Cảm xúc về bài hát “Đèn Khuya” – Tuyệt phẩm viết về Mẹ của nhạc sĩ Lam Phương

Trong những ca khúc nhạc Việt Nam hay nhất viết về mẹ, người ta thường ít nhắc đến ca khúc Đèn Khuya của nhạc sĩ Lam Phương sáng tác vào khoảng thập niên 1950. Tuy nhiên, có lẽ đây là một trong những ca khúc cảm động nhất, viết về nỗi nhớ thương da diết của một người con ở tha phương luôn nghĩ về mẹ hiền:

Không biết đêm nay vì sao tôi buồn?
Buồn vì trời mưa hay bão trong tim?
Đã mấy thu qua tôi vẫn đi tìm
Để rồi buồn ơi nghe tiếng mưa đêm


Click để nghe Thanh Thúy hát trước 1975

Mưa thường đem đến tâm trạng buồn khi nghe tiếng mưa tí tách trong đêm, lòng chợt nghe “tôi buồn không hiểu vì sao tôi buồn” là tâm trạng của “thân khách ly hương” không biết buồn bắt nguồn từ trời mưa hay “bão trong tim”? Có lẽ là cả hai, vì nỗi tâm sự nhiều về mưa bão trong lòng của mình sẽ dễ gợi nhớ hơn, dạt dào hơn khi nghe mưa rả rích từng giọt buồn.

Đời trai bao năm rồi bước ra đi để tìm tương lai, ngày tháng qua nhanh với cuộc sống xa nhà, theo dòng đời lặn lội tất bật mưu sinh ít có khi nào nhớ quê hương và mẹ hiền. Đêm nay tiếng mưa đêm làm gợi nỗi niềm cho thân lữ khách ly hương, nhớ thương về chốn quê nhà từ lâu chưa về thăm lại.

Khi bước chân đi lần trong cuộc đời
Lời mẹ hiền ru còn nhớ khôn nguôi:
“Khi lớn con đi trên vạn nẻo đời
Đừng buồn khi lúc tay còn trắng tay”

Trong nỗi buồn vì sự nghiệp đời trai còn trắng tay, trong tiếng mưa đêm cô quạnh nhớ quê nhà, là hình bóng của mẹ hiền rõ nét nhất, từ tình thương yêu của mẹ trong lời dặn dò con nhớ mãi khi con đi vào cuộc đời đầy phong ba. Chỉ có mẹ là người thương yêu lo lắng cho con nhất trên đời này, chỉ có mẹ là người theo dõi từng bước chân của con trên bước bôn ba vạn nẻo.

Mẹ bao giờ cũng mong còn được vui, là người an ủi chia sẻ với con trong những lúc khó khăn nhất trên bước đường đời gian khó. Và mẹ cũng là niềm tin cho con vượt qua sóng gió để phấn đấu với cuộc đời. “Đừng buồn khi lúc tay còn trắng tay” là lời động viên cho con nhớ mãi dù còn trắng tay nhưng vẫn còn đôi tay và ý chí để gây dựng ngày mai.

Mưa ơi, mưa ơi, còn nhớ thương hoài
Nhớ khi mẹ lo sớm chiều
Nhớ nụ cười khi nâng niu

Đôi tay run run ánh mắt dịu hiền
Biết tìm lại chốn nào
Mẹ ơi biết chăng
Đêm về quạnh hiu

Các cung trầm của nhạc đang chậm buồn dàn trải tâm tư của kẻ xa nhà trong đêm mưa bỗng dâng cao: “Mưa ơi, mưa ơi, còn nhớ thương hoài”, như gửi tâm sự theo với mưa, trải nỗi nhớ thương hoài cùng mưa, cho vơi bớt nỗi buồn về những ngày xa quê, xa vòng tay bảo bọc của mẹ hiền. Mẹ tất tả lo toan sớm chiều từng miếng cơm manh áo cho con khôn lớn, mẹ nâng niu từng nụ cười cho đàn con bé bỏng, sống dưới mái tranh nghèo nhưng không thiếu tình thương yêu ấm áp gia đình.

Ngày tháng thơ ấu đã qua nhanh như qua rồi giấc mơ êm đẹp. Thuở thần tiên ấy bây giờ “biết tìm lại chốn nào”, âm điệu chùng xuống dạt dào niềm thẩn thờ tiếc nhớ chuỗi ngày vui xưa không còn nữa…cho người nghe cảm xúc bâng khuâng với tâm trạng của người con xa nhà…

Xa nhà, mưa đêm về hiu quạnh làm nỗi nhớ mẹ, nhớ quê dâng tràn theo, cho con gọi “Mẹ ơi biết chăng” – tiếng gọi Mẹ ơi nghe thật cảm động, chỉ có mẹ là điểm tựa tinh thần cho con nương tựa những khi con cảm thấy cô độc và chơi vơi trên bước đường đời, là tình thương yêu của “biển Thái bình dạt dào”, là ngọt ngào của vị “chuối ba hương, xôi nếp mật, đường mía lau” muôn đời.


Click để nghe Hoàng Oanh hát

Nghe tiếng mưa rơi mà nhớ thương nhiều
Đường về đèn khuya in bóng cô liêu
Ai biết đêm nay tôi vẫn mong chờ
Tìm đâu những phút vui ngày ấu thơ

“Đường về đèn khuya in bóng cô liêu” là câu hay nhất của bản nhạc gợi về một “đường khuya lẻ bóng nẻo đời cô liêu”, mang tâm trạng của người con còn vất vả trên những con đường thành phố để mưu sinh. Ánh đèn khuya vàng vọt làm kẻ xa nhà càng thêm cô đơn trên đường đời vạn nẻo. Khi nghe tiếng mưa rơi, khi nghe lòng nhớ thương nhiều, trong tâm hồn đa sầu đa cảm chợt cảm như đường đời kia thêm hoang quạnh vắng hoang liêu.

Dưới ánh “đèn khuya” vàng vỏ đầu những hẻm nhỏ, buồn thiu như số phận hiu hắt của những phận người bỏ quê lên phố tìm việc làm. Nỗi nhớ về “những phút vui ngày ấu thơ” bên mẹ hiền đã đem cảm xúc cho nhạc sĩ sáng tác một ca khúc hay, đượm mang nỗi buồn nhớ thương sâu lắng, và cho nhiều thính giả yêu mến cảm thấy đồng điệu với nhạc phẩm hơn những lúc “nghe tiếng mưa rơi mà nhớ thương nhiều…”

Ca khúc Đèn Khuya có thời gian và không gian rất tương đồng với một bài nổi tiếng khác của nhạc sĩ Lam Phương – ca khúc Kiếp Nghèo. Đó là trong một đêm khuya trời mưa gió, có một chàng trai tha phương lẻ loi bước về trong hẻm nhỏ, nghe tiếng hát ru hời bên liếp nhà mà chạnh nhớ về mẹ hiền ở nơi xa:

Êm êm tiếng hát ngân nga, ôi lời mẹ hiền ru thiết tha
Không gian tím ngắt bao la như thương đường về quá xa
Mưa ơi có thấu cho ta lòng lạnh lùng giữa đêm trường.
Đời gì chẳng tình thương không yêu đương. (bài Kiếp Nghèo)

Khi mọi thứ đều như đang chìm vào một cõi tối, u mê, chàng trai trẻ kia bỗng nhiên thấy ở trong mái tranh nghèo kia sáng loà lên của thứ âm thanh kỳ diệu, một hình tượng đẹp và rực rỡ đến vô cùng: “Êm êm tiếng hát ngân nga, ôi lời mẹ hiền ru thiết tha…”

Đối lập với sự ấm áp và êm dịu đó, bên ngoài đang có một người phải bơ vơ lạnh lùng giữa đêm trường và đi trong mưa gió. Anh nhìn vào khe cửa thấy khung cảnh đầm ấm kia nên thấy xót xa cho mình, đường về quê cũ thì vẫn còn mịt mờ xa thẳm…

Bài: Trương Đình Tuấn
Bản quyền bài viết của nhacxua.vn

Exit mobile version