Đêm nay, trời quang mây tạnh, trong người nghe hoang vắng và tôi ngồi đây “ôm lòng đêm, nhìn vầng trăng mới về” mà ngậm ngùi “nhớ chân giang hồ. ôi phù du, từng tuổi xuân đã già”.
Biết bao năm đã qua, bước chân tôi cũng có khác chi bước giang hồ rong ruổi khắp miền đất nước này, hồn tôi cũng phiêu du qua bao ngày tháng tuổi xuân trôi. Để bây giờ có cảm giác như “một ngày kia đến bờ, đời người như gió qua”.
Đời người như gió qua! Nghe sao xót xa cho thân phận. Ai cũng mong mình sống trăm năm, hay chí ít cũng có sáu mươi năm cuộc đời. Khi còn trẻ, nhìn về tương lai mà háo hức sao đường đời còn dài thế, sao những cái đích đến của Danh, Lợi, Phú, Quí, Vinh, Hoa, Tình, Ái nó đều xa vời vợi. Thế mà bây giờ, đã qua hết nửa dốc bên này cuộc đời, đã qua cái đỉnh của mọi sự ham muốn, bắt đầu thấy mình như đã từ từ xuống dốc, thì lại thấy mọi thứ thật phù du, và đời người thật chỉ như cơn gió.
“Không còn ai, đường về ôi quá dài”. Tôi không tới nỗi quá cô đơn giống như nhạc sĩ tài hoa họ Trịnh ấy, không tới nỗi “nói cười giữa chốn nhân gian, mà lòng trống vắng thênh thang kiếp này”. Tôi vẫn còn có một gia đình để đi về, có những đứa con để nuôi nấng và hy vọng, có những người tri kỷ để tâm tình. Nhưng sao cũng vẫn cảm nhận được đường tới Chân – Thiện – Mỹ của mình còn quá dài. Mình vẫn còn trần gian lắm, vẫn còn nhiều lo toan bề bộn, vẫn chưa thể giũ áo để sống vô tư như cỏ cây ven đường kia được.
Nhiều đêm mất ngủ, tôi cảm nhận được nỗi cô đơn khắc khoải của “Những đêm xa người. Chén rượu cay một đời tôi uống hoài, trả lại từng tin vui cho nhân gian chờ đợi”. Sự chờ đợi, cho dù là chờ đợi bất kỳ điều gì, cũng luôn là khắc khoải, là dằng vặt, là thấp thỏm và hy vọng, là nuối tiếc và hoài nghi. Câu trả lời ấy, ta chưa thể biết, và vì thế ta cứ mãi bâng khuâng.
Thôi thì, ta lại về, “Về ngồi trong những ngày, Nhìn từng hôm nắng ngời, Nhìn từng khi mưa bay”. Cho dù thế nào, thì cuộc sống vẫn trôi nhanh, nắng vẫn lên sau những cơn mưa, và mưa lại tới khi mây vần vũ, như một quy luật không thể chối từ. Vậy thì ta cũng không nên day dứt nhiều. Cái gì tới cũng sẽ tới, cái gì phải ra đi cũng sẽ đi. Thứ gì là của mình thì sẽ là của mình, thứ gì không thuộc về mình, thì cố gắng cách mấy nó vẫn không là của mình. Không hẳn là AQ, nhưng tôi cứ tự an ủi như thế, thấy nhẹ nhõm hơn nhiều. Biết là khó, nhưng ta phải cố, bởi có mấy ai xa đời mà còn quay về lại, có ai dám về cuối trời làm mây trôi lơ đãng?
“Thôi về đi, đường trần đâu có gì”. Nghe cứ như một lời mời mọc ân cần. Mà thật, đường trần đâu có gì: ngoài khổ đau, ngoài thất vọng, ngoài lo toan, ngoài lừa dối? À, có chứ, có những tấm lòng, có những chân tình, có những tình yêu dành cho ta đâu đó. Nhưng có DUYÊN sẽ gặp, có TÂM sẽ thấy, tội tình chi ta mải miết đi tìm, tìm mãi từ khi tóc xanh mấy mùa đã trở thành sợi bạc, tìm mãi trong hư vô một thứ hạnh phúc bình dị mong manh, khiến nhiều khi trong cơn mộng giữa vườn khuya, chợt giật mình vì “bàn chân ai rất nhẹ, tựa hồn những năm xưa”. Rồi giật mình thảng thốt, đó là ai? Đó là thứ gì? Có phải là cái ta tìm kiếm? Rồi lại chìm vào cơn ngủ mê của đời sống ngày thường.
Tôi yêu nhạc Trịnh Công Sơn, yêu những ca từ đầy triết lý, yêu những giai điệu nhẹ nhàng mà sâu sắc ấy, cũng như hàng triệu người yêu nhạc Trịnh khác, không thể lý giải được vì sao thứ âm nhạc ấy nó ngấm vào mình thật tự nhiên, thành một thứ gì giống như tôn giáo, như lẽ sống, như nắng, gió, như ánh trăng, như cát bụi, như tất cả những gì thuộc về cuộc sống này, nửa thật đời, nửa thật hư ảo như mộng mị. Và nhạc Trịnh, chỉ có thể thấm hết qua giọng ca của ca sĩ Khánh Ly, chỉ có bà mới lột tả được hết cái hồn của từng ca từ. Và chỉ trong đêm vắng tĩnh lặng, trong nỗi cô đơn thân phận, ta mới thật hiểu và ngấm triết lý nhạc Trịnh. Nhạc Trịnh không phải là thứ nhạc cho dàn nhạc điện tử ồn ào, sân khấu lộng lẫy và khán giả xô bồ, ồn ào. Nhạc Trịnh là để cho mỗi người tự chiêm nghiệm, và để nghĩ về mọi người, về quê hương – tình yêu – thân phận.
Ôm lòng đêm
nhìn vầng trăng mới về
nhớ chân giang hồ
ôi phù du
từng tuổi xuân đã già
một ngày kia đến bờ
đời người như gió qua
Không còn ai
đường về ôi quá dài
những đêm xa người
chén rượu cay
một đời tôi uống hoài
trả lại từng tin vui
cho nhân gian chờ đợi
Về ngồi trong những ngày
nhìn từng hôm nắng ngời
nhìn từng khi mưa bay
có những ai xa đời quay về lại
về lại nơi cuối trời
làm mây trôi
Thôi về đi
đường trần đâu có gì
tóc xanh mấy mùa
có nhiều khi
từ vườn khuya bước về
bàn chân ai rất nhẹ
tựa hồn những năm xưa.
Nguồn: bacsiletrungngan.wordpress.com