Ca khúc “Tôi Đưa Em Sang Sông” (Nhật Ngân – Y Vũ) – Một chuyện tình trong gió mưa

Tôi rất thích ca khúc Tôi Đưa Em Sang Sông của nhạc sĩ Nhật Ngân – Y Vũ. Chẳng phải riêng tôi mà các bạn gái cùng lứa cũng vậy, hầu như ai cũng thuộc ca từ và lẩm nhẩm hát theo khi nghe các giọng ca như: Khánh Ly, Vũ Khanh, Ngọc Lan, Chế Linh… cất tiếng hoặc nghe tiếng ghi-ta điêu luyện của Vô Thường réo rắt… Rất hay và rất buồn, về một chuyện tình dang dở…

Nếu bạn là người yêu thích nhạc xưa, hãy theo dõi kênh YouTube này để nghe đọc các bài cảm nhận về âm nhạc (phân tích ý nghĩa, hoàn cảnh sáng tác, tiểu sử ca nhạc sĩ): LINK YOUTUBE  < Click

Tôi tự hỏi: liệu có phải vì kết thúc tan vỡ của một chuyện tình bến nước mà bài hát này được mọi người yêu mến, hay còn một yếu tố nào nữa?


Click để nghe Khánh Ly hát trước 1975

Giai điệu mượt mà, êm ái dễ ru hồn người vào không gian tình yêu của đôi lứa là điều dễ hiểu. Ca khúc như một lời tự tình chân thật. Người nghe đắm chìm trong các nốt nhạc, thanh âm, được ca sĩ diễn tả bay bổng và nức nở cho chuyện tình buồn.

Lần theo ca từ người nghe cảm nhận được diễn biến của câu chuyện tình: Chàng trai gặp cô gái trong một chiều mưa, đường vắng và đưa người con gái qua sông:

“Tôi đưa em sang sông, chiều xưa mưa rơi âm thầm
Để thấm ướt chiếc áo xanh, và đẫm ướt mái tóc em
Nếu xưa trời không mưa, đường vắng đâu cần tôi đưa
Chẳng lẽ chung một lối về mà nỡ quay mặt bước đi”

Khoảng không gian được miêu tả trong đoạn đầu của ca khúc Tôi Đưa Em Sang Sông đậm chất trữ tình, lãng mạn dễ ru hồn người trong men say tình ái. Cái dập dềnh của sóng nước cũng giống như những xao xuyến của con tim, rất dễ cảm, dễ yêu. Trời mưa làm ướt áo em, đường vắng nên cần chàng trai đưa cô gái về… Nhưng mà nếu chỉ vậy thôi thì người nghe chưa thật sự rung động, mà cái hồn của ca khúc hình như là nằm trong cách cư xử của chàng trai khi đưa cô gái sang sông:

“Tôi đưa em sang sông, bàn tay nâng niu ân cần
Sợ bến đất lấm gót chân, sợ bến gió buốt trái tim
Nếu tôi đừng đưa em, thì chắc đôi mình không quen
Đừng bước chung một lối mòn, có đâu chiều nay tôi buồn”

Chính tấm chân tình của chàng trai đã thực sự thổi hồn cho câu chuyện tình buồn này. Không có những lời tán tụng thường gặp như em đẹp quá, dễ thương chi lạ… mà là “nâng niu ân cần” với nỗi lo “bến đất lấm gót chân, bến gió buốt trái tim” em. Chỉ đơn giản thế thôi mà toát được lòng yêu nồng nàn của chàng trai.

Nhưng hình như ca khúc đưa ra một nghịch lý chua xót của cuộc đời: chân tình, say đắm trong tình yêu, lãng mạn giữa một khoảng trời dạt dào sóng nước nên thơ… cũng không đủ để tạo được một kết cuộc đẹp. Một bến đỗ xa vời vợi, theo bước chân phiêu bạt và gia cảnh nghèo của chàng trai vẫn làm cho gia đình người con gái lo ngại nên cô ấy đã chọn cho mình một nơi trú ẩn tình yêu khác! Có vẻ như vẫn có một chút ảnh hưởng của chủ nghĩa hiện sinh nơi phía cô gái.

Thực tế bao giờ cũng trần trụi và khắc nghiệt! Từ một chuyến sang sông trên bến đò quê của cô gái có bến đất với hơi gió lạnh, mưa rơi và lứa đôi đi về, cô gái chuyển sang ngang trong tiếng pháo nổ, lên xe hoa với một người khác…

“Hôm nao em sang ngang, bằng xe hoa thay con thuyền?
Giờ phút cuối đến tiễn em, nhìn xác pháo vướng gót chân
Gót chân ngày xa xưa sợ lấm trong bùn khi mưa…
Nàng đã thay một lối về, quên cả người trong gió mưa…”

Ray rứt, xót xa đến nao lòng khi nghe đến đoạn cuối này. Chàng trai đến tiễn người yêu sang ngang trong nỗi ngậm ngùi, đau đớn. Gót chân sợ lấm bùn ngày xưa nay đã vương xác pháo. Cô gái quên người trong gió mưa đã đưa nàng sang sông lần trước, bình thản thay một lối về… Con thuyền rời xa nhưng ký ức người đời vẫn khắc ghi hình ảnh tuyệt đẹp đó…

Giai điệu trầm, tha thiết, nhẹ nhàng của ca khúc như một lời tự tình đi thẳng vào con tim người nghe. Một bến sông đất cát với gió lạnh, một chiếc thuyền có lần chở đôi lứa sang sông cuối cùng bị thay thế bằng một chiếc xe hoa với pháo nổ để em sang ngang với ai…

Chuyện tình buồn. Chia ly. Cay đắng… Đó cũng là một yếu tố thu hút người nghe!


Click để nghe Chế Linh hát trước 1975

Hồi còn trẻ tôi đã thích bài ca này, đến khi có tuổi tôi lại đặc biệt yêu mến, vì theo như một câu chuyện do chính nhạc sĩ Nhật Ngân kể thì cô gái mặc chiếc áo xanh thấm ướt vì trời mưa và ướt cả mái tóc dài đó là người Đà Nẵng!

Nhạc sĩ Nhật Ngân gốc Thanh Hóa mà lớn lên ở thành phố Sông Hàn. Tôi định bụng khi nào có dịp gặp nhạc sĩ sẽ hỏi cho rõ: “bến đất” trong ca khúc này có phải là bến sông Hàn không, nhưng giờ thì không kịp nữa rồi. Nhạc sĩ Nhật Ngân đã về bên kia cõi đời! Nhưng dẫu có là bến nào ở Đà Nẵng thì cũng từ con sông Hàn mà ra. Bến sông Hàn quê tôi đẹp, nên thơ là vậy mà vẫn không giữ được gót chân cô gái ấy, để lại nỗi buồn da diết trong lòng chàng trai. Cũng từ đó cuộc đời có một bài ca vượt thời gian: Tôi Đưa Em Sang Sông!

Xin cảm ơn lần “sang sông” dạo nọ trong mưa và cái “bến đất” rất “chân quê” thơ mộng nên đã cho mọi người một bài hát hay, sâu lắng, mãi mãi được yêu quý qua năm tháng…

Bài viết của tác giả Huyền Tôn Nữ Huệ Tâm – Đà Nẵng 2012

Ca khúc Tôi Đưa Em Sang Sông được ghi tên tác giả là Nhật Ngân và Y Vũ, tuy nhiên cả 2 người nhạc sĩ này đều khẳng định rằng ca khúc chỉ do 1 người viết, và kể lại các hoàn cảnh sáng tác khác nhau.

Cả 2 nhạc sĩ Nhật Ngân và Y Vũ đều là những tên tuổi lớn trong âm nhạc, vì không thể khẳng định chắc chắn cũng như không thể lý giải được những vấn đề còn uẩn khúc, nên xin ghi ra 2 hoàn cảnh sáng tác của Tôi Đưa Em Sang Sông do chính 2 nhạc sĩ kể lại để bạn đọc tham khảo như sau:

Nhạc sĩ Nhật Ngân:

Theo lời tâm sự của Nhật Ngân, đáng lẽ ông đã trở thành một nhạc công vĩ cầm như người em họ là Nhật Hiền, nhưng vì gia đình ông quá nghèo, không mua nổi cây đàn cho ông. Do đó, ông đành quyết định thôi học. Vì lòng đam mê âm nhạc và nhất là nhờ ở khả năng thiên phú của mình, Nhật Ngân đã hoàn thành nhạc phẩm đầu tay khi ông mới vừa 18 tuổi vào năm 1960. Ðó là một ca khúc tình cảm mang tên Tôi Đưa Em Sang Sông.

Mặc dù chưa có phương tiện phổ biến rộng rãi trong thời gian đầu, nhưng Tôi Đưa Em Sang Sông đã trở thành một ca khúc được giới học sinh, sinh viên Ðà Nẵng rất ưa thích, chép tay truyền cho nhau hát.

Sau đó Nhật Ngân gửi ca khúc này vào Sài Gòn nhờ nhạc sĩ Y Vân phổ biến giùm, với sự sửa đổi một vài chữ trong bản nhạc cho hợp với đường lối của Bộ Thông tin lúc đó không cho phép phổ biến những nhạc phẩm ủy mị, ướt át.

Khi đó nhạc sĩ Nhật Ngân còn là một người chưa có tên tuổi nên cần nhờ tới một nhạc sĩ nổi tiếng đứng chung tên để Tôi Đưa Em Sang Sông đến với quần chúng dễ dàng hơn. Khi được phát hành, Tôi Đưa Em Sang Sông được ký tên bởi hai người là Nhật Ngân và Y Vũ.

Nhạc sĩ Y Vũ:

Thông qua nhiều bài báo, nhạc sĩ Y Vũ cũng từng tâm sự về hoàn cảnh sáng tác của Tôi Đưa Em Sang Sông như sau:

“Tôi sinh ra ở Hà Nội nhưng lớn lên tại đất Sài Gòn náo nhiệt. Những ngày tháng thơ ngây tại trường trung học có lẽ không bao giờ phai mờ trong trí nhớ của tôi, bởi ở đó tôi đã để trái tim mình rung động trước cô bạn chung lớp tên Thanh. Tình yêu học trò trong sáng lắm, chỉ cảm nhận qua ánh mắt, nụ cười chứ đâu có dám ngồi gần, dám nắm tay. Những khi tan trường sóng bước bên nhau cũng không biết nói câu gì, chỉ biết… đá cái lon sữa bò khua vang đường phố.

Thanh là con một gia đình khá giả, có cây xăng ở ngã bảy Lý Thái Tổ. Còn tôi hồi đó chỉ có chiếc “xế nổ” hiệu Roumie ngày ngày đi học. Mỗi chiều khi thay ba ra trông cây xăng, Thanh lại nhắc tôi ra đổ xăng… chùa. Những ngày tháng đó với tôi thật hạnh phúc, lãng mạn. Nhưng ngày vui ngắn chẳng tày gang, Thanh biến mất khỏi cuộc đời tôi vì một đám cưới ép gả với chàng bác sĩ. Hụt hẫng, chơi vơi, tôi uống chén đắng đầu đời và nếm trải mùi vị của “thất tình”. Tỉnh cơn say vào 2 giờ sáng, tôi ôm guitare và thế là Tôi đưa em sang sông ra đời. Bài hát với giai điệu buồn da diết được coi là tài sản chung cho nhiều chàng trai lâm vào cảnh như tôi thời đó.

Mối tình đầu làm tôi trắng tay, nhưng nỗi bất hạnh ấy đem lại cho tôi xúc cảm để có được hai bài hát tâm đắc. Sau Tôi đưa em sang sông gắn liền với tiếng hát Lệ Thu, ca khúc Ngày Cưới Em lại thành công vang dội: “Hôm nay ngày cưới em, nào men nồng nào hoa thơm, nào môi hồng nào da phấn, khăn áo muôn sắc đua chen…”

nhacxua.vn tổng hợp

Exit mobile version