Nhạc sĩ Phạm Duy và ca khúc “Tóc Mai Sợi Vắn Sợi Dài” – Lấy nhau chẳng đặng thương hoài ngàn năm…

Tóc mai sợi vắn sợi dài
Lấy nhau chẳng đặng thương hoài ngàn năm

Nếu bạn là người yêu thích nhạc xưa, hãy theo dõi kênh YouTube này để nghe đọc các bài cảm nhận về âm nhạc (phân tích ý nghĩa, hoàn cảnh sáng tác, tiểu sử ca nhạc sĩ): LINK YOUTUBE  < Click

Mượn 2 câu ca dao quen thuộc về tình yêu dở dang, nhạc sĩ Phạm Duy đã soạn thành một ca khúc nổi tiếng sống mãi cùng thời gian lấy tên Tóc Mai Sợi Vắn Sợi Dài:

Thuở ấy em vừa thôi kẹp tóc
Thuở ấy anh vừa thôi học xong
Yêu anh, yêu anh em làm thơ
Yêu em, yêu em anh soạn nhạc

Thuở ấy thơ còn non mùi sữa
Thuở ấy tiếng đàn nghe vụng quá
Cho nên không khoe nhau bài thơ
Cho nên không khoe nhau bài nhạc

Bài hát mở đầu bằng hai tiếng thân thương: “Thuở ấy”, cái thuở ban đầu lưu luyến mấy ai mà quên được. Thuở ấy em vừa “thôi kẹp tóc” để thành thiếu nữ buông xõa mái tóc thề và anh thì vừa thôi học xong. Mối tình khi tuổi vừa mới lớn vốn đã đẹp, càng đẹp hơn khi “Yêu anh em làm thơ” và “Yêu anh em soạn nhạc”. Đôi tim yêu được gần với nhau hơn nhờ mối tương giao đồng điệu thi ca. Thuở ấy, dù lời thơ còn non và tiếng đàn còn vụng nhưng những nét vụng dại ấy càng tô đẹp thêm cho mối tình thơ dại còn non trẻ cho đến sau này.

Khúc mở đầu của bài hát nhắc lại thuở ban đầu tươi đẹp, đôi trai gái nhờ tình yêu của thi ca đã cho họ thành một đôi đồng điệu tri âm với nhau, điều này ít thấy trong nhiều mối tình thường tình khác, họ đến với nhau bằng nhịp đập tương lân giao cảm của thơ và nhạc, nên cuộc tình trở nên thơ mộng thanh thoát hơn qua lời thơ tiếng nhạc của nhau được dệt nên trong tháng ngày yêu thương đầu đời đẹp đẽ nhất.

Ở nhà mẹ dạy câu ca
Mang ra cho nhau nghe nhé
Ở nhà mẹ dạy câu ru
Mang ra cho nhau ghi nhớ.

A a à!
Lan Huệ sầu ai Lan Huệ héo
Lan Huệ sầu đời trong héo ngoài tươi.

Câu ca dao của mẹ thường hát, lời ru của mẹ thường ru là những bài học đầu đời cho chúng con lớn lên thành người. Hồi còn thơ bé, không có bài bát nào hay bằng lời ru của mẹ, từ những câu ca dao mộc mạc đã nuôi dạy chúng ta nên người từ khi tâm hồn còn trong trắng trinh nguyên. Và chuyện tình ở nơi đây cũng đã được nuôi dưỡng bằng tinh hoa từ hương đồng gió nội phả làn gió ngọt lành của ca dao trữ tình dân tộc.

Câu ca dao mẹ dạy để cùng nhau ghi nhớ: “Lan Huệ sầu ai Lan Huệ héo”, những loài hoa mà cũng biết u sầu huống chi là lòng người! Nỗi sầu man mác từ lời nhạc đem đến cho người nghe từ nỗi sầu không định hình rõ rệt là “vì ai” mà đã mang đến nỗi buồn nhẹ nhàng “sầu ai”. Người có buồn thì buồn vậy, nhưng bề ngoài vẫn vui để sống với đời, như Lan Huệ dù sầu đời mà vẫn “trong héo ngoài tươi”.

Từ đó ta thành đôi tình nhân
Từ đó ta cùng vui tình xuân
Yêu nhau, yêu nhau theo thời gian
Xa nhau, xa nhau theo mộng tàn

Từ đó em làm dâu người ta
Từ đó anh thành anh nghệ sĩ
Em thôi, em thôi không làm thơ
Em yên, em yên vui chuyện nhà

Từ đó ta cùng yêu nhau, “cùng vui tình xuân”, rồi khi tình dang dở rồi phải “xa nhau theo mộng tàn”, vì cuộc đời không là mùa xuân mãi mãi, và cuộc tình không mãi đẹp như lời nhạc câu thơ. Câu ca dao “Lan Huệ sầu ai Lan Huệ héo/ Lan Huệ sầu đời trong héo ngoài tươi” trước đây cả hai cùng ghi nhớ từ lời mẹ dạy như đã vận nỗi “sầu đời” vào cuộc tình của hai người sau này vậy.

Ngả rẽ cuộc đời đã đưa tình nhân đi 2 lối: “Từ đó em làm dâu người ta” và “Anh thành anh nghệ sĩ”. Em thôi không làm thơ để yên vui với chuyện nhà bên chồng, còn anh thì vẫn tiếp tục sống đời nghệ sĩ. Những kỷ niệm đẹp của mối tình thơ sẽ theo anh mãi trên bước đường nay đây mai đó, hương hoa sầu kia mãi chôn chặt trong lòng rồi bật lên lời sầu chín nhớ mười thương từ câu ca dao mẹ dạy ngày nào.

Còn đời người bạn năm nao
Trôi theo, trôi theo cơm áo
Cười đùa đàn địch xôn xao
Nhưng không quên câu hoa héo.

A a à!
Lan Huệ sầu ai Lan Huệ héo
Lan Huệ sầu đời trong héo ngoài tươi.

Và đời “người bạn thơ” năm nao đã trôi theo, trôi theo cơm áo. Người nghe nhạc cảm được những nốt nhạc trôi nhanh như dòng đời vô tình chảy xuôi lãng phai tháng ngày đẹp đẽ trôi qua, dù là trôi nhanh nhưng còn lắng đọng lại niềm luyến tiếc lung linh trầm mặc những viên đá cuội hoài niệm trong dòng chảy thời gian vô tình trôi qua.

Hoài niệm không nguôi cho người nghệ sĩ không làm sao quên được kỷ niệm xưa: “Cười đùa đàn địch xôn xao/ Nhưng không quên câu hoa héo”. Có phải định mệnh đã rẽ chia mỗi người mỗi ngả từ khi còn ở bên nhau, vô tư hát cho nhau nghe câu ca dao: “Lan Huệ sầu ai Lan Huệ héo”? Để bây giờ anh dù có cười đùa, vui với niềm vui đàn địch của mình cho mấy, lòng cũng chỉ là “trong héo ngoài tươi” như trong câu ca dao mẹ hát năm xưa mà thôi…

Ðời sống trôi hoài không nghỉ ngơi
Ðời sống kéo dài cõi trần ai
Con tim, con tim gieo ngàn nơi
Anh yêu, anh yêu cũng nhiều rồi

Lòng vẫn thương người em tuổi thơ
Lòng vẫn nhớ tình duyên ngày xưa
Bao nhiêu, bao nhiêu thiên trường ca
Không qua, không qua câu mẹ hò…

Người nghệ sĩ dấn thân trên đường đời vạn nẻo, con tim gieo yêu thương trên từng cung đàn tiếng nhạc khắp ngàn nơi, và cũng đã trải qua nhiều mối tình yêu đương nhưng “lòng vẫn thương người em tuổi thơ”, có lẽ là vì kỷ niệm mối tình thơ dại buổi ban đầu không dễ ai quên được, và những câu ca dao mẹ dạy vẫn còn khắc ghi để lòng mãi nhớ về tình duyên nơi quê cũ ngày xưa.

“Bao nhiêu thiên trường ca không qua câu mẹ hò” là thông điệp của nhạc sĩ, đề cao giá trị kho tàng ca dao quý giá của dân tộc qua câu hát tiếng hò của Mẹ, gửi nhắn lại cho chúng ta luôn trân trọng giữ gìn và yêu thêm từ ngữ tiếng Việt của mình. Những ca khúc của nhạc sĩ Phạm Duy thường lấp lánh hình bóng của quê nhà qua làn điệu ca dao ngôn ngữ dung dị mà thắm đẳm thắm thiết tình yêu quê hương.

Ngày nào mẹ dạy câu ca
Ðôi ta ru nhau trong gió
Ngày rày đọc lại câu thơ
Mưa rơi, mưa rơi trên má.

A a à!
Tóc mai sợi vắn sợi dài
Lấy nhau chẳng đặng, thương hoài ngàn năm…

Những câu ca dao ngày nào mẹ dạy cho “đôi ta ru nhau trong gió”, là thứ gió trong lành của đồng quê và cũng là gió ngọt lành của tình yêu thuở em vừa “thôi kẹp tóc”. Ngày rày khi đã xa nhau rồi đọc lại câu thơ cũ nghe “mưa rơi, mưa rơi trên má”, mưa rơi hay là nước mắt rơi khóc cho mối tình thơ dại xưa cũ dang dở không thành, để cho lòng nhớ thương hoài không nguôi theo năm tháng.

Sau cùng, bài hát cũng đã mượn câu ca dao để kết lại bài, người nghe vừa cảm động trước tấm chân tình và cảm thương trước nỗi si tình của người con trai, dành cho người yêu ban đầu và cũng là người yêu muôn thuở của mình:

“Tóc mai sợi vắn sợi dài
Lấy nhau chẳng đặng, thương hoài ngàn năm”


Click để nghe Thái Thanh hát Tóc Mai Sợi Vắn Sợi Dài trước 1975

Trước năm 1975, danh ca Thái Thanh đã thu âm ca khúc này và rất được yêu thích. Sau năm 1975, con gái của bà là Ý Lan trở thành sự tiếp nối rất xứng đáng giọng hát danh ca bằng bản song ca rất xuất sắc cùng với Vũ Khanh. Mời các bạn nghe lại sau đây:


Click để nghe Ý Lan và Vũ Khanh song ca

Bài: Trương Đình Tuấn
Bản quyền bài viết của nhacxua.vn

Exit mobile version