Cảm nhận âm nhạc: Hai Lối Mộng (nhạc sĩ Trúc Phương) – Từng bước trên phố nhỏ đau gót mềm…

Bài hát Hai Lối Mộng của nhạc sĩ là một trong những ca khúc nhạc vàng nổi tiếng của nhạc sĩ Trúc Phương đã góp phần đưa ca sĩ Thanh Thuý lên cao hơn trong sự nghiệp lừng lẫy vào thập niên 1960, như trong một bài viết cô đã nói: “Những nhạc phẩm này đã trở thành gần gũi với mọi người và đã giúp tôi leo cao hơn trên nấc thang sự nghiệp. Các bài này gồm có: Nửa Đêm Ngoài Phố, Buồn Trong Kỷ Niệm, Hai Lối Mộng, Chiều Cuối Tuần, Mưa Nửa Đêm, Tàu Đêm Năm Cũ, Hai Chuyến Tàu Đêm, Chuyện Chúng Mình, Đêm Tâm Sự, Hình Bóng Cũ, Đò Chiều, Chiều Làng Em…” (trích lời ca sĩ Thanh Thuý)

Nếu bạn là người yêu thích nhạc xưa, hãy theo dõi kênh YouTube này để nghe đọc các bài cảm nhận về âm nhạc (phân tích ý nghĩa, hoàn cảnh sáng tác, tiểu sử ca nhạc sĩ): LINK YOUTUBE  < Click


Click để nghe Thanh Thuý hát

Xin giã biệt bạn lòng ơi
Trao trả môi người cười
Vì hai lối mộng hai hướng trông

Mình thương nhau chưa trót
Thì chớ mang nỗi buồn theo bước đời
Cho dù chưa lần nói…

Bài hát viết về một cuộc tình đã chia xa, nỗi buồn đã từng nếm trải, người đau xót trút lên phím đàn những lời ca luyến nhớ. Khúc đầu vào bài tình ca vẫn còn gọi là “bạn lòng ơi”, nghe như là vẫn tha thiết thương yêu cùng nỗi buồn chơi vơi theo những lời xin giã biệt người tình.

Xin trả lại mắt người ướt, môi người cười của tháng ngày đong đầy mộng ước, vì đôi ta bây giờ đã “hai hướng mộng hai hướng trông”, không còn chung về một phía như ngày nao cùng chung mộng bước chung đôi. Có buồn nào hơn khi phải chia ly, mỗi người đi về mỗi ngả rẽ cuộc đời.

Cuộc tình nào khi chia xa mà không đem lại đớn đau cho người tình lỡ. Và sau khi đã buồn nhiều rồi thì câu nhắn gửi, như là câu đúc kết khi đã trải nỗi cay đắng chia tay: ”Thì xin chớ mang nỗi buồn theo bước đời”. Mình đã thương nhau chưa trót, thì xin đừng mang theo nỗi buồn đau trên bước đường cô đơn còn lại nữa, đó là lời cuối gửi đến người, cũng là lời tự nhủ với mình.

Nhưng nếu còn đẹp vì nhau
Xin nhẹ đi vào sầu
Gợi thương tiếc nhiều đau bấy nhiêu

Mình chia tay đi nhé
Để chốn nao với chiều mưa gió lộng
Ta dừng vui bến mộng

Vẫn những lời ca còn thắm thiết nhắn gửi đến cho người yêu đã xa: Nếu còn ý nghĩ đẹp về nhau thì “xin nhẹ đi về sầu”. Tương tự như “Nỗi buồn thơm lâu” của nhà thơ Phạm Thiên Thư, nhạc sĩ Trúc Phương có câu “Nhẹ đi về sầu” thật hay, làm cho người nghe thoát khỏi ý bi lụy về cuộc tình buồn trắc trở, để nhẹ thênh lòng hướng về những ý nghĩ cao đẹp về nhau, để nỗi buồn tình này trở thành nỗi “sầu khổ dịu dàng” thanh thoát, vượt lên nỗi đau thường tình mà ai cũng phải chuốc lấy khi cuộc tình trắc trở chia xa.

Xin hãy nhẹ đi vào sầu, vì càng “gợi thương tiếc nhiều đau bấy nhiêu”. Đã từng nhấp men cay đắng, đã từng trải qua nỗi tình yêu mất mát, mới thấm thía, mới nhận ra càng đắm chìm vào sầu bi càng chuốc khổ đau cho mình

Mình chia tay đi nhé! Để khi nao chiều nao một mình với chiều mưa gió lộng, một mình nhớ lại những ngày ấm êm hạnh phúc, mới ngỡ ngàng thương cảm về bến mộng ước chung đôi ngày xưa đó đã xa lìa, và người tình đã thật sự đã rời xa, đã lìa bỏ cuộc vui…

Bao lần đi gối mỏi chân mòn
Tâm tư nặng vai gánh
Đường trần cho đến nay
Chỉ còn bờ mi khép kín

Giấc ngủ nào quên,
Giấc ngủ nào gọi tên…

Đường trần khép lại ngày vui từ khi đường tình vắng bóng người, chỉ còn riêng mình ai mỏi gối bôn ba khắp mọi nơi mà tâm tư còn nặng nỗi niềm vì còn trắng tay sự nghiệp và trắng cả chữ tình. Khúc giữa bài hát là lời giãi bày tâm sự của một người đi bơ vơ trên đường trần, với tâm tư cô đơn khép kín tưởng như lòng không còn mở đến chờ đón thêm lần nữa một cuộc tình nào khác.

“Giấc ngủ nào quên. Giấc ngủ nào gọi tên” là câu hát gợi cho người nghe được nỗi niềm của một tấm lòng yêu còn sâu nặng, còn nhớ nhung không nguôi. Và như một lời thú nhận là tình có gì đi nữa thì từ trong sâu thẳm trái tim cô độc này vẫn còn yêu lắm!


Click để nghe Giao Linh hát trước 1975

Thôi nhắc nhở để mà chi
Quay về xưa làm gì
Giờ hai lối mộng hai hướng đi

Niềm ưu tư tôi đếm từng bước trên phố nhỏ đau gót mềm
Sao rụng nửa đường đêm…

“Thôi nhắc nhở để làm chi. Quay về xưa làm gì” như lời nhắn nhủ với người tình đã xa và nhắc nhở với chính mình: Thôi đừng quay về với kỷ niệm, đừng nhớ tiếc về những ngày hạnh phúc bên nhau không còn nữa.

Bây giờ đôi ta đã hai lối mộng hai hướng đi, riêng lối của tôi vẫn còn niềm ưu tư đếm bước trên đường phố nhỏ, đường phố nào như cũng ghi dấu kỷ niệm trên nẻo mộng xưa mình đã đi bên nhau.

Cuối cùng là câu “Sao rụng nửa đường đêm” để kết cho bản tình ca tự sự về cuộc tình tan vỡ. Nghe thảng thốt nỗi niềm bơ vơ của một người vừa đánh mất tình yêu, đứng thẩn thờ nhìn theo đường xưa lối cũ mình đã nay đã thành “Hai lối mộng” hai hướng đời riêng rẽ.


Click để nghe Giao Linh hát

Bài: Trương Đình Tuấn
Bản quyền bài viết của nhacxua.vn

Exit mobile version