Nhạc sĩ Phạm Duy và “Con Đường Tình Ta Đi” – Những con đường tình học trò năm xưa

Trong chúng ta, ai mà không đã từng trải qua một thời thanh xuân yêu thương, để đi trên “con đường tình ta đi” trong những ngày tháng hoa mộng nhất của đời người. Con đường đó có “nắng vàng tươi đẹp đẽ”, và nếu có mưa cũng là màn mưa êm dịu dưới những “bước chân nhỏ bé” của đôi lứa đi bên nhau. Những bước chân kỷ niệm đó được nhạc sĩ Phạm Duy ghi lại trong một ca khúc học trò đã được nhiều thế hệ yêu mến:

Nếu bạn là người yêu thích nhạc xưa, hãy theo dõi kênh YouTube này để nghe đọc các bài cảm nhận về âm nhạc (phân tích ý nghĩa, hoàn cảnh sáng tác, tiểu sử ca nhạc sĩ): LINK YOUTUBE  < Click

Con đường nào ta đi, với bàn chân nhỏ bé
Con đường chiều thủ đô, con đường bụi mờ
Con đường tuổi măng tre, nắng vàng tươi đẹp đẽ
Bóng người dài trên hè, con đường tình ta đi

Con đường trời mưa êm, chiếc dù che mầu tím
Môi tìm làn môi ngon, nhưng còn thẹn thùng
Con đường về ban trưa, tới nhà hay vào lớp
Con đường của đôi mình, ôi chuyện tình thư sinh.


Click để nghe Khánh Ly hát trong băng Shotguns thập niên 1970

Lời bài hát này của Phạm Duy rất khác với đa số các bản tình ca học trò đương thời của loại nhạc đại chúng. Tác giả ghi lại câu chuyện tình nhẹ nhàng trong sáng bằng những ca từ như thơ đầy ý tứ văn chương chắp cánh cho tình yêu tuổi trẻ bay bổng, và đã tạo cho con đường hẹn hò của những chuyện tình thư sinh thơ mộng trẻ trung hơn. Hình ảnh “chiếc dù che màu tím” khiến cho người nghe đương thời thích thú vì gợi nên khung cảnh lãng mạn từ màu tím của chiếc dù, model của các cô gái hồi ấy ưa dùng.

Thế rồi cuộc đời là những cuộc tình chia xa
Đi lạc vào những phía không đường về
Đứng ở ngoài đầu rừng, đứng ở đầu con sông
Nhớ về con đường cũ mênh mông, mênh mông

Nhưng rồi những chuyện tình thư sinh thì có mấy ai được đi chung đường từ đầu đến cuối cùng. Cuộc đời không như ước muốn của những đôi tình nhân đang “tuổi măng tre” khi đến lúc cuộc tình phải chia xa. Khi con đường xưa đã thành kỷ niệm xa xăm thì mới nhận ra mình đã “đi lạc vào những phía không đường về”. Câu ca đẹp như câu thơ và buồn xoáy vào hồn người nghe với tâm trạng lạc lõng phía mù mịt, lạc mất những chiều hẹn hò “môi tìm môi ngon, nhưng còn thẹn thùng” trong những chiều uyên ương ngày nào.

Rồi khi người xa người, tưởng tiếc xót xa đến bơ vơ khi “đứng ở ngoài đầu rừng, đứng ở đầu con sông”. Chỉ ngắn ngủi một câu ca thôi mà ý gom hết đầu non cuối bể đứng ở nơi đâu cũng nhớ thương về con đường cũ. Con đường cũ mênh mông, “mênh mông” được lặp lại một lần để thêm chạnh lòng cho người nghe ngàn lần về nỗi vắng xa thương nhớ…

Hỡi người tình học trò hỡi người tình năm xưa
Bóng người từng in dấu trên đường mờ
Có thuộc vạn nẻo đường, có ngại ngùng nên quên
Nhớ hoài con đường cũ không tên.

Người tình học trò là người tình của một thời hoa bướm, vụng dại và e ấp, nên khi xa rồi thì đã trở thành nỗi nhớ dài lâu cho chàng trai rời giảng đường lạc về những phía mịt mờ, lạc về những chân trời xa mà thương nhớ về phố cũ yêu thương.

Làm sao đếm hết bao nhiêu chiều đã cùng nhau sóng bước, làm sao nhớ hết cả vạn nẻo đường đã in dấu chân bên nhau trên hè phố vui, dưới hàng xanh bóng mát tuổi học trò. Vạn nẻo đường cũ cũng thành không tên, chỉ còn con đường duy nhất mang tên là đường tình mà đôi lứa đã đi qua.

Con đường mộng hoa xưa, vẫn từng đôi từng lứa
Con đường vào mộng mơ, con đường mặn mà
Hỡi người tình Văn Khoa, bóng người trên hè phố
Lá đổ để đưa đường hỡi người tình Trưng Vương

Hỡi người tình Gia Long, những người trong cuộc sống
Con đường này xin dâng cho người bình thường
Hỡi người tình xa xăm, có buồn ra mà ngắm
Con đường thảnh thơi nằm nghe chuyện tình quanh năm…

“Con đường tình ta đi” là mộng hoa, là mộng mơ, là mặn mà! Con đường xưa mất hút đối với những cuộc tình đã xa, nhưng hằng ngày từng đôi từng lứa hiện tại vẫn tiếp tục đi bên nhau từ thế hệ này đến thế hệ khác… “Con đường tình ta đi” đã từng đón đưa người tình Văn Khoa, Trưng Vương, Gia Long (Văn Khoa là trường đại học, và Trưng Vương và Gia Long là hai trường nữ trung học nổi tiếng của Sài Gòn).

Người tình Văn Khoa

Con đường tình học trò của nhạc sĩ Phạm Duy vốn là “vạn nẻo đường”, là “đường không tên”, không nhắc đích danh đến con đường nào. Tuy nhiên khi nói đến “Trưng Vương” hay là “Văn Khoa”, những thế hệ học sinh-sinh viên Sài Gòn trước 1975 ai cũng dễ dàng liên tưởng đến con đường Nguyễn Bỉnh Khiêm rợp mát hàng cây, rồi băng qua đại lộ Thống Nhứt trải dài thênh thang để đến Văn Khoa ở Đinh Tiên Hoàng. Đó cũng là con đường mà các nam sinh Võ Trường Toản, các nữ sinh Trưng Vương cần đi để đến được “khung trời đại học”.

Đoạn cuối của bài hát có lẽ là để viết cho tâm trạng của chàng trai năm xưa, khi trở về đi lại hoặc “đứng ở ngoài đầu rừng” nhớ về con đường cũ tình ta đi.

Nhớ rồi gọi, và nói với người xưa rằng: “Hỡi người tình xa xăm, có buồn ra mà ngắm”, như là nói với người tình vẫn đang ở sát bên mình: Có buồn ra mà ngắm lại con đường tình ta đi đã trở thành muôn thuở. Con đường ấy đã là kỷ niệm của đôi mình trong ký ức, và năm tháng dài trôi qua thì con đường xưa vẫn còn nằm “thảnh thơi nằm nghe chuyện tình quanh năm”.

Hai từ “thảnh thơi” tưởng nhẹ nhàng, nhưng sao như ray rức, buốt giá trong lòng người nghe nhạc. Đó là lối dùng từ độc đáo của nhạc sĩ Phạm Duy: xen cọ phớt lên bức tranh âm nhạc những nét nhẹ nhàng, nhưng làm thảng thốt lắng đọng cho người nghe tâm trạng mênh mông “buồn ngắm” một con đường tình đã vời vợi xa.

Bài: Trương Đình Tuấn
Bản quyền bài viết của nhacxua.vn

Exit mobile version