Ca khúc “Đêm Ru Điệu Nhớ” (nhạc sĩ Hoàng Trang) – Chuyện tình của những dòng sông

Nhắc đến nhạc sĩ Hoàng Trang, người ta nhớ đến những ca khúc Không Bao Giờ Quên Anh, Ngỏ Hồn Qua Đêm, Kể Chuyện Trong Đêm, Ăn Năn… và không thể nào không nhắc đến Đêm Ru Điệu Nhớ, ca khúc dường như chỉ dành riêng cho ca sĩ Giao Linh.

Nếu bạn là người yêu thích nhạc xưa, hãy theo dõi kênh YouTube này để nghe đọc các bài cảm nhận về âm nhạc (phân tích ý nghĩa, hoàn cảnh sáng tác, tiểu sử ca nhạc sĩ): LINK YOUTUBE  < Click

Trong lời đề tựa cho bài Đêm Ru Điệu Nhớ, nhạc sĩ Hoàng Trang ghi:

Tôi viết cho những người trai chiēn đấu
cho những dòng sông còn cô đơn
cho những người yêu nhau chung thủy.

Anh nói từ lâu đôi ta yêu nhau chân thành một lòng
Ngày đầu gặp nhau, vì chung lý tưởng mình trao tiếng cười
Cùng một quê hương, cùng chung chí hướng
Kết nên câu chuyện ân tình ngày nay
Nên nhớ nên thương, những ngày mình xa cách tràn đầy con tim.

Em biết đời anh chưa nguôi đau thương chiēn cuộc này còn
Thì dù ngàn phương là đêm cách biệt đừng dâng mắt buồn
Một vầng trăng khuya, đùa mây ngó xuống chứng minh câu thề của một người đi
Non nước chia phôi, chắc ngày về không có cùng người chinh nhân.

Đếm bước anh đi, em làm Tô Thị
Đèn chong soi đan áo chăn lạnh mùa đông
Cho nến tuôn rơi theo tấc lòng

Nếu biết quê hương em là sông Hồng
Thì quê hương anh  cũng có một dòng sông
An Phú Đông… ôi An Phú Đông!

Có những dòng sông mênh mông yêu nhau như chuyện vợ chồng
Địa đầu từng đêm, người đi biết rằng, người thương đêm chờ
Đường dài quê hương, Trường Sơn hun hút
Chất cao ân tình không nhạt màu son
Nên nhớ nên thương những ngày mình xa cách, đừng buồn nghe em…

Nhạc sĩ Hoàng Trang ký tên sáng tác bài này là Hoàng Trang & Triết Giang. Trong đó Triết Giang chính là 1 bút danh khác của Hoàng Trang được ông sử dụng lần đầu năm 1966 khi viết bài Ngỏ Hồn Qua Đêm. Nhưng vì sao nhạc sĩ lại để cùng 1 lúc 2 bút danh trong ca khúc này? Có lẽ đó là vì ông muốn “lăng xê” thêm một bút danh khác của ông.

Đây là một trường hợp không phải hiếm trong làng sáng tác nhạc ngày xưa. Trường hợp khác là nhạc sĩ Hoài An, ông còn có bút danh khác là Trang Dũng Phương. Trong bài hát Ngày Xuân Thăm Nhau, ông ghi cả 2 cái tên này trong phần sáng tác: Hoài An – Trang Dũng Phương. Ngoài ra nhạc sĩ Phạm Mạnh Cương cũng ký bút danh Phạm Mạnh Cương – N.ch, trong đó N.ch cũng là một bút danh khác của chính ông.

Cái tên Triết Giang của nhạc sĩ Hoàng Trang lần đầu xuất hiện trong bài hát Ngỏ Hồn Qua Đêm, được ký với bút danh Triết Giang – Hàn Châu. Theo lời người nhà của nhạc sĩ Hoàng Trang kể thì 2 cái tên này được nhạc sĩ Hoàng Trang nghĩ ra khi ông nhìn lên bản đồ, phía trên nước Việt Nam có sơ đồ nước Trung Quốc, ghi 2 cái tên Hàn Châu và Triết Giang, trong đó Hàn Châu (hoặc Hàng Châu) là thủ phủ của tỉnh Triết Giang (nay thường phiên âm thành Chiết Giang).

Với bài hát Đêm Ru Điệu Nhớ, dường như nhạc sĩ Hoàng Trang sáng tác chỉ dành riêng cho tiếng hát của Giao Linh. Tiếng hát của cô nức nở như lời thủ thỉ, rất thích hợp với dòng cảm xúc trong bài hát, là những lời tâm sự thở than trong đêm dài. Ngoài bản thu âm của Giao Linh cả trước và sau năm 1975 thì có ít ca sĩ khác hát lại bài này, nếu có thì cũng khó mà so sánh với tiếng hát Giao Linh được.


Click để nghe Giao Linh hát trước năm 1975

Trong phần lời gốc, nhạc sĩ Hoàng Trang viết lời tâm sự của người trai nơi đầu tuyến, với câu đầu và câu cuối của bài hát là:

Anh nói từ lâu đôi ta yêu nhau chân thành một lòng

Nên nhớ nên thương những ngày mình xa cách, đừng buồn nghe em…

Trong bản thu âm trước năm 1975 – băng Nhã Ca 5, Giao Linh đã hát đúng với phần lời này. Tuy nhiên trong bản thu sau năm 75, cô đã sửa lại một vài chữ để bài hát trở thành tâm sự của người con gái hậu phương gửi người giới tuyến:

Em biết từ lâu đôi ta yêu nhau chân thành một lòng

Nên nhớ nên thương những ngày mình xa cách, đừng buồn nghe anh…


Click để nghe Giao Linh hát sau năm 75

Nội dung bài hát nói về 2 người yêu nhau giữa thời ly loạn, đó là những người “cùng quê hương” và “chung chí hướng”, cùng nhau kết nên ân tình. Dù cho chiēn cuộc hãy còn, dù ngàn phương cách biệt và “chắc ngày về không có” nhưng họ khuyên nhau hãy cùng cố vui và cùng khắc ghi lời thề.

Sự “chung chí hướng” mà nhạc sĩ Hoàng Trang nhắc tới trong bài hát, sau này được ông nhắc lại một lần nữa trong ca khúc Mùa Sầu Riêng sáng tác năm 1969:

“Đã bốn năm rồi, hai đứa tôi thương vì chung nhau chí hướng…”

Có một lần, cô Nguyễn Thị Hồng (vợ của nhạc sĩ) đã nói rằng vì cô và nhạc sĩ Hoàng Trang có cùng chung chí hướng nên rất hợp nhau và đã đến với nhau dù khác biệt về hoàn cảnh gia đình, vì vậy mà nhạc sĩ Hoàng Trang cũng đã nhiều lần nhắc đến điều này trong các bài hát.

Em biết đời anh chưa nguôi đau thương chiēn cuộc này còn
Thì dù ngàn phương là đêm cách biệt đừng dâng mắt buồn
Một vầng trăng khuya, đùa mây ngó xuống chứng minh câu thề của một người đi
Non nước chia phôi, chắc ngày về không có cùng người chinh nhân.

Đếm bước anh đi, em làm Tô Thị
Đèn chong soi đan áo chăn lạnh mùa đông
Cho nến tuôn rơi theo tấc lòng…

Khi đã chia phôi và ngàn đêm cách biệt thì đôi người trong bài hát đã ở trong tâm thế phải chấp nhận rằng có thể sẽ không có ngày về, sẽ không còn gặp được nhau nữa. Người con gái như là Tô Thị, từng đêm đan áo lạnh mùa đông gửi đến người, lặng nhìn sáp nến chảy dài cũng như là lệ lòng mình tuôn rơi.

Ở đoạn sau đó, bài hát tiết lộ thêm rằng cô gái có thể là một người di cư, vì quê hương có dòng sông Hồng:

Nếu biết quê hương em là sông Hồng
Thì quê hương anh cũng có một dòng sông
An Phú Đông… ôi An Phú Đông!

Không rõ địa danh An Phú Đông được nhắc đến trong bài hát là ở đâu. Trước năm 1975, ca sĩ Khánh Ly cũng có hát 1 ca khúc mang tựa đề là An Phú Đông.

Theo tìm hiểu thì ở rìa thành đô Sài Gòn cũng có một khu vực được mang tên là An Phú Đông, vốn là một xã của quận Gò Vấp xưa, có dòng sông Bến Cát chảy xuyên qua. Đây là một nhánh nhỏ của sông Sài Gòn chảy giữa lòng tỉnh Gia Định. Sau năm 1975, con sông nhỏ này đổi tên thành sông Vàm Thuật, còn An Phú Đông trở thành một xã của huyện Hóc Môn. Đến năm 1997, khi quận 12 được thành lập thì An Phú Đông trở thành một phường của quận này.

Con sông Bến Cát (nay là Vàm Thuật) thuộc địa phận An Phú Đông từ xưa nên người ta vẫn gọi là sông An Phú Đông, ngày nay là ranh giới giữa quận Gò Vấp và quận 12.

Những năm xưa, An Phú Đông là một vùng “xôi đậu” nổi tiếng. Còn hơn 300 năm trước, An Phú Đông có tên ban đầu là An Cư, nhưng qua nhiều biến cố lịch sử, người dân ở nơi đây ít khi được sống đúng với tinh thần của cái tên “an cư”. Người trai trong bài hát cũng có thể xuất thân từ vùng đất đau thương này, với lời cảm thán: An Phú Đông, ôi An Phú Đông…

Ở đoạn cuối bài hát, nhạc sĩ đã nhân cách hoá những dòng sông một cách rất đặc biệt:

Có những dòng sông mênh mông yêu nhau như chuyện vợ chồng…

Những dòng sông rồi sẽ đều gặp nhau ở biển. Người đi người ở rồi cũng sẽ gặp nhau ở một ngày tàn cuộc chiēn. Đó là nguyện ước của họ, một niềm hy vọng sắt son để trở thành niềm an ủi lớn lao trong những ngày xa cách vì lửa binh.

Đông Kha
Bàn quyền bài viết của nhacxua.vn

Exit mobile version