình mãi mãi gần nhau.
Giai điệu bài hát buồn như lời tình tự về những ngày hẹn hò riêng của đôi tình nhân ngày nào, bài hát êm ru đưa người nghe nhạc về một “thành phố buồn nằm nghe khói tỏa”. Thành phố có đường quanh co, gốc thông già, có nắng nhè nhẹ và sương chiều lãng đãng của phố núi mộng mơ đã làm đắm mê bao du khách mỗi lần ghé thăm. Một điều đặc biệt của bài hát này là dù không câu nào nhắc đến 2 chữ Đà Lạt, nhưng chỉ cần nghe qua những câu chữ này, ai cũng có thể tưởng tượng ra được khung cảnh của Đà Lạt mộng mơ.
Ngày chủ nhật là ngày riêng của mình, cùng nhau dạo chơi khắp các đường quanh co rồi cùng “quỳ bên em trong góc giáo đường” để cầu nguyện cho chúa thương tình cho chúng mình mãi mãi bên nhau, bởi vì khi yêu nhau thì ai cũng ước mong sao cho tình duyên được bền vững đến mai sau…
Rồi từ đó vì cách xa duyên tình thêm nhạt nhòa
Rồi từ đó trốn phong ba, em làm dâu nhà người
Âm thầm anh tiếc thương đời,
Đau buồn em khóc chia phôi
Anh về gom góp kỷ niệm tìm vui.
Nhưng Chúa không thương tình, Chúa không cho tình nhân mãi được gần nhau như ước nguyện: “Rồi từ đó vì cách xa duyên tình thêm nhạt nhòa”. Em đã “trốn phong ba” để về làm dâu nhà người”. Trốn phong ba của cuộc tình nhiều bão tố của chúng mình để về nơi bờ bến yên lành hơn.
(Có rất nhiều người hát nhầm “Trốn” thành ra “Chốn”, và chính nhạc sĩ Lam Phương cũng đã lên tiếng khẳng định là “Trốn phong ba” mới là chính xác, chứ không phải “Chốn phong ba”)
Từ khi em lấy chồng, anh âm thầm thương tiếc “về góp kỷ niệm tìm vui” nơi thành phố có màu nắng màu sương mong manh như báo trước chuyện tình dang dở. Từ đó trong anh, thành phố của riêng mình ngày còn yêu nhau đã trở thành “Thành phố buồn”. Thành phố kỷ niệm khi mất em rồi, một mình anh trở lại thì có gì để vui? Càng bơ vơ trong sương sa khói tỏa, càng cô đơn trên chập chùng đồi dốc mới thấy hoang vu cả phố núi sương mù.
Thành phố buồn, lắm tơ vương
Cơn gió chiều lạnh buốt tâm hồn
Và con đường ngày xưa lá đổ
Giờ không em sỏi đá u buồn
Giờ không em hoang vắng phố phường
Tiếng chuông chiều chậm chậm thê lương
Tiễn đưa người quên núi đồi
Quên cả tình yêu…
Thành phố buồn sao còn lắm tơ vương… Biết bao ân tình còn ghi dấu trên từng nhánh sương hoa long lanh, cho người cũ một mình trở lại nghe từng “cơn gió chiều lạnh buốt tâm hồn”. Con đường ngày xưa lá đổ yêu thương “giờ không em sỏi đá u buồn”. Sỏi đá cũng buồn, huống chi người đã từng đắm đuối con tim yêu thương da diết nhớ những ngày dệt mộng yêu đương. Câu hát buồn như có làn gió lạnh buốt theo từng nốt nhạc u trầm đưa hồn người nghe về góc phố phường cô liêu hoang vắng…
Nghe hoang vắng phố phường, nghe tiếng chuông chầm chầm thê lương… Nghe cả thành phố buồn tiễn đưa người ra đi quên cả núi đồi, quên cả tình yêu…
Những chuỗi ca từ buồn giăng mắc khắp nơi trên phố núi êm đềm ngày xưa, những lời tình dang dở quyện buồn như tiếng chuông nhà thờ chậm buông ảo não trong chiều sương, quyến luyến từng cơn gió lạnh buốt hồn, reo vi vút buồn trên hàng thông lưng chừng dốc nhỏ…
Về hoàn cảnh sáng tác của Thành Phố Buồn, nhạc sĩ Lam Phương kể lại rằng trong một lần ông đi công tác trên Đà Lạt mà không có người yêu đi cùng, rồi ray rứt nhớ lại kỷ niệm xưa, đã nhiều lần ông hẹn hò cùng người yêu ở thành phố sương mù này. Vào một buổi chiều, khi đồng nghiệp đã ra ngoài ăn cơm, một mình Lam Phương ngồi trong căn nhà trọ lưng chừng đồi nhìn xuống thung lũng, phong cảnh hữu tình làm ông tha thiết nhớ người yêu và có cảm xúc để viết thành ca khúc.
Ca khúc Thành Phố Buồn mang lại cho tác giả nguồn thu nhập rất lớn vì bản nhạc tờ được bán rất chạy, trở thành 1 trong những ca khúc ăn khách nhất trong lịch sử âm nhạc Việt Nam. Số tiền thu được từ Thành Phố Buồn ước tính lên đến 12 triệu đồng – một số tiền tương đương với tiền lương trong suốt 20 năm của một đại tá quân đội.
Bài: Trương Đình Tuấn
Bản quyền bài viết của nhacxua.vn