Trước năm 1975, nền nhạc vàng Việt Nam phát triển đến rực rỡ với số lượng đông đảo các nhạc sĩ và ca sĩ. Trong số các nhạc sĩ nhạc vàng nổi tiếng nhất, phải kể đến nhạc sĩ Lam Phương.
Số lượng ca khúc nổi tiếng của nhạc sĩ Lam Phương không thể nào liệt kê hết, trong đó có một tác phẩm được viết vào thời gian đầu của sự nghiệp sáng tác, ca khúc đã giúp ông thoát khỏi hoàn cảnh nghèo túng. Trớ trêu thay, đó là một bài “nhạc nghèo”, mang tên Kiếp Nghèo.
Từ những năm 1950, nhạc sĩ Lam Phương đã viết nhạc và bắt đầu được công chúng biết tới từ rất sớm. Tác phẩm đầu tay của ông là bài “Chiều Thu Ấy”, được viết khi ông mới 15 tuổi.
Bài hát này mang hơi thở tiền chiến đang tràn ngập bầu không khí âm nhạc vào thời điểm thập niên 1950. Giờ đây khi nghe lại Chiều Thu Ấy, ít ai ngờ rằng lời nhạc đầy những ưu tư về tình yêu vụt xa khỏi tầm tay này lại là tác phẩm của một “chú bé” hãy còn ở tuổi thiếu niên:
Chiều thu ấy, ngồi bên em dưới ánh trăng vai kề vai
Nhìn mây bay, hồn lâng lâng theo gió lay hương mùa say.
Chiều thu ấy, nhìn nhau tay nắm tay, mắt hoen lệ tràn.
Buồn ngao ngán, nàng xa cách, duyên tình ta ôi bẽ bàng…
Click để nghe Sĩ Phú hát Chiều Thu Ấy
Ca khúc “Kiếp Nghèo” được sáng tác vào khoảng năm 1954 khi nhạc sĩ Lam Phương mới 17 tuổi và được yêu thích với tiếng hát của danh ca Thanh Thúy và Thanh Tuyền hồi trước năm 75. Bài nhạc giai điệu tango nổi tiếng này được ông sáng tác trong thời gian đầu mới lập nghiệp đầy gian khổ của mình. Nhạc sĩ Lam Phương kể lại hoàn cảnh sáng tác của Kiếp Nghèo trên Paris By Night số 40 như sau:
“Tôi viết bài ‘Kiếp Nghèo’ trong hoàn cảnh hoàn toàn thật của tôi lúc đó. Viết bằng rung động chân thành, và lần đầu tiên tôi viết bài ‘Kiếp Nghèo’ bằng những giòng nước mắt… Lúc đó tôi còn trẻ lắm, khoảng 1954, sau khi tôi bán được bài ‘Trăng Thanh Bình’ đầu năm 1953, tôi để dành được một số tiền, mua một chiếc xe đạp để di chuyển trong lúc đi học.
Nhà tôi ở Dakao. Thường thường muốn về Dakao phải đi qua con đường Phan Thanh Giản (nay là Điện Biên Phủ). Con đường Phan Thanh Giản cây cối um tùm. Khoảng ngang trường Gia Long không có một căn nhà nào… Đêm đó, tôi chẳng may gặp một trận mưa rất to, không có nơi để trú mưa, đành phải đi dưới mưa để tìm ‘thú đau thương’.
Lúc đó, tôi thấy mình thật cô đơn, thấy mình bé nhỏ và hình như bị đời ruồng rẫy đến vô tình. Tôi đi mãi cho tới khi về nhà, không kịp thay quần áo, ôm cây đàn và cứ thế viết về Kiếp Nghèo, về phận bạc của mình”.
Click để nghe Thanh Thúy hát Kiếp Nghèo
“Kiếp Nghèo” cũng chính là tiếng lòng thật sự của nhạc sĩ Lam Phương thời điểm đó. Ông sáng tác bài này khi vẫn còn đi học và thiếu thốn rất nhiều, nên đã cố gắng viết nhạc để kiếm tiền trang trải cho việc học. Ca khúc Kiếp Nghèo đã giúp ông “dễ thở” hơn trong hoàn cảnh nghèo túng trước đó.
Bài hát có lối gieo vần như một bài thơ, là hình thức quen thuộc của nhiều bài nhạc vàng thuở xưa: rất nên thơ và xuôi tai. Đó là các chữ gieo cùng vần: TANH, NHANH, MANH, QUANH, TRANH; THA, XA; TRƯỜNG, ĐƯƠNG, SƯƠNG…
Đường về đêm nay vắng tanh
Rạt rào hạt mưa rớt nhanh
Lạnh lùng mưa xuyên áo tơi
Mưa chẳng yêu kiếp sống mong manh
Lầy lội qua muôn lối quanh
Gập ghềnh đường đê tối tăm
Ngập ngừng dừng bên mái tranh nghe trẻ thơ thức giấc bùi ngùi.
Êm êm tiếng hát ngân nga, ôi lời mẹ hiền ru thiết tha
Không gian tím ngắt bao la như thương đường về quá xa
Mưa ơi có thấu cho ta lòng lạnh lùng giữa đêm trường.
Đời gì chẳng tình thương không yêu đương.
Thương cho kiếp sống tha hương, thân gầy gò gửi cho gió sương
Đôi khi muốn nói yêu ai nhưng ngại ngùng đành lãng phai
Đêm nay giấy trắng tâm tư gửi về người chốn mịt mùng
Đời nghèo lòng nào dám mơ tình chung.
Trời cao có thấu, cuối xin người ban phước cho đời con
Một mái tranh yêu, một khối tình chung thủy không hề phai
Và một ngày mai mưa không nghe tiếng khóc trong đêm dài
Đây cả nỗi niềm biết ngày nào ai thấu cho lòng ai!”
Click để nghe Thanh Tuyền hát Kiếp Nghèo
Trong thời kỳ đầu tiên của sự nghiệp, nhạc của Lam Phương thường mang bóng dáng của quê hương, thân phận, với cảm tác là hoàn cảnh thật ở xung quanh. Trong cùng năm 17 tuổi, nhạc sĩ Lam Phương còn sáng tác bài hát cũng rất nổi tiếng là Khúc Ca Ngày Mùa để ca ngợi quê hương. Ông kể lại:
Tôi nhớ rõ vào năm 1944, ngày quân đội Pháp trở lại chiếm miền Nam, lúc đó tôi được 7 tuổi, theo mẹ để tản cư về miền đồng quê, khoảng 10 cây số. Thời gian tản cư đó tôi mới nhìn được cánh đồng quê thực sự, như cảnh gặt lúa, cảnh cấy lúa, cảnh giã gạo. Những hình ảnh đó theo đuổi trong trí tôi đến 10 năm sau. Năm 17, tôi mới đem những hình ảnh đó ghi vào nét nhạc; và tôi mượn một điệu nhạc lúc đó được phổ biến rộng rãi là Rumba mambo gọi nôm là dân ca manbo. Bài Khúc Ca Ngày Mùa là bài khởi đầu loại nhạc mambo đó.
Cón đối với Kiếp Nghèo, đây là một bài ca về thân phận, cụ thể là thân phận nghèo. Nếu nói về ca khúc thân phận nghèo, người ta thường nhớ đến những bài than thân trách phận kiểu nhạc thời trang của Vinh Sử. Nhưng Kiếp Ngèo lại mang một giá trị vượt lên trên hẳn dòng “nhạc nghèo” đó. Sự khác biệt đến từ cả lời ca lẫn giai điệu.
Ở phần giai điệu, những bài hát như Nhẫn Cỏ Cho Em, Hai Bàn Tay Trắng… thường có những nốt luyến láy phù hợp với cách hát rền rĩ nhằm làm tăng thêm phần bi đát của phận số. Về phần lời hát thì những bài hát này thường có nội dung đơn giản, đơn điệu, từ đầu đến cuối bài hát thường chỉ để mô tả việc là “vì nghèo nên người yêu bỏ ra đi”.
Còn với Kiếp Nghèo thì với giai điệu Tango nhanh, cộng cách gieo vần như thơ làm cho bài hát đỡ mang tính sầu lụy hơn. Nội dung bài hát cũng có mang nhiều lớp nghĩa hơn. Không đơn thuần chỉ là mô tả tâm trạng của người nghèo như các bài hát khác, Kiếp Nghèo còn là một bức tranh thu gọn nhưng sống động về một xóm nghèo ngày xưa. Đó là những lối quanh lầy lội, đường đê tối tăm… Ở từ cái nơi u tối đó bỗng sáng lòa lên một hình tượng rất đẹp: “Êm êm tiếng hát ngân nga, ôi lời mẹ hiền ru thiết tha…”
Đối lập với sự ấm áp đó là bên ngoài có một người lữ khách một mình lạnh lùng đi trong mưa gió, nhìn vào khe cửa thấy khung cảnh đầm ấm rồi xót thương cho mình, thương cho đường về quá xa. Dường như đó không phải là tâm trạng riêng của người nhạc sĩ, mà của chung những số phận cần lao khác trong xã hội: Mưa chẳng yêu kiếp sống mong manh…
Click để nghe Mai Hương hát Kiếp Nghèo
Để hiểu thêm về khung cảnh này trong bài hát, hãy nhìn lại hoàn cảnh của nhạc sĩ Lam Phương vào những năm niên thiếu. Ông sinh trưởng trong một gia đình nghèo khó có sáu anh em, ông là anh cả. cha của Lam Phương đã rời bỏ gia đình theo người đàn bà khác từ khi ông còn rất bé. Thậm chí, ông không nhớ nổi mặt cha vì lớn lên chỉ biết có mẹ. Cả thời thơ ấu của Lam Phương chìm ngập trong thiếu thốn, khó khăn và vất vả.
Mẹ ông, người đàn bà tảo tần sớm khuya, người nuôi dưỡng cảm xúc, giúp ông viết trọn rất nhiều những ca khúc hay, và là người mà mỗi khi Lam Phương nhắc đến đều không thể ngăn được nước mắt tuôn rơi. Đó là người đã một tay chăm lo cho cả đại gia đình. Ông nhớ về mẹ mình trong hồi ức ấm áp bồi hồi và nói: “Tôi thương má tôi lắm. Má tôi là một người đàn bà quê mùa nhưng mà thực lòng thương tôi đứa con trai lớn”.
Mười tuổi, nhạc sĩ Lam Phương giã từ mái nhà tranh xơ xác nơi vùng quê nghèo, lên Sài Gòn làm thuê kiếm tiền phụ giúp mẹ nuôi các em. Ông ở trong khu lao động tối tăm, hàng ngày làm thuê, làm mướn tất cả các nghề để có tiền đi học và gửi về cho mẹ.
Vì vậy cũng dễ hiểu vì sao nhạc sĩ Lam Phương đã đưa hình tượng lời ru của mẹ vào trong lời hát Kiếp Nghèo. Ông còn nhắc đến lời ru của chính mẹ của ông ở trong bài hát Đèn Khuya:
Khi bước chân đi lần trong cuộc đời
Lời mẹ hiền ru còn nhớ khôn nguôi:
“Khi lớn con đi trên vạn nẻo đời
Đừng buồn khi lúc tay còn trắng tay”…
Click để nghe Thanh Thúy hát Đèn Khuya
Ở những năm sau này, không thể kể hết những ca khúc nổi tiếng của Lam Phương, nhưng bài Kiếp Nghèo được sáng tác vào những năm đầu của sự nghiệp này luôn có mặt trong danh sách những ca khúc hay và được yêu thích nhất của ông. Kiếp Nghèo cũng xứng đáng là một trong những ca khúc Tango hay nhất của nhạc Việt từ trước đến nay.
Bài: Trần Tuệ Minh Hiếu & Đông Kha
Bản quyền bài viết của nhacxua.vn