Cảm nhận âm nhạc: “Dấu Chân Kỷ Niệm” (Thúc Đăng) – Chuyện tình buồn sinh ly và tử biệt

Dòng nhạc vàng có rất nhiều bài hát viết về những chuyện tình buồn và lâm ly, những cuộc chia ly vì rất nhiều lý do, trong đó có cả vì sinh ly tử biệt. Nổi tiếng nhất trong số đó là Chuyện Tình Mộng Thường, Chuyến Xe 3 Người, và Dấu Chân Kỷ Niệm…

Nếu bạn là người yêu thích nhạc xưa, hãy theo dõi kênh YouTube này để nghe đọc các bài cảm nhận về âm nhạc (phân tích ý nghĩa, hoàn cảnh sáng tác, tiểu sử ca nhạc sĩ): LINK YOUTUBE  < Click

Chuyện tình đôi mươi chan chứa không bao giờ vơi
Như dòng suối tình êm ái
Có anh và em còn ai còn ai nữa,
đã yêu nhau trong cuộc đời

Chuyện mình từ một chiều dừng chân trú mưa
Ta bên nhau nhìn công viên lá đổ
Tuy chưa quen mà sao tình như đã, dẫu ngoài còn e.


Click để nghe Thanh Tuyền hát trước 1975

Bắt đầu vào bài hát chúng ta nghe lời nhạc kể chuyện tình bằng những giai điệu yên bình êm ả: “Chuyện tình đôi mươi chan chứa không bao giờ vơi”. Chuyện tình của lứa tuổi đôi mươi, tuổi khi mới bước vào đường yêu nhìn đời ở đâu cũng toàn màu xanh thắm đượm tin yêu.

Chuyện tình đôi mươi chan chứa tràn đầy “như dòng suối tình êm ái”. Dòng tình yêu chảy êm vui trong cuộc đời và trong lòng dạt dào của những kẻ “đã yêu nhau trong cuộc đời”. Chúng ta nghe được những giai điệu yêu thương này, lòng cũng êm vui theo dòng hạnh phúc của cuộc tình chảy dạt dào qua cuộc đời tưởng như không bao giờ vơi cạn.

Cơn mưa chiều đã đưa họ đến với nhau, chuyện tình được bắt đầu từ cơn mưa bất chợt đã kết đôi cho hai người, từ buổi ban đầu không quen biết cùng dừng chân lại để trú mưa để rồi quen nhau trong khung cảnh thơ mộng: “Ta bên nhau nhìn công viên lá đổ”.

Người nghe nhạc cảm được như hai tâm hồn đồng điệu được se duyên từ những giọt mưa, từ những chiếc lá rơi chiều êm đềm bên công viên. Hai trái tim dễ cùng rung động bởi cảnh vật nên thơ thì cũng dễ hòa chung nhịp đập của nhau từ ánh mắt đầu tiên, nửa xa lạ, nửa quen nhau như lâu lắm rồi: “Tuy chưa quen mà sao tình như đã…”, như câu thơ trong truyên Kiều: “Tình trong như đã, mặt ngoài còn e…”

Trời làm mưa tuôn nên khiến xui anh gặp em
Cho mình kết lời hẹn ước
Cớ sao trời cho tình yêu rồi ngăn cách, mấy ai không rơi lệ sầu

Tình vừa nồng thì vừa được tin xót thương
Em ra đi về bên kia cõi đời
Xe tang lăn buồn trong lòng phố vắng, khóc em âm thầm…

Trời làm mưa tuôn trong buổi chiều kỷ niệm khó quên ấy, cho mình gặp nhau yêu nhau, kết lời hẹn ước cho đến mai sau. Tưởng đâu trời cho đôi trẻ gặp nhau sẽ kết tóc se tơ để ở bên nhau mãi mãi. Không ngờ lời nhạc chuyển vội qua điệu buồn, cũng cung bậc ấy, nhưng ca từ buồn ảm đạm thê thiết nên người nghe nhạc cảm như từng giọt lệ sầu rơi trên cung thương oán: “Cớ sao trời cho tình yêu làm ngăn cách mấy ai không rơi lệ sầu”.

Và cảm xúc rơi xuống tận cùng tan tác thương tâm khi câu nhạc chậm buông những nốt ảo nảo lạnh lùng: “em ra đi về bên kia cõi đời”. Cảm giác buốt lạnh tang thương thê thiết lạnh giá lòng người nghe nhạc khi nghe lời trần tình ly biệt của người ở lại khóc người miên viễn ra đi. Và càng xé nát tâm can hơn khi “xe tang lăn buồn trong lòng phố vắng”.

Ôi em về đâu?
Vùi lấp mối duyên đầu

Em ơi còn đâu?
Tuổi xuân mình đang chớm

Nay em về đâu?
Về thế giới xa nào?

Cho đời hiu hắt như nghĩa trang…

Người nghe nhạc đã nghe nhiều bài hát nhưng chưa có lời nhạc nào mà buồn xót thương đến thế khi bắt đầu dòng bi thương thống thiết với “Ôi em về đâu?” và lặp lại là “Nay em về đâu”, bàng hoàng thương tiếc như chưa tin điều em ra đi về bên kia cõi đời là sự thật.

Tuổi xuân mình đang chớm, em ơi còn đâu? Em đi về đâu để mình anh ở lại ở lại thấy “đời hiu hắt như nghĩa trang”. Như không còn có nỗi buồn nào buồn hơn, khi tình vừa nồng thắm em đã vội về thế giới xa nào? Những cung sầu gieo vào tận cùng hố sâu thẳm, nghe trống lạnh hoang hoải từng làn gió lay lắt như ở đâu từ cõi hư vô.

Một mình lê bước anh đến công viên ngày xưa
Nghe làn gió buồn xao xác
Ngỡ linh hồn em tựa theo ngàn cơn gió oán than khóc duyên ban đầu

Nầy là vườn kỷ niệm ngày ta mới quen,
Đây công viên chiều xưa thêu mối tình,
Nay không em vườn hoang buồn xơ xác, nghĩa trang lạnh lùng…

 

Cuối thập niên 60, tôi nghe bài hát này rất sớm so với tuổi mình. Lần đầu tiên nghe bạn nằm trong trại, hát trong buổi cắm trại bế giảng năm cuối cùng bậc tiểu học. Vừa nghe nhạc vừa bâng khuâng nhìn ra cây phượng trước sân trường trổ bông, lòng thơ ngây chưa biết buồn gì cho mấy.

Sau này, nghe lại nhiều lần, lần nào lòng cũng lắng xuống điệu buồn tao tác thê lương. Mỗi lần nghe “Một mình lê bước anh đến công viên ngày xưa ngày xưa” là như trĩu nặng nhánh sầu đau nhân thế. “Một mình lê bước” nghe ám ảnh mãi niềm đau thương tiếc không nguôi, của một chàng trai đi tìm trong công viên lá đổ ngày xưa, những kỷ niệm chiều mưa năm nào làm sao có thể phai nhòa được sau dấu chân kỷ niệm thuở ban đầu.

Tác giả của ca khúc này, hầu như ai cũng biết là Thúc Đăng, là một bút danh của nhạc sĩ Mạnh Phát. Điều này được nhiều người xác nhận, trong đó có cô học trò gần gũi của nhạc sĩ Mạnh Phát là ca sĩ Thanh Tuyền.

Tuy nhiên sau này, có thông tin cho rằng nhạc sĩ Thúc Đăng quê ở Sa Đéc, sau 1975 đã ra đi trong hoàn cảnh khó khăn. Ông là tác giả của ca khúc Dấu Chân Kỷ Niệm, chứ không phải là nhạc sĩ Mạnh Phát.

Một thông tin khác nữa nói rằng tác giả của Dấu Chân Kỷ Niệm là nhạc sĩ Thanh Phương, tác giả của những ca khúc Hạ Thương, Viết Trên Cao, Đêm Không Còn Hỏa Châu… Thanh Phương là học trò của nhạc sĩ Mạnh Phát cùng thời điểm với Thanh Tuyền, được nhạc sĩ Mạnh Phát đặt cho bút danh, và Dấu Chân kỷ Niệm chính là sáng tác đầu tay của nhạc sĩ Thanh Phương, được ông viết với sự trợ giúp của thầy Mạnh Phát, nhưng để bút danh là Thúc Đăng để bài hát dễ được thu âm và phát hành.

Con gái của nhạc sĩ Thanh Phương nói rằng lúc ông qua đời năm 2012, người vợ hiền của nhạc sĩ vì quá nhớ thương mà trở nên ngơ ngẩn, có dấu hiệu chấn động tâm lý, và luôn miệng hát lại các bài hát của chồng sáng tác, nhiều lần nhất là Dấu Chân Kỷ Niệm. Bà hát bài hát này liên tục, cả khi ăn, khi ngủ, vừa hát vừa nhạt nhòa nước mắt. Bài hát được ông viết từ thời tuổi trẻ, nay được bà hát như cho chính cuộc chia ly thực sự của 2 người:


Click để nghe Giao Linh hát trước 1975

Nay anh về đâu
Về thế giới xa nào
Cho đời hiu hắt
Như nghĩa trang…

Bài: Trương Đình Tuấn
Bản quyền bài viết của nhacxua.vn

Exit mobile version