Cảm nhận về ca khúc Sầu Lẻ Bóng (Anh Bằng) – “Đời việc gì đến sẽ đến…”

Lúc sinh thời, cố nhạc sĩ Lê Dinh từng nói về người bạn thân thiết của mình là nhạc sĩ Anh Bằng như sau:

Nếu bạn là người yêu thích nhạc xưa, hãy theo dõi kênh YouTube này để nghe đọc các bài cảm nhận về âm nhạc (phân tích ý nghĩa, hoàn cảnh sáng tác, tiểu sử ca nhạc sĩ): LINK YOUTUBE  < Click

“Ở địa hạt tình cảm, Anh Bằng là người trái ngược với Minh Kỳ, cho nên chúng tôi thường hay nói Anh Bằng là người ướt át nhất, và tuy là người tình cảm mà không mất cảm tình khi vì hoàn cảnh mà chia tay với ai đó, bởi vì anh đã “nhắn nhủ” qua bài Sầu Lẻ Bóng: “Người ơi, khi cố quên là khi lòng nhớ thêm…”

Hờn giận người ta thế nào được khi người đó vẫn còn nhớ đến mình.”

Bài hát Sầu Lẻ Bóng mà nhạc sĩ Lê Dinh nhắc tới là 1 trong hàng trăm ca khúc nổi tiếng trong suốt sự nghiệp 60 năm sáng tác của nhạc sĩ Anh Bằng, một bài hát được xem là “kinh điển” nhất của thể loại nhạc vàng với giai điệu bolero, mang đầy đủ những yếu tố để từ một bài nhạc đại chúng đã trở thành ca khúc bất tử cùng năm tháng: Giai điệu mượt mà, tình cảm, lời nhạc trau chuốt và thật da diết:

Người ơi khi cố quên là khi lòng nhớ thêm
Dòng đời là chuỗi tiếc nhớ
Mơ vui là lúc ngàn đắng cay xé tâm hồn

Tàn đêm tôi khóc khi trời mưa buồn hắt hiu
Lòng mình thầm nhớ dĩ vãng
Đau thương từ lúc vừa bước chân vào đường yêu…


Click để nghe Thanh Thúy hát Sầu Lẻ Bóng trước 1975

Mở đầu bài hát là tiếng gọi “Người ơi” nghe chan chứa, trìu mến gửi đến người tình đã xa cách, với tâm tình rằng “khi cố quên là khi lòng nhớ thêm”. Vẫn biết là nhớ thương và chờ đợi này chỉ là vô vọng, hãy cố quên để bớt thương đau hờn tủi, nhưng khi tình trót trao rồi, kỷ niệm của tình yêu trót sâu đậm trong lòng rồi thì không dễ gì mà quên được. Càng cố tìm quên lại càng nhớ thêm, lòng yêu đã trao trọn cho một người rồi thì không bao giờ phai nhạt.

Chuyện tình của người con gái khi bước chân vào đường yêu đã nhận lấy đắng cay sầu tủi, vì phải cô đơn một mình khi người yêu từ giã lên đường chưa hẹn được ngày về. Nàng đã khóc mỗi đêm mưa buồn hiu hắt bên song vì một mình một bóng trông đợi người yêu:

Đêm ấy mưa rơi nhiều, giọt mưa tan tác mưa mùa ngâu
Tiễn chân người đi, buồn che đôi mắt thấm ướt khi biệt ly
Nghe tim mình giá buốt, hồi còi xé nát không gian
Xót thương vô vàn, nhìn theo bóng tàu dần khuất trong màn đêm

Những giọt mưa tí tách suốt đêm thâu gợi nhớ thêm kỷ niệm đêm mưa ngày nào tiễn chân người đi: “Đêm ấy mưa rơi nhiều, giọt mưa tan tác mưa mùa ngâu”. Có lẽ là trời cũng buồn vào lúc chia tay của đôi tình nhân nên đã làm cho mưa nhiều từng giọt tan tác, như nỗi lòng tan nát của kẻ ở người đi. Trời khóc mưa ngâu, người ở lại cũng khóc sầu biệt ly.

“Nghe tim mình giá buốt, hồi còi xé nát không gian”.

Nếu có hình ảnh nào gợi nỗi niềm chia ly nhiều nhất, thì đó chính là hình ảnh sân ga và những con tàu. Và tiếng động buồn nhất thế gian cũng chính là những tiếng còi tàu não nùng như xé nát cả không gian, bởi vì đó là tiếng động báo hiệu giờ chia tay, khi đoàn tàu khuất rồi nhưng tiếng còi tàu thì vẫn còn vẳng lại, như hình bóng người mãi còn trong tâm tưởng…

Mùa thu thương nhớ bao lần đi về với tôi
Mà người còn vắng bóng mãi
Hay duyên nồng thắm ngày ấy nay đã phai rồi

Từ lâu tôi biết câu thời gian là thuốc tiên
Đời việc gì đến sẽ đến
Nhưng ai bạc bẽo mình vẫn không đành lòng quên…

Đã bao mùa thu thương nhớ, chờ đợi đi qua nhưng người xưa vẫn còn vắng bóng mãi chưa về. Người con gái vẫn sầu lẻ bóng một mình, mòn mỏi qua bao đêm mưa buồn hắt hiu, bao mùa thu lá rụng chín vàng nỗi nhớ. Rồi tự hỏi thầm: “Hay duyên nồng thắm ngày ấy nay đã phai rồi”… Hay là ở phương trời xa người đã quên người con gái ở phương này ngày đêm vẫn vò võ đợi chờ.


Click để nghe Mỹ Thể hát trước 1975

Vẫn biết câu “thời gian là thuốc tiên” chữa lành vết thương ở trong lòng, nhưng người con gái cũng biết là mình khó quên được người, càng cố quên chỉ càng làm nhớ thêm. Thật cảm thương cho một mối chân tình, yêu tha thiết, yêu độ lượng: ”Nhưng ai bạc bẽo mình vẫn không đành lòng quên”. Đó là tấm lòng yêu vô điều kiện rất mực thanh tao và cảm động vô cùng.

Bài Sầu Lẻ Bóng được nhạc sĩ Anh Bằng sáng tác trước 1975 và đã được nhiều nữ ca sĩ thu âm 50 năm trước, như là Mỹ Thể, Giao Linh, Thanh Thúy, Hoàng Oanh…

Bên trên là tờ nhạc của bài Sầu Lẻ Bóng xuất bản trước 1975 có để hình ca sĩ Mỹ Dung, dù là ca sĩ không nổi tiếng, nhưng có nhiều ngưới biết rằng cô chính là một trong những người tình tha thiết nhất của nhạc sĩ Anh Bằng. Nhưng họ không thể đến được với nhau (vì nhạc sĩ Anh Bằng đã có gia đình trước đó), nên phải chăng ông đã sáng tác Sầu Lẻ Bóng để nói thay nỗi lòng của người yêu.


Click để nghe Hoàng Oanh hát trước 1975

Có lẽ tâm tình chưa nói hết trong Sầu Lẻ Bóng 1, sau năm 1975 nhạc sĩ Anh Bằng còn sáng tác thêm 2 bài Sầu Lẻ Bóng nữa, đặt tên là Sầu Lẻ Bóng 2,3 và đã được trình diễn nhiều lần trên sân khấu Asia. Có nhiều người đã hát Sầu Lẻ Bóng 2, nhưng giàu cảm xúc nhất có lẽ là Sơn Tuyền:


Click để nghe Sơn Tuyền hát Sầu Lẻ Bóng 2

Từ khi mất nhau rồi tim tôi thành sỏi đá
Đêm đêm chập chờn trong giấc ngủ
Nghe hồn như dòng suối trôi vào khoảng vắng hư vô
Vết thương trong hồn đã như khô

Người ơi mấy ai ngờ ra đi rồi là hết
Ra đi là vùi chôn tất cả
Chôn vùi đôi hình bóng nhân tình sớm tối bên nhau
Những đêm tâm sự tay gối đầu (Sầu Lẻ Bóng 2)


Click để nghe Mạnh Đình hát cả 3 phiên bản của Sầu Lẻ Bóng

Bài: Trương Đình Tuấn
Bản quyền bài viết của nhacxua.vn

Exit mobile version