Bài hát Xin Thời Gian Qua Mau đã được nhạc sĩ Lam Phương sáng tác trước năm 1975 và nổi tiếng qua các giọng hát của Dạ Hương, Thanh Thúy, Hoàng Oanh. Tuy nhiên sau này khi nghe ca sĩ Hoàng Oanh hát ở hải ngoại, nhiều người tưởng rằng đây là ca khúc được viết sau năm 1975, vì nó chứa đựng một nỗi hoài vọng tha thiết về cố hương đã xa cách nửa địa cầu, cũng như dự cảm chính xác về cuộc đời mình của nhạc sĩ Lam Phương:
Buồn nào hơn đêm nay
Buồn nào hơn đêm nay
Khi ngoài kia bão tố đầy trời
Từng cánh lá cuốn gió
Rơi vào lòng đêm thâu
Thương thầm mối tình ngâu
Click để nghe Thanh Thúy hát trước 1975
Bài hát có bối cảnh là một đêm buồn, khi không gian tứ bề lạnh vắng thì lòng người cũng trở nên hoang vu và trống trải. Đó là đêm buồn hơn tất thảy mọi đêm, vì “ngoài kia bão tố đầy trời”, từng cánh lá cuốn “rơi vào lòng đêm thâu” như kiếp xa nhà cuốn trôi vào dòng đời giông gió, khiến cho kẻ ly hương “thương thầm mối tình ngâu”, thương cho mối tình xa cách của mình ngậm ngùi trong mưa ngâu tháng 7.
Ngày về ôi xa quá
Cánh nhạn còn miệt mài
Trong nắng hồng mê say
Lạc bầy chim chíu chít
Hai phương trời cách biệt
Đêm chờ và đêm mong
Dòng đời đã đẩy đưa để “cánh nhạn còn miệt mài” tha hương, bay hoài ở nơi phương trời riêng của mình. Dù mải mê “trong nắng hồng mê say” nhưng cánh nhạn kia vẫn là cánh chim lạc bầy lẻ loi mãi thương về cội nguồn của mình.
“Lạc bầy chim chíu chít” nghe như là tiếng kêu thương của cánh chim xa gọi bầy, luôn hướng về phương trời cũ bây giờ đã xa xôi sau vút cánh chim bay. Như đôi tình nhân bây giờ đã “hai phương trời cách biệt” mỗi người mỗi nơi. Ta như cánh chim còn miệt mài viễn xứ, còn em ở lại nơi quê nhà từng tháng ngày qua mòn mỏi từng “đêm chờ và đêm mong”. Từng đêm ta mong nhớ và từng đêm em vò võ đợi chờ, như ca dao về nỗi tội tình khi cuộc tình ngăn cách: ”Chim xa rừng còn thương cây nhớ cội. Người xa người tội lắm người ơi”…
Ta đã quen, quen từng hơi thở
Quen tiếng cười và sóng mắt đưa tin
Tám mùa đông cây rừng khô trụi lá
Chưa bao giờ một phút sống xa nhau
“Tám mùa đông cây rừng khô trụi lá” là tám năm cách xa nhau, thời gian vắng nhau bao nhiêu là bấy mùa đông lạnh giá thiếu hơi ấm của mùa xuân. Tám mùa đông là năm tháng dài đằng đẳng nhớ mong nhau, có mấy ai mà không buồn thương khi trước đó là ”chưa bao giờ một phút xa nhau”, đã từng “quen từng hơi thở” trong những ngày êm đềm và ”quen tiếng cười và sóng mắt đưa tin”…
Thương những đêm trăng tà soi xóm vắng
Đưa em về anh viết thành bài ca
Thương những khi trưa hè nghiêng nắng đổ
Hắt hiu buồn tiếng võng nhè nhẹ đưa
Những đêm trăng ngày xưa mãi là kỷ niệm để cho ta thương nhớ hoài về những ngày thường đưa đón em về trên đường xưa xóm vắng, bóng hình chung đôi năm nào sẽ mãi khắc ghi vào nỗi nhớ biết thuở nào quên. Nhờ ánh trăng soi bóng làm cho hình ảnh ghi dấu tình mình nên thơ hơn, để lại cảm xúc mơ mộng đẹp đẽ hơn để mỗi lần đưa em về, “anh viết thành bài ca”.
Ngoài tình yêu em còn có tình yêu quê hương xứ sở dù có đi bất cứ nơi đâu cũng nhớ mãi quê nhà. Thương những trưa hè nắng đổ bên sông, tâm hồn hòa theo cảnh sắc thân thương yêu dấu, nghe đâu đó lời ru hời “hắt hiu buồn tiếng võng nhè nhẹ đưa”…
Click để nghe Hoàng Oanh hát trước 1975
Buồn nào hơn đêm nay
Buồn nào hơn đêm nay
Khi tình xuân đã úa bụi đời
Nhiều lúc muốn trách móc
Hay giận hờn vu vơ
Chỉ làm phí ngày thơ
Điệp khúc “Buồn nào hơn đêm nay” được trở lại sau chuỗi câu nhạc chở chuyên hoài niệm nhớ mong tưởng tiếc ngày tháng còn ở bên nhau. Còn buồn nào hơn “khi tình xuân đã úa bụi đời”, tình xuân hồng thắm ngày xưa nay đã héo úa theo bước bôn ba đường đời vạn nẻo. Tình xuân đã úa, “sóng mắt đưa tin” ngày nào bây giờ đã chìm khuất sau chớp bể mưa nguồn. Những đêm buồn đã buồn, nỗi nhớ càng dâng đầy hơn khi đêm nay ngoài kia mưa bão đầy trời.
Mưa nguồn chớp bể trong cuộc đời đã làm cách chia tình xuân tươi hồng ngày nào, có nhiều khi anh muốn “trách móc” và “giận hờn vu vơ” nhưng e là chỉ làm phí đi những ngày thơ mộng yêu nhau rồi lại cách xa nhau.
Dù rằng sau mưa bão
Gió hiền hòa lại về
Vẫn thấy lòng hoang vu
Cuộc đời là hư vô
Bôn ba chi xứ người
Khi mình còn đôi tay
Vẫn đặt niềm tin cho mai sau, vẫn hy vọng “sau cơn mưa trời lại sáng”, đêm nay mưa bão vậy nhưng sau đó sẽ là “gió hiền hòa lại về”. Tuy nhiên dù cho bình yên có trở lại thì cũng “vẫn thấy lòng hoang vu” vì ngày về còn xa quá: “Bôn ba chi xứ người khi mình còn đôi tay”. Lời nhạc này đã đi sâu vào lòng người, nhất là những người ly hương vì đánh động trúng vào tâm sự xa quê hương xứ sở của mình.
Có lẽ đó cũng là tâm sự tận sâu xa đáy lòng của nhạc sĩ: khi mình còn đôi tay thì dẫu ở quê nhà mình vẫn sống được, sao phải bôn ba chi xứ người để mang nặng mãi nỗi sầu ly hương?
Và lời nhạc như vận đúng vào cuộc đời của người nhạc sĩ, ca khúc này được sáng tác trước năm 1975, nhưng tưởng như là được nhạc sĩ Lam Phương viết cho hoàn cảnh của chính mình từ năm 1999, khi ông lâm vào bạo bệnh, liệt gần nửa người.
Ông từng tâm sự về quãng thời gian sau đó là cả ngày chỉ là quanh quẩn trong bốn góc phòng. Tuổi cao khó ngủ, buổi sáng ông dậy thật sớm để nằm nghe lại những bản nhạc của mình, rồi coi tivi đến trưa rồi cố đếm thời gian qua thật nhanh. Nhưng đêm về lại trằn trọc với nỗi niềm xa xứ, lại phải chống chọi với những cơn đau bệnh…
Click để nghe Dạ Hương hát trước 1975
Trước 1975, Hoàng Oanh cũng đã từng hát ca khúc này, nhưng khán giả ấn tượng hơn với phiên bản sau năm 1975 của cô, gợi nỗi buồn hoài nhớ cố hương đối với hàng triệu người Việt hải ngoại, đặc biệt là với 4 câu thơ (của Thanh Nam) được cô ngâm trước khi vào bài hát:
Ôi cố hương xa nửa địa cầu
Nghìn trùng kỷ niệm vẫn theo nhau
Đêm nay ta đốt sầu lưu lạc
Trong khói men nồng hạnh phúc xưa…
Bài: Trương Đình Tuấn
Bản quyền bài viết của nhacxua.vn