Cảm nhận âm nhạc: Ướt Mi – Những giọt buồn trong mưa

Ngoài hiên mưa rơi rơi
Lòng ai như chơi vơi
Người ơi
Nước mắt hoen mi rồi…

Đêm. Đêm sâu thăm thẳm. Tịch mịch. Tiếng mưa ngâu rả rích, lê thê trên mái hiên nhà rơi nhè nhẹ xuống sân đưa tâm hồn tôi lắng lại, đắm đuối trong giai điệu buồn, chậm, lê thê, não nề của ca khúc “Ướt Mi”. Từng giọt nhạc cứ chầm chậm buông, lời ca sĩ nhẩn nha những điệu sầu như bao giọt nước mắt, bao giọt mưa, bao giọt buồn cùng rơi xuống thành bể nước mắt buồn triền miên. Lời ca cứ rơi thấm vào lòng như bao giọt mưa ngâu không dứt, bao nỗi buồn không tan trong những giọt nước mắt trong sáng của “bờ mi em ngây thơ”.

“Ướt Mi” là ca khúc được in đầu tiên của Trịnh Công Sơn, sáng tác năm 1958, công bố năm 1959. Bài hát nói về những giọt nước mắt thuần khiết của một cô ca sĩ mới 16 tuổi đêm đêm đi hát ở phòng trà Văn Cảnh – Sài Gòn để nuôi mẹ bị bệnh lao nặng.

Đêm nào hát bài “Giọt Mưa Thu” của Đặng Thế Phong, cô cũng khóc. Có lẽ do lấy cảm hứng từ nước mắt, từ thân phận buồn của cô ca sĩ kia, mà “Ướt Mi” có sự giao hòa của những giọt nước mắt trắng trong thuần khiết với những giọt mưa ngâu, những giọt buồn, giọt đời. Sự giao thoa ấy tạo nên một sức ám gợi, một nỗi ám ảnh khôn nguôi về kiếp người, về tình đời, về nỗi sầu nhân thế. Nỗi buồn, nỗi đau, nhưng giọt nước mắt, những giọt mưa hòa trong lời ca, điệu nhạc để lại mãi mãi một cái đẹp – cái đẹp trinh khiết trong nỗi buồn truyền kiếp của phận người nghệ sĩ như mưa ngâu vẫn muôn đời không dứt, vẫn kéo dài lê thê những giọt buồn, điệu buồn tự ngàn đời. Cho nên, bài ca bắt đầu bằng những giọt mưa, những giọt buồn găng lên khóe mắt, bờ môi, chan hòa cùng dòng nước mắt như làm nhòe đi những lời ca ngậm ngùi thân phận của người ca sĩ thơ dại:

“Ngoài hiên mưa rơi rơi
Lòng ai như chơi vơi
Người ơi nước mắt hoen mi rồi
Đừng khóc trong đêm mưa
Đừng than trong câu ca”

Tiếng mưa rơi rơi ngoài hiên gọi tiếng lòng lên chơi vơi. Và dòng nước mắt tinh khiết hoen mi cùng mưa đêm. Tiếng ca hòa trong tiếng khóc nghẹn ngào, nức nở. Lời ca ấy như than van, như sói vào lòng người bao âm điệu buồn của mưa, của đời, của con người. Nỗi buồn hiện hình đồng hành cùng mưa, làm rớt thêm bao giọt nước mắt của em. Để rồi nó cũng tan biến theo mưa, thành mưa… lệ:

“Buồn ơi trong đêm thâu
Ôm ấp giùm ta nhé

Người em thương mưa ngâu
Hay khóc sầu nhân thế
Tình ta đêm về có ấm
Từng cơn mưa em chưa”

Tiếng khóc của em là tiếng khóc thương mưa ngâu – thương mối tình oan nghiệt của Ngưu Lang – Chức Nữ. Đó cũng là tiếng khóc mang nỗi sầu nhân thế muôn đời. Em khóc mưa, khóc nỗi sầu nhân thế hay khóc cho chính mình? Liệu một chút tình có sưởi ấm được nỗi buồn miên man, thiên cổ đó không? Cho nên, ca từ của lời thứ nhất kết thúc bằng một câu hỏi đầy ám gợi:

“Tình ta đêm về có ấm
Từng cơm mơ em chưa”.

Hai câu ca từ này được viết theo lối thơ vắt dòng, tạo ra những kênh hình ảnh, ngôn từ “lạ hóa”. Tình ta liệu có ấm được cơn mơ em chưa? Đó là cơn mơ chưa tới, chưa hiện hình nhưng ta vẫn băn khoăn, ta vẫn thấy mơ hồ về sức mạnh của nó. Một chút tình riêng sao sưởi ấm được những giấc mơ buồn vĩnh cửu chưa tới. Bởi nỗi buồn ấy – biểu hiện trên giọt nước mắt kia cũng như mưa ngâu là định mệnh sầu nghiệt ngã cho cuộc đời em, cho cuộc đời ta, cho những kiếp người hữu hạn. Để rồi nỗi buồn lê thê theo mưa ngâu trở thành cái lạnh tái tê trong lòng người:

“Mưa lạnh lùng rơi rớt giữa đêm về nghe não nề
Mưa kéo dài lê thê những đêm khuya lạnh ướt mi
Ai còn nhìn mưa mãi rớt bên song thêm lạnh lùng
Ai còn buồn khi lá rớt rơi trong một cuối đông”

Lời ca và giai điệu chợt chùng xuống, chậm lắng, tãi ra một cách uể oải như từng giọt mư ngâu rả rích rơi ngoài hiên. Những giọt mưa, những giọt buồn cộng hưởng, hòa quyện tạo nên bao giọt lạnh, giọt sầu não nề. Tất cả kéo dài lê thê, cứ dầm dề không dứt, không ngừng. Mưa lạnh thấm vào lòng người khiến trái tim, tâm hồn cũng trở nên hoang lạnh. Người nhìn mưa bên song lạnh lùng bởi chính tâm hồn người cũng lẽo lẽo, đơn chiếc trong một nỗi buồn lớn. Và tâm trạng buồn ấy càng ngân dài, vang xa, vương mãi theo điệu buồn, điệu tàn phai, héo úa của chiếc lá rớt rơi trong một cuối đông.

Tất cả các hình ảnh: Mưa – nước mắt – lá rớt rơi đều đan quyện, hòa cùng nhau trong nỗi trống vắng tận cùng, nỗi buồn vô hồi vô hạn. Nhìn mưa là nhìn ra nước mắt, nhìn ra nỗi buồn. Nỗi buồn ngoại cảnh và nỗi buồn tâm linh cộng gộp, lũy thừa thành một nỗi buồn mênh mông bất định. Có cái gì như chờ đợi, như ngóng trông để rồi “ai” kia chỉ nhận lại một nỗi buồn, một cảm giác lạnh lẽo trong tịch liêu, trong cô quả, trong sự phôi pha. Và những cơn mưa lại rơi, rơi mãi ngoài hiên, rơi mãi trong cuộc đời, rơi thêm bao nỗi buồn chồng chất của định mệnh tạo nên bản mệnh buồn cho cuộc đời em:

Ngoài hiên mưa rơi rơi
Buồn dâng lên đôi môi
Buồn đau hoen ướt mi ai rồi
Buồn đi trong đêm khuya
Buồn rơi theo đêm mưa

Nỗi buồn kết đọng, dâng ngập đầy theo mưa rơi rơi. Để rồi nó dâng lên đôi môi, nó dâng lên khóe mắt làm hoen ướt mi ai. Mi ai ướt không phải vì mưa ngâu mà vì mưa lệ. Những cơn mưa lệ ấy đến trong những đêm sâu, đến từ những nỗi sầu nhân thế, mang nỗi buồn “từ ngày mẹ cha cho mang nặng kiếp người”. Nỗi buồn tan chảy trong hồn, trôi theo mưa, tan trong câu ca, “đi trong đêm mưa”, “đi trong câu ca”. Nó không trượt trôi mà thấm đẫm, làm nhòe đi tất cả nỗi đau trong một cảm nhận thường trực, đeo bám của nỗi buồn hiện hình.

Nỗi buồn không tan biến hay chuyển hóa mà nó ôm trọn thời gian, bao phủ không gian. Tất cả là buồn: buồn trong đêm, buồn trong mưa, buồn lên đôi môi, buồn hoen ướt mi… Cả thế giới nghệ thuật của bài hát là thế giới của nỗi buồn – buồn nhưng mà đẹp – một cái đẹp ngây thơ, trong sáng được hiển hiện trong những giọt nước mắt thuần khiết. Và rồi, ta cứ bước mãi, đi hoài, tiến sâu vào thế giới của mưa, của buồn cùng “Ướt Mi”:

Còn mưa trong đêm nay
Lòng em buồn biết mấy

Trời sao chưa thôi mưa
Để mắt người em ấy
Từ đây thôi mờ nước mắt
Buồn mi em ngây thơ

Đêm nay vẫn còn mưa và mưa gọi lòng buồn, làm nỗi buồn ướt đẫm hơn. Mưa của hôm nay là sự nối tiếp của hôm qua, của bao năm tháng. Nỗi buồn trong lòng của đêm nay như một sự chất chồng, tiếp nối, đẩy lên đỉnh điểm của nỗi buồn hôm qua, nỗi buồn xưa, nỗi buồn từ trong tiền kiếp. Và một câu hỏi, một mong ước mong manh vọng ra thổn thức bật ra tức tưởi, nghẹn lòng: “Trời sao chưa thôi mưa…”

Mong trời thôi mưa, mong nước mắt không ướt mi, không làm buồn mi em ngây thơ nữa. Mong ước đó bật ra từ trái tim, từ cảm xúc, từ bao quan sát và trải nghiệm buồn. Một ước mong giản dị mà đẹp đẽ thuần khiết biết bao. Bờ mi ngây thơ của em đã sớm phải mờ đi trong nước mắt, trong nỗi buồn truyền kiếp cùng mưa. Câu hỏi kia mang một chút trách hờn ông trời, trách hờn định mệnh mang mưa ngâu xuống, mang nỗi buồn ướt mi em ngây thơ.

Những giọt mưa mở đầu, dẫn dụ người nghe vào thế giới “Ướt Mi”, và khi nỗi buồn khép lại lời ca thì cả thế giới ấy lại hiện ra bất tận. Sự kết thúc chính là sự khai mở, khai mở ra thế giới mênh mông của mưa, của cõi lòng buồn, của biển nước mắt. Đến khi ca sĩ ngừng lời, điệu nhạc im tiếng cũng chính là lúc biển mưa, biển buồn, biển nước mắt kết đọng tạo nên không gian bao la, thời gian vô tận, cảm xúc sâu thẳm cho “Ướt Mi”.

Những giai điệu chậm, trầm, buồn, kéo dài ít nhiều mang âm hưởng lãng mạn của nhạc tiền chiến rất hợp với tình điệu thẩm mỹ ca từ của bài hát. Giai điệu ấy đã mô tả được nhịp điệu của mưa, của nỗi buồn, của một chút xót lòng, và hơn hết là nhịp điệu lăn tràn của những giọt nước mắt hoen ướt mi. Chính nhịp điệu ấy khắc sâu trong lòng ta bao dư vang, bao dư ảnh của một thế giới “Ướt mi” mênh mông mưa, mênh mông nước mắt, mênh mông tình.

Không hiểu sao cứ mỗi khi nghe bài hát này, tôi lai hình dung dáng điệu một người thiếu nữ thu mình, nhìn qua song cửa đêm khuya nhìn mưa ngâu dầm dề tháng bảy. Những giọt nước mắt của cô gái lăn tràn theo mưa, cùng rớt rơi trên phím đời, song hành cùng điệu lăn chảy của mưa.

Mưa và nước mắt đồng lõa mang đến buồn, cộng hưởng tạo nên bản nhạc bi ai về tình yêu và nỗi sầu nhân thế. Mưa sẽ tạnh, nước mắt rồi sẽ được lau khô nhưng nỗi buồn định mệnh sẽ còn ngân nga, vang vọng, sói mòn mãi lòng người. Và khi bạn lắng lòng, thả hồn theo cảm xúc, trôi theo mỗi giai điệu, rung động với từng lời ca, bạn sẽ thấy lòng buồn theo mưa, theo nước mắt của “Ướt Mi”. Nhưng nỗi buồn ấy mang lại một cảm giác thanh sạch, một cảm giác sâu lắng, êm dịu của cái đẹp – cái đẹp mong manh, cái đẹp ướt át trong đêm của nỗi buồn sâu thẳm.

Nguồn: thanhhaingo’s blog

Exit mobile version