Yêu Tinh Tình Nữ là một trong những ca khúc sau cùng được nhạc sĩ Phạm Duy viết tại Sài Gòn trước năm 1975, trước khi ông lênh đênh xứ người. Trong một bài hồi ký của mình, nhạc sĩ Phạm Duy nhận xét: “Trong nhạc tình của tôi vào lúc này, Yêu Tinh Tình Nữ là bản tình ca mầu xám, ma quái”:
Yêu tinh tình nữ đi tìm người yêu
kêu vang lời hú trong chiều tịch liêu
Click để nghe Julie Quang hát Yêu Tinh Tình Nữ trước 1975
Giai điệu của bài hát như là vọng về từ một cõi mịt mù xa xăm, ma mị, đầy uất ức và tuyệt vọng, lời nhạc đặc tả hình dạng một ma nữ đậm chất liêu trai:
Yêu tinh mặt trắng như vôi,
ôi sâu thẳm mắt em soi,
không gian ma quái của loài người…
Hình tượng ma nữ mặt trắng như vôi, đôi mắt buồn sâu hoắm đầy u uất, nếu thoáng nghĩ tới hình dạng thì ai cũng phải rùng mình. “Nàng ma” là ai, từ đâu tới? hãy nghe nhạc sĩ Phạm Duy kể một câu chuyện thần thoại:
Yêu tinh tình nữ xưa là tiên nga,
Xin theo trần thế đi tìm đam mê,
Sau khi gặp giấc mơ hoa,
Oan khiên đập vỡ tim ra,
Tiên nga thành kiếp yêu ma.
“Nàng ma” xưa kia vốn là một tiên nga, rồi nàng giáng trần vì một mối tình đam mê giữa tiên – phàm, vốn là câu chuyện rất quen thuộc trong truyện cổ tích hoặc truyền thuyết Phương Đông. Như thường lệ, mối tình oan khiên này bị thiên giới phát hiện, tiên bị đày thành kiếp yêu ma. Vì không cam tâm số phận, nàng ma phải vất vưởng đi tìm/đi đòi lại người tình:
Trả lại người yêu tôi đây,
Người yêu dấu người hào hoa phong nhã như tơ trời.
Anh ơi! Anh ơi trả lại người tôi trong tay,
Còn dư hương làn hơi ấm thơm ngát tình đời.
Người ơi!
Trả lại tôi, trả lại tôi đây người xưa thường kể chuyện cho tôi nghe,
Chuyện Loan và Dũng,
Chuyện yêu đương suốt đời
Nàng gào than mãi không thôi, nhưng đã cách biệt rồi giữa âm và dương, giữa người và ma, nên lời thống thiết đó nào ai hay ai biết.
Đoạn hát này nhắc tới câu chuyện tình Loan và Dũng nổi tiếng trong tiểu thuyết Đoạn Tuyệt của nhà văn Nhất Linh, cuốn tiểu thuyết viết về những khát khao thay đổi số phận của người phụ nữ, tương đồng nỗi niềm của “nàng ma”. Đó là khao khát thay đổi được mệnh trời, vượt qua số phận bi thảm để một ngày được trở về bên người tình dương thế.
Người trai trong bài hát này có lẽ cũng giống như Dũng trong tiểu thuyết Đoạn Tuyệt: là người lý tưởng, sống kiêu bạt, thẳng thắn, có sức sống mãnh liệt. Có lẽ vậy mà người tiên nữ chấp nhận từ bỏ thân phận tiên nữ để được ở bên chàng, để được cảm nhận những cảm xúc thăng hoa của người trần tục. Ngoài kể chuyện Loan và Dũng cho người yêu nghe, anh chàng này còn hát rất hay những bài tình ca tiền chiến tuyệt vời của Đặng Thế Phong hay Văn Cao:
Trả lại tôi, trả người tôi yêu người hay hát cho tôi nghe
Bài ca tiền chiến của Đặng Thế Phong hay Văn Cao tuyệt vời.
Yêu tinh tình nữ đi tìm tình thương,
Ôi duyên tình cũ, ôi thời vàng son,
Dương gian đầm ấm mơn man
hoa thiên đường dẫu cao sang,
Ôi âm ti vắng tiếng bụi hồng.
Yêu tinh tình nữ suốt đời thành tinh,
Đi theo người sống đi đòi tình trinh,
Len trong thù oán vang vang
Trôi trong biển máu mang mang,
Em đi đòi tiếng yêu thương
Trả lại người yêu tôi đây
Trả lại người yêu tôi đây
Trả lại người yêu tôi đây
Trả lại người yêu tôi đây
Cho dù mối tình tiên – phàm vốn bị cấm kỵ nơi thiên giới, nhưng người tiên nữ chấp nhận được một lần ngắn ngủi sống theo con tim của mình, dù biết kết cuộc là sẽ bị đày ở cõi âm ti, sống muôn đời với kiếp yêu ma, nàng vẫn chẳng màng, vì ít ra nàng cũng đã từng một lần được sống hết mình cho tình yêu.
Click để nghe Thanh Lan hát trước 1975
Khi nhạc sĩ Phạm Duy phát hành ca khúc Yêu Tinh Tình Nữ, ông ghi lời đề tựa là: “Tặng Pauline Ngọc”. Từ đó, khi gặp người ca sĩ này, nhiều nhà báo, đồng nghiệp thường gọi đùa: “yêu tinh tình nữ tới kìa”. Không rõ vì sao Phạm Duy lại đề tặng kiều nữ Pauline Ngọc bài hát này. Cô là ca sĩ nhạc trẻ trước 75, hát nhiều ca khúc nhạc Pháp và thu âm trong các băng Tình Ca Nhạc Trẻ của Vũ Xuân Hùng thực hiện trước 75.
Trước năm 1975 có Julie Quang thu âm đầu tiên ca khúc này, sau đó là ca sĩ Thanh Lan. Sau này ở hải ngoại có một số ca sĩ đã hát, gây ấn tượng nhất có lẽ là bản của Thái Hiền sau đây:
Click để nghe Thái Hiền hát
Bài: Đông Kha
Bản quyền bài viết của nhacxua.vn