Nhạc sĩ Tuấn Khanh và ca khúc nhạc xuân bất tử: “Mùa Xuân Đầu Tiên” – Đâu ngờ bến bờ hạnh phúc là đây…

Đa số những ca khúc nhạc vàng viết về mùa xuân viết trước năm 1975 thường có nội dung buồn, nói về sự xa cách của kẻ ở miền xa và người nơi quê nhà, tiêu biểu nhất là Xuân Này Con Không Về, Lời Đầu Năm Cho Con, Thư Xuân Trên Rừng Cao, Cảm Ơn… Những bài hát này đã đi vào lòng người và sống mãi cùng thời gian suốt hơn nửa thế kỷ qua, có lẽ cũng là nhờ nội dung buồn dễ nhận đươc sự đồng cảm của đông đảo quần chúng nghe nhạc.

Nhưng trong số những bài nhạc vàng mùa xuân nổi tiếng, có một ca khúc xuân hiếm hoi viết về sự đoàn tụ của người chinh nhân được trở về thăm mái nhà xưa, sum vầy bên người vợ hiền, đó là ca khúc Mùa Xuân Đầu Tiên của nhạc sĩ Tuấn Khanh.

Bao nhiêu thương nhớ gom nhặt đầy anh trở về thăm em
Bao lần ngồi thâu đêm nghe mùa Xuân vừa đến
Em ơi hoa thắm rơi ngập đường trời nắng xế vương vương
Lòng nhớ tới em luôn khi chiều tàn chim gọi đàn.

hoa thắm rơi ngập đường, trời nắng xế vương vương


Click để nghe Dạ Hương hát Mùa Xuân Đầu Tiên trước 1975

Một ngày đầu xuân nắng ấm, sau năm tháng dài miệt mài băng rừng hành quân, người lính trẻ gom nhặt thương nhớ đầy vơi sau những dặm trường mê mải để trở về quê xưa thăm người vợ hiền. Chắc chắn đó là những phút giây đã được người mong ngóng đã từ lâu, bởi vì họ đã “bao lần ngồi thâu đêm” để đếm đến ngày sang xuân. Đến khi nghe từng đàn én đang ríu rít gọi nhau ở ngoài kia, thấy hoa thắm ngợp trời trong nắng xế, thì biết rằng xuân đã đến, cũng là mùa của sum họp đoàn viên.

Em ơi đôi lúc nghe lòng buồn trên sườn đồi thông xanh
Sương phủ đầy vai anh canh tàn trăng mờ ánh
Long lanh sao rớt vương đầy trời dòng cát trắng bao la
Chờ sáng đến chim ca cho đường dài cũng không xa.

Ở đoạn nhạc này, một khung cảnh được vẽ ra bằng những ca từ mang đậm dấu ấn của nhạc sĩ Tuấn Khanh: Một bài nhạc dòng phổ thông đại chúng nhưng sử dụng chữ và hình ảnh rất lãng mạn, như một bức tranh toàn bích: sườn đồi thông xanh, trăng mờ ánh, long lanh sao rớt… Bức tranh mô tả hình ảnh một người lính đang phiên gác lúc đã tàn canh, sương khuya phủ ướt đầy vai áo đã sờn, ánh trăng chỉ còn le lói và từng ánh sao long lanh đang rớt xuống phía chân trời tạo thành hình ảnh như là một dòng cát trắng đang lơ lửng giữa bầu trời cao rộng. Anh lính có lẽ thấy lòng buồn và cô quạnh quá nên mong trời mau sáng, để được nghe tiếng chim ca tưng bừng và cảm nhận khoảng cách ngày về sẽ được thu ngắn lại.

Người yêu ơi! Biết chăng anh về?
Người yêu ơi! Nhớ chăng lời thề
Anh say sưa nhịp bước trên hè
Anh nâng niu nụ hoa vừa hé
Đôi môi xinh người em nhỏ bé mộng mơ.

Mùa Xuân ơi! Biết tôi yêu đời
Mùa Xuân ơi! Nói sao nên lời
Em ơi em, dù nhớ vơi đầy
Bao lâu nay đợi nhau là mấy
Anh đâu ngờ bến bờ hạnh phúc là đây.

Đoạn điệp khúc này đầy sự hân hoan, rộn rã ngày về trong mùa xuân. Sự sum vầy của tình nhân làm cho ngày xuân thêm ý nghĩa:

Em ơi! Xuân đến bên thềm rồi nhắp rượu hồng vơi đi
Hết rồi mùa chia ly cho tình Xuân vừa ý
Xin yêu thương đến đôi bạn hiền để xóa hết cô đơn
Rồi quyến luyến nhau hơn cho người em thôi giận hờn.

Kết thúc bài hát là lời chúc về một đất nước ngày thanh bình với khung cảnh rất đẹp:

Xuân nay ta chúc cho mẹ già vui vườn cà thêm hoa
Vui ruộng đồng bao la tóc bạc phơ đẹp quá
Xin yêu thương đến vơi hận thù để tiếng hát hôm nay
Người chiến sĩ mơ say bên đàn trẻ bé thơ ngây.

Như hầu hết các ca khúc nhạc vàng khác, Mùa Xuân Đầu Tiên cũng mang dấu ấn của sự nhân văn, mang đậm tình người, và mong yêu thương khoả lấp những hận thù triền miên…

Tác giả của bài hát này là Tuấn Khanh, một nhạc sĩ nổi tiếng với các ca khúc âm hưởng dòng nhạc tiền chiến như Chiếc Lá Cuối Cùng, Hoa Soan Bên Thềm Cũ, Chiều Biên Khu… Ông đã chuyển hướng sang sáng tác 1 số ca khúc nhạc vàng phổ thông đại chúng và ngay lập tức thành công với các ca khúc viết chung với nhạc sĩ Hoài Linh là Quán Nửa Khuya, Hai Kỷ Niệm Một Chuyến Đi, Nẻo Đường Kỷ Niệm. Ca khúc Mùa Xuân Đầu Tiên được sáng tác khoảng năm 1966 và trở thành một trong những bài nhạc xuân nổi tiếng nhất của dòng nhạc vàng.

Đông Kha
Bản quyền bài viết của nhacxua.vn

Exit mobile version