Cảm nhận về ca khúc “Rước Xuân Về Nhà” (Nhật Ngân) – “Mẹ hay chăng mùa Xuân vui đã sang…”

Trong những nhạc phẩm viết về mùa xuân, hình ảnh gia đình, quê hương, xứ sở,… luôn có một vị trí đặc biệt. Với nhạc sĩ Nhật Ngân, điều đặc biệt hơn cả là trong những ca khúc xuân của ông, luôn có bóng dáng người mẹ, có thể kể đến những nhạc phẩm như: Xuân Này Con Không Về, Cám Ơn, Mùa Xuân Của Mẹ, Rước Xuân Về Nhà. Trong đó, Rước Xuân Về Nhà là một có một ca khúc có lời ca giản dị nhưng khá đặc biệt. Những lời ca tựa như một cuộc trò chuyện gần gũi, thân thương của những đứa con với người mẹ già yêu quý của mình khi đã cảm nhận được hơi thở của mùa xuân qua sự thay đổi của hoa lá và nghe tiếng chim én gọi bầy:

Nếu bạn là người yêu thích nhạc xưa, hãy theo dõi kênh YouTube này để nghe đọc các bài cảm nhận về âm nhạc (phân tích ý nghĩa, hoàn cảnh sáng tác, tiểu sử ca nhạc sĩ): LINK YOUTUBE  < Click

Này mẹ có nghe xôn xao lá đâm chồi
Này mẹ có nghe chim đua hót trên đồi
Này mẹ thấy chăng ngoài sân kia
Đàn bướm đang nhởn nhơ đùa vui

Này mẹ thấy chăng cây mai trước sân nhà
Nụ vàng ấp yêu bay trong gió la đà
Này mẹ thấy chăng trời bao la
Đàn én đang nhởn nhơ dập dìu


Click để nghe Hoàng Oanh hát Rước Xuân Về Nhà trước 1975

Ngay từ những câu hát đầu tiên và liên tục những câu sau đó, ta nghe xôn xao tiếng cười nói, âu yếm đầy thương yêu, trìu mến của người con nói với mẹ: “này mẹ có nghe…”, “này mẹ thấy chăng…” 

Sự thương yêu, trìu mến, xôn xao dồn dập đó hẳn là của những đứa con xa quê lâu ngày, vừa được trở về sum họp với mẹ trong ngày xuân. Người con dù đã trưởng thành, đã đi xa nhưng khi trở về bên mẹ, vẫn ríu rít nói cười như chim non bên tổ. Chỉ với tình mẫu tử thiêng liêng đó, bức tranh mùa xuân bỗng trở nên bừng sáng, rạng rỡ hơn bao nhiêu giờ hết. Và người mẹ quê hẳn cũng đã già rồi, mắt đã mờ rồi, tai cũng không còn thính nữa để có thể cảm nhận sắc khí mùa xuân đang tràn về, nên người con bằng những ngôn từ giản dị, gần gũi nhất đã tả lại cho mẹ nghe, chỉ cho mẹ thấy bức tranh mùa xuân tươi đẹp và thanh bình đến nhường nào.

Những hình ảnh: lá đâm chồi, chim đua hót trên đồi, đàn bướm đang nhởn nhơ đùa vui, cây mai trước sân nhà với nụ vàng ấp yêu bay trong gió la đà, đàn én đang nhở nhơ bay dập dìu,… hẳn không còn xa lạ với người mẹ đã đi qua bao mùa xuân của đời người, nhưng qua giọng nói, tâm trạng xốn xang của người con bỗng trở nên thắm tươi, rộn rã lạ thường.

Xin hãy nghe tiếp những lời thủ thỉ của người con dành cho bà mẹ trong đoạn điệp khúc:

Mẹ hay chăng mùa Xuân vui đã sang
Mẹ hay chăng khổ đau xưa đã chìm
Mẹ thấy chăng phố vui chân người về
Mẹ thấy chăng thôn xóm rực đèn treo

Chắc hẳn đã lâu rồi mẹ không ra phố, chắc hẳn đã lâu rồi mẹ chỉ quẩn quanh góc vườn, góc bếp, chắc hẳn đã lâu rồi mẹ ôm “khổ đau” vào lòng, chìm đắm trong nỗi đau sâu thẳm, miên man đó. Mẹ đã chẳng thể tin còn có một “mùa xuân” nào khác ở trên đời, chẳng thể tin có ngày con có thể trở về. Vậy nên, mẹ có lẽ đã từ chối tin cái điều hiển hiện trước mắt là con đã trở về, mùa xuân của mẹ (là con) đã lại về. Nhưng con đã về thật rồi, “Mẹ hay chăng mùa xuân vui đã sang”, “Mẹ hay chăng khổ đau xưa đã chìm”. Và con đưa mẹ ra cửa, ra ngõ, để “mẹ thấy chăng phố vui chân người về”, “mẹ thấy chăng thôn xóm rực đèn treo”.

Thấp thoáng trong từng lời hát, ta nghe loáng thoáng đâu đó tiếng cười nói xen lẫn tiếng nấc nghẹn, nụ cười hoà trong dòng nước mắt, người con xa xứ vừa trở về vỡ oà cảm xúc trước mái đầu bạc phơ của mẹ, mẹ già bừng tỉnh đón con về trong niềm vui trùng phùng sum họp.

Nụ cười bỗng tươi trên môi đã khô cằn
Mẹ mừng thấy con xa xôi đã quay về
Mẹ mừng mái tranh từ bao năm quạnh vắng
Đã có thêm người thân

Chẳng có niềm vui nào lớn lao hơn, hạnh phúc hơn niềm vui sum họp gia đình trong ngày đầu năm mới. Nó vừa giản dị, vừa thiêng liêng như một phép màu khiến “nụ cười bỗng tươi trên môi đã khô cằn” của người mẹ già. Đó là một liều thuốc tinh thần quý báu cho mẹ, níu kéo lại những ngày xuân của mẹ, không gì bằng.

Rộn ràng tiếng ca cô con gái bên nhà
Hồng hồng nét môi khi thấy bóng trai về
Dập dìu áo hoa từ thôn trên làng dưới
Đi rước Xuân về nhà…

Qua những nét vẽ mộc mạc, tài tình, tinh tế của người nhạc sĩ, bức tranh mùa xuân tươi đẹp và thanh bình dần hiện ra đầy những sắc màu, âm thanh và cảm xúc. Nhưng đâu đó, trong bức Xuân tình mẫu tử, một mối duyên tình gái trai cũng vừa hé mở, báo hiệu những niềm vui mới. Ở đoạn hát cuối cùng này, nhạc sĩ Nhật Ngân đã liên tục đẩy những sắc hương xuân tình lên đầu câu hát qua hàng loạt từ láy đầy âm sắc, hình ảnh: rộn ràng, hồng hồng, dập dìu,.. 


Click để nghe Ngọc Liên hát Rước Xuân Về Nhà

Dòng cảm xúc trong toàn bộ ca khúc cũng theo đó mà thăng hoa, rực rỡ rồi bất ngờ dừng lại trong câu hát cuối cùng đầy hình tượng: “đi rước Xuân về nhà”. Với câu hát cuối cùng này, nhạc sĩ dường như muốn nhắn gửi rằng, mùa xuân chỉ mới vừa đang bắt đầu, bức tranh xuân tình trên kia chỉ là những dấu chỉ, báo hiệu cho mùa xuân mới. Mùa xuân thực sự, niềm hạnh phúc, viên mãn thực sự vẫn còn đang ở phía sau lời hát…

Bài: Niệm Quân
Bản quyền bài viết của nhacxua.vn

Exit mobile version